14. Cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy
Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy vẫn có thể được cấp lại trong một số trường hợp nhất định. Sau đây, Dữ liệu Pháp lý sẽ cụ thể hóa thủ tục này qua các quy định của Luật phòng cháy và chữa cháy 2001 và Nghị định 136/2020/NĐ-CP và Thông tư 149/2020/TT-BCA .
1. Đối tượng được cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.
Khoản 1 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về đối tượng được cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy sau khi được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy:
– Người có chức danh chỉ huy chữa cháy quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật phòng cháy và chữa cháy. Những người đó gồm:
+ Cháy tại cơ sở thì người đứng đầu cơ sở là người chỉ huy chữa cháy; trường hợp người đứng đầu cơ sở vắng mặt thì đội trưởng đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở hoặc người được uỷ quyền là người chỉ huy chữa cháy.
+ Cháy tại thôn thì trưởng thôn là người chỉ huy chữa cháy; trường hợp những người này vắng mặt thì đội trưởng đội dân phòng hoặc người được uỷ quyền là người chỉ huy chữa cháy.
+ Cháy phương tiện giao thông cơ giới đang lưu thông thì người chỉ huy phương tiện, chủ phương tiện là người chỉ huy chữa cháy; trường hợp không có người chỉ huy phương tiện, chủ phương tiện thì người điều khiển phương tiện là người chỉ huy chữa cháy;
+ Cháy rừng nếu chủ rừng là cơ quan, tổ chức thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người được uỷ quyền là người chỉ huy chữa cháy, trưởng thôn tại nơi xảy ra cháy có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy; nếu chủ rừng là hộ gia đình hoặc cá nhân thì trưởng thôn hoặc người được uỷ quyền tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy.
Người đứng đầu đơn vị kiểm lâm hoặc người được uỷ quyền tại nơi xảy ra cháy có trách nhiệm tham gia chỉ huy chữa cháy.
+ Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn trở lên có mặt tại đám cháy là người chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy.
– Thành viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở.
– Thành viên đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.
– Người làm việc trong môi trường có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thường xuyên tiếp xúc với hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ.
– Người điều khiển phương tiện, người làm việc trên phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hành khách trên 29 chỗ ngồi và phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ.
– Người làm nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy tại các cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
– Thành viên đội, đơn vị phòng cháy và chữa cháy rừng.
2. Thẩm quyền cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.
Theo khoản 13 Điều 33 Nghị định 136/2020/NĐ-CP thì trong trường hợp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy bị hư hỏng hoặc bị mất thì sẽ được cấp lại bởi:
+ Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
+ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
+ Công an cấp tỉnh.
+ Công an cấp huyện.
3. Thủ tục cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.
Khi có nhu cầu đổi, cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy, người có yêu cầu phải nộp cho cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có thẩm quyền 01 bộ hồ sơ gồm có đơn đề nghị xin cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy.
Trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị xin cấp lại, có quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có thẩm quyền sẽ cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy cho người có yêu cầu.
Kết luận: Thủ tục cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy phải được thực hiện theo quy định của Luật phòng cháy và chữa cháy 2001 và Nghị định 136/2020/NĐ-CP và Thông tư 149/2020/TT-BCA.
Chi tiết trình tự, thủ tục, biểu mẫu xem tại đây:
Cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy