HƯỚNG DẪN 02/HD-VKSTC-VP NĂM 2013 CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BÁO CÁO TÌNH HÌNH CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP DO VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 09/01/2013

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
——–

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 02/HD-VKSTC-VP

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 2013

 

HƯỚNG DẪN

CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BÁO CÁO TÌNH HÌNH CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Đảm bảo cho lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp quản lý đầy đủ, chính xác tình hình, kịp thời có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp; phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Đảm bảo cho công tác tổng hợp, xây dựng các báo cáo công tác của Viện kiểm sát nhân dân các cấp, đặc biệt là báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại các kỳ họp của Quốc hội, báo cáo các cơ quan của Đảng và Nhà nước, báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân trước Hội đồng nhân dân cùng cấp,… phản ánh đầy đủ tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp.

2. Yêu cầu

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát và những quy định của pháp luật (Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật thi hành án hình sự, Luật thi hành án dân sự, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, pháp luật tổ chức điều tra hình sự,…) kịp thời phát hiện những vi phạm pháp luật, xác định nguyên nhân, hậu quả của hành vi vi phạm để có biện pháp yêu cầu khắc phục, hạn chế vi phạm.

Qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát phải quản lý chặt chẽ, đầy đủ, toàn diện thông tin, số liệu phản ánh tình hình chấp hành pháp luật của các cơ quan trong hoạt động tư pháp. Báo cáo đầy đủ, trung thực, chính xác, kịp thời về tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp thuộc trách nhiệm của đơn vị mình.

II. CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÌNH HÌNH CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP

Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát các cấp có trách nhiệm phát hiện, cập nhật, quản lý, theo dõi chặt chẽ những thông tin, số liệu phản ánh tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và hoạt động bổ trợ tư pháp. Tập trung phát hiện những vi phạm pháp luật về trình tự, thủ tục; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người tiến hành tố tụng.

1. Đối với Cơ quan điều tra

1.1. Trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

Những vi phạm về trình tự, thủ tục tiếp nhận, thụ lý và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra (thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) và các cơ quan khác được giao một số hoạt động điều tra ban đầu (Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm,…).

– Không tiếp nhận, tiếp nhận không đầy đủ, không thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm theo đúng thẩm quyền; Thụ lý giải quyết không đúng thẩm quyền; Không giải quyết, chậm tiến hành xác minh, giải quyết; vi phạm thời hạn về việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm (số tố giác, tin báo quá hạn 01 tháng, 02 tháng, 3 tháng, trên 6 tháng, trên 1 năm);

– Không ra các quyết định giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm (quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự); Không thông báo việc thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm cho Viện kiểm sát cùng cấp; không chuyển các quyết định và hồ sơ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đến Viện kiểm sát để thực hiện chức năng kiểm sát;

– Những vi phạm khác trong việc tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

1.2. Công tác điều tra các vụ án hình sự

Những vi phạm về trình tự, thủ tục, thẩm quyền khởi tố, điều tra của Cơ quan điều tra, các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu. Cụ thể:

– Thực hiện quy định về thẩm quyền điều tra (cấp điều tra, cơ quan điều tra); thời hạn điều tra; Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, của Điều tra viên trong hoạt động điều tra;

– Khởi tố vụ án hình sự (căn cứ, quyết định khởi tố, thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án, quyết định không khởi tố,…); Khởi tố bị can, việc thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can; Áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn (bắt, tạm giữ, tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú,…);

– Hoạt động điều tra: hỏi cung bị can (lưu ý về những hành vi bức cung, mớm cung, dụ cung và nhục hình); lấy lời khai người làm chứng, nguyên đơn,…; khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; thực nghiệm điều tra; giám định; khám xét, thu giữ, kê biên; hoạt động điều tra, xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ khác;…; Thực hiện các quy định về tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra vụ án, bị can; truy nã; phục hồi điều tra;

– Thực hiện các yêu cầu điều tra; các quy định của pháp luật về việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; Việc chuyển hồ sơ, tài liệu, lệnh, quyết định đến Viện kiểm sát; việc giao nhận tài liệu khác;

– Chấp hành các quy định của pháp luật bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can thực hiện quyền bào chữa; người bào chữa tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi của bị can trong quá trình điều tra;

– Thực hiện các quy định về thông báo tiếp xúc lãnh sự trong các vụ án liên quan đến người nước ngoài;

– Những vi phạm khác trong hoạt động khởi tố, điều tra các vụ án hình sự.

Những kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động khởi tố, điều tra vụ án hình sự (số lượng, nội dung); việc chấp hành những kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát (đã thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không thực hiện, lý do).

1.3. Công tác quản lý việc tạm giữ, tạm giam

– Những vi phạm pháp luật trong việc tổ chức quản lý người bị tạm giữ, tạm giam: Vi phạm về trình tự, thủ tục đưa người vào nhà tạm giữ, trại tạm giam; Các hành vi xâm phạm đến người bị tạm giữ, tạm giam; Để xảy ra quá hạn tạm giữ, tạm giam; Để người bị tạm giữ, tạm giam vi phạm kỷ luật nơi giam, giữ, phạm tội mới; Vi phạm dẫn đến việc người bị tạm giữ, tạm giam trốn, chết, tự sát;

– Những vi phạm trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người bị tạm giữ, tạm giam (nơi tạm giữ, tạm giam, chế độ ăn uống, sinh hoạt, nhận quà,..);

Những kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động tạm giữ, tạm giam (số lượng, nội dung); việc chấp hành những kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát (đã thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không thực hiện, lý do).

1.4.Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp

Tình hình, kết quả chấp hành các quy định pháp luật về tiếp nhận, thụ lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp của các cơ quan tư pháp:

– Những vi phạm về việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo; Vi phạm thẩm quyền thụ lý giải quyết đơn; Vi phạm về trình tự, thủ tục giải quyết đơn;

– Những vi phạm khác trong giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra và cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra ban đầu.

Những kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động điều tra, quản lý tạm giữ, tạm giam (số lượng, nội dung kiến nghị, yêu cầu); việc chấp hành những kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát (đã thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không thực hiện, lý do).

2. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng

2.1. Công tác thi hành án hình sự:

– Những vi phạm pháp luật trong việc tổ chức, quản lý người thi hành án phạt tù, thi hành án tử hình: Hành vi nhục hình, xâm phạm thân thể, tính mạng phạm nhân; Để phạm nhân trốn, chết, tự sát; Để phạm nhân vi phạm kỷ luật, phạm tội mới; Chậm áp giải, truy nã; Chậm xác minh, truy bắt đối tượng trốn thi hành án; Những vi phạm trong việc thi hành án tử hình.

– Những vi phạm trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với phạm nhân (nơi giam, chế độ ăn uống, sinh hoạt, lao động, cải tạo, chính sách khác);

– Việc lập hồ sơ quản lý đề nghị và xét miễn chấp hành án phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù: Trong việc lập hồ sơ quản lý phạm nhân; Về việc thực hiện các điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục xét miễn chấp hành án phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù.

– Việc lập hồ sơ quản lý đề nghị đặc xá: Trong việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá; Về thực hiện các điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục đề nghị và xét đặc xá.

Những kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong thi hành án hình sự (số lượng, nội dung); việc chấp hành những kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát (đã thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không thực hiện, lý do).

2.2. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án hình sự

Tình hình, kết quả chấp hành các quy định pháp luật về tiếp nhận, thụ lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về thi hành án hình sự:

– Những vi phạm về việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo; Vi phạm thẩm quyền giải quyết đơn; Vi phạm về trình tự, thủ tục giải quyết đơn;

– Những vi phạm khác trong giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp thuộc thẩm quyền.

Những kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong công tác thi hành án hình sự (số lượng, nội dung kiến nghị, yêu cầu); việc chấp hành những kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát (đã thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không thực hiện, lý do).

3. Đối với Tòa án nhân dân

3.1. Công tác xét xử các vụ án hình sự

– Những vi phạm trong việc chấp hành các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thẩm quyền xét xử, giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử, về việc chuyển vụ án;

– Vi phạm trong giai đoạn chuẩn bị xét xử: Về thời hạn chuẩn bị xét xử; Về việc áp dụng, thay đổi biện pháp ngăn chặn; Quyết định đưa vụ án ra xét xử; Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án; Việc triệu tập những người cần xét hỏi; Chuyển hoặc giao các quyết định, lệnh, giấy triệu tập,…

– Chấp hành các quy định chung về thủ tục tố tụng tại phiên tòa: Việc thực hiện nguyên tắc xét xử; Về thành phần hội đồng xét xử; Quyết định về sự vắng mặt tại phiên tòa của người bào chữa, người làm chứng, người giám định, đương sự khác; Thời gian hoãn phiên tòa; Về giới hạn của việc xét xử; Về lập biên bản phiên tòa; Việc ra các quyết định, bản án;

– Những vi phạm trong việc thực hiện các quy định thủ tục xét hỏi tại phiên tòa; các quy định về tranh luận tại phiên tòa; Những vi phạm trong nghị án và tuyên án. Việc giao bản án; thực hiện các quy định về thông báo kháng cáo, kháng nghị;

– Chấp hành các quy định về thủ tục xét xử phúc thẩm, thủ tục xét xử giám đốc thẩm, thủ tục xét xử tái thẩm: phạm vi xét xử; thời hạn xét xử; Việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; Về thành phần Hội đồng xét xử; Những người tham gia phiên tòa phúc thẩm; Việc bổ sung, xem xét chứng cứ tại Tòa án cấp phúc thẩm; Thủ tục phiên toà phúc thẩm; Bản án phúc thẩm và thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm; Việc sửa bản án sơ thẩm; Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại; Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án; Phúc thẩm những quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm. Việc giao bản án và quyết định phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm;

– Chấp hành thủ tục xét xử đối với người chưa thành niên; Việc thực hiện xét xử theo thủ tục rút gọn;

– Thực hiện các quy định về áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;

– Việc chấp hành các quy định của pháp luật đảm bảo cho người bào chữa, luật sư tham gia tố tụng, bảo vệ quyền lợi của bị can trong quá trình điều tra;

– Vi phạm các quy định pháp luật trong giải quyết đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;

Những kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong việc xét xử (số lượng, nội dung kiến nghị, yêu cầu); việc chấp hành những kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát (đã thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không thực hiện, lý do).

3.2. Công tác giải quyết các vụ, việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật

– Những vi phạm trong việc thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật:

+ Vi phạm về việc thụ lý;thẩm quyền giải quyết. Vi phạm trong việc tiếp nhận, xác minh, thu thập, sử dụng chứng cứ; lấy lời khai đương sự, người có liên quan; trưng cầu giám định; định giá tài sản. Vi phạm trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Các quy định trong giai đoạn chuẩn bị xét xử;Việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng; Thực hiện các quy định về thời hạn tố tụng;Thực hiện các quy định về án phí, lệ phí và các chi phí tố tụng khác;

+ Những vi phạm các quy định pháp luật tại phiên tòa sơ thẩm;

+ Những vi phạm về thủ tục xét xử phúc thẩm; thủ tục giám đốc thẩm; thủ tục tái thẩm;

+ Vi phạm trong việc thông báo, gửi các quyết định, bản án cho Viện kiểm sát để thực hiện chức năng, nhiệm vụ; trong việc chuyển, giao những bản án, quyết định cho cơ quan, cá nhân;

+ Vi phạm trong việc thực hiện các quy định pháp luật về giải quyết đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm;

 Những vi phạm trong việc giải quyết các việc dân sự và những việc khác theo quy định của pháp luật (như các tiêu chí trên);

 Những vi phạm pháp luật tố tụng khác trong lĩnh vực công tác này.

Những kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật (số lượng, nội dung kiến nghị, yêu cầu); việc chấp hành những kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát (đã thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không thực hiện, lý do).

3.3. Công tác thi hành án hình sự

– Những vi phạm về trình tự, thủ tục, thời hạn ra các quyết định hoãn, miễn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù; trong việc tổ chức thi hành án hình sự;

– Thời hạn chuyển giao các bản án đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan thi hành án; việc giải thích các bản án, quyết định của Tòa án;

3.4. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp

– Những vi phạm về việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo; Vi phạm thẩm quyền thụ lý giải quyết đơn; Vi phạm về trình tự, thủ tục giải quyết đơn;

– Những vi phạm khác trong giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp thuộc thẩm quyền.

Những kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo (số lượng, nội dung kiến nghị, yêu cầu); việc chấp hành những kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát (đã thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không thực hiện, lý do).

4. Đối với Cơ quan thi hành án dân sự

4.1. Công tác thi hành án dân sự:

– Những vi phạm trong việc tiếp nhận, thụ lý đơn đề nghị thi hành án; Vi phạm trong quá trình ra các quyết định về thi hành án dân sự; Vi phạm trong việc phân loại việc có điều kiện, không có điều kiện thi hành;

– Những vi phạm về việc xác minh điều kiện thi hành án (chậm tổ chức thi hành án, không tổ chức xác minh,…);

– Những vi phạm pháp luật của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên trong việc thi hành án dân sự (trình tự, thủ tục; hoãn thi hành án, tạm đình chỉ, việc xét miễn, giảm tiền thi hành án; tổ chức cưỡng chế,…);

– Vi phạm quy đnh pháp luật trong tổ chức định giá, bán đấu giá,…; trong việc quản lý tiền thi hành án, việc chi trả tiền thi hành án,…;

– Những vi phạm pháp luật khác.

4.2. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp

– Những vi phạm về việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo; Vi phạm thẩm quyền thụ lý giải quyết đơn; Vi phạm về trình tự, thủ tục giải quyết đơn;

– Những vi phạm khác trong giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp thuộc thẩm quyền.

Những kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự (số lượng, nội dung kiến nghị, yêu cầu); việc chấp hành những kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát (đã thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không thực hiện, lý do).

5. Đối với các cơ quan bổ trợ tư pháp và cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động tư pháp

5.1. Các cơ quan, Ủy ban nhân dân cấp xã trong công tác thi hành án hình sự:

– Những vi phạm pháp luật trong việc thi hành các bản án phạt tù nhưng cho hưởng án treo, hình phạt cải tạo không giam giữ, quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định: Về trình tự, thủ tục; Việc giám sát, giáo dục, nhận xét đánh giá quá trình cải tạo của người thi hành án treo, cải tạo không giam, giữ.

Những kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của (số lượng, nội dung); việc chấp hành những kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát (đã thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không thực hiện, lý do).

5.2. Người bào chữa (luật sư, bào chữa viên nhân dân):

– Số lượng luật sư tham gia tố tụng hình sự: Trong giai đoạn điều tra (theo yêu cầu của pháp luật, theo đề nghị của người bị tạm giữ, bị can, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan); Trong giai đoạn truy tố (theo yêu cầu của pháp luật; theo đề nghị của bị can); Trong giai đoạn xét xử (theo yêu cầu của pháp luật; theo đề nghị của bị cáo); Trong cả 3 giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử (theo yêu cầu của pháp luật; theo đề nghị của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo);

– Số lượng luật sư, bào chữa viên nhân dân tham gia tố tụng dân sự, hành chính,…

– Việc tham gia và chấp hành pháp luật của bào chữa viên nhân dân, luật sư: Vi phạm trong giai đoạn điều tra, truy tố; trong giai đoạn chuẩn bị xét xử các vụ, việc dân sự, án hành chính;…; Những vi phạm trong giai đoạn xét xử, tại phiên tòa (hình sự; dân sự; hành chính;…).

5.3. Giám định viên, phiên dịch, công chứng viên và những người khác:

– Tình hình chấp hành pháp luật của cơ quan giám định, giám định viên: Số lượng vụ, việc cần giám định, có sự tham gia giám định viên (về hình sự; dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại;…); Số lượng kết quả giám định có vi phạm (trong đó: vi phạm về thời hạn; vi phạm về hình thức; về nội dung); Số lượng kết quả giám định phải giám định lại (giám định lần 1; kết quả giám định lần 2;…);

– Tình hình chấp hành pháp luật của người phiên dịch;

– Tình hình chấp hành pháp luật của Công chứng viên;

– Vi phạm pháp luật của những người khác trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính;

Những kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của giám định viên, phiên dịch, công chứng viên,… (số lượng, nội dung); việc chấp hành những kiến nghị, yêu cầu của Viện kiểm sát (đã thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không thực hiện, lý do).

III. CÔNG TÁC TỔNG HỢP BÁO CÁO TÌNH HÌNH CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP

Định kỳ, Viện kiểm sát các cấp, các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải tổng hợp, đánh giá tình hình chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực hoạt động tư pháp tại địa phương (hoặc lĩnh vực đơn vị trực tiếp kiểm sát); xác định rõ nguyên nhân, điều kiện để có biện pháp giải quyết. Đồng thời báo cáo Viện kiểm sát cấp trên về tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp.

Nội dung báo cáo của các đơn vị phải có đầy đủ các số liệu, thông tin phản ánh khách quan, chính xác tình hình chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp. Trên cơ sở các số liệu, thông tin đơn vị tích hợp trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ để đánh giá đúng tình hình chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp, xác định rõ nguyên nhân, điều kiện và ban hành được các kiến nghị chất lượng, được cơ quan hữu quan chấp nhận, thực hiện.

Thời gian, thời điểm báo cáo tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp thực hiện theo quy định của các báo cáo công tác tháng, 6 tháng và một năm được quy định trong Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Viện kiểm sát cấp tỉnh, các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổng hợp báo cáo tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp thuộc địa phương, đơn vị mình quản lý, đề xuất những kiến nghị với lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhằm khắc phục, hạn chế vi phạm trong hoạt động tư pháp. Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm theo dõi quản lý và tổng hợp xây dựng báo cáo tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp của toàn Ngành.

Trên cơ sở các báo cáo tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát cấp dưới, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có trách nhiệm tổng hợp ban hành kiến nghị cơ quan hữu quan cùng cấp chỉ đạo cấp dưới khắc phục vi phạm.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Viện trưởng Viện kiểm sát địa phương, Viện kiểm sát Quân sự Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân tối cao chỉ đạo đơn vị mở các sổ sách để cập nhật, theo dõi, quản lý các thông tin, số liệu phản ánh về tình hình chấp hành pháp luật của các cơ quan, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong mỗi lĩnh vực công tác cụ thể như đã nêu trên.

Cùng với việc ban hành các kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục, chấn chỉnh các vi phạm thì Viện kiểm sát các cấp, các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị, kháng nghị do đơn vị đã ban hành và cập nhật theo dõi, quản lý.

Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc phân công, giao trách nhiệm cho cán bộ, Kiểm sát viên làm nhiệm vụ theo dõi, cập nhật tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp thuộc trách nhiệm của đơn vị.

Cục thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin nghiên cứu xây dựng biểu mẫu, chỉ tiêu thống kê đánh giá tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp để thống nhất theo dõi, quản lý trong toàn Ngành.

Nhận được hướng dẫn này, yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh, Thủ trư­ởng các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự Trung ương tổ chức thực hiện, đảm bảo quản lý đầy đủ, chặt chẽ tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp và tổng hợp, báo cáo gửi về Viện kiểm sát nhân dân tối cao đúng quy định./.

 

 

Nơi nhận:
– Đ/c Viện trưởng VKSND tối cao (để b/cáo);
– Các đ/c Phó Viện trưởng VKSND tối cao;
– Các đơn vị thuộc VKSND tối cao;
– Viện kiểm sát Quân sự Trung ương;
– VKSND cấp tỉnh;
– Lưu: VT, TH.

KT. VIỆN TRƯỞNG
PHÓ VIỆN TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC

 

Hoàng Nghĩa Mai

HƯỚNG DẪN 02/HD-VKSTC-VP NĂM 2013 CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BÁO CÁO TÌNH HÌNH CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP DO VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 02/HD-VKSTC-VP Ngày hiệu lực 09/01/2013
Loại văn bản Văn bản khác Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Bộ máy nhà nước, nội vụ
Tố tụng
Ngày ban hành 09/01/2013
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản