Thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh (đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh)
Doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh phải thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh khi muốn bổ sung, thay đổi. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014(sửa đổi bổ sung bởi Luật số 03/2016/QH14), Nghị định số 59/2016/NĐ-CP , Nghị định 78/2015/NĐ-CP, Nghị định 50/2016/NĐ-CP, Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT.
1. Giải thích các khái niệm liên quan đến ngành, nghề kinh doanh.
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2014 và Khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư 2014 các cá nhân, tổ chức có quyền tự do kinh doanh trong tất cả các ngành, nghề và lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có nghĩa vụ “đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh” (Khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp). Trên cơ sở đó, các ngành, nghề kinh doanh về cơ bản được chia thành các nhóm sau:
– Các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh: Ngành nghề không được phép kinh doanh, danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh quy định tại Điều 6 Luật đầu tư 2014 (sửa đổi bổ sung bởi Luật số 03/2016/QH14)
– Các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện: Ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư 2014 (sửa đổi bổ sung bởi Luật số 03/2016/QH14)
– Ngành nghề hạn chế kinh doanh: Quy định tại Phụ lục II Nghị định số 59/2016/NĐ-CP đã sửa đổi bổ sung
– Các ngành, nghề được tự do kinh doanh: không thuộc các loại trên.
2. Quy định về đăng ký thay đổi ngành, nghề kinh doanh.
Hiện nay, danh mục ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp không còn được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà thể hiện trên Giấy xác nhận về việc thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi phát sinh các lĩnh vực kinh doanh ngoài danh mục doanh nghiệp đã đăng ký trước đây, doanh nghiệp vẫn bắt buộc phải đăng ký bổ sung, thay đổi ngành nghề đăng ký kinh doanh. Theo quy định tại Điều 32 Luật doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Theo Điều 49 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi có thay đổi, doanh nghiệp gửi Thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký. Nội dung Thông báo bao gồm:
– Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp, mã số thuế);
– Ngành, nghề đăng ký bổ sung hoặc thay đổi;
– Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Kèm theo Thông báo cần phải có thêm các giấy tờ sau đây:
– Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên: Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên.
– Đối với công ty cổ phần: Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của của Đại hội đồng cổ đông.
– Đối với công ty hợp danh: Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của các thành viên hợp danh.
– Đối với công ty TNHH một thành viên: Quyết định của chủ sở hữu công ty về việc bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh.
– Đối với doanh nghiệp được cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương thì ngoài các giấy tờ nêu trên, doanh nghiệp nộp kèm theo: Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đầu tư; Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế; Giấy đề nghị bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp quy định tại Phụ lục II-18 Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT.
Lưu ý: Quyết định, biên bản họp phải ghi rõ những nội dung được thay đổi trong Điều lệ công ty.
3. Quy định xử lý vi phạm hành chính khi doanh nghiệp không thông báo bổ sung, thay đổi ngành nghề kinh doanh
Theo Điều 31 Nghị định 50/2016/NĐ-CP, Doanh nghiệp vi phạm quy định về về việc thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp sẽ bị xử lý như sau:
– Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 01 đến 30 ngày.
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 31 đến 90 ngày.
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên.
Bân cạnh đó, Doanh nghiệp cũng phải có biện pháp khắc phục hậu quả bằng cách thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh các nội dung theo quy định đối với hành vi vi phạm trên.
Kết luận: Doanh nghiệp bắt buộc phải đăng ký bổ sung, thay đổi ngành nghề đăng ký kinh doanh và có nghĩa vụ thông báo theo Điều 49 Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ thông báo, doanh nghiệp sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo từng mức phạt cụ thể quy định tại Điều 31 Nghị định 50/2016/NĐ-CP, Khoản 4 Điều 49 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Thủ tục | Nội dung |
---|