Cấp phép bay quá cảnh cho các chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam

 

Thủ tục

Cấp phép bay quá cảnh cho các chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam

Trình tự thực hiện a) Nộp hồ sơ thủ tục hành chính:
– Người khai thác tàu bay, người vận chuyển hoặc người được ủy quyền (sau đây gọi chung là người đề nghị cấp phép bay) gửi đơn đề nghị cấp phép bay đến cơ quan cấp phép bay và phải chịu trách nhiệm về các thông tin trong hồ sơ đề nghị.
+ Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự) cấp phép bay cho chuyến bay chuyên cơ nước ngoài chở khách mời của Đảng, Nhà nước và chuyến bay làm nhiệm vụ hộ tống hoặc tiền trạm cho chuyến bay chuyên cơ đó thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam. Chuyến bay chuyên cơ là chuyến bay được sử dụng hoàn toàn riêng biệt hoặc kết hợp vận chuyển thương mại và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc thông báo theo quy định phục vụ chuyến bay chuyên cơ;
+ Bộ Quốc phòng (Cục Tác chiến) cấp phép bay cho chuyến bay của tàu bay quân sự của Việt Nam, nước ngoài thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam; chuyến bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; chuyến bay thực hiện ngoài đường hàng không;
+ Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng không Việt Nam) cấp phép bay cho chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam, bao gồm chuyến bay của tàu bay Việt Nam và nước ngoài nhằm mục đích dân dụng không thuộc phạm vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 81 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam được sửa đổi, bổ sung theo khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam, chuyến bay hộ tống hoặc tiền trạm cho chuyến bay chuyên cơ đó; chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài không thuộc phạm vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều 81 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam được sửa đổi, bổ sung theo khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và chuyến bay hộ tống hoặc tiền trạm cho chuyến bay chuyên cơ đó; chuyến bay của tàu bay công vụ Việt Nam và nước ngoài không thuộc phạm vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 81 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam được sửa đổi, bổ sung theo khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Vào ngày nghỉ, ngày lễ, ngoài giờ hành chính hoặc trong trường hợp cấp thiết, Cục Hàng không Việt Nam ủy quyền cho Trung tâm quản lý luồng không lưu cấp, sửa đổi, hủy bỏ phép bay cho các chuyến bay sau đây:
a) Chuyến bay chuyên chở thợ máy, động cơ, trang bị, thiết bị phục vụ, sửa chữa tàu bay hỏng hóc hoặc vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi của tàu bay bị hỏng hóc;
b) Chuyến bay tìm kiếm, cứu nạn, cấp cứu, y tế, cứu hộ;
c) Chuyến bay nội địa chuyển sân; chuyến bay kiểm tra kỹ thuật;
d) Chuyến bay của tàu bay công vụ Việt Nam;
đ) Sửa đổi các nội dung sau đây của phép bay: Đường hàng không, điểm bay ra, bay vào vùng trời Việt Nam; thay đổi tàu bay vì lý do phi thương mại; thay đổi tàu bay vì lý do thương mại đối với chuyến bay nội địa; thay đổi sân bay cất cánh, hạ cánh ngoài lãnh thổ Việt Nam đối với các chuyến bay qua vùng trời Việt Nam.
Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm giám sát việc thực hiện cấp phép bay theo ủy quyền. Trung tâm quản lý luồng không lưu có trách nhiệm thông báo các nội dung phép bay được cấp, sửa đổi, hủy bỏ cho Trung tâm Quản lý điều hành bay quốc gia và các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan ngay sau khi cấp, sửa đổi, hủy bỏ phép bay và trước giờ dự kiến thực hiện chuyến bay hoặc giờ vào vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý đối với các chuyến bay qua vùng trời Việt Nam.
Trường hợp cấp thiết để bảo đảm an toàn bay, kiểm soát viên không lưu đang trực tiếp điều hành chuyến bay có quyền cấp hiệu lệnh thay đổi kế hoạch bay cho tàu bay đang bay. Cơ sở trực tiếp điều hành chuyến bay có trách nhiệm thông báo ngay cho Trung tâm Quản lý điều hành bay khu vực có liên quan về việc cấp hiệu lệnh cho chuyến bay.
Địa chỉ gửi đơn đề nghị cấp, sửa đổi phép bay cho chuyến bay quá cảnh: Phòng Quản lý hoạt động bay, Cục Hàng không Việt Namsố 19 Nguyễn Sơn, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội; Điện thoại: 84-4-38723600; Fax: 84-4-38274194; AFTN: VVVVYAAN; Email: and@caa.gov.vn; Thời gian làm việc: Từ thứ Hai đến thứ Sáu, sáng: từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút; chiều: từ 13 giờ 00 phút đến 16 giờ 30 phút.
– Thời hạn nộp đơn đề nghị, thời hạn cấp, sửa đổi phép bay:
+ Chậm nhất 10 ngày làm việc trước ngày dự kiến thực hiện phép bay đối với các chuyến bay thường lệ.
+ Chậm nhất 07 ngày làm việc trước ngày dự kiến thực hiện phép bay đối với các trường hợp sau đây:
++ Chuyến bay thử nghiệm, biểu diễn, thao diễn, huấn luyện;
++ Chuyến bay phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh tế quốc dân, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch;
++ Chuyến bay của tàu bay quân sự nước ngoài thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam.
+ Chậm nhất 05 ngày làm việc trước ngày dự kiến thực hiện phép bay trong các trường hợp sau đây:
++ Chuyến bay chuyên cơ nước ngoài chở khách mời của Đảng, Nhà nước và chuyến bay làm nhiệm vụ hộ tống hoặc tiền trạm cho các chuyến bay chuyên cơ đó; chuyến bay chuyên cơ khác của nước ngoài và các chuyến bay hộ tống hoặc tiền trạm cho chuyến bay chuyên cơ đó;
++ Chuyến bay quốc tế thuê chuyến, tăng chuyến đến và đi từ Việt Nam;
++ Chuyến bay của tàu bay công vụ nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 16 Nghị định số 125/2015/NĐ-CP.
+ Chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày dự kiến thực hiện phép bay đối với các trường hợp sau đây:
++Chuyến bay không thường lệ qua vùng trời Việt Nam hoặc hạ cánh kỹ thuật tại Việt Nam;
++ Chuyến bay được thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam;
++ Chuyến bay được thực hiện theo hợp đồng thuê, mua, bán tàu bay;
++ Chuyến bay chuyển sân bay quốc tế;
++ Chuyến bay phục vụ nhu cầu riêng của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
+ Chậm nhất 24 giờ trước giờ dự kiến thực hiện phép bay đối với chuyến bay quy định tại Điểm c khoản 4 Điều 14 của Nghị định số 125/2015/NĐ-CP; chuyến bay vì mục đích nhân đạo; chuyến bay hoạt động hàng không chung khác.
– Không áp dụng thời hạn trong các trường hợp sau đây:
+ Chuyến bay trong tình thế cấp thiết;
+ Chuyến bay quy định tại các điểm a, b, d khoản 4 Điều 14 của Nghị định số 125/2015/NĐ-CP;
+ Sửa đổi phép bay quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 14 của Nghị định số 125/2015/NĐ-CP.
b) Giải quyết thủ tục hành chính:
Cơ quan cấp phép bay có trách nhiệm xem xét, thông báo phép bay hoặc trả lời không đồng ý cấp phép cho người nộp đơn đề nghị.
Khi muốn thay đổi nội dung phép bay đã được cấp, người đề nghị cấp phép bay nộp đơn đề nghị sửa đổi phép bay đến cơ quan cấp phép bay và chỉ được thực hiện chuyến bay sau khi có được xác nhận của cơ quan cấp phép bay.
Người đề nghị cấp phép bay phải thông báo cho cơ quan cấp phép bay trước thời hạn dự kiến thực hiện chuyến bay trong trường hợp hủy chuyến bay đã được cấp phép.
Trong trường hợp đơn đề nghị cấp, sửa đổi phép bay được nộp không đúng thời hạn, cơ quan cấp phép bay xem xét các yếu tố về lý do gửi đơn chậm, tính chất, sự cần thiết của chuyến bay và các vấn đề liên quan khác để quyết định cấp hoặc từ chối cấp phép bay.
Cách thức thực hiện – Đối với hồ sơ do Cục Hàng không Việt Nam cấp phép:
+Trực tiếp tại Phòng Quản lý hoạt động bay,Văn phòng Cục Hàng không Việt Nam; hoặc
+ Thông qua hệ thống bưu chính; hoặc
+ Thư điện tử; Fax; SITA, AFTN (mạng thông tin liên lạc chuyên ngành).
– Đối với hồ sơ do Bộ Quốc phòng (Cục Tác chiến), Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự) cấp phép: nộp hồ sơ đến Cục Tác chiến – Bộ Quốc phòng; Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao
Thành phần số lượng hồ sơ a) Thành phần hồ sơ:
a1. Cấp mới phép bay
– Đơn đề nghị
* Đơn đề nghị cấp phép bay trừ các chuyến bay chuyến bay hoạt động hàng không chung và đối với phương tiện bay siêu nhẹ bao gồm các nội dung sau đây:
– Tên, địa chỉ bưu điện, địa chỉ điện tín của người khai thác tàu bay, người vận chuyển;
– Kiểu loại tàu bay, số hiệu chuyến bay, số hiệu đăng ký, quốc tịch tàu bay và trọng lượng cất cánh tối đa;
– Hành trình bay;
– Đường hàng không; điểm bay vào, bay ra vùng trời Việt Nam;
– Ngày thực hiện chuyến bay; thời gian dự kiến cất cánh, hạ cánh hoặc thời gian dự kiến bay qua điểm bay vào, bay ra vùng trời Việt Nam (thời gian được tính là 24 giờ trong ngày và là giờ quốc tế UTC);
– Mục đích của chuyến bay;
– Số lượng ghế và trọng tải cung ứng.
* Đối với chuyến bay hoạt động hàng không chung, người đề nghị cấp phép bay phải nộp đơn đề nghị cấp phép bay bao gồm các nội dung:
– Tên, địa chỉ bưu điện, địa chỉ điện tín của người khai thác tàu bay, người vận chuyển;
– Kiểu loại tàu bay, số hiệu chuyến bay, số hiệu đăng ký, quốc tịch tàu bay và trọng lượng cất cánh tối đa;
– Mục đích của chuyến bay;
– Số lượng ghế và trọng tải cung ứng.
– Hành trình bay; khu vực bay phục vụ hoạt động hàng không chung; đường hàng không hoặc đường bay phục vụ hoạt động hàng không chung;
– Thời gian thực hiện phép bay.
* Đơn đề nghị cấp phép bay đối với phương tiện bay siêu nhẹ bao gồm
– Tên, địa chỉ bưu điện, địa chỉ điện tín của người khai thác tàu bay, người vận chuyển;
– Kiểu loại tàu bay, số hiệu chuyến bay, số hiệu đăng ký, quốc tịch tàu bay và trọng lượng cất cánh tối đa;
– Hành trình bay;
– Đường hàng không; điểm bay vào, bay ra vùng trời Việt Nam;
– Ngày thực hiện chuyến bay; thời gian dự kiến cất cánh, hạ cánh hoặc thời gian dự kiến bay qua điểm bay vào, bay ra vùng trời Việt Nam (thời gian được tính là hai mươi bốn (24) giờ trong ngày và là giờ quốc tế UTC);
– Mục đích của chuyến bay;
– Số lượng ghế và trọng tải cung ứng.
– Sân bay cất cánh, hạ cánh hoặc vị trí của phương tiện bay siêu nhẹ (tọa độ WGS-84);
– Thời gian hoạt động (giờ, ngày, tháng, năm);
– Độ cao tối đa, độ cao tối thiểu;
– Đường bay, hướng bay của phương tiện bay siêu nhẹ;
– Đặc điểm nhận dạng;
– Trang bị, thiết bị thông tin liên lạc;
– Những điểm lưu ý khác.
– Sơ đồ bay đối với chuyến bay hoạt động hàng không chung;
– Bản sao văn bản xác nhận của nhà chức trách hàng không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay về khả năng thực hiện chuyến bay an toàn (Special Flight Permit or Ferry Flight Permit) trong trường hợp tàu bay có Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay tạm thời bị mất hiệu lực.
a2. Cấp sửa đổi phép bay
Đơn đề nghị sửa đổi phép bay bao gồm các nội dung sau đây:
– Tên, địa chỉ bưu điện, địa chỉ điện tín của người khai thác tàu bay, người vận chuyển;
– Số phép bay đã cấp và ngày cấp phép bay;
– Chi tiết đề nghị sửa đổi phép bay đã cấp.
b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Thời hạn giải quyết Cơ quan cấp phép bay có trách nhiệm xem xét, thông báo phép bay hoặc trả lời không đồng ý cấp phép cho người nộp đơn đề nghị trong thời hạn sau đây:
a) 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn đề nghị đối với các chuyến bay thường lệ.
b) 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn đề nghị đối với các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 125/2015/NĐ-CP;
c) 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn đề nghị đối với các trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 125/2015/NĐ-CP;
d) 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn đề nghị đối với các trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 16 Nghị định số 125/2015/NĐ-CP 5;
đ) 12 giờ, kể từ thời điểm nhận đơn đề nghị đối với trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 16 Nghị định số 125/2015/NĐ-CP;
Trong trường hợp đơn đề nghị cấp, sửa đổi phép bay được nộp không đúng thời hạn, cơ quan cấp phép bay xem xét các yếu tố về lý do gửi đơn chậm, tính chất, sự cần thiết của chuyến bay và các vấn đề liên quan khác để quyết định cấp hoặc từ chối cấp phép bay.
Đối tượng thực hiện Tổ chức, cá nhân
Cơ quan thực hiện a) Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Cục Hàng không Việt Nam hoặc Cục Tác chiến hoặc Cục Lãnh sự;
b) Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được uỷ quyền hoặc phân cấp thực hiện: Không có;
c) Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính: Cục Hàng không Việt Nam hoặc Cục Tác chiến hoặc Cục Lãnh sự;
d) Cơ quan phối hợp: Không có.
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính – Phép bay.
– Phép bay cho chuyến bay qua vùng trời Việt Nam có giá trị hiệu lực trong phạm vi thời gian từ 03 giờ trước giờ dự kiến ghi trong phép bay đến 72 giờ sau giờ dự kiến ghi trong phép bay.
Lệ phí Không có
Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai Đơn đề nghị cấp phép bay quá cảnh. Thông tư số 62/2011/TT-BGTVT
Yêu cầu, điều kiện thực hiện Việc cấp phép bay cho các chuyến bay phải đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, an toàn hàng không; trật tự và lợi ích công cộng; phù hợp với khả năng đáp ứng của hệ thống bảo đảm hoạt động bay, các cảng hàng không, sân bay.
Việc cấp phép bay cho các chuyến bay vận chuyển hàng không thương mại thường lệ phải đáp ứng các yêu cầu trên và căn cứ vào quyền vận chuyển hàng không được cấp.
Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006
Cơ sở pháp lý Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2014;

Nghị định số 125/2015/NĐ-CP

– Thông tư số 62/2011/TT-BGTVT

 

Số hồ sơ 1.001381 Lĩnh vực Hàng không
Cơ quan ban hành Bộ giao thông vận tải Cấp thực hiện Trung ương
Tình trạng Còn hiệu lực Quyết định công bố
Nội dung chỉ dành cho Thành viên. Vui lòng đăng nhập.