THÔNG TƯ LIÊN TỊCH 67/2005/TTLT-BQP-UBTDTT PHỐI HỢP QUẢN LÝ VÀ CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC THỂ DỤC THỂ THEO TRONG QUÂN ĐỘI DO BỘ QUỐC PHÒNG – UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO BAN HÀNH
BỘ QUỐC PHÒNG |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 67/2005/TTLT-BQP-UBTDTT |
Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 2005 |
THÔNG TƯ
LIÊN TỊCH CỦA BỘ QUỐC PHÒNG – UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO SỐ 67/2005/TTLT-BQP-UBTDTT NGÀY 26 THÁNG 05 NĂM 2005 PHỐI HỢP QUẢN LÝ VÀ CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC THỂ DỤC THỂ THEO TRONG QUÂN ĐỘI
Căn cứ Nghị định số 30/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Căn cứ Nghị định số 22/2003/NĐ-CP ngày 11/3/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Thể dục thể thao;
Căn cứ Quyết định số 57/2002/QĐ-TTg ngày 26/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thể dục thể thao đến năm 2010;
Nhằm tăng cường sự phối hợp trong chỉ đạo, điều hành công tác thể dục thể thao của Quân đội đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới, đồng thời đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển thể dục thể thao của nước nhà. Bộ Quốc phòng và Uỷ ban Thể dục thể thao thống nhất ban hành Thông tư liên tịch phối hợp quản lý và chỉ đạo công tác thể dục thể thao trong Quân đội giai đoạn 2005-2010 và định hướng đến năm 2015 với nội dung cụ thể như sau:
I. QUAN ĐIỂM, PHƯƠNG HƯỚNG PHỐI HỢP QUẢN LÝ VÀ
chỉ đạo công tác thể dục thể thao trong Quân đội:
1. Công tác Thể dục thể thao (TDTT) trong Quân đội là một bộ phận quan trọng trong sự nghiệp TDTT của đất nước, nhằm chuẩn bị nguồn lực con người để phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Phát triển TDTT quần chúng trong Quân đội theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng huấn luyện thể lực và hoạt động TDTT trong toàn quân để nâng cao trình độ thể lực, tăng cường sức khoẻ, góp phần nâng cao ý chí chiến đấu, giáo dục đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật và phục vụ đời sống văn hoá tinh thần của bộ đội. Kết hợp chặt chẽ phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” với phong trào “Xây dựng đơn vị huấn luyện thể lực và hoạt động TDTT giỏi” tạo cơ sở cho việc tuyển chọn tài năng thể thao.
3. Tập trung xây dựng lực lượng vận động viên các môn thể thao thành tích cao trong Quân đội có hệ thống và trọng điểm, tiếp tục khẳng định thể thao thành tích cao quân đội là một trong những trung tâm mạnh về Thể thao thành tích cao của Quốc gia; ưu tiên đầu tư phát triển các môn thể thao truyền thống và mũi nhọn của quân đội, các môn thể thao phù hợp với lực lượng vũ trang. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cho đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài. Kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao.
4. Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức TDTT các cấp trong Quân đội phù hợp với tổ chức biên chế, bảo đảm tính ổn định lâu dài đáp ứng nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ TDTT cũng như yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong giai đoạn mới. Xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ TDTT cho Quân đội đủ số lượng, bảo đảm chất lượng. Chú trọng nâng cao trình độ năng lực đội ngũ cán bộ TDTT cơ sở và trình độ huấn luyện viên các môn thể thao thành tích cao. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực TDTT.
5. Thực hiện chủ trương x• hội hoá TDTT và chuyên nghiệp hoá thể thao, phù hợp với đặc điểm của Quân đội và địa bàn đóng quân nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần, lực lượng trong và ngoài Quân đội để phát triển phong trào TDTT. Kết hợp có hiệu quả sự đầu tư của Nhà nước và của Quân đội, khai thác tiềm năng sẵn có của mọi thành phần trong xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm trang thiết bị TDTT thống nhất, đồng bộ, ưu tiên cho huấn luyện thể lực và hoạt động thể dục thể thao ở cơ sở. Quản lý tập trung thống nhất công tác xây dựng cơ sở vật chất TDTT theo đúng quy hoạch, đầu tư có trọng điểm, đúng mục đích, bảo đảm tính bền vững lâu dài, khai thác và sử dụng có hiệu quả các công trình thể thao được Quân đội và Nhà nước đầu tư.
6. Tích cực, chủ động hợp tác, giao lưu trong nước và quốc tế về TDTT phục vụ cho sự nghiệp phát triển TDTT của Quân đội và công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn cách mạng mới, góp phần nâng cao vị thế của thể thao Việt Nam trong khu vực và thế giới.
II. NỘI DUNG PHỐI HỢP:
1. Uỷ ban Thể dục thể thao giúp Bộ Quốc phòng xây dựng quy hoạch phát triển sự nghiệp TDTT đến năm 2010, định hướng phát triển đến năm 2015; Bộ Quốc phòng phối hợp với Uỷ ban Thể dục thể thao xây dựng quy hoạch sử dụng đất cho các công trình TDTT trong những năm tiếp theo phù hợp với quy hoạch chung của cả nước. Thời gian hoàn thành: tháng 10 năm 2005.
2. Về thể dục thể thao quần chúng:
2.1. Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Uỷ ban Thể dục thể thao xây dựng và ban hành “Tiêu chuẩn rèn luyện thể lực cho quân nhân”, áp dụng cho thời kỳ 2005-2010. Thời gian hoàn thành: tháng 8 năm 2005.
2.2. Bộ Quốc phòng phối hợp với Uỷ ban Thể dục thể thao chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân và cơ quan TDTT (cơ quan Văn hoá – Thông tin – Thể thao) các cấp thường xuyên phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau về chuyên môn và cơ sở vật chất để phát triển TDTT trong lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, đặc biệt là các vùng biên giới, hải đảo.
2.3. Bộ Quốc phòng và Uỷ ban Thể dục thể thao phối hợp thành lập các đoàn công tác liên ngành để thực hiện công tác kiểm tra, phúc tra “Đơn vị huấn luyện thể lực và hoạt động thể thao giỏi”, hàng năm tổ chức xét khen thưởng cho các đơn vị trong toàn quân.
3. Về thể thao thành tích cao:
3.1. Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Uỷ ban Thể dục thể thao triển khai đề án xây dựng lực lượng vận động viên thể thao thành tích cao trong quân đội. Thống nhất chọn 3 nhóm môn để đầu tư phát triển, bao gồm:
+ Nhóm 1: Bóng đá, bóng chuyền, Bóng bàn, Bắn súng, Điền kinh, các môn thể thao dưới nước, Thể dục dụng cụ, Vật, Karatedo, Pencaksilat, Judo, Taekwondo, Quyền anh.
+ Nhóm 2: Cầu lông, Bóng rổ, Quần vợt, Xe đạp, Võ cổ truyền
+ Nhóm 3: Bắn nỏ, Đá cầu, Cờ vua và một số môn thể thao khác.
3.2. Uỷ ban Thể dục thể thao hỗ trợ về công tác tổ chức, chuyên môn và cơ sở vật chất giúp Bộ Quốc phòng tổ chức định kỳ Đại hội TDTT toàn quân để chuẩn bị tốt lực lượng tham gia các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc, trước mắt là Đại hội TDTT lần thứ V-2006 đạt được thứ hạng cao.
3.3. Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Uỷ ban Thể dục thể thao thành lập tổ công tác nhân dân ban hành bổ sung tiêu chuẩn cấp bậc vận động viên một số môn thể thao quốc phòng vào hệ thống các môn thể thao thành tích cao của Quốc gia.
4. Về đào tạo cán bộ, ứng dụng khoa học kỹ thuật và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TDTT của Quân đội.
4.1. Bộ Quốc phòng chủ trì, Uỷ ban Thể dục thể thao hỗ trợ xây dựng đề án nâng cấp Trung tâm tập huấn TDTT quân đội trở thành Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TDTT cuả toàn quân đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp TDTT trong Quân đội.
4.2. Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Uỷ ban Thể dục thể thao nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào tổ chức huấn luyện thể lực cho bộ đội và huấn luyện, đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao. Tạo điều kiện thuận lợi cho Quân đội được sử dụng các trang thiết bị của quốc gia phục vụ công tác nghiên cứu khoa học TDTT trong Quân đội.
4.3. Uỷ ban Thể dục thể thao tạo điều kiện để Bộ Quốc phòng mở rộng hợp tác quốc tế với quân đội các nước và các tổ chức thể thao quốc tế; được tham gia các sự kiện thể thao lớn của đất nước và cử các đoàn đi tham quan, học tập, tập huấn ở nước ngoài nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài TDTT trong Quân đội.
5. Về chế độ, chính sách và xây dựng cơ sở vật chất thể dục thể thao
5.1. Bộ Quốc phòng chủ trì, Uỷ ban Thể dục thể thao phối hợp, giúp đỡ lập các đề án xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác huấn luyện thể lực và kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thể lực cho quân nhân; ưu tiên xây dựng hệ thống hồ bơi đơn giản để phục vụ nhiệm vụ tổ chức huấn luyện bơi cho bộ đội và nâng cấp các cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo vận động viên.
5.2. Uỷ ban Thể dục thể thao tạo điều kiện hỗ trợ Bộ Quốc phòng xây dựng một trung tâm TDTT của Quân đội đạt tiêu chuẩn quốc gia để tổ chức các hoạt động tập luyện và thi đấu thể thao trong nước và quốc tế.
5.3. Bộ Quốc phòng chủ trì, Uỷ ban Thể dục thể thao hướng dẫn giúp đỡ thực hiện việc thành lập hiệp hội thể dục thể thao trong Quân đội như một tổ chức x• hội nghề nghiệp nhằm tập hợp, thu hút cán bộ, chiến sỹ trong toàn quân (kể cả cựu chiến binh) tham gia tập luyện thể dục thể thao theo chủ trương x• hội hoá.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.
2. Giao Cục Quân huấn – Bộ Tổng tham mưu, Vụ Thể dục thể thao quần chúng – Uỷ ban Thể dục thể thao làm tham mưu cho Bộ Quốc phòng và Uỷ ban Thể dục thể thao chỉ đạo việc triển khai thực hiện Thông tư này trong hệ thống các cơ quan, đơn vị của hai ngành. Hàng năm tổng kết định kỳ để báo cáo Bộ Quốc phòng và Uỷ ban Thể dục thể thao về tình hình và kết quả thực hiện.
3. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, các Sở Thể dục thể thao, Sở VH-TT căn cứ Thông tư này phối hợp triển khai các hoạt động TDTT cho phù hợp và đạt hiệu quả cao. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, báo cáo kịp thời cho Bộ Quốc phòng và Uỷ ban Thể dục thể thao cùng xem xét giải quyết.
Phạm Văn Trà (Đã ký) |
Nguyễn Danh Thái (Đã ký) |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH 67/2005/TTLT-BQP-UBTDTT PHỐI HỢP QUẢN LÝ VÀ CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC THỂ DỤC THỂ THEO TRONG QUÂN ĐỘI DO BỘ QUỐC PHÒNG – UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 67/2005/TTLT-BQP-UBTDTT | Ngày hiệu lực | 10/07/2005 |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch | Ngày đăng công báo | 25/06/2005 |
Lĩnh vực |
Bộ máy nhà nước, nội vụ Thể thao Y tế |
Ngày ban hành | 26/05/2005 |
Cơ quan ban hành |
Bộ văn hóa - thể thao và du lịch Bộ quốc phòng |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |