Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, miễn nhiệm, cho từ chức, giáng chức, cách chức Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan THADS

 

Thủ tục

Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, miễn nhiệm, cho từ chức, giáng chức, cách chức Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan THADS

Trình tự thực hiện Thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại

a) Đối với nguồn nhân sự tại chỗ:

* Đối với Thủ trưởng, phó Thủ trưởng Cơ quan THADS cấp tỉnh:

– Xác định nhu cầu:

 Tổng cục trưởng Tổng cục THADS căn cứ nguồn quy hoạch tổ chức cuộc họp Lãnh đạo Tổng cục để xác định nhu cầu, chủ trương, giới thiệu nhân sự Cục trưởng Cục THADS; phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp cho ý kiến về phương án nhân sự Cục trưởng; trao đổi, lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan; trao đổi, thống nhất với BTV Tỉnh ủy, Thành ủy về phương án nhân sự Cục trưởng.

Cục trưởng Cục THADS tổ chức Hội nghị tập thể Lãnh đạo Cục để thống nhất nhu cầu, chủ trương, dự kiến phân công công việc đối với công chức sẽ được bổ nhiệm, đồng thời phối hợp với cơ quan có thẩm quyền về quản lý cán bộ cấp tỉnh tổ chức Hội nghị lấy phiếu tham khảo về nhân sự Phó Cục trưởng; Cục THADS báo cáo, xin ý kiến về chủ trương và dự kiến nhân sự; có hồ sơ gửi Tổng cục, Tổng cục căn cứ hồ sơ tổ chức họp tập thể Lãnh đạo Tổng cục, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp trình Bộ trưởng xem xét, phê duyệt;

Căn cứ kết quả phê duyệt, Tổng cục thông báo, Cục trưởng phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ cấp tỉnh để thực hiện các quy trình tiếp theo.

– Tổ chức các Hội nghị: Hội nghị Cán bộ công chức, Hội nghị cán bộ chủ chốt để lấy phiếu tín nhiệm đối với Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục THADS

Trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định

Đối với Cục trưởng:

+ Tổng Cục trưởng báo cáo Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét kết luận những vấn đề mới phát sinh (nếu có);

+ Tổng Cục trưởng trình Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng phụ trách công tác THADS ký Công văn trao đổi, lấy ý kiến bằng văn bản của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy về nhân sự trước khi trình Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định.

Đối với Phó Cục trưởng:

+ Tập thể lãnh đạo Cục xem xét kết luận những vấn đề mới phát sinh (nếu có);

+ Cục trưởng trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho ý kiến bằng văn bản về nhân sự trước khi báo cáo Tổng cục trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định.

Tổng cục Thi hành án dân sự trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định bổ nhiệm đối với Cục trưởng và Phó Cục trưởng.

* Đối với Thủ trưởng, phó Thủ trưởng Cơ quan THADS cấp huyện:

Cục trưởng Cục THADS căn cứ nhu cầu thực hiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan THADS cấp huyện;

Người được bổ nhiệm và đến thời hạn bổ nhiệm lại phải có hồ sơ gửi Cục THADS, Cục THADS tổ chức các Hội nghị: Hội nghị 1: Cán bộ chủ chốt của Cục để xác định chủ trương, phương án nhân sự; Hội nghị 2: Toàn thể cán bộ công chức của Chi cục; Hội nghị 3: Hội nghị cán bộ chủ chốt của Chi cục; Hội nghị 4: Tập thể lãnh đạo Cục xem xét kết luận những vấn đề mới phát sinh (nếu có). Cục trưởng trao đổi và lấy ý kiến bằng văn bản của Ban Thường vụ cấp uỷ cấp huyện (đối với Chi Cục trưởng), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (đối với Phó Chi cục trưởng).

Căn cứ ý kiến bằng văn bản của cấp có thẩm quyền quy định tại Hội nghị 4, Cục trưởng trình Tổng Cục trưởng bổ nhiệm đối với Chi Cục trưởng; quyết định bổ nhiệm đối với Phó Chi cục trưởng.

b) Đối với bổ nhiệm nguồn nhân sự từ cơ quan khác

* Cấp tỉnh:

 Bước 1: Giới thiệu phương án nhân sự

Đối với Cục trưởng: Căn cứ nguồn cán bộ do địa phương hoặc cơ quan có liên quan giới thiệu, Tổng Cục trưởng tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo Tổng cục để thống nhất chủ trương, phương án nhân sự. Trên cơ sở kết quả cuộc họp, Tổng Cục trưởng phối hợp với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp trình Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về nhu cầu, chủ trương và dự kiến phương án nhân sự;

Đối với Phó Cục trưởng: Căn cứ nguồn cán bộ do Cục trưởng hoặc cơ quan có liên quan đề nghị, Tổng Cục trưởng tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo Tổng cục để thống nhất chủ trương, phương án nhân sự.

Trên cơ sở kết quả cuộc họp, Tổng Cục trưởng phối hợp với Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp về nhu cầu, chủ trương và dự kiến phương án nhân sự.

 Bước 2: Triển khai quy trình điều động (hoặc tiếp nhận), bổ nhiệm như sau:

Căn cứ kết quả phê duyệt của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng cục thực hiện quy trình:

– Gặp gỡ người dự kiến bổ nhiệm để trao đổi về yêu cầu công tác, nhu cầu bổ nhiệm;

– Làm việc với Thủ trưởng và cấp uỷ của đơn vị nơi dự kiến bổ nhiệm;

– Làm việc với Thủ trưởng đơn vị và cấp uỷ nơi công chức đang công tác để trao đổi về nhu cầu bổ nhiệm, tìm hiểu đánh giá về công chức; xác minh lý lịch của công chức (nếu có); lấy ý kiến bằng văn bản.

Bước 3: Trình bổ nhiệm: Căn cứ kết quả thực hiện các bước theo quy trình, tập thể Lãnh đạo Tổng cục thảo luận, biểu quyết nhân sự, gửi Hồ sơ về Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp để trình Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định.

* Cấp huyện: Theo thẩm quyền được phân cấp, sau khi xác định chủ trương, thống nhất phương án nhân sự, Cục trưởng Cục THADS triển khai thực hiện quy trình tiếp nhận và bổ nhiệm tương tự như việc tiếp nhận, bổ nhiệm đối với Lãnh đạo Cục THADS.

Trình tự luân chuyển, miễn nhiệm, cho từ chức, giáng chức, cách chức

Cơ quan cấp trên của người trực tiếp được luân chuyển, miễn nhiệm, cho từ chức, giáng chức, cách chức chuẩn bị hồ sơ và thực hiện các thủ tục cần thiết và gửi hồ sơ về Tổng cục THADS để thẩm định.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định luân chuyển, miễn nhiệm, cho từ chức, giáng chức, cách chức Cục trưởng Cục THADS trên cơ sở đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục THADS và Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp.

Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, miễn nhiệm, cho từ chức, giáng chức, cách chức Phó Cục trưởng Cục THADS; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS thực hiện theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

 

Cách thức thực hiện – Người được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại gửi hồ sơ trực tiếp đến Cục THADS, Phòng Tổ chức cán bộ chuẩn bị hồ sơ và các tài liệu kèm theo của người được luân chuyển, miễn nhiệm, cho từ chức, giáng chức, cách chức. Cục trưởng Cục THADS quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, miễn nhiệm, cho từ chức, giáng chức, cách chức Phó Thủ trưởng cơ quan THADS;

– Cục THADS chuẩn bị hồ sơ và thực hiện các quy định của pháp luật về công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, miễn nhiệm, cho từ chức, giáng chức, cách chức Thủ trưởng, phó Thủ trưởng Cơ quan THADS gửi Tổng cục THADS (qua đường bưu điện) để thẩm định;

Thành phần số lượng hồ sơ -Tờ trình đề nghị bổ nhiệm của Tổng cục THADS theo mẫu số 08/BNCB; Tờ trình đề nghị bổ nhiệm của Cục THADS trong trường hợp đề nghị bổ nhiệm Phó Cục trưởng;

– Sơ yếu lý lịch theo mẫu có ảnh (bản khai tại thời điểm trình bổ nhiệm); đề án hoặc chương trình hành động của người được đề nghị bổ nhiệm;

– Bản kê khai tài sản, thu nhập theo mẫu quy định;

– Bản sao các văn bằng, chứng chỉ;

– Biên bản họp và Biên bản kiểm phiếu tín nhiệm của công chức tại Hội nghị 2, Hội nghị 3;

– Ý kiến bằng văn bản của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm Cục trưởng; của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm Phó Cục trưởng; Ban Thường vụ Huyện ủy đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm Chi Cục trưởng; của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm Phó Chi Cục trưởng

– Giấy chứng nhận sức khoẻ do bệnh viện đa khoa huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên cấp (còn trong thời hạn 6 tháng);

– Bản đánh giá công chức theo các nội dung quy định tại Điều 56 Luật Cán bộ Công chức;

– Nhận xét của cấp ủy nơi công chức cư trú thường xuyên.

– Các tài liệu khác phù hợp đối với trường hợp miễn nhiệm, cho từ chức, giáng chức, cách chức Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan THADS

Số lượng hồ sơ: 01 bộ

Thời hạn giải quyết Không quy định cụ thể
Đối tượng thực hiện Cá nhân
Cơ quan thực hiện Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, Cục THADS
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, giáng chức, cách chức
Lệ phí Chưa quy định cụ thể.
Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai Chưa có quy định cụ thể
Yêu cầu, điều kiện thực hiện Chi Cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS phải có các tiêu chuẩn sau đây:

a) Là Chấp hành viên sơ cấp trở lên;

b) Có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong sạch, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công tác;

c) Có kinh nghiệm thực tiễn về THADS;

d) Có năng lực điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Chi cục THADS;

đ) Các tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật.

Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục THADS phải có các tiêu chuẩn sau đây:

a) Là Chấp hành viên trung cấp trở lên;

b) Có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong sạch, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công tác.

c) Có kinh nghiệm thực tiễn về THADS;

d) Có năng lực điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Cục THADS;

đ) Các tiêu chuẩn khác theo quy định của pháp luật.

Thông tư số 13/2013/TT-BTP
Cơ sở pháp lý – Luật THADS số 26/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Luật số 64/2014/QH13.

– Nghị định số 62/2015/NĐ-CP

– Thông tư số 09/2012TT-BTP

 

Số hồ sơ B-BTP-BS005 Lĩnh vực Thi hành án dân sự
Cơ quan ban hành Bộ tư pháp Cấp thực hiện Trung ương
Tình trạng Còn hiệu lực Quyết định công bố
Nội dung chỉ dành cho Thành viên. Vui lòng đăng nhập.