19. Cấp giấy xác nhận đăng ký vũ khí thô sơ
Pháp luật về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017; Nghị định 79/2018/NĐ-CP; Thông tư 16/2018/TT-BCA; Thông tư 17/2018/TT-BCA; Thông tư 18/2018/TT-BCA; Thông tư 193/2010/TT-BTC (được thay thế bởi Thông tư 218/2016/TT-BTC) quy định về thủ tục cấp giấy xác nhận đăng ký vũ khí thô sơ. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ gửi đến bạn đọc một số lưu ý khi thực hiện thủ tục này:
1. Một số khái niệm
– Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017: Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.
– Khoản 4, Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 cũng quy định: Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.
– Bên cạnh đó, vũ khí thô sơ cũng chính là một dạng của vũ khí thể thao dùng để tập luyện thi đấu thể thao theo quy định tại điểm b, khoản 5, Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017
Lưu ý: Đối tượng được trang bị vũ khí thô sơ thực hiện theo Điều 28 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 và Khoản 1 Điều 3 Thông tư 17/2018/TT-BCA.
2. Về thủ tục cấp giấy xác nhận đăng ký vũ khí thô sơ
– Khoản 13, Điều 5 Thông tư 50/2014/TT-BCA đã hết hiệu lực quy định:
Hồ sơ đề nghị cấp giấy xác nhận đăng ký vũ khí thô sơ được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư số 30/2012/TT-BCA:
Đối với vũ khí thô sơ được trang bị cho các đối tượng quy định tại Điều 13 Nghị định (trừ các đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, các bảo tàng, hãng phim, đơn vị biểu diễn nghệ thuật), sau khi được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp Giấy phép mua vũ khí thô sơ, phải mang vũ khí thô sơ kèm theo hóa đơn hoặc phiếu xuất kho đến cơ quan Công an đã cấp Giấy phép mua để đăng ký. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan Công an cấp Giấy xác nhận đăng ký.
Tuy nhiên, đến Thông tư 16/2018/TT-BCA thì không còn quy định về việc cấp giấy xác nhận đăng ký vũ khí thô sơ mà thay vào đó là thông báo xác nhận khai báo vũ khí thô sơ.
– Khi tiếp nhận hồ sơ, nếu hồ sơ đủ điều kiện nhưng thiếu thủ tục hoặc kê khai chưa chính xác thì cán bộ nhận hồ sơ phải hướng dẫn bằng văn bản ghi rõ thủ, nội dung cần bỏ sung, kê khai lại ( theo Khoản 2, Điều 8 Thông tư 16/2018/TT-BCA)
– Đồng thời, tại Khoản 3, Điều 8 Thông tư 16/2018/TT-BCA cũng quy định: nếu hồ sơ không đủ điều kiện thì không tiếp nhận và trả lời bằng văn bản, nêu rõ lí do không tiếp nhận cho cơ quan tố chức doanh nghiệp đã đề nghị.
– Ngoài ra tại Khoản 5, Điều 8 Thông tư 16/2018/TT-BCA còn quy định: Hồ sơ đề nghị cấp thông báo xác nhận khai báo vũ khí thô sơ dùng làm hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo, cán bộ sau khi tiếp nhận hồ sơ phải chuyển hồ sơ đó đến trưởng công an xã, phường, thị trấn.
3. Xử phạt vi phạm hành chính
– Người tàng trữ, vận chuyển vũ khí thô sơ sẽ phải chịu những hình thức xử phạt theo đúng quy định của pháp luật, vì vậy, nếu như vũ khí đang sở hữu có tính lịch sử hoặc kỉ niệm, thì phải sử dụng giấy xác nhận khai báo vũ khí thô sơ để trình bày rõ mục đích sử dụng hợp pháp để tránh những rủi ro về mặt pháp luật.
Khoản 3, Khoản 5 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
+ Trao đổi, mua bán, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp, làm hỏng các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa;
+ Không thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền về việc mất các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo hoa;
+ Sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái quy định nhưng chưa gây hậu quả;
+ Sử dụng các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;
+ Giao vũ khí, công cụ hỗ trợ cho người không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn sử dụng;
+ Không giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;
+ Sản xuất, sửa chữa các loại đồ chơi đã bị cấm;
+ Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép;
+ Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí thể thao;
+ Vận chuyển vũ khí, các chi tiết vũ khí quân dụng, phụ kiện nổ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép hoặc có giấy phép nhưng không thực hiện đúng quy định trong giấy phép hoặc không có các loại giấy tờ khác theo quy định của pháp luật;
Kết luận: Trên đây là một số lưu ý mà Dữ Liệu Pháp Lý gửi đến bạn đọc dựa trên Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017; Nghị định 79/2018/NĐ-CP; Thông tư 16/2018/TT-BCA; Thông tư 17/2018/TT-BCA; Thông tư 18/2018/TT-BCA; Thông tư 193/2010/TT-BTC (được thay thế bởi Thông tư 218/2016/TT-BTC).
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu xem tại đây