QUYẾT ĐỊNH 74/QĐ-VKSTC NĂM 2019 VỀ QUY CHẾ TRANG BỊ, SỬ DỤNG VÀ THANH TOÁN CƯỚC PHÍ ĐIỆN THOẠI CHO CÔNG CHỨC LÃNH ĐẠO CÁC CẤP TRONG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN DO VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 19/09/2019

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 74/QĐ-VKSTC

Hà Nội, ngày 19 tháng năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TRANG BỊ, SỬ DỤNG VÀ THANH TOÁN CƯỚC PHÍ ĐIỆN THOẠI CHO CÔNG CHỨC LÃNH ĐẠO CÁC CẤP TRONG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN

VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014;

Căn cứ Thông tư số 29/2003/TT-BTC ngày 24/4/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động đối với cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội;

Căn cứ Quyết định số 17/VBHN-BTC ngày 04/3/2014 của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động đối với cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội;

Căn cứ tính chất, yêu cầu và tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác chuyên môn đặc thù của ngành Kiểm sát nhân dân;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kế hoạch – Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế về trang bị, sử dụng và thanh toán cước phí điện thoại cho công chức lãnh đạo các cấp trong ngành Kiểm sát nhân dân”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao 1, 2,3, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nơi nhận:
– Như Điều 3;
– Đ/c Lê Minh Trí, Viện trưởng (để 
b/c);
– Bộ T
ài chính (để phối hợp);
– Lưu VT, Cục 3(VT, LĐC, các phòng).

KT. VIỆN TRƯỞNG
PHÓ VIỆN TRƯỞNG

Bùi Mạnh Cường

 

QUY CHẾ

VỀ TRANG BỊ, SỬ DỤNG VÀ THANH TOÁN CƯỚC PHÍ ĐIỆN THOẠI CHO CÔNG CHỨC LÃNH ĐẠO CÁC CẤP TRONG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 74/QĐ-VKSTC ngày 19  tháng 9 năm 2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)

Điện thoại cố định trang bị tại nhà riêng và điện thoại di động là tài sản của Nhà nước trang bị cho công chức lãnh đạo thuộc Viện kiểm sát nhân dân (viết tắt là VKSND) các cấp sử dụng vào các hoạt động công vụ. Việc trang bị, sử dụng và thanh toán cước phí điện thoại cho cá nhân được quy định thực hiện thống nhất trong Ngành.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này điều chỉnh về trang bị, sử dụng và thanh toán cước phí điện thoại cho công chức lãnh đạo các cấp trong ngành Kiểm sát nhân dân để sử dụng vào các hoạt động công vụ.

2. Đối tượng áp dụng: Các đơn vị và cá nhân có liên quan trong việc trang bị, sử dụng và thanh toán cước phí điện thoại theo quy chế này.

Điều 2. Nguyên tắc áp dụng

– Việc trang bị, sử dụng và thanh toán cước phí điện thoại cho công chức lãnh đạo các cấp trong ngành Kiểm sát nhân dân phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải được qui định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị;

– Đối tượng được trang bị điện thoại phải bảo quản, sử dụng theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công;

– Điện thoại trang bị cho cá nhân phải được đăng ký quản lý trên sổ sách của cơ quan, đơn vị.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Đối tượng được trang bị điện thoại

1. Việc trang bị điện thoại cố định, điện thoại di động và thanh toán cước phí của đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao được thực hiện theo Quy định số 68-QĐ/TW ngày 21/10/1999 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Hướng dẫn số 10 HD/TCTW ngày 29/12/1999 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về việc thực hiện một số chế độ chính sách đối với cán bộ cấp cao.

2. Công chức lãnh đạo được trang bị 01 máy điện thoại cố định tại nhà riêng, bao gồm:

a) Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

b) Kiểm sát viên VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao 1, 2, 3;

c) Chánh Văn phòng VKSND tối cao, Vụ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Cục trưởng Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin, Cục trưởng Cục Kế hoạch – Tài chính, Chánh Thanh tra VKSND tối cao, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát, Tổng biên tập Báo Bảo vệ pháp luật, Phó Viện trưởng VKSND cấp cao 1, 2, 3, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh và cán bộ lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,0 đến dưới 1,2 thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

d) Phó Chánh Văn phòng VKSND tối cao, Phó Vụ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin, Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch – Tài chính, Phó Chánh Thanh tra VKSND tối cao, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh, Phó Tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát, Phó Tổng biên tập Báo Bảo vệ pháp luật, Chánh Văn phòng và Viện trưởng Viện nghiệp vụ VKSND cấp cao 1, 2, 3, Phó Viện trưởng VKSND cấp tỉnh và cán bộ lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,8 đến dưới 1,0 trong ngành KSND;

e) Trưởng phòng VKSND tối cao, Phó Chánh Văn phòng và Phó Viện trưởng  Viện nghiệp vụ VKSND cấp cao 1, 2, 3, Trưởng phòng, Kế toán trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện, Thư ký Lãnh đạo VKSND tối cao.

3. Công chức lãnh đạo được trang bị 01 máy điện thoại di động, bao gồm:

a) Các đối tượng nêu tại Khoản 2 Điều này, ngoài việc trang bị một máy điện thoại cố định tại nhà riêng còn được trang bị 01 máy điện thoại di động (Trừ Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện);

b) Kiểm sát viên cao cấp, Điều tra viên cao cấp;

c) Kiểm tra viên cao cấp, Chuyên viên cao cấp.

Điều 4. Mức trang bị điện thoại cố định và di động

1. Việc trang bị điện thoại cố định, điện thoại di động và quy định mức thanh toán chi phí mua máy, lắp đặt và cước phí hàng tháng đối với Viện trưởng VKSND tối cao thực hiện theo quy định của Ban Tổ chức Trung ương Đảng.

2. Công chức lãnh đạo được trang bị điện thoại cố định tại nhà riêng và điện thoại di động được cơ quan, đơn vị quản lý cấp một khoản kinh phí (khoán) để thanh toán chi phí lắp đặt ban đầu để cán bộ đó tự ký hợp đồng lắp đặt với cơ quan bưu điện, gồm:

a) Tiền mua máy: 300.000 đồng/máy đối với điện thoại cố định và 3.000.000 đồng/máy đối với điện thoại di động.

Cơ quan chủ quản có trách nhiệm mở sổ theo dõi việc trang bị điện thoại cho các cán bộ được trang bị điện thoại trong cơ quan theo các nội dung:

– Số điện thoại liên lạc;

– Loại máy điện thoại trang bị (tên máy và số hiệu sản xuất của máy).

b) Chứng từ thanh toán chi phí mua máy, chi phí lắp đặt máy, chi phí hoà mạng (hoặc cài đặt) bao gồm:

– Quyết định của Thủ trưởng đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách về việc cấp tiền mua máy điện thoại cho cho cán bộ có tiêu chuẩn được trang bị điện thoại;

– Bảng kê danh sách công chức lãnh đạo nhận tiền mua máy điện thoại, có chữ ký của từng người nhận tiền theo đúng tiêu chuẩn qui định.

Điều 5. Mức thanh toán cước phí

Hàng tháng, cùng với kỳ trả lương, cơ quan, đơn vị quản lý thanh toán tiền cước sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng, điện thoại di động cho đối tượng được tiêu chuẩn trang bị theo các mức như sau:

1. Các đối tượng nêu tại các điểm a, b của Khoản 2 Điều 3: mức 200.000 đ/tháng đối với điện thoại cố định và 400.000 đ/tháng đối với điện thoại di động;

2. Các đối tượng nêu tại điểm c của Khoản 2 Điều 3: mức 100.000 đ/tháng đối với điện thoại cố định và 250.000 đ/tháng đối với điện thoại di động;

3. Các đối tượng nêu tại điểm d của Khoản 2 Điều 3: mức 100.000 đ/tháng đối với điện thoại cố định và 200.000 đ/tháng đối với điện thoại di động;

4. Các đối tượng nêu tại điểm e của Khoản 2 Điều 3: mức 100.000 đ/tháng đối với điện thoại cố định và 150.000 đ/tháng đối với điện thoại di động. Riêng Phó Viện trưởng cấp huyện chỉ được thanh toán cước phí điện thoại cố định, không thanh toán cước phí điện thoại di động;

5. Các đối tượng nêu tại điểm b của Khoản 3 Điều 3: mức thanh toán cước phí điện thoại di động là 150.000 đ/tháng;

6. Các đối tượng nêu tại điểm c của Khoản 3 Điều 3: mức thanh toán cước phí điện thoại di động là 130.000 đ/tháng.

7. Trường hợp công chức lãnh đạo được trang bị điện thoại cố định tại nhà riêng và điện thoại di động sau khi chuyển sang đảm nhận công tác mới không thuộc diện được trang bị điện thoại hoặc sau khi có quyết định nghỉ hưu, nghỉ công tác thì cơ quan, đơn vị  quản lý cán bộ chỉ được thanh toán tiền cước sử dụng điện thoại cho cán bộ đó đến hết tháng có quyết định chuyển công tác hoặc quyết định nghỉ hưu, nghỉ công tác. Riêng công chức lãnh đạo thuộc các đối tượng nêu tại các điểm a, b Khoản 2 Điều 3 Quy chế này khi nghỉ hưu, nghỉ công tác được cơ quan, đơn vị quản lý tiếp tục thanh toán cước phí sử dụng điện thoại cố định tại nhà riêng trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày có quyết định nghỉ hưu, nghỉ công tác.

Điều 6. Nguồn kinh phí chi trả

Kinh phí bảo đảm cho việc lắp đặt ban đầu (gồm tiền mua máy, chi phí lắp đặt máy, chi phí hòa mạng hoặc cài đặt) và thanh toán cước phí sử dụng điện thoại hàng tháng cho các đối tượng được trang bị điện thoại cố định tại nhà riêng và điện thoại di động được lấy từ dự toán ngân sách giao tự chủ hàng năm của đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách.

Đối với đơn vị sự nghiệp có thu thực hiện chế độ tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, việc thanh toán tiền cước sử dụng điện thoại theo Thông tư 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ và Quy chế này. Kinh phí mua sắm và thanh toán tiền cước phí sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động do đơn vị tự bảo đảm trong nguồn tài chính của đơn vị.

Chi phí lắp đặt ban đầu và cước phí sử dụng điện thoại hàng tháng cho các đối tượng được trang bị điện thoại được hạch toán như sau:

– Tiền khoán mua máy, chi phí lắp đặt máy, chi phí hòa mạng (hoặc cài đặt) hạch toán vào tiểu mục 6618, mục 6600 “thông tin tuyên truyền, liên lạc”;

– Cước phí khoán sử dụng điện thoại hàng tháng hạch toán vào tiểu mục 6601, mục 6600.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Trách nhiệm thực hiện

1. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong ngành KSND có trách nhiệm thực hiện trang bị và thanh toán cước phí điện thoại cố định tại nhà riêng, điện thoại di động theo đúng Quy chế này và phải quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị mình theo qui định tại Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30/5/2014 của liên bộ Tài chính, Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ qui định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với cơ quan nhà nước (trong đó quy định đối tượng nào, thuộc đơn vị nào được trang bị điện thoại cố định tại nhà riêng, đối tượng nào được trang bị điện thoại di động, mức trang bị cho từng đối tượng).

2. Cục trưởng Cục Kế hoạch – Tài chính có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Quy chế này trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký Quyết định ban hành.

2. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Cục Kế hoạch – tài chính) để được giải quyết./.

 

 

 

QUYẾT ĐỊNH 74/QĐ-VKSTC NĂM 2019 VỀ QUY CHẾ TRANG BỊ, SỬ DỤNG VÀ THANH TOÁN CƯỚC PHÍ ĐIỆN THOẠI CHO CÔNG CHỨC LÃNH ĐẠO CÁC CẤP TRONG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN DO VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 74/QĐ-VKSTC Ngày hiệu lực 19/09/2019
Loại văn bản Quyết định Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Tài chính công
Ngày ban hành 19/09/2019
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản