14. Cấp giấy phép vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao
Luật Việt Nam quy định về thủ tục cấp giấy phép vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa thủ tục này thông qua quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, Thông tư 16/2018/TT-BCA, Thông tư 18/2018/TT-BCA, Thông tư 23/2019/TT-BTC và Thông tư 21/2019/TT-BTC.
1. Định nghĩa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao. Đối tượng được cấp giấy phép vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao
Định nghĩa:
– Khoản 1 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.
– Theo khoản 2 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để thi hành công vụ, bao gồm:
+ Súng cầm tay bao gồm: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu.
+ Vũ khí hạng nhẹ bao gồm: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân.
+ Vũ khí hạng nặng bao gồm: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa.
+ Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại súng cầm tay, vũ khí hạng nhẹ, vũ khí hạng nặng nói trên.
– Theo khoản 5 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao, bao gồm:
+ Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay và đạn sử dụng cho các loại súng này.
+ Vũ khí thô sơ bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu dùng để luyện tập, thi đấu thể thao.
Danh mục các loại vũ khí thể thao được liệt kê trong Phụ lục II – Danh mục vũ khí thể thao ban kèm Thông tư 21/2019/TT-BCA (khoản 1 Điều 1 Thông tư 21/2019/TT-BCA)
Vì vũ khí quân dụng và vũ khí thể thao thuộc vào trong nhóm các vũ khí nên quy định về vận chuyển vũ khí cũng là quy định về vận chuyển vũ khí quân dụng và vũ khí thể thao.
Đối tượng được cấp giấy phép vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao:
Khoản 1 Điều 33 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định về điều kiện khi vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao như sau:
+ Phải có mệnh lệnh vận chuyển vũ khí hoặc Giấy phép vận chuyển vũ khí của cơ quan có thẩm quyền.
+ Bảo đảm bí mật, an toàn.
+ Vận chuyển với số lượng lớn hoặc vũ khí nguy hiểm phải sử dụng phương tiện chuyên dùng và bảo đảm các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy.
+ Không được chở vũ khí và người trên cùng một phương tiện, trừ người có trách nhiệm trong việc vận chuyển.
+ Không dừng, đỗ phương tiện vận chuyển vũ khí ở nơi đông người, khu vực dân cư, nơi có công trình quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, ngoại giao. Trường hợp cần nghỉ qua đêm hoặc do sự cố, khi không đủ lực lượng bảo vệ phải thông báo ngay cho cơ quan quân sự, cơ quan Công an nơi gần nhất để phối hợp bảo vệ.
2. Thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao
– Điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư 16/2018/TT-BCA quy định Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc bộ, ngành ở trung ương và doanh nghiệp được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
– Điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư 16/2018/TT-BCA quy định Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở địa phương và doanh nghiệp được Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.
3. Thủ tục cấp giấy phép vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao
– Theo điểm a, điểm b khoản 2 Điều 33 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, các tổ chức, doanh nghiệp khi đi đăng ký cấp giấy phép vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao cần phải mang 01 bộ hồ sơ nộp tại Cơ quan Công an có thẩm quyền. Bộ hồ sơ này bao gồm:
+ Văn bản đề nghị nêu rõ số lượng, chủng loại, nguồn gốc xuất xứ của vũ khí cần vận chuyển; nơi đi, nơi đến, thời gian và tuyến đường vận chuyển; họ và tên, địa chỉ của người chịu trách nhiệm vận chuyển, người điều khiển phương tiện; biển kiểm soát của phương tiện.
+ Giấy giới thiệu kèm theo bản sao thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc Chứng minh Công an nhân dân của người đến liên hệ.
– Nơi nộp hồ sơ của các tổ chức, doanh nghiệp đi đăng ký được quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều 3 Thông tư 16/2018/TT-BCA như sau:
+ Điểm a quy định: Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc bộ, ngành ở trung ương và doanh nghiệp được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép về vũ khí tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.
+ Điểm b quy định: Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở địa phương, doanh nghiệp được Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép về vũ khí tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an cấp tỉnh.
– Thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký: điểm c khoản 2 Điều 33 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy phép vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao cho các tổ chức, doanh nghiệp có yêu cầu. Nếu trong trường hợp cơ quan này không cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Mẫu của giấy phép vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao sẽ theo mẫu VC7 được ban kèm Thông tư 18/2018/TT-BCA (khoản 7 Điều 7 Thông tư 18/2018/TT-BCA)
– Thời hạn của giấy phép vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao: Giấy phép có thời hạn 30 ngày. Giấy phép vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao chỉ có giá trị cho một lượt vận chuyển. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hoàn tất việc vận chuyển, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện việc vận chuyển phải nộp lại cho cơ quan đã cấp giấy phép. (điểm d khoản 2 Điều 33 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017)
– Lệ phí: theo khoản 2 mục IV Điều 1 Thông tư 23/2019/TT-BTC, lệ phí đối với giấy phép vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao là 100.000 đồng/giấy.
Lưu ý: các vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao được yêu cầu cấp giấy phép không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng. Theo khoản 3 Điều 33 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, thủ tục cấp mệnh lệnh vận chuyển vũ khí đối với đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Kết luận: Việc cấp giấy phép vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao cần phải được thực hiện theo đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, Thông tư 16/2018/TT-BCA, Thông tư 23/2019/TT-BTC, Thông tư 21/2019/TT-BCA và Thông tư 18/2018/TT-BCA.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Cấp giấy phép vận chuyển vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao