56. Khai phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

Posted on

Khai phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là thủ tục hành chính mà cá nhân, tổ chức cần thực hiện khi có hoạt động khai thác khoáng sản thuộc đối tượng chịu phí. Việc thực hiện thủ tục này được thể hiện theo Nghị định 164/2016/NĐ-CP  và Thông tư 156/2013/TT-BTC. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể những nội dung như sau:

1. Đối tượng chịu phí và đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

a) Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

Căn cứ khoản 2 Điều 1 Nghị định 164/2016/NĐ-CP quy định:

Đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo quy định là hoạt động khai thác dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, khoáng sản kim loại và khoáng sản không kim loại.

b) Đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

Theo Điều 2 Nghị định 164/2016/NĐ-CP quy định: đối tượng nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản.

2. Mức phí và cách tính phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo quy định hiện hành

a) Mức phí:

Căn cứ Điều 4 Nghị định 164/2016/NĐ-CP quy định:

– Mức phí bảo vệ môi trường đối với:

+ Dầu thô: 100.000 đồng/tấn;

+ Khí thiên nhiên, khí than: 50 đồng/m3.

Lưu ý: Riêng khí thiên nhiên thu được trong quá trình khai thác dầu thô (khí đồng hành): 35 đồng/m3.

Khung mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản khác theo Biểu khung mức phí ban hành kèm theo Nghị định này.

Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng quy định tại Biểu mức thu ban hành kèm theo Nghị định này.

Lưu ý:  Căn cứ mức phí quy định tại Biểu khung mức phí ban hành kèm theo Nghị định này, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) quyết định cụ thể mức thu phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản áp dụng tại địa phương cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ.

b) Phương pháp tính phí

Căn cứ Điều 5 Nghị định 164/2016/NĐ-CP quy định: Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phải nộp trong kỳ nộp phí được tính theo công thức sau:

F = [(Q1 x f1) + (Q2 x f2)] x K

Trong đó:

– F là số phí bảo vệ môi trường phải nộp trong kỳ;

– Q1 là số lượng đất đá bốc xúc thải ra trong kỳ nộp phí (m3);

– Q2 là số lượng quặng khoáng sản nguyên khai khai thác trong kỳ (tấn hoặc m3);

– f1 là mức phí đối với số lượng đất đá bốc xúc thải ra: 200 đồng/m3;

– f2 là mức phí tương ứng của từng loại khoáng sản khai thác (đồng/tấn hoặc đồng/m3);

– K là hệ số tính phí theo phương pháp khai thác, trong đó:

+ Khai thác lộ thiên (bao gồm cả khai thác bằng sức nước như khai thác titan, cát, sỏi lòng sông): K = 1,1;

+ Khai thác hầm lò và các hình thức khai thác khác (khai thác dầu thô, khí thiên nhiên, nước khoáng thiên nhiên và các trường hợp còn lại): K = 1.

Lưu ý:

– Đối với số lượng đất đá bốc xúc thải ra trong quá trình khai thác than, không thu phí đến hết năm 2017.

– Số lượng đất đá bốc xúc thải ra (Q1) trong kỳ nộp phí được xác định căn cứ vào tài liệu dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc căn cứ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường và các tài liệu liên quan được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

+ Số phí phải nộp đối với số lượng đất đá bốc xúc thải ra phát sinh trong kỳ nộp phí căn cứ vào khối lượng đất đá bốc xúc tính trên khối lượng (tấn hoặc m3) quặng khoáng sản nguyên khai khai thác trong kỳ.

+ Trường hợp trong tài liệu dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ, báo cáo đánh giá tác động môi trường và các tài liệu liên quan không có thông tin về số lượng đất đá bốc xúc thải ra thì việc kê khai, nộp phí căn cứ vào số lượng đất đá bốc xúc thực tế thải ra trong kỳ.

Số lượng khoáng sản khai thác trong kỳ để xác định số phí bảo vệ môi trường phải nộp là số lượng khoáng sản nguyên khai khai thác thực tế trong kỳ nộp phí (Q2).

+ Trường hợp khoáng sản khai thác phải qua sàng, tuyển, phân loại, làm giàu trước khi bán ra và các trường hợp khác mà cần thiết phải quy đổi, căn cứ điều kiện thực tế khai thác và công nghệ chế biến khoáng sản trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Cục thuế địa phương để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tỷ lệ quy đổi từ số lượng khoáng sản thành phẩm ra số lượng khoáng sản nguyên khai làm căn cứ tính phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

– Trường hợp trong quá trình khai thác mà thu được thêm loại khoáng sản khác thuộc loại khoáng sản được cấp phép thì người nộp phí phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với quặng khoáng sản (Q2) theo mức thu của loại khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác.

– Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác đá làm mỹ nghệ theo cả khối lớn thì áp dụng mức thu phí quy định tại điểm 2 Mục II Biểu khung mức phí ban hành kèm theo Nghị định này.

– Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đótrường hợp đất, đá khai thác để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, phòng chống thiên tai, khắc phục, giảm nhẹ thiên tai thì không phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản đó.

3. Một số lưu ý khi khai phí bảo vệ môi trường đối với trường hợp khai thác khoáng sản

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 19 Thông tư 156/2013/TT-BTC và Điều 6 Nghị định 164/2016/NĐ-CP quy định:

a) khai phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

– Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là loại khai theo tháng và quyết toán năm.

Lưu ý:  Đối với trường hợp người nộp phí thuộc diện bị ấn định số phí phải nộp, thực hiện theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn.

– Trường hợp trong tháng không phát sinh phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, người nộp phí vẫn phải kê khai và nộp tờ khai nộp phí với cơ quan Thuế.

– Trường hợp tổ chức thu mua gom khoáng sản phải đăng ký nộp thay người khai thác thì tổ chức đó có trách nhiệm nộp hồ sơ khai phí bảo vệ môi trường với cơ quan thuế quản lý cơ sở thu mua khoáng sản.

b) Thời hạn kê khai, địa điểm kê khai và động tiền nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản

–  Thời hạn kê khai phí bảo vệ môi trường với cơ quan thuế chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo.

Địa điểm kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô, khí thiên nhiên và khí than là Cục thuế địa phương nơi người nộp phí đặt văn phòng điều hành chính.

Đồng tiền nộp phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là đồng Việt Nam.

Kết luận: Khai phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản là thủ tục hành chính mà cá nhân, tổ chức cần thực hiện khi có hoạt động khai thác khoáng sản thuộc đối tượng chịu phí. Khi thực hiện cá nhân, tổ chức cần xem quy định tại Nghị định 164/2016/NĐ-CP  và Thông tư 156/2013/TT-BTC.  

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây: Khai phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản