THÔNG TƯ 04/2013/TT-BCA QUY ĐỊNH VIỆC PHÒNG NGỪA, PHÁT HIỆN, XỬ LÝ HÀNH VI SỬ DỤNG TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN DO BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN BAN HÀNH
BỘ CÔNG AN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2013/TT-BCA |
Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2013 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VIỆC PHÒNG NGỪA, PHÁT HIỆN, XỬ LÝ HÀNH VI SỬ DỤNG TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY
TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN
Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 09 tháng 12 năm 2000;
Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong Công an nhân dân,
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về nguyên tắc, phương pháp, trách nhiệm, quyền hạn của Công an các đơn vị, địa phương và của cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong Công an nhân dân.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương; người dự tuyển vào Công an nhân dân; sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, công nhân, viên chức, học viên và lao động hợp đồng trong Công an nhân dân.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, những từ ngữ sau đây được hiểu như sau:
1. Tuyển vào Công an nhân dân bao gồm: Tuyển sinh, tuyển công dân vào Công an nhân dân, tuyển công dân phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân và ký kết hợp đồng lao động trong Công an nhân dân.
2. Chuyển ra ngoài Công an nhân dân bao gồm: Chuyển ngành, xuất ngũ, tước danh hiệu Công an nhân dân và buộc thôi việc.
3. Chất ma túy là chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành.
4. Sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi tự mình hoặc nhờ người khác đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể mình dưới hình thức như: Hút, hít, uống, tiêm, chích nhằm thỏa mãn nhu cầu sử dụng chất ma túy.
Điều 4. Nguyên tắc trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý
1. Phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong Công an nhân dân là trách nhiệm của từng cán bộ, chiến sỹ công an và trách nhiệm của thủ trưởng Công an các cấp, các đơn vị trong Công an nhân dân; phải tiến hành chủ động, thường xuyên, kịp thời, đảm bảo khách quan, khoa học và chính xác; không gây phức tạp trong nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng Công an nhân dân.
2. Cán bộ, chiến sỹ công an nếu có cơ sở xác định có dấu hiệu sử dụng trái phép chất ma túy đều phải kiểm tra, kết luận và xử lý.
3. Nghiêm cấm các hành vi can thiệp vào việc xử lý cán bộ, chiến sỹ sử dụng trái phép chất ma túy hoặc tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ cai nghiện giữ lại công tác trong Công an nhân dân. Đơn vị, địa phương có cán bộ, chiến sỹ công an vi phạm mà bao che, xử lý không đúng quy định này thì lãnh đạo đơn vị, địa phương đó sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Bộ.
4. Không tuyển vào Công an nhân dân người sử dụng trái phép chất ma túy và chuyển ra ngoài Công an nhân dân cán bộ, chiến sỹ sử dụng trái phép chất ma túy.
Chương 2.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân
1. Phải tăng cường học tập, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, lối sống; không được sử dụng trái phép chất ma túy; không quan hệ với các đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng, tàng trữ trái phép và sử dụng trái phép chất ma túy, trừ các hoạt động được pháp luật quy định và trường hợp thực hiện nhiệm vụ, yêu cầu công tác.
2. Chủ động báo cáo thủ trưởng đơn vị mình công tác hoặc cơ quan tổ chức cán bộ khi bản thân sử dụng trái phép chất ma túy hoặc khi phát hiện cán bộ, chiến sỹ khác sử dụng trái phép chất ma túy.
3. Phải tuân thủ và thực hiện đầy đủ các yêu cầu của cơ quan chức năng trong việc thu mẫu để trưng cầu giám định việc sử dụng trái phép chất ma túy.
Điều 6. Trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương
1. Thủ trưởng Công an các cấp, các đơn vị trong Công an nhân dân phải tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ công an về tác hại của ma túy, không được sử dụng trái phép chất ma túy; tăng cường nắm tình hình, quản lý và kịp thời phát hiện cán bộ, chiến sỹ công an có biểu hiện sử dụng trái phép chất ma túy hoặc có quan hệ với đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng, tàng trữ trái phép và sử dụng trái phép chất ma túy. Xử lý nghiêm cán bộ, chiến sỹ vi phạm theo quy định của Bộ.
2. Kịp thời tổ chức thu mẫu, trưng cầu giám định các trường hợp cán bộ, chiến sỹ có cơ sở xác định sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.
3. Kết quả xử lý cán bộ, chiến sỹ công an sử dụng trái phép chất ma túy, Công an các đơn vị, địa phương phải báo cáo về Bộ (qua Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân) để tập hợp theo dõi.
Điều 7. Trường hợp phải tổ chức giám định
Cán bộ, chiến sỹ trong biên chế; hạ sỹ quan, chiến sỹ phục vụ có thời hạn và học viên các trường Công an nhân dân, nếu qua một trong các công tác sau có cơ sở xác định sử dụng trái phép chất ma túy đều phải tổ chức giám định: quản lý cán bộ; điều tra, trinh sát của các đơn vị nghiệp vụ; đơn thư tố cáo của quần chúng nhân dân; thử nghiệm sàng lọc miễn dịch học (sử dụng test thử).
Điều 8. Những trường hợp không tổ chức giám định
1. Cán bộ, chiến sỹ công an tự nhận có sử dụng trái phép chất ma túy thì không tổ chức giám định và giải quyết theo quy định tại Điều 13 Thông tư này.
2. Các trường hợp tuyển vào Công an nhân dân, đối tượng tạm tuyển và đối tượng đã ký kết hợp đồng lao động nếu tiến hành test thử có kết quả dương tính với chất ma túy thì không tổ chức giám định và giải quyết theo quy định tại Điểm d, đ Khoản 1 Điều 13 Thông tư này.
Điều 9. Phương pháp, nguyên tắc thu mẫu giám định
1. Phương pháp giám định là phương pháp sắc kí khí.
2. Mẫu giám định là nước tiểu: Các mẫu nước tiểu được thu trong 02 lọ 50ml (mỗi lọ tối thiểu phải nạp đủ 2/3), bảo quản trong môi trường nhiệt độ từ 0°C đến 10°C (để trong tủ lạnh hoặc ướp đá trong hộp xốp). Không sử dụng lọ nhựa và nút bằng cao su khi thu mẫu nước tiểu.
Mẫu phải được mã hóa và niêm phong, không ghi trực tiếp tên và đơn vị công tác của cán bộ, chiến sỹ bị lấy mẫu nhằm đảm bảo khách quan khi tiến hành trưng cầu giám định.
3. Thu mẫu giám định phải đột xuất, bí mật và bất ngờ đối với cán bộ, chiến sỹ bị lấy mẫu để tránh đối phó.
Điều 10. Thu mẫu, trưng cầu giám định
1. Công an các đơn vị, địa phương có cán bộ, chiến sỹ phải tổ chức trưng cầu giám định việc sử dụng trái phép chất ma túy thì cơ quan xây dựng lực lượng đề xuất lãnh đạo có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 2 điều này ra quyết định thành lập Tổ công tác để thu mẫu giám định và trưng cầu giám định cơ quan chuyên môn (có mẫu quyết định kèm theo).
2. Thẩm quyền quyết định thành lập Tổ công tác:
a) Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ do thủ trưởng đơn vị quyết định thành lập Tổ công tác.
b) Đối với các đơn vị trực thuộc Tổng cục do thủ trưởng cơ quan xây dựng lực lượng của các Tổng cục (Cục Tham mưu; Cục Chính trị; Cục Tham mưu, chính trị hoặc Cục Chính trị, hậu cần) quyết định thành lập Tổ công tác.
c) Đối với học viện, trường Công an nhân dân do giám đốc, hiệu trưởng quyết định thành lập Tổ công tác.
d) Đối với Công an các tỉnh, thành phố và Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do giám đốc Công an các tỉnh, thành phố và giám đốc sở cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập Tổ công tác.
3. Thành phần Tổ công tác gồm:
a) Trưởng phòng Tổ chức cán bộ hoặc Xây dựng lực lượng – Tổ trưởng;
b) Đại diện lãnh đạo đơn vị có cán bộ, chiến sỹ công an cần thu mẫu trưng cầu giám định – Tổ phó;
c) Đại diện cơ quan y tế – Thành viên. Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ, các đơn vị trực thuộc Tổng cục không có cơ quan y tế, được trưng dụng cán bộ Phòng Y tế cơ quan Bộ, Cục Quản trị, Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật làm thành viên;
d) Đại diện Phòng Kỹ thuật hình sự (đối với Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) – Thành viên.
4. Tổ công tác có trách nhiệm tổ chức việc thu mẫu, lập biên bản và niêm phong mẫu thu, tổ chức trưng cầu giám định của cơ quan chuyên môn.
Điều 11. Cơ quan giám định
1. Công an các đơn vị, địa phương tiến hành trưng cầu giám định tại một trong các cơ quan sau:
a) Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an.
b) Phòng Kỹ thuật hình sự Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với những Phòng có đủ phương tiện kỹ thuật để giám định).
2. Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an ngoài trách nhiệm tổ chức giám định, trả lời kết quả giám định đối với những trường hợp do Công an các đơn vị, địa phương trưng cầu giám định còn có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ Phòng Kỹ thuật hình sự Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng thiết bị giám định chất ma túy theo phương pháp sắc kí khí về kỹ thuật trong quá trình thu mẫu, giám định; ban hành các biểu mẫu về thu mẫu, giám định (Biên bản thu mẫu giám định, mẫu niêm phong, mẫu quyết định trưng cầu giám định, kết luận giám định…).
Điều 12. Kinh phí giám định
1. Kinh phí giám định, test thử cán bộ, chiến sỹ trong biên chế; hạ sỹ quan, chiến sỹ phục vụ có thời hạn; đối tượng dự tuyển, tạm tuyển và đối tượng đã ký kết hợp đồng lao động trong Công an nhân dân sử dụng trái phép chất ma túy, Công an các đơn vị, địa phương chi từ ngân sách nhà nước.
2. Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an căn cứ thực tế chi phí giám định, báo cáo Bộ duyệt định mức kinh phí các trường hợp giám định và thông báo cho Công an các đơn vị, địa phương thực hiện.
Điều 13. Giải quyết các trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy
1. Công an các đơn vị, địa phương căn cứ kết quả giám định, quy định phân công trách nhiệm giữa Công an các cấp về một số vấn đề trong công tác tổ chức, cán bộ của lực lượng Công an nhân dân và quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân để ra quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định hình thức xử lý:
a) Đối với cán bộ, chiến sỹ trong biên chế Công an nhân dân, căn cứ mức độ sai phạm, quá trình công tác, hoàn cảnh gia đình để xử lý kỷ luật, đồng thời chuyển ra ngoài lực lượng Công an nhân dân.
b) Tước danh hiệu Công an nhân dân đối với hạ sỹ quan, chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân.
c) Buộc thôi học đối với học viên các học viện, trường Công an nhân dân.
d) Chấm dứt hợp đồng đối với lao động hợp đồng trong Công an nhân dân.
đ) Không tuyển vào Công an nhân dân hoặc hủy bỏ quyết định tạm tuyển đối với đối tượng đang trong thời gian tạm tuyển vào Công an nhân dân.
2. Công an các đơn vị, địa phương có cán bộ, chiến sỹ bị xử lý chuyển ra ngoài Công an nhân dân do sử dụng trái phép chất ma túy phải thông báo cho chính quyền địa phương nơi cán bộ, chiến sỹ đó cư trú biết để quản lý và tổ chức cai nghiện (đối với các trường hợp nghiện) theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Giải quyết khiếu nại
1. Khi có khiếu nại về kết luận, xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong Công an nhân dân thì cơ quan xây dựng lực lượng các đơn vị trực thuộc Bộ; Tổng cục; học viện, trường Công an nhân dân; Công an các tỉnh, thành phố và Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại.
2. Trường hợp thu mẫu, trưng cầu giám định lần đầu thực hiện đúng quy định tại Điều 9, Điều 10 và Điều 11 của Thông tư này thì không lấy mẫu, trưng cầu giám định lại.
3. Trường hợp thu mẫu, trưng cầu giám định lần đầu thực hiện không đúng quy định tại Điều 9, Điều 10 hoặc Điều 11 của Thông tư này thì lấy mẫu, trưng cầu giám định lại. Trình tự, thủ tục lấy mẫu, trưng cầu giám định lại thực hiện theo quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 và Điều 12 của Thông tư này.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2013 và thay thế Quyết định số 05/2005/QĐ-BCA(X18) ngày 06 tháng 01 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Công an, ban hành quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên, học viên công an sử dụng trái phép chất ma túy.
Điều 16. Tổ chức thực hiện
1. Tổng cục trưởng, thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ, giám đốc Công an, Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phổ biến đến cán bộ, chiến sỹ và tổ chức thực hiện Thông tư này.
2. Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân có trách nhiệm giúp Bộ trưởng theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân) để tập hợp báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG Đại tướng Trần Đại Quang |
THÔNG TƯ 04/2013/TT-BCA QUY ĐỊNH VIỆC PHÒNG NGỪA, PHÁT HIỆN, XỬ LÝ HÀNH VI SỬ DỤNG TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN DO BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 04/2013/TT-BCA | Ngày hiệu lực | 01/03/2013 |
Loại văn bản | Thông tư | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Hình sự |
Ngày ban hành | 11/01/2013 |
Cơ quan ban hành |
Bộ công an |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |