THÔNG TƯ 70/2010/TT-BTC QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ CHI TIÊU TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM LÀM CHỦ TỊCH AIPA 31 DO BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 70/2010/TT-BTC |
Hà Nội, ngày 05 tháng 5 năm 2010 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ CHI TIÊU TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM LÀM CHỦ TỊCH AIPA 31
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị quyết số 856/2009/NQ-UBTVQH12 ngày 10/11/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XII về việc thành lập Ban Tổ chức Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á lần thứ 31 (AIPA 31);
Căn cứ Nghị quyết số 773/2009/NQ-UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định về một số chế độ chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội;
Theo đề nghị của Văn phòng Quốc hội tại công văn số 406/VPQH-KHTC ngày 12/3/2010; Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu tổ chức các hoạt động của năm Quốc hội Việt Nam làm Chủ tịch AIPA 31 như sau:
Điều 1. Quy định chung
1. Đối tượng thực hiện: Ban Tổ chức AIPA 31; Ban Thư ký tổ chức AIPA 31 và các Tiểu ban; các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao thực hiện các hoạt động chuẩn bị, tổ chức và phục vụ năm Quốc hội Việt Nam làm Chủ tịch AIPA 31.
2. Kinh phí tổ chức các hoạt động chuẩn bị; tổ chức và phục vụ năm Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AIPA 31 bao gồm ngân sách Nhà nước cấp và các nguồn huy động hợp pháp khác từ các tổ chức kinh tế, xã hội trong nước và nước ngoài.
3. Việc quản lý và sử dụng kinh phí, tài sản phục vụ các hoạt động liên quan đến công tác chuẩn bị, tổ chức và phục vụ năm Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AIPA 31 thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn về quản lý tài chính, tài sản hiện hành của Nhà nước và các quy định tại Thông tư này.
Điều 2. Nội dung chi
Nội dung chi thực hiện các hoạt động chuẩn bị, tổ chức và phục vụ năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AIPA 31 bao gồm các nội dung cụ thể sau:
– Chi phí thuê phương tiện, trang thiết bị, địa điểm phục vụ tổ chức các sự kiện năm AIPA 31 theo phê duyệt của Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia AIPA 31, Trưởng Ban Tổ chức AIPA 31;
– Chi sáng tác biểu tượng năm Việt Nam làm Chủ tịch AIPA 31 và các tặng phẩm, vật phẩm, kỷ niệm khác;
– Chi in giấy mời, làm thẻ cho các thành viên tham dự các hoạt động của năm AIPA 31;
– Chi tổ chức các hội nghị, hội thảo, phiên họp nhóm, các diễn đàn, họp báo trong khuôn khổ năm AIPA 31;
– Chi cho các đại biểu đến dự các hoạt động của năm AIPA 31 được phía Việt Nam đài thọ;
– Chi hoạt động của Ban Chỉ đạo Quốc gia AIPA 31, Ban Tổ chức AIPA 31, các Tiểu ban và Ban thư ký AIPA 31;
– Chi công tác bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh, y tế, phục vụ;
– Chi thông tin, liên lạc, tuyên truyền;
– Chi các hoạt động trang trí phục vụ năm AIPA 31;
– Chi các hoạt động đón tiếp và quản lý phóng viên đưa tin các hoạt động của năm AIPA 31 (làm thẻ; nước uống, hoa quả giữa giờ; bồi dưỡng báo chí Việt Nam tham dự các cuộc họp báo trước các hội nghị);
– Chi cho các hoạt động văn hoá nghệ thuật chào mừng và phục vụ đại biểu tham dự năm AIPA 31;
– Chi học tập kinh nghiệm, khảo sát nước ngoài phục vụ cho các hoạt động năm AIPA 31;
– Chi xây dựng và tổ chức hoạt động của Website năm AIPA 31;
– Chi thiết lập và vận hành các Trung tâm Báo chí và Phòng Báo chí phục vụ các hội nghị trong khuôn khổ năm AIPA 31;
– Chi đào tạo, bồi dưỡng Tình nguyện viên phục vụ các hoạt động AIPA 31; chi hỗ trợ thuê quần, áo đồng phục cho Tình nguyện viên tham gia phục vụ Hội nghị Cấp cao AIPA 31, Hội nghị cấp Bộ trưởng;
– Chi thuê, mua sắm trang thiết bị, tài sản khác phục vụ các hoạt động của năm AIPA 31;
– Các nội dung chi khác liên quan trực tiếp đến việc tổ chức, phục vụ các hoạt động năm AIPA 31.
Các nội dung chi khác trên đây phải được Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia AIPA 31 phê duyệt.
Điều 3. Mức chi:
1. Một số mức chi tổ chức Hội nghị Cấp cao AIPA 31:
a) Đối với đại biểu và các đoàn khách dự Hội nghị Cấp cao AIPA 31:
a1) Tiêu chuẩn về thuê chỗ nghỉ:
– Đối với đoàn Nghị viện các nước thành viên, đoàn nước quan sát viên đặc biệt và đoàn Nghị viện các nước quan sát viên:
+ Trưởng đoàn và phu nhân/phu quân: 01 phòng Suite hạng sang, khách sạn 5 sao.
+ Thành viên đoàn là cấp Bộ trưởng: 01 phòng Suite hạng vừa, khách sạn 5 sao.
+ Thư ký đoàn và các thành viên khác: 01 phòng đơn, khách sạn 5 sao.
Số đại biểu (bao gồm cả Trưởng đoàn) được đài thọ thực hiện theo nguyên tắc:
+ Đoàn nước thành viên AIPA: 15 đại biểu và phu nhân/phu quân; và 2 thư ký.
+ Đoàn nước quan sát viên đặc biệt: 4 đại biểu và phu nhân/phu quân; và 1 thư ký.
+ Đoàn nước quan sát viên: 2 đại biểu và phu nhân/phu quân; và 1 thư ký.
– Tổng thư ký AIPA và phu nhân: 01 phòng Suite hạng vừa, khách sạn 5 sao.
Thành viên Ban thư ký AIPA (và phu nhân/phu quân): 01 phòng đơn, khách sạn 5 sao.
– Đại biểu khác là khách mời của Chủ tịch AIPA 31: căn cứ hạng khách để thực hiện theo mức chi tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam được quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06/01/2010 của Bộ Tài chính.
a2) Phương tiện đi lại:
– Đối với đoàn Nghị viện các nước thành viên, đoàn nước quan sát viên đặc biệt và đoàn Nghị viện các nước quan sát viên:
+ Bố trí riêng 01 xe 4 chỗ đối với Trưởng đoàn, Tổng thư ký AIPA.
Chủng loại xe do Trưởng Ban hoặc Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia AIPA 31 phê duyệt.
+ Các thành viên còn lại trong đoàn đi xe nhiều chỗ ngồi.
Chủng loại xe, số lượng xe do Trưởng Tiểu ban Lễ tân – Hậu cần – An ninh AIPA 31 phê duyệt.
– Đối với đại biểu khác là khách mời của Chủ tịch AIPA 31: căn cứ hạng khách để áp dụng tiêu chuẩn xe ô tô theo quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06/01/2010 của Bộ Tài chính.
– Tiêu chuẩn xe hộ tống, xe cảnh sát dẫn đường: Thực hiện theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06/11/2001 của Chính phủ về nghi lễ Nhà nước và đón tiếp khách nước ngoài và do Bộ Công an chịu trách nhiệm bảo đảm phương tiện thực hiện nhiệm vụ.
– Xe chở hành lý của các đoàn và các loại xe khác phục vụ hội nghị do Trưởng Tiểu ban Lễ tân – Hậu cần – An ninh AIPA 31 phê duyệt.
a3) Ăn uống, giải khát:
– Về chiêu đãi, chào mừng đại biểu:
+ Chiêu đãi: Mức tối đa 1.700.000 đồng/suất.
+ Chào mừng đại biểu (tổ chức 1 bữa cơm tối nếu có): Mức tối đa 1.200.000 đồng/suất.
Mức chi trên bao gồm cả tiền đồ uống, chưa bao gồm các loại thuế phải trả nhà cung cấp dịch vụ theo quy định hiện hành và được áp dụng cho cả đại biểu và phiên dịch phía Việt Nam tham gia tiếp khách.
– Đài thọ tối đa theo ngày:
+ Trưởng đoàn (và phu nhân/phu quân) của đoàn nghị viện các nước là thành viên AIPA, đoàn nước quan sát viên đặc biệt, đoàn nghị viện các nước quan sát viên: Mức tối đa 3.400.000 đồng/người/ngày.
+ Thành viên đoàn là cấp Bộ trưởng; Tổng thư ký AIPA (và phu nhân): Mức tối đa 2.800.000 đồng/người/ngày.
+ Thành viên Ban thư ký, Thư ký Đoàn và thành viên khác: Mức tối đa 1.000.000 đồng/người/ngày.
Mức đài thọ tối đa theo ngày chỉ bao gồm tiền ăn, uống, giặt là, đồ uống không cồn và điện thoại nội hạt, chưa bao gồm các loại thuế phải trả nhà cung cấp dịch vụ theo quy định hiện hành.
Số đại biểu (bao gồm cả Trưởng đoàn) được đài thọ thực hiện theo nguyên tắc:
+ Đoàn nước thành viên AIPA: 15 đại biểu và phu nhân/phu quân; và 2 thư ký.
+ Đoàn nước quan sát viên đặc biệt: 4 đại biểu và phu nhân/phu quân; và 1 thư ký.
+ Đoàn nước quan sát viên: 2 đại biểu và phu nhân/phu quân; và 1 thư ký.
+ Ban thư ký AIPA và phu nhân/phu quân.
– Tiêu chuẩn ăn hàng ngày đối với đại biểu là khách mời của Chủ tịch AIPA 31: căn cứ hạng khách để thực hiện theo mức chi tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam được quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06/01/2010 của Bộ Tài chính.
– Trong thời gian dự hội nghị các đoàn tự túc tiền ăn (trừ đại biểu được đài thọ hoặc đại biểu là khách mời của Chủ tịch AIPA 31 mời nêu trên), nhưng tuỳ theo tính chất công việc có thể bố trí thêm một số bữa ăn trưa hoặc ăn tối để trao đổi công việc giữa các Trưởng đoàn và cho các đại biểu khác của các nước tham dự hội nghị và phải được Trưởng Ban, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia AIPA 31 phê duyệt trong đề án tổ chức hội nghị. Mức chi tối đa như sau:
+ Ăn trưa hoặc ăn tối làm việc trưởng đoàn: Mức tối đa 1.200.000 đồng/suất.
+ Ăn trưa hoặc ăn tối cho các đại biểu khác: Mức tối đa 400.000 đồng/suất.
Mức chi trên bao gồm cả tiền đồ uống, chưa bao gồm các loại thuế phải trả nhà cung cấp dịch vụ theo quy định hiện hành.
– Các buổi làm việc còn lại chi giải khát giữa giờ, mức chi tối đa 300.000 đồng/người/1 ngày (2 buổi làm việc) và được áp dụng cho cả đại biểu của Việt Nam tham gia tiếp khách, làm việc.
a4) Về tặng phẩm cho các đại biểu:
– Trưởng đoàn và phu nhân/phu quân: Mức chi tối đa 5.000.000 đồng/người.
– Tổng thư ký AIPA và phu nhân; Trưởng đoàn đại biểu khác là khách mời của Chủ tịch AIPA 31: Mức chi tối đa 3.000.000 đồng/người.
– Các đại biểu khác: Mức chi tối đa 1.000.000 đồng/người.
Các nội dung chi khác đối với đại biểu và các đoàn khách dự Hội nghị cấp cao AIPA 31 (đón tiếp tại sân bay, tiêu chuẩn xe ô tô, tham quan, tham gia các hoạt động văn hóa thể thao …) thực hiện theo chương trình, đề án được Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia AIPA 31 phê duyệt.
b) Đối với cán bộ và nhân viên phục vụ Hội nghị Cấp cao AIPA 31:
– Tiền bồi dưỡng phục vụ Hội nghị: Cán bộ, nhân viên trực tiếp tham gia phục vụ Hội nghị (bao gồm cả ngày lễ, thứ bẩy và chủ nhật) được hưởng tiền bồi dưỡng làm nhiệm vụ theo các mức sau:
+ Các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia AIPA 31, Ban Tổ chức AIPA 31, Trưởng các Tiểu ban AIPA 31, Trưởng Ban Thư ký AIPA 31: 200.000 đồng/ngày/người.
+ Thành viên các Tiểu ban AIPA 31 và Ban Thư ký AIPA 31: 150.000 đồng/ngày/người.
+ Thành viên các Tổ, nhóm, ban công tác trực thuộc các Tiểu ban và Ban Thư ký AIPA 31 do Trưởng các Tiểu ban AIPA 31 ra quyết định bằng văn bản huy động phục vụ Hội nghị cấp cao AIPA 31: 120.000 đồng/ngày/người.
+ Sỹ quan liên lạc; nhân viên phục vụ (lực lượng bảo vệ, lái xe, lễ tân, tình nguyện viên); phóng viên báo chí Việt Nam tham gia đưa tin Hội nghị, do Trưởng Tiểu ban Lễ tân – Hậu cần – An ninh AIPA 31 phê duyệt danh sách: 100.000 đồng/ngày/người.
Trường hợp một người làm nhiều nhiệm vụ khác nhau trong một ngày, chỉ được hưởng một mức bồi dưỡng cao nhất.
Số ngày được hưởng tiền bồi dưỡng là số ngày chính thức diễn ra các Hội nghị. Trường hợp công việc phải triển khai sớm hoặc kết thúc muộn hơn so với số ngày Hội nghị chính thức sẽ thanh toán theo Quyết định phê duyệt của Trưởng Tiểu ban Lễ tân – Hậu cần – An ninh AIPA 31; mức bồi dưỡng được hưởng theo đúng chế độ và thời gian thanh toán tối đa không quá 15 ngày; khi đã hưởng tiền bồi dưỡng thì không được hưởng tiền làm thêm giờ (nếu có).
– Chi hỗ trợ cước điện thoại di động cho cán bộ, nhân viên:
Thực hiện khoán chi phí cước điện thoại trong thời gian tổ chức Hội nghị Cấp cao AIPA 31 theo các mức khoán như sau:
+ Các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia AIPA 31, Ban Tổ chức AIPA 31, Trưởng các Tiểu ban AIPA 31, Trưởng Ban Thư ký AIPA 31: 500.000 đồng/người.
+ Thành viên các Tiểu ban và Ban Thư ký AIPA 31: 300.000 đồng/người.
+ Trường hợp cần thiết, Trưởng Tiểu ban Lễ tân – Hậu cần – An ninh AIPA 31 quyết định danh sách cán bộ được thanh toán cước điện thoại di động hoặc được thuê máy điện thoại di động, khoán mức cước tối đa không quá 300.000 đồng/người.
c) Chi các cuộc họp báo trước và sau Hội nghị: Chi bồi dưỡng phóng viên Việt Nam tham dự 150.000 đồng/ngày/người; chi nước uống, hoa quả giữa giờ 70.000 đồng/ngày/người.
d) Chi cộng tác viên theo chuyên đề phục vụ các nội dung làm việc của Hội nghị: Do Trưởng Tiểu ban Nội dung – Tuyên truyền AIPA 31 quyết định, thống nhất với Trưởng Tiểu ban Lễ tân – Hậu cần – An ninh AIPA 31 áp dụng mức chi cho cộng tác viên theo chuyên đề tại khoản 1 Điều 13 Nghị quyết 773/2009/NQ-UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Một số mức chi tổ chức các Hội nghị cấp Bộ trưởng AIPA 31:
a) Đối với đại biểu và các đoàn khách dự các Hội nghị cấp Bộ trưởng:
Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06/01/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước.
Trường hợp do yêu cầu đối ngoại đặc biệt phát sinh thêm các hoạt động đặc thù khác hoặc một số mức chi cần phải cao hơn so với quy định hiện hành, thì thực hiện các nội dung chi và mức chi theo quyết định của Trưởng Ban hoặc Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia AIPA 31 phê duyệt.
b) Đối với cán bộ và nhân viên phục vụ các Hội nghị cấp Bộ trưởng:
– Tiền bồi dưỡng làm nhiệm vụ của cán bộ, công chức, sỹ quan liên lạc, nhân viên và các lực lượng phục vụ (lái xe, bảo vệ, lễ tân, tình nguyện viên, nhân viên hợp đồng ngắn hạn), phóng viên báo chí Việt Nam tham gia đưa tin Hội nghị, được áp dụng như mức chi tại Hội nghị cấp cao AIPA 31 nhưng thời gian thanh toán không quá 10 ngày cho một hội nghị.
– Chi hỗ trợ cước điện thoại di động của cán bộ, nhân viên:
Mức chi áp dụng khoán trong thời gian diễn ra mỗi Hội nghị cấp Bộ trưởng AIPA 31 như sau:
+ Trưởng các Tiểu ban và Trưởng Ban Thư ký AIPA 31: 300.000 đồng/người.
+ Thành viên các Tiểu ban và Ban thư ký AIPA 31: 200.000 đồng/người.
+ Trường hợp cần thiết, Trưởng Tiểu ban Lễ tân – Hậu cần – An ninh AIPA 31 quyết định danh sách cán bộ được thanh toán cước điện thoại di động, mức cước tối đa không quá 200.000 đồng/người.
c) Chi các cuộc họp báo trước và sau các Hội nghị: Chi bồi dưỡng phóng viên Việt Nam tham dự 150.000 đồng/ngày/người; chi nước uống, hoa quả giữa giờ 70.000 đồng/ngày/người.
3. Một số mức chi tổ chức các Hội nghị SOM:
a) Đối với Đại biểu và các đoàn khách dự các Hội nghị SOM:
Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06/01/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước.
b) Đối với cán bộ và nhân viên phục vụ các Hội nghị trên:
– Tiền bồi dưỡng làm nhiệm vụ của cán bộ, công chức, sỹ quan liên lạc, nhân viên và các lực lượng phục vụ (lái xe, bảo vệ, lễ tân, nhân viên hợp đồng ngắn hạn), phóng viên báo chí Việt Nam tham gia đưa tin Hội nghị, được áp dụng như mức chi tại Hội nghị Cấp cao AIPA 31. Thời gian thanh toán một đợt tối đa không quá 10 ngày.
– Chi hỗ trợ cước điện thoại di động cho cán bộ, nhân viên: Mức chi áp dụng như mức khoán phục vụ Hội nghị cấp Bộ trưởng.
4. Một số mức chi tổ chức các hoạt động bên lề Hội nghị Cấp cao AIPA 31:
a) Đối với các đại biểu dự các hoạt động bên lề Hội nghị cấp cao AIPA 31:
– Các đại biểu tham dự các hoạt động bên lề Hội nghị cấp cao AIPA 31 tự lo tiền vé máy bay, tiền ăn, ở, đi lại, lệ phí và các chi phí khác. Trường hợp đặc biệt thực hiện theo quyết định của Trưởng Ban hoặc Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia AIPA 31 phê duyệt.
– Giải khát giữa giờ: tối đa 70.000 đồng/ngày/người.
– Mỗi hoạt động chỉ tổ chức một bữa tiệc chiêu đãi (cả văn nghệ, đồ uống), mức chi tối đa 540.000 đồng/người (chưa bao gồm các loại thuế phải trả nhà cung cấp dịch vụ theo quy định hiện hành).
– Quà lưu niệm cho các đại biểu dự hội nghị tối đa 300.000 đồng/người.
b) Đối với cán bộ và nhân viên phục vụ các hoạt động bên lề Hội nghị cấp cao AIPA 31: Tiền bồi dưỡng làm nhiệm vụ của các lực lượng tham gia tổ chức, phục vụ (cán bộ, nhân viên, lái xe, bảo vệ, lễ tân, sỹ quan liên lạc, nhân viên hợp đồng ngắn hạn…) áp dụng mức chi 70.000 đồng/ngày/người. Thời gian thanh toán là thời gian chính thức tổ chức các sự kiện nhưng tối đa không quá 7 ngày.
Không thực hiện hỗ trợ cước điện thoại di động cho cán bộ và nhân viên phục vụ các hoạt động bên lề Hội nghị cấp cao AIPA 31.
5. Một số mức chi khác liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức các Hội nghị, các sự kiện AIPA 31:
a) Chi các cuộc họp có liên quan đến tổ chức các Hội nghị AIPA 31:
– Các cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia AIPA 31, Ban Tổ chức AIPA 31: 150.000 đồng/người/ cuộc.
– Các cuộc họp của các Tiểu ban, Ban Thư ký AIPA 31: 100.000 đồng/người/cuộc.
– Chi các cuộc họp khác thực hiện theo chế độ quy định tại Nghị quyết 773/2009/NQ-UBTVQH12 ngày 31/3/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong trường hợp các cuộc họp trên trùng với ngày chính thức diễn ra hội nghị thì chỉ được hưởng một khoản tiền chi thù lao bồi dưỡng cao nhất.
b) Đối với các Hội nghị được Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia AIPA 31 cho phép bố trí ăn, nghỉ tập trung cho các lực lượng tham gia phục vụ hội nghị (An ninh, y tế, bảo vệ, lái xe, lễ tân, tình nguyện viên…) thì mức chi ăn tối đa là 150.000 đồng/ngày/người (chưa tính các loại thuế, phí dịch vụ); mức chi phòng nghỉ theo tiêu chuẩn 02 người/phòng (hoặc 01 người/phòng trường hợp có lẻ người khác giới) theo hoá đơn thực tế của loại phòng tiêu chuẩn (Standard) tại khách sạn nơi tổ chức đón tiếp khách quốc tế và tổ chức Hội nghị quốc tế. Không chi bằng tiền nếu không tổ chức ăn, nghỉ tập trung.
c) Chi hỗ trợ thuê quần, áo đồng phục cho các Tình nguyện viên tham gia phục vụ Hội nghị Cấp cao AIPA 31, Hội nghị cấp Bộ trưởng, mức tối đa không quá 100.000 đồng/người/ngày.
d) Chi phí đoàn đi khảo sát và học tập kinh nghiệm nước ngoài: Thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức Nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài và chế độ chi khác (nếu có) theo Nghị quyết 773/2009/NQ-UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
đ) Chi phí xây dựng Website Hội nghị AIPA 31: Thực hiện theo Thông tư số 137/2007/TT-BTC ngày 28/11/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập tin điện tử thuộc công nghệ thông tin.
e) Chi dịch thuật: Thực hiện theo mức chi dịch thuật quy định tại Thông tư 01/2010/TT-BTC ngày 06/01/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước.
g) Chi tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, nhân viên phục vụ, tình nguyện viên…tham gia phục vụ các hoạt động AIPA 31: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 51/2008/TT-BTC ngày 16/6/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước.
h) Các khoản chi phát sinh theo thực tế chưa được quy định tại văn bản hướng dẫn này phải được Trưởng Ban hoặc Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia AIPA 31 phê duyệt; đồng thời phải đảm bảo đầy đủ các văn bản pháp lý, hồ sơ đấu thầu, hợp đồng, hoá đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp, hợp lệ.
i) Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ … thuê, mua ngoài để phục vụ các hoạt động AIPA 31 được thực hiện theo hình thức hợp đồng.
Chi mua sắm hoặc thuê tài sản, trang thiết bị, in ấn tài liệu, sản xuất biểu tượng, tặng phẩm… thực hiện theo quy định hiện hành về đấu thầu.
6. Trường hợp cán bộ, nhân viên Việt Nam phải đi công tác để phục vụ các hoạt động có liên quan trực tiếp đến năm AIPA 31; hoặc trường hợp phải bố trí chỗ nghỉ tập trung cho cán bộ Việt Nam tham gia đón tiếp khách quốc tế, thì chế độ đối với cán bộ Việt Nam tham gia đón, tiếp khách quốc tế, phục vụ các hội nghị, hội thảo quốc tế được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam (những ngày chính thức diễn ra các sự kiện AIPA 31: Hội nghị cấp cao, các Hội nghị Bộ trưởng, các Hội nghị SOM, các Hội nghị bên lề nếu đã được Ban Tổ chức hội nghị bố trí ăn, nghỉ tập trung thì không được thanh toán tiền công tác phí).
Trường hợp làm thêm giờ thì được thanh toán tiền làm thêm giờ theo Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ – Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Điều 4. Lập dự toán và quyết toán kinh phí
Việc lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí thực hiện theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước; Nghị quyết số 773/2009/NQ-UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trên cơ sở dự toán kinh phí do Văn phòng Quốc hội xây dựng, Bộ Tài chính thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng mức kinh phí tổ chức các hoạt động chuẩn bị; tổ chức và phục vụ năm Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AIPA 31.
Căn cứ tổng mức kinh phí đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính thực hiện giao bổ sung dự toán năm 2010 để Văn phòng Quốc hội tổ chức thực hiện.
Kinh phí tổ chức các hoạt động chuẩn bị; tổ chức và phục vụ năm Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch AIPA 31 được quyết toán riêng và hạch toán vào loại chi quản lý hành chính theo các mục tương ứng của Mục lục ngân sách nhà nước; cuối năm tổng hợp chung vào quyết toán ngân sách nhà nước của Văn phòng Quốc hội.
Điều 5. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.
2. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG Phạm Sỹ Danh |
THÔNG TƯ 70/2010/TT-BTC QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ CHI TIÊU TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM LÀM CHỦ TỊCH AIPA 31 DO BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 70/2010/TT-BTC | Ngày hiệu lực | 19/06/2010 |
Loại văn bản | Thông tư | Ngày đăng công báo | 25/05/2010 |
Lĩnh vực |
Tài chính công |
Ngày ban hành | 05/05/2010 |
Cơ quan ban hành |
Bộ tài chính |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |