Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký liên hiệp hợp tác xã (đối với trường hợp liên hiệp hợp tác xã giải thể tự nguyện)

Trường hợp liên hợp tác xã giải thể tự nguyện thì Cơ quan đăng ký hợp tác xã sẽ tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đăng ký liên hợp tác xã. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật hợp tác xã 2012, Nghị định 193/2013/NĐ-CP, Thông tư 03/2014/TT-BKHĐT, Thông tư 250/2016/TT-BTC, Thông tư 07/2019/TT-BKHĐT.

1. Khái niệm

– Liên hiệp hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 04 hợp tác xã tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của hợp tác xã thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý liên hiệp hợp tác xã theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Hợp tác xã 2012.

– Khi liên hiệp hợp tác xã phát triển đến trình độ cao hơn thì sẽ hình thành các doanh nghiệp của liên hiệp hợp tác xã; doanh nghiệp của liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo Luật doanh nghiệp (khoản 3 Điều 3 Luật Hợp tác xã 2012).

2. Giải thể tự nguyện

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Hợp tác xã 2012 thì:

Đại hội thành viên, hợp tác xã thành viên quyết định việc giải thể tự nguyện và thành lập hội đồng giải thể tự nguyện. Hội đồng giải thể tự nguyện gồm đại diện hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, ban điều hành, đại diện của thành viên, hợp tác xã thành viên.

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày đại hội thành viên ra nghị quyết giải thể tự nguyện, hội đồng giải thể tự nguyện có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:

Thông báo về việc giải thể tới cơ quan nhà nước đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho liên hiệp hợp tác xã; đăng báo địa phương nơi liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong 03 số liên tiếp về việc giải thể;

Thông báo tới các tổ chức, cá nhân có quan hệ kinh tế với liên hiệp hợp tác xã về thời hạn thanh toán nợ, thanh lý các hợp đồng; thực hiện việc xử lý tài sản và vốn của liên hiệp hợp tác xã theo quy định tại Điều 49 Luật Hợp tác xã 2012, cụ thể:

+ Trình tự xử lý vốn, tài sản của liên hiệp hợp tác xã:

Thu hồi các tài sản của liên hiệp hợp tác xã;

Thanh lý tài sản, trừ phần tài sản không chia;

Thanh toán các khoản nợ phải trả và thực hiện nghĩa vụ tài chính của liên hiệp hợp tác xã.

+ Xử lý tài sản còn lại, trừ tài sản không chia được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau đây:

Thanh toán chi phí giải thể, bao gồm cả khoản chi cho việc thu hồi và thanh lý tài sản;

Thanh toán nợ lương, trợ cấp và bảo hiểm xã hội của người lao động;

Thanh toán các khoản nợ có bảo đảm theo quy định của pháp luật;

Thanh toán các khoản nợ không bảo đảm;

Giá trị tài sản còn lại được hoàn trả cho thành viên, hợp tác xã thành viên theo tỷ lệ vốn góp trên tổng số vốn điều lệ.

+ Việc xử lý tài sản thực hiện theo thứ tự ưu tiên trên. Trường hợp giá trị tài sản còn lại không đủ để thanh toán các khoản nợ thuộc cùng một hàng ưu tiên thanh toán thì thực hiện thanh toán một phần theo tỷ lệ tương ứng với các khoản nợ phải chi trả trong hàng ưu tiên đó.

+ Tài sản không chia của liên hiệp hợp tác được xử lý như sau (Điều 21 Nghị định 193/2013/NĐ-CP, khoản 3 Điều 1 Nghị địn 107/2017/NĐ-CP):

* Phần giá trị tài sản được hình thành từ khoản trợ cấp, hỗ trợ không hoàn lại của Nhà nước thì chuyển vào ngân sách địa phương cùng cấp với cơ quan đăng ký liên hiệp hợp tác xã;

* Phần giá trị tài sản được hình thành từ quỹ đầu tư phát triển hàng năm đã được đại hội thành viên quyết định đưa vào tài sản không chia khi chấm dứt tư cách thành viên, tư cách hợp tác xã thành viên; khoản được tặng, cho theo thỏa thuận là tài sản không chia; vốn, tài sản khác được Điều lệ quy định là tài sản không chia khi chấm dứt tư cách thành viên, tư cách hợp tác xã thành viên thì đại hội thành viên quyết định phương án xử lý thích hợp;

* Phần giá trị tài sản được hình thành từ quỹ đầu tư phát triển hàng năm đã được đại hội thành viên quyết định đưa vào tài sản không chia liên hiệp hợp tác xã chấm dứt hoạt động; khoản được tặng, cho theo thỏa thuận là tài sản không chia; vốn, tài sản khác được điều lệ quy định là tài sản không chia khi liên hiệp hợp tác xã chấm dứt hoạt động thì đại hội thành viên quyết định chuyển giao cho chính quyền địa phương hoặc một tổ chức khác (ưu tiên bàn giao lại cho các liên hiệp hợp tác xã khác) nằm trên địa bàn nhằm mục tiêu phục vụ lợi ích cộng đồng dân cư tại địa bàn.

Lưu ý: Theo các khoản 4, 5 Điều 54 Luật Hợp tác xã 2012:

Ngay sau khi hoàn thành việc giải thể, hội đồng giải thể phải nộp 01 bộ hồ sơ về việc giải thể, con dấu và bản gốc giấy chứng nhận đăng ký liên hiệp hợp tác xã tới cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký. Việc xử lý các tài liệu khác thực hiện theo quy định của pháp luật.

– Cơ quan nhà nước đã cấp giấy chứng nhận đăng ký liên hiệp hợp tác xã phải xóa tên liên hiệp hợp tác xã trong sổ đăng ký.

3. Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký liên hợp tác xã

Liên hợp tác xã sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký trong trường hợp giải thể (khoản 1 Điều 56 Luật Hợp tác xã 2012).

Theo khoản 3 Điều 19 Nghị định 193/2013/NĐ-CP:

Ngay sau khi hoàn thành việc giải thể, hội đồng giải thể phải gửi một bộ hồ sơ về việc giải thể liên hiệp hợp tác xã kèm theo biên bản hoàn thành việc giải thể tới cơ quan đăng ký hợp tác xã.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký hợp tác xã tiến hành xem xét hồ sơ, nếu thấy đủ điều kiện thì thu hồi giấy chứng nhận đăng ký liên hiệp hợp tác xã, ra thông báo về việc giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Kết luận: Khi tiến hành thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký liên hiệp hợp tác xã (đối với trường hợp liên hiệp hợp tác xã giải thể tự nguyện), các tổ chức, cá nhân cần lưu ý các quy định tại Luật Hợp tác xã 2012, Nghị định 193/2013/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký liên hiệp hợp tác xã (đối với trường hợp liên hiệp hợp tác xã giải thể tự nguyện)

 

 

 

 

Thủ tục Nội dung