2. Giải quyết tố cáo không thuộc lĩnh vực tố tụng hình sự của công dân đối với lực lượng Công an nhân dân
Trong Công an nhân dân, nếu công dân có đơn tố cáo không thuộc lĩnh vực tố tụng hình sự thì theo thẩm quyền luật định, lực lượng Công an nhân dân phải giải quyết những đơn này để đảm bảo quyền lợi của người dân. Sau đây, Dữ liệu Pháp lý sẽ cụ thể hóa việc giải quyết này thông qua các quy định của Luật Tố cáo 2018, Nghị định 22/2019/NĐ-CP và Nghị định 31/2019/NĐ-CP.
1. Định nghĩa tố cáo và giải quyết tố cáo.
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo 2018, tố cáo là việc một cá nhân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:
– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
Khoản 6, khoản 7 Điều 3 Nghị định 22/2019/NĐ-CP định nghĩa giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân là việc thụ lý, xác minh, kết luận nội dung tố cáo và xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân.
Như vậy, đơn tố cáo của công dân không thuộc lĩnh vực tố tụng hình sự đối với lực lượng Công an nhân dân có nội dung:
– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ công an trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; hoặc
– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự.
2. Thẩm quyền giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân.
a. Đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ công an trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Điều 5 Nghị định 22/2019/NĐ-CP quy định về thẩm quyền giải quyết đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật như sau:
– Khoản 1 quy định Trưởng Công an cấp xã (Trưởng Công an phường, Trưởng đồn, Trưởng trạm Công an, Trưởng Công an thị trấn, Trưởng Công an xã thuộc biên chế của lực lượng Công an nhân dân) giải quyết tố cáo đối với cán bộ, chiến sĩ Công an thuộc quyền quản lý trực tiếp, trừ Phó Trưởng Công an cấp xã.
– Khoản 2 quy định Trưởng Công an cấp huyện (Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) giải quyết tố cáo đối với Trưởng Công an cấp xã, Phó Trưởng Công an cấp xã và cán bộ, chiến sĩ từ Đội trưởng trở xuống, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Trưởng Công an cấp xã; giải quyết tố cáo đơn vị Công an cấp xã, đội thuộc quyền quản lý trực tiếp.
– Khoản 3 quy định Công an cấp tỉnh (Trưởng phòng, Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp phòng thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) giải quyết tố cáo đối với cán bộ, chiến sĩ từ Đội trưởng và tương đương trở xuống; giải quyết tố cáo đơn vị cấp đội hoặc tương đương cấp đội thuộc quyền quản lý trực tiếp.
– Giám thị trại giam, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng; Trưởng phòng, Thủ trưởng các đơn vị tương đương cấp phòng có con dấu riêng thuộc đơn vị cấp cục và tương đương thuộc cơ quan bộ giải quyết tố cáo đối với cán bộ, chiến sĩ từ Đội trưởng và tương đương trở xuống; giải quyết tố cáo đơn vị cấp đội hoặc tương đương cấp đội thuộc quyền quản lý trực tiếp.
– Khoản 4 quy định Giám đốc Công an cấp tỉnh giải quyết tố cáo đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp phòng thuộc Công an cấp tỉnh, Trưởng Công an cấp huyện, Phó Trưởng Công an cấp huyện; giải quyết tố cáo đơn vị Công an cấp huyện, cấp phòng và đơn vị tương đương do Công an cấp tỉnh quản lý trực tiếp.
– Khoản 5 quy định Cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp cục thuộc cơ quan bộ giải quyết tố cáo đối với cán bộ giữ chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp phòng và cán bộ, chiến sĩ thuộc thẩm quyền giải quyết của Trưởng phòng, Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp phòng nhưng không có con dấu riêng; giải quyết tố cáo đơn vị cấp phòng và tương đương cấp phòng thuộc quyền quản lý trực tiếp, đơn vị cấp đội hoặc tương đương cấp đội thuộc thẩm quyền giải quyết của Trưởng phòng, Thủ trưởng đơn vị tương đương cấp phòng nhưng không có con dấu riêng.
– Khoản 6 quy định Bộ trưởng giải quyết tố cáo đối với Cục trưởng, Phó Cục trưởng hoặc tương đương thuộc cơ quan bộ, Giám đốc, Phó Giám đốc Công an cấp tỉnh, cán bộ khác do Bộ trưởng trực tiếp quản lý (nếu có); giải quyết tố cáo đơn vị Công an cấp tỉnh, cấp cục và tương đương cấp cục.
Lưu ý:
Khoản 7, khoản 8, khoản 9, khoản 10 Điều 5 Nghị định 22/2019/NĐ-CP quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong một số trường hợp đặc biệt như sau:
– Nếu hành vi vi phạm do cán bộ, chiến sĩ Công an thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị Công an thực hiện thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an trực tiếp quản lý cán bộ, chiến sĩ Công an bị tố cáo chủ trì giải quyết; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp giải quyết.
– Trường hợp tố cáo cán bộ, chiến sĩ hoặc cơ quan, đơn vị cấp dưới của cơ quan, đơn vị đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị sau hợp nhất, sáp nhập, chia, tách đang quản lý cán bộ, chiến sĩ, cơ quan, đơn vị đó chủ trì giải quyết; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp giải quyết.
Đối với việc tố cáo cán bộ, chiến sĩ, cơ quan, đơn vị thuộc cơ quan, đơn vị trong Công an nhân dân đã bị giải thể thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý cơ quan, đơn vị Công an trước khi bị giải thể giải quyết.
– Trong trường hợp cán bộ, chiến sĩ Công an bị tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ xảy ra trong thời gian trước đây và nay đã chuyển cơ quan, đơn vị hoặc không còn là cán bộ, chiến sĩ Công an theo nguyên tắc sau:
+ Trường hợp cán bộ, chiến sĩ Công an bị tố cáo là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an đã chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị Công an khác mà vẫn giữ chức vụ tương đương thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị cán bộ, chiến sĩ Công an đó công tác tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị cán bộ, chiến sĩ Công an đang công tác phối hợp giải quyết.
+ Trường hợp cán bộ, chiến sĩ Công an bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị Công an khác và giữ chức vụ cao hơn thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an đang quản lý cán bộ, chiến sĩ Công an đó chủ trì giải quyết; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an quản lý cán bộ, chiến sĩ bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết.
Trường hợp cán bộ, chiến sĩ Công an bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị Công an khác và giữ chức vụ Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an đó thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị cán bộ, chiến sĩ đang công tác chủ trì giải quyết; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an đã quản lý cán bộ, chiến sĩ Công an bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết.
+ Trường hợp cán bộ, chiến sĩ Công an bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, đơn vị Công an khác (không thuộc hai trường hợp giữ chức vụ tương đương hoặc giữa chức vụ cao hơn nói trên) thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an quản lý cán bộ, chiến sĩ bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an đang quản lý cán bộ, chiến sĩ bị tố cáo phối hợp giải quyết.
+ Trường hợp người bị tố cáo không còn là cán bộ, chiến sĩ Công an thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với cán bộ, chiến sĩ Công an tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.
– Đối với tố cáo cán bộ Công an biệt phái đến công tác tại cơ quan, tổ chức khác ngoài Công an nhân dân thì thẩm quyền giải quyết được quy định như sau:
+ Trường hợp tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong thời gian công tác trước khi biệt phái thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an quản lý trực tiếp tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật giải quyết, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.
+ Trường hợp tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức mới thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi cán bộ đó đang công tác giải quyết.
– Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 5 Nghị định 22/2019/NĐ-CP giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp dưới trực tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu không khách quan.
b) Đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự.
Điều 10 Nghị định 22/2019/NĐ-CP quy định thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự như sau:
– Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an các cấp có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự thuộc phạm vi quản lý được giao. Các cơ quan, đơn vị khác liên quan có trách nhiệm phối hợp.
– Cán bộ, chiến sĩ Công an không giữ chức vụ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong khi thi hành công vụ có thẩm quyền giải quyết đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự mà nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay thuộc phạm vi quản lý được giao.
– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự có nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan khác ngoài Công an nhân dân, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải trao đổi với cơ quan chức năng có liên quan để thống nhất việc phân công chủ trì, phối hợp giải quyết tố cáo. Nếu không thống nhất được thì báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp trên trực tiếp xem xét để báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định.
Trong thời gian trao đổi, báo cáo nếu hành vi bị tố cáo thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Tố cáo 2018 (Trường hợp hành vi bị tố cáo gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân) thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải áp dụng biện pháp cần thiết theo quy định hoặc thông báo ngay cho cơ quan, đơn vị Công an, tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền để ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm.
3. Thủ tục giải quyết tố cáo.
Theo quy định của Điều 8, Điều 11 Nghị định 22/2019/NĐ-CP, thủ tục giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ công an trong việc thực hiện nhiệm vụ và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự là như nhau và được quy định trong Luật Tố cáo 2018. Cụ thể:
Điều 28 quy định trình tự giải quyết tố cáo:
1. Thụ lý tố cáo.
Thụ lý tố cáo được quy định tại Điều 29 Luật Tố cáo 2018, Điều 9 Nghị định 31/2019/NĐ-CP như sau:
– Trước khi thụ lý tố cáo, người giải quyết tố cáo tự mình hoặc giao cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo. Trường hợp người tố cáo không cư trú tại địa bàn quản lý hoặc gặp khó khăn trong việc xác minh thì người giải quyết tố cáo có thể ủy quyền cho cơ quan nhà nước ngang cấp hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới xác minh thông tin cần thiết phục vụ việc ra quyết định thụ lý tố cáo.
– Người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Tố cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 23 Luật Tố cáo 2018 (tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc người tố cáo đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật)
+ Người tố cáo có đủ năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật.
+ Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo.
+ Nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật.
Lưu ý: Trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng người khiếu nại không đồng ý mà chuyển sang tố cáo người đã giải quyết khiếu nại thì chỉ thụ lý tố cáo khi người tố cáo cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để xác định người giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm pháp luật.
– Quyết định thụ lý tố cáo được thực hiện theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm Nghị định 31/2019/NĐ-CP và trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thụ lý tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm thông báo về việc thụ lý tố cáo và nội dung tố cáo cho người tố cáo biết.
Thông báo việc thụ lý tố cáo được thực hiện theo Mẫu số 05, thông báo về nội dung tố cáo cho người bị tố cáo thực hiện theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm Nghị định này 31/2019/NĐ-CP.
2. Xác minh nội dung tố cáo.
Việc xác minh nội dung tố cáo được quy định tại Điều 31 Luật Tố cáo 2018, Điều 10 Nghị định 31/2019/NĐ-CP như sau:
– Việc xác minh nội dung tố cáo có thể được thực hiện bằng cách:
+Người giải quyết tố cáo tự mình tiến hành xác minh.
+ Người giải quyết tố cáo thành lập Đoàn xác minh tố cáo hoặc Tổ xác minh tố cáo. Trường hợp thành lập Tổ xác minh thì phải có từ hai người trở lên, trong đó giao cho một người làm Tổ trưởng.
+ Người giải quyết tố cáo giao cho cơ quan thanh tra cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác xác minh nội dung tố cáo.
+ Thủ trưởng cơ quan thanh tra hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo có trách nhiệm thành lập Tổ xác minh. Tương tự, khi thành lập Tổ xác minh thì phải có từ hai người trở lên, trong đó giao cho một người làm Tổ trưởng.
– Kết thúc việc xác minh nội dung tố cáo, người được giao xác minh phải có văn bản báo cáo người giải quyết tố cáo về kết quả xác minh nội dung tố cáo và kiến nghị biện pháp xử lý.
Lưu ý: Người giải quyết tố cáo hoặc Thủ trưởng cơ quan thanh tra hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo không giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng Tổ xác minh, thành viên Tổ xác minh đối với những người có vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố mẹ bên vợ hoặc bên chồng, con đẻ, con nuôi, con rể, con dâu, anh ruột, chị ruột, em ruột là người bị tố cáo hoặc có lợi ích liên quan trực tiếp với người bị tố cáo.
3. Kết luận nội dung tố cáo.
– Căn cứ vào nội dung tố cáo, giải trình của người bị tố cáo, kết quả xác minh nội dung tố cáo, tài liệu, chứng cứ có liên quan, người giải quyết tố cáo ban hành kết luận nội dung tố cáo. Kết luận nội dung tố cáo được thực hiện theo Mẫu số 12 tại Phụ lục ban hành kèm Nghị định 31/2019/NĐ-CP.
– Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo gửi kết luận nội dung tố cáo đến người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thông báo về kết luận nội dung tố cáo đến người tố cáo.
4. Xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.
– Chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo căn cứ vào kết luận nội dung tố cáo tiến hành việc xử lý như sau:
+ Trường hợp kết luận người bị tố cáo không vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo bị xâm phạm do việc tố cáo không đúng sự thật gây ra, đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật.
+ Trường hợp kết luận người bị tố cáo vi phạm pháp uật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
+ Trường hợp hành vi vi phạm của người bị tố cáo có dấu hiệu của tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả xử lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý kiến nghị trong kết luận nội dung tố cáo nói trên có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người giải quyết tố cáo về kết quả xử lý.
Lưu ý: Điều 12 Nghị định 22/2019/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục giải quyết đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay:
– Cán bộ, chiến sĩ Công an có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo.
– Trường hợp tố cáo hành vi vi phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của cơ quan, đơn vị mình thì cán bộ, chiến sĩ Công an tiếp nhận tố cáo phải trực tiếp tiến hành hoặc báo cáo người có thẩm quyền giải quyết tố cáo tiến hành ngay việc xác minh nội dung tố cáo, áp dụng biện pháp cần thiết để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và kịp thời lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật (nếu có). Việc xác minh, kiểm tra thông tin về người tố cáo được thực hiện trong trường hợp người giải quyết tố cáo thấy cần thiết cho quá trình xử lý hành vi bị tố cáo.
– Thủ trưởng, cán bộ, chiến sĩ Công an giải quyết tố cáo ra quyết định xử lý hành vi vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Thời hạn giải quyết tố cáo.
Điều 30 Luật Tố cáo 2018 quy định:
– Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.
– Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày.
– Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
Trong đó, một vụ việc được xem là phức tạp khi đáp ứng một trong các tiêu chí được quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 31/2019/NĐ-CP như sau:
+ Tố cáo về một nội dung nhưng phải xác minh từ 02 địa điểm trở lên.
+ Tố cáo có từ 02 nội dung phải xác minh trở lên.
+ Nhiều người tố cáo về cùng một nội dung hoặc nội dung tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều người.
+ Tố cáo có yếu tố nước ngoài: người tố cáo ở nước ngoài hoặc là người nước ngoài; hành vi bị tố cáo xảy ra ở nước ngoài; nội dung tố cáo phải xác minh ở nước ngoài.
+ Nội dung tố cáo liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức.
+ Các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình giải quyết tố cáo còn ý kiến khác nhau.
+ Có tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thời gian kiểm tra, xác minh, đánh giá hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn.
Nếu một vụ việc đáp ứng từ 02 tiêu chí trở lên nói trên thì được xác định là vụ việc đặc biệt phức tạp theo quy định tại Điều 3 Nghị định 31/2019/NĐ-CP.
– Người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết tố cáo và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Kết luận: Việc giải quyết tố cáo không thuộc lĩnh vực tố tụng hình sự của công dân đối với lực lượng Công an nhân dân phải được thực hiện theo đúng quy định của Luật Tố cáo 2018, Nghị định 22/2019/NĐ-CP và Nghị định 31/2019/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, thủ tục, biểu mẫu xem tại đây: Giải quyết tố cáo không thuộc lĩnh vực tố tụng hình sự của công dân đối với lực lượng Công an nhân dân