THÔNG TƯ 44/2016/TT-BLĐTBXH HƯỚNG DẪN CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO NGHỀ NGHIỆP, TẠO VIỆC LÀM CHO NGƯỜI CHẤP HÀNH XONG ÁN PHẠT TÙ DO BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI BAN HÀNH
BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 44/2016/TT-BLĐTBXH |
Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2016 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO NGHỀ NGHIỆP, TẠO VIỆC LÀM CHO NGƯỜI CHẤP HÀNH XONG ÁN PHẠT TÙ
Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 80/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù (sau đây gọi chung là Nghị định số 80/2011/NĐ-CP);
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Việc làm,
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn chính sách đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm; hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm; vay vốn đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm; trợ giúp xã hội và báo cáo kết quả đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù quy định tại Nghị định số 80/2011/NĐ-CP .
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người chấp hành xong án phạt tù đã trở về cộng đồng (sau đây gọi chung là người chấp hành xong án phạt tù).
2. Cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các nội dung quy định tại Thông tư này.
3. Thông tư này không áp dụng đối với người Việt Nam chấp hành xong án phạt tù định cư ở nước ngoài; người không có quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp người nước ngoài và người không có quốc tịch thường trú tại Việt Nam; người chấp hành xong án phạt tù nhưng đã được xóa án tích.
Điều 3. Hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp
1. Người chấp hành xong án phạt tù tham gia đào tạo nghề nghiệp được hỗ trợ như sau:
a) Đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng:
– Được miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021 và các văn bản hướng dẫn;
– Được hưởng chính sách nội trú theo quy định tại Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học trung cấp, cao đẳng và các văn bản hướng dẫn.
b) Đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng: được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng và các văn bản hướng dẫn.
2. Trường hợp người chấp hành xong án phạt tù không thuộc đối tượng hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) xem xét, quyết định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng này. Nguồn kinh phí được đảm bảo từ quỹ hòa nhập cộng đồng, quỹ xã hội, quỹ từ thiện và các nguồn khác theo quy định.
Điều 4. Tư vấn, giới thiệu việc làm
1. Căn cứ nhu cầu của người chấp hành xong án phạt tù và thực tiễn thị trường lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người chấp hành xong án phạt tù theo các hình thức sau đây:
a) Tư vấn trực tiếp;
b) Tư vấn tập trung;
c) Các phiên giao dịch việc làm;
d) Tư vấn qua điện thoại, trang thông tin điện tử.
2. Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm theo dõi tình trạng việc làm của người chấp hành xong án phạt tù do Trung tâm giới thiệu trong thời gian thực hiện hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng và trong thời gian 12 tháng đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Điều 5. Vay vốn đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm
1. Người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn đào tạo nghề nghiệp được vay vốn theo quy định tại Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tín dụng đối với học sinh, sinh viên và các văn bản hướng dẫn.
2. Người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm được vay vốn theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và các văn bản hướng dẫn.
3. Căn cứ tình hình kinh tế – xã hội địa phương, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sử dụng các nguồn tín dụng khác để hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với người chấp hành xong án phạt tù phát triển sản xuất, tạo việc làm.
Điều 6. Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc đối tượng quy định tại các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì được hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội
1. Người chấp hành xong án phạt tù thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các văn bản hướng dẫn.
2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét hỗ trợ cho người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ổn định cuộc sống.
Điều 8. Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ người đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng cho người chấp hành xong án phạt tù
1. Hằng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
2. Kế hoạch đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
– Đánh giá kết quả đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm năm trước năm kế hoạch;
– Nhu cầu đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm;
– Chỉ tiêu hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng, sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng; trong đó chỉ tiêu được hỗ trợ đào tạo (theo các cấp trình độ);
– Chỉ tiêu tư vấn, giới thiệu việc làm;
– Chỉ tiêu hỗ trợ vay vốn đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm;
– Chỉ tiêu hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
– Dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm;
– Nguồn kinh phí thực hiện;
– Giải pháp thực hiện.
3. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lồng ghép nguồn lực của các chương trình, đề án có liên quan để tổ chức đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù hiệu quả.
Điều 9. Báo cáo kết quả hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù
1. Hằng năm, trước ngày 15 tháng 12, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo kết quả hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Báo cáo kết quả hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
– Các chương trình, đề án hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù;
– Số lượng người được hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp (theo các cấp trình độ);
– Số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm (trong đó số người có việc làm);
– Số lượng người được hỗ trợ vay vốn tạo việc làm;
– Số lượng người được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
– Số lượt người được trợ giúp xã hội (nếu có);
– Kiến nghị, đề xuất (nếu có).
Điều 10. Hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 02 năm 2017.
2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết.
Nơi nhận: – Ban Bí thư Trung ương Đảng; – Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; – HĐND, UBND, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; – Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng; – Văn phòng Tổng Bí thư; – Văn phòng Chủ tịch nước; -Văn phòng Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; – Văn phòng Chính phủ; – Tòa án nhân dân tối cao; – Viện kiểm sát nhân dân tối cao; – Kiểm toán Nhà nước; – Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; – Ủy ban Trung ước Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; – Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; – Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp); – Công báo; – Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; – Bộ LĐTBXH: Bộ trưởng, các Thứ trưởng và các đơn vị có liên quan; – Cổng Thông tin điện tử Bộ LĐTBXH; – Lưu: VT, CVL (30 bản). |
KT. BỘ TRƯỞNG Doãn Mậu Diệp |
THÔNG TƯ 44/2016/TT-BLĐTBXH HƯỚNG DẪN CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO NGHỀ NGHIỆP, TẠO VIỆC LÀM CHO NGƯỜI CHẤP HÀNH XONG ÁN PHẠT TÙ DO BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 44/2016/TT-BLĐTBXH | Ngày hiệu lực | 12/02/2017 |
Loại văn bản | Thông tư | Ngày đăng công báo | 15/02/2017 |
Lĩnh vực |
Lao động - Việc làm |
Ngày ban hành | 28/12/2016 |
Cơ quan ban hành |
Bộ lao động-thương binh và xã hội |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn |
|
Văn bản hướng dẫn | |
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |