THÔNG TƯ LIÊN TỊCH 13/2006/TTLT-BVHTT-BTC HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN CÁC BỘ MÔN NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG VÀ ĐẶC THÙ TRONG CÁC TRƯỜNG VĂN HÓA – NGHỆ THUẬT DO BỘ VĂN HÓA THÔNG TIN – BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 22/02/2006

BỘ TÀI CHÍNH
BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
********

Số: 13/2006/TTLT-BVHTT-BTC

Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 2006 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN CÁC BỘ MÔN NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG VÀ ĐẶC THÙ TRONG CÁC TRƯỜNG VĂN HÓA – NGHỆ THUẬT

Căn cứ Quyết định số 82/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa – nghệ thuật.
Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, liên tịch Bộ Văn hóa Thông tin – Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa – nghệ thuật như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định tại Thông tư này là học sinh, sinh viên học các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa – nghệ thuật công lập thành lập theo quyết định của cấp có thẩm quyền gồm: tuồng, chèo, cải lương, múa hát cung đình, xiếc, thanh nhạc, nhạc hơI, nhạc dây, nhạc gõ, điện ảnh, mỹ thuật.

Học sinh, sinh viên các hệ đào tạo không chính quy (đào tạo tại chức, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn), cán bộ đi học, nghiên cứu sinh, học viên cao học, học viên các khóa bồi dưỡng ngắn hạn và các đối tượng được miễn, giảm học phí theo Thông tư liên bộ số 23/TT-LB ngày 24 tháng 10 năm 1996 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo – Tài chính không thuộc đối tượng áp dụng tại Thông tư này.

2. Kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa – nghệ thuật được bố trí từ dự toán chi ngân sách thường xuyên hàng năm dành cho đào tạo và các khoản thu hợp pháp khác của đơn vị.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Hàng năm kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa – nghệ thuật quy định tại Điều 2, Điều 3, Điều 4 Quyết định số 82/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ được lập và tổng hợp chung vào dự toán kinh phí đào tạo của các trường văn hóa – nghệ thuật gửi cơ quan chủ quản xem xét, tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

2. Chế độ giảm học phí được áp dụng đối với học sinh, sinh viên theo học một số bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc thù thực hiện như sau:

a. Học sinh, sinh viên học ngành tuồng, chèo, cải lương, múa hát cung đình được giảm 70% học phí phải nộp theo quy định hiện hành.

b. Học sinh, sinh viên học ngành xiếc và múa được giảm 50% học phí phải nộp theo quy định hiện hành.

3. Chế độ bồi dưỡng nghề đối với học sinh, sinh viên theo học các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù thực hiện như sau:

a. Mức bồi dưỡng nghề:

– Học sinh, sinh viên các chuyên ngành tuồng, chèo, cải lương, múa hát cung đình, xiếc, thanh nhạc, nhạc hơi và múa được hưởng chế độ bồi dưỡng nghề hàng tháng bằng 40% giá trị suất học bổng khuyến khích toàn phần theo quy định đối với chuyên ngành học sinh, sinh viên đang theo học.

– Học sinh, sinh viên các chuyên ngành quay phim, mỹ thuật được hưởng chế độ bồi dưỡng nghề hàng tháng bằng 30% giá trị xuất học bổng khuyến khích toàn phần theo quy định đối với chuyên ngành học sinh, sinh viên đang theo học.

– Học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhạc dây, nhạc gõ và các môn chuyên ngành khác của điện ảnh (trừ chuyên ngành quay phim) được hưởng chế độ bồi dưỡng nghề hàng tháng bằng 20% giá trị suất học bổng khuyến khích toàn phần theo quy định đối với chuyên ngành học sinh, sinh viên đang theo học.

b. Phương thức chi trả chế độ bồi dưỡng nghề:

– Tiền bồi dưỡng nghề được trả vào cuối tháng và không áp dụng trong thời gian nghỉ hè.

– Tiền bồi dưỡng nghề theo các mức quy định tại tiết a, điểm 3, mục II, Thông tư này được thanh toán cho những tháng có từ 10 ngày thực học trở lên. Những tháng có ít hơn 10 ngày thực học được thanh toán bằng 50% mức bồi dưỡng tháng theo quy định.

4. Trang bị học tập của học sinh, sinh viên chuyên ngành tuồng, chèo, cải lương, múa hát cung đình, xiếc, múa và mỹ thuật thuộc các trường văn hóa – nghệ thuật được cấp phát bằng hiện vật, cụ thể như sau:

a. Đối với học sinh, sinh viên ngành múa và hát cung đình:

– Một (01) bộ quần áo vải cho múa dân gian.

– Một (01) bộ quần áo thun cho múa ba lê.

– Bốn (04) đôi giầy ba lê mềm và bốn (04) đôi giầy ba lê cứng.

– Một (01) đôi bốt tính cách (để tập múa cổ điển trong 4 năm). Quy định này được áp dụng đối với tất cả học sinh, sinh viên chuyên ngành múa cổ điển hiện đang được đào tạo tại các trường văn hóa – nghệ thuật.

– Chín (09) đôi tất.

b. Đối với học sinh, sinh viên ngành xiếc:

– Một (01) bộ quần áo thun dài.

– Một (01) bộ quần áo thun ngắn.

– Hai (02) đôi giầy vải.

– Một (01) đối giầy da cao cổ để tập nhào lộn.

– Bốn (04) đôi tất.

c. Đối với học sinh, sinh viên chuyên ngành tuồng, chèo, cải lương:

– Một (01) bộ quần áo tập.

– Một (01) đôi giầy vải.

– Hai (02) đôi tất.

d. Đối với học sinh, sinh viên chuyên ngành mỹ thuật:

– Một (01) quần yếm (tạp dề).

– Hai (02) đôi găng tay cho học sinh điêu khắc, đồ họa.

– Hai (02) khẩu trang cho sinh viên điều khắc, đồ họa.

Các trang bị học tập đối với học sinh, sinh viên các chuyên ngành: tuồng, chèo, cải lương, múa hát cung đình, xiếc, múa và mỹ thuật nêu trên được cấp với thời hạn sử dụng 12 tháng kể cả thời gian nghỉ nghè và được cấp một lần trong vòng 01 tháng kể từ ngày khai giảng năm học.

5. Riêng năm học 2005 kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa – nghệ thuật quy định tại Điều 2, Điều 3, Điều 4 Quyết định số 82/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ do các trường văn hóa – nghệ thuật chủ động sắp xếp trong dự toán kinh phí đã được cấp có thẩm quyền giao và các nguồn thu hợp pháp khác của trường để thực hiện. Trường hợp sau khi đã sắp xếp vẫn không đủ kinh phí để thực hiện, các trường văn hóa – nghệ thuật có văn bản gửi cơ quan quản lý cấp trên tổng hợp để gửi cơ quan tài chính xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định.

6. Việc cấp trang bị học tập cho học sinh, sinh viên thuộc đối tượng ưu đãi được thực hiện như sau:

a. Các trường văn hóa – nghệ thật chủ động trong việc mua sắm trang bị học tập cho học sinh, sinh viên theo mức quy định tại Thông tư này, đảm bảo việc cấp trang thiết bị được đồng bộ, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định, đảm bảo yêu cầu về thời gian và thống nhất giữa các trường trong từng tỉnh.

b. Việc mua sắm trang bị học tập cho học sinh, sinh viên được thực hiện theo quy định hiện hành về mua sắm hàng hóa áp dụng đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

7. Nguyên tắc quản lý, sử dụng trang bị học tập:

a. Học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được cấp trang bị học tập phải quản lý, sử dụng trang bị được cấp đúng mục đích.

b. Trang bị học tập hư hỏng, mất mát do mọi nguyên nhân không được cấp bổ sung. Trong mọi trường hợp hư hỏng, mất mát cá nhân học sinh, sinh viên phải tự mua theo đúng mẫu quy định đã được cấp để sử dụng trong quá trình học tập.

c. Nghiêm cấm sử dụng kinh phí trang bị học tập cho học sinh, sinh viên thuộc đối tượng ưu đãi không đúng mục đích.

8. Chế độ thanh, quyết toán:

Việc thanh toán, quyết toán kinh phí thực hiện chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa – nghệ thuật quy định tại thông tư này được thực hiện theo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị cần kịp thời báo cáo về liên Bộ để phối hợp giải quyết.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các trường văn hóa – nghệ thuật có trách nhiệm thực hiện các quy định tại Thông tư này.

3. Bộ Văn hóa – Thông tin, Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp kiểm tra việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa – nghệ thuật.

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG

Huỳnh Thị Nhân

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ VĂN HÓA – THÔNG TIN
THỨ TRƯỞNG

Đinh Quang Ngữ

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH 13/2006/TTLT-BVHTT-BTC HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI HỌC SINH, SINH VIÊN CÁC BỘ MÔN NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG VÀ ĐẶC THÙ TRONG CÁC TRƯỜNG VĂN HÓA – NGHỆ THUẬT DO BỘ VĂN HÓA THÔNG TIN – BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 13/2006/TTLT-BVHTT-BTC Ngày hiệu lực 22/02/2006
Loại văn bản Thông tư liên tịch Ngày đăng công báo 07/02/2006
Lĩnh vực Tài chính công
Văn hóa
Giáo dục - đào tạo
Ngày ban hành 19/01/2006
Cơ quan ban hành Bộ tài chính
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản