THÔNG TƯ 116/2014/TT-BTC HƯỚNG DẪN VỀ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM THỰC HIỆN BẢO HIỂM THEO QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH 67/2014/NĐ-CP VỀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN THỦY SẢN DO BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 116/2014/TT-BTC |
Hà Nội, ngày 20 tháng 08 năm 2014 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM THỰC HIỆN BẢO HIỂM THEO QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 67/2014/NĐ-CP NGÀY 07 THÁNG 7 NĂM 2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN THỦY SẢN
Căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn một số vấn đề về tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này hướng dẫn một số vấn đề về tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm theo quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (sau đây gọi tắt là Nghị định số 67/2014/NĐ-CP) về các nội dung sau:
a) Chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm.
b) Nguyên tắc hạch toán doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm.
c) Đồng bảo hiểm.
d) Đại lý bảo hiểm.
2. Các vấn đề khác liên quan đến chế độ tài chính, chế độ kế toán của doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các doanh nghiệp bảo hiểm được chấp thuận triển khai bảo hiểm (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp bảo hiểm), đại lý bảo hiểm và các cơ quan, tổ chức, cá nhân, có liên quan đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm quy định tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP .
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm
Doanh nghiệp bảo hiểm được phép sử dụng tối đa 30% doanh thu phí bảo hiểm để chi bán hàng, chi quản lý, chi hoa hồng đại lý bảo hiểm, chi thù lao. Trong đó, đối với hoa hồng đại lý bảo hiểm và thù lao, doanh nghiệp bảo hiểm được phép chi không quá 5% phí bảo hiểm thu được.
Đối với chi thù lao, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xây dựng phương án chi trả thù lao cho những người trực tiếp tham gia triển khai bảo hiểm, không được chi thù lao cho cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp bảo hiểm. Hội đồng quản trị của doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm ban hành quy chế chi thù lao để thực hiện thống nhất.
Điều 4. Nguyên tắc hạch toán
1. Kết quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP được hạch toán chung trong kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm.
2. Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện theo dõi riêng doanh thu, chi phí, kết quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP .
Trường hợp cuối năm tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm có chênh lệch dương từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP , doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện chuyển toàn bộ khoản chênh lệch này vào dự phòng bồi thường cho các dao động lớn về tổn thất và sử dụng khi có dao động lớn về tổn thất theo quy định pháp luật hiện hành.
Điều 5. Đồng bảo hiểm
1. Các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia triển khai bảo hiểm theo phương thức đồng bảo hiểm.
2. Khi ký kết hợp đồng bảo hiểm với tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác, sử dụng tàu (sau đây gọi là chủ tàu), các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm cùng đứng tên trong hợp đồng bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm phải ghi rõ tên doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu, doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm, tỷ lệ tham gia đồng bảo hiểm, trách nhiệm của từng doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu và doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm phải cùng chịu trách nhiệm trước pháp luật về những cam kết trong hợp đồng bảo hiểm đối với chủ tàu.
Chi phí quản lý hợp đồng của doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu là 2,5% doanh thu phí bảo hiểm.
3. Hạch toán doanh thu
Doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu có trách nhiệm thay mặt các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm thu phí bảo hiểm. Các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm có trách nhiệm ủy quyền cho doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu thu hộ phí bảo hiểm:
a) Khi thu phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu có trách nhiệm lập hóa đơn thu phí bảo hiểm giao cho chủ tàu.
b) Căn cứ vào tỷ lệ đồng bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu hạch toán vào doanh thu phần phí bảo hiểm tương ứng với tỷ lệ trách nhiệm của mình. Phần phí bảo hiểm tương ứng với tỷ lệ trách nhiệm của các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm khác được hạch toán là khoản thu hộ.
c) Định kỳ hàng tháng, doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu có trách nhiệm lập và gửi bảng kê doanh thu phí bảo hiểm cho doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm.
d) Căn cứ bảng kê doanh thu phí bảo hiểm và phí bảo hiểm nhận được từ doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu, doanh nghiệp đồng bảo hiểm lập hóa đơn giao cho doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu, trên hóa đơn ghi rõ nhận tiền phí bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu (tên, địa chỉ, mã số thuế của doanh nghiệp) thu hộ theo bảng kê doanh thu phí bảo hiểm (số, ngày, tháng, năm của bảng kê). Hóa đơn này là căn cứ để doanh nghiệp đồng bảo hiểm hạch toán doanh thu.
4. Hạch toán chi phí
a) Khi mua hàng hóa, dịch vụ để bồi thường hoặc thanh toán các khoản chi khác liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, hóa đơn mang tên, địa chỉ, mã số thuế của doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu. Doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu chi trả tất cả các khoản chi liên quan đến hợp đồng bảo hiểm sau đó hạch toán vào chi phí phần trách nhiệm của mình theo hợp đồng đồng bảo hiểm các khoản chi phí phát sinh. Chi phí thuộc trách nhiệm của các doanh nghiệp đồng bảo hiểm sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu hạch toán chi hộ.
b) Việc phân bổ chi phí thực hiện như sau
– Đối với các khoản chi quản lý, chi bán hàng, chi hoa hồng đại lý bảo hiểm, chi thù lao cho những người trực tiếp tham gia triển khai bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu phân bổ cho doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đồng bảo hiểm tối đa bằng 30% doanh thu phí bảo hiểm gốc tương ứng với tỷ lệ trách nhiệm của doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm, trong đó chi hoa hồng đại lý bảo hiểm và chi thù lao tối đa là 5%.
– Các khoản chi trực tiếp kinh doanh bảo hiểm được phân bổ theo tỷ lệ trách nhiệm trong hợp đồng bảo hiểm và chi phí thực tế phát sinh.
c) Định kỳ hàng tháng, doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu lập bảng kê kèm theo bảng thanh toán gửi cho các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm. Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được bảng kê của doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu, các doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm có trách nhiệm xác nhận và trả cho doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu các khoản chi phí tương ứng với mức trách nhiệm bảo hiểm của doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm tại bảng kê.
Căn cứ vào bảng kê có chữ ký xác nhận của doanh nghiệp bảo hiểm đứng đầu, doanh nghiệp tham gia đồng bảo hiểm hạch toán vào chi phí tương ứng với phần trách nhiệm theo hợp đồng bảo hiểm.
d) Trong trường hợp tái bảo hiểm, chi phí quản lý của doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm không quá 3% doanh thu phí nhận tái bảo hiểm. Doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm thực hiện hạch toán theo nguyên tắc quy định tại Điều 4 Thông tư này.
Điều 6. Đại lý bảo hiểm
1. Để được hoạt động bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP , đại lý bảo hiểm phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Đã có tối thiểu 3 tháng liên tục hoạt động đại lý bảo hiểm.
b) Không vi phạm các quy định pháp luật và đạo đức hành nghề đại lý bảo hiểm.
c) Được đào tạo tối thiểu là 16 giờ về bảo hiểm theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP .
2. Việc tổ chức đào tạo, thi và cấp chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và áp dụng từ ngày 25 tháng 8 năm 2014.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận: – Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; – Ủy ban Thường vụ Quốc hội; – Văn phòng Quốc hội; – Văn phòng Chủ tịch nước; – Văn phòng TW và các Ban của Đảng; – Văn phòng Chính phủ; – Văn phòng Tổng Bí Thư; – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; – Tòa án nhân dân tối cao; – Kiểm toán Nhà nước; – HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW liên quan; – Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; – Hiệp hội bảo hiểm, DNBH, DNTBH; – Công báo; – Cục kiểm tra văn bản QPPL – Bộ Tư pháp; – Website Chính phủ; – Website Bộ Tài chính; – Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; – Lưu VT, QLBH. |
KT. BỘ TRƯỞNG Trần Xuân Hà |
THÔNG TƯ 116/2014/TT-BTC HƯỚNG DẪN VỀ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM THỰC HIỆN BẢO HIỂM THEO QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH 67/2014/NĐ-CP VỀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN THỦY SẢN DO BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 116/2014/TT-BTC | Ngày hiệu lực | 20/08/2014 |
Loại văn bản | Thông tư | Ngày đăng công báo | 17/09/2014 |
Lĩnh vực |
Bảo hiểm Tài chính công |
Ngày ban hành | 20/08/2014 |
Cơ quan ban hành |
Bộ tài chính |
Tình trạng | Hết hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn |
|
Văn bản hướng dẫn | |
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |