7. Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư

Posted on

Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư là một trong những vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa các quy định tại  Luật Đầu tư 2020Nghị định 31/2021/NĐ-CPNghị định 122/2021/NĐ-CPThông tư 03/2021/TT-BKHĐT về vấn đề này.

1. Khái niệm

Dự án đầu tưlà tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định. (khoản 4 Điều 3 Luật Đầu tư 2020)

Dự án đầu tư mở rộnglà dự án đầu tư phát triển dự án đang hoạt động đầu tư kinh doanh bằng cách mở rộng quy mô, nâng cao công suất, đổi mới công nghệ, giảm ô nhiễm hoặc cải thiện môi trường. (khoản 5 Điều 3 Luật Đầu tư 2020)

Dự án đầu tư mới là dự án thực hiện lần đầu hoặc dự án hoạt động độc lập với dự án đang thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh. (khoản 6 Điều 3 Luật Đầu tư 2020)

+ Nhà đầu tưlà tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. (khoản 18 Điều 3  Luật Đầu tư 2020)

+ Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. (khoản 19 Điều 14 Luật Đầu tư 2020)

+ Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. (khoản 20 Điều 3 Luật Đầu tư 2020)

2. Các trường hợp dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động

Dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây:

– Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án;

– Theo các điều kiện chấm dứt hoạt động được quy định trong hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp;

– Hết thời hạn hoạt động của dự án đầu tư;

– Dự án đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 48 của Luật này mà nhà đầu tư không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động;

– Nhà đầu tư bị Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư hoặc không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư và không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có quyết định thu hồi đất hoặc không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư;

– Dự án đầu tư đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động, cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư;

– Sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 của Luật này;

– Theo bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài (điểm d khoản 2 Điều 47 Luật Đầu tư 2014)

Lưu ý:

– Đối với dự án đầu tư hoạt động theo Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc Giấy phép đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư mà không thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) hoặc Giấy phép đầu tư thì nội dung đăng ký kinh doanh tại Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh), Giấy phép đầu tư vẫn có hiệu lực. (khoản 3 Điều 41 Nghị định 31/2021/NĐ-CP)

– Còn đối với trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư đồng thời chấm dứt hoạt động của tổ chức kinh tế thì dự án đầu tư chấm dứt hoạt động và nhà đầu tư thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế. (khoản 4 Điều 41 Nghị định 118/2015/NĐ-CP)

3. Thanh lý dự án đầu tư khi dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động

– Sau khi dự án đầu tư chấm dứt hoạt động, Nhà đầu tư tự thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về thanh lý tài sản.

– Đối với dự án đầu tư được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

– Trong quá trình thanh lý dự án đầu tư, nếu nhà đầu tư là tổ chức kinh tế bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản thì việc thanh lý dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản tổ chức kinh tế. (khoản 5 Điều 41 Nghị định 31/2021/NĐ-CP)

4. Đối tượng thực hiện

Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư. (khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư 2020)

Nhà đầu tư bao gồm: cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông, cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. (khoản 18,19,20 Điều 3 Luật Đầu tư 2020)

5. Xử phạt hành chính

– Nhà đầu tư không thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án đầu tư, thủ tục thanh lý dự án đầu tư sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. (Điều 58 Nghị định 122/2021/NĐ-CP)

– Nếu nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án khi đã chấm dứt hoạt động mà không được cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. (Nghị định 122/2021/NĐ-CP)

Kết luận: Như vậy, khi thực hiện thủ tục Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư ta cần lưu ý các quy định tại

Luật Đầu tư 2020Nghị định 31/2021/NĐ-CPNghị định 122/2021/NĐ-CPThông tư 03/2021/TT-BKHĐT.

Trình tự, thủ tục, hồ sơ xem tại đây

Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư