THÔNG TƯ 241/2009/TT-BTC HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ, THANH TOÁN VỐN ĐẦU TƯ DỰ ÁN MỞ RỘNG VÀ HOÀN THIỆN ĐƯỜNG LÁNG – HÒA LẠC DO BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 241/2009/TT-BTC |
Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2009 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ, THANH TOÁN VỐN ĐẦU TƯ DỰ ÁN MỞ RỘNG VÀ HOÀN THIỆN ĐƯỜNG LÁNG – HÒA LẠC
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 và số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/1/2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và các địa phương có liên quan;
Thực hiện văn bản số 224/CP-CN ngày 1/3/2003; văn bản số 828/CP-CN ngày 18/6/2003; văn bản 1726/CP-CN ngày 17/12/2003 của Chính phủ; văn bản số 1042/TTg-CN ngày 1/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc; văn bản số 120/TB-VPCP ngày 14/6/2004 của Văn phòng Chính phủ về đầu tư Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư cho Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Dự án Hoàn thiện mở rộng đường Láng – Hòa Lạc được đầu tư bằng các nguồn vốn ngân sách nhà nước, bao gồm:
– Nguồn vốn ngân sách trung ương đảm bảo bố trí kinh phí cho công tác chuẩn bị đầu tư, quản lý dự án và tư vấn giám sát chất lượng công trình, cho các hạng mục được bổ sung và điều chỉnh quy mô dự án được bố trí trong kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm của Bộ Giao thông vận tải.
– Nguồn vốn ngân sách của thành phố Hà Nội (tự huy động theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất), nguồn vốn bằng quỹ đất trên địa bàn thành phố Hà Nội để thực hiện đầu tư xây dựng tuyến đường.
Điều 2. Việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư của dự án được thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và các quy định tại Thông tư này.
Điều 3. Trách nhiệm các bên trong quá trình thực hiện dự án.
1. Đại diện chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án Thăng Long), Tổng thầu xây dựng (Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam) theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm đảm bảo thực hiện dự án theo đúng tiến độ, chất lượng và sử dụng đúng mục đích các nguồn vốn đầu tư cho Dự án hoàn thiện mở rộng đường Láng – Hòa Lạc, không được sử dụng cho các mục đích khác.
2. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo và hướng dẫn các cấp quản lý thuộc thẩm quyền thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và hướng dẫn tại Thông tư này.
3. Sở Tài chính thành phố Hà Nội có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện việc quản lý, đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho dự án hoàn thiện mở rộng đường Láng – Hòa Lạc theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
4. Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm thực hiện việc kiểm soát và thanh toán vốn đầu tư cho dự án đảm bảo kịp thời, đúng quy định.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Lập kế hoạch vốn đầu tư hàng năm của dự án.
1. Vào thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định, căn cứ tiến độ thực hiện của dự án, Ban quản lý dự án Thăng Long lập kế hoạch nhu cầu vốn đầu tư có phân chia theo từng nguồn vốn (vốn ngân sách trung ương, vốn của ngân sách thành phố Hà Nội và vốn bằng quỹ đất) gửi Bộ Giao thông vận tải.
2. Bộ Giao thông vận tải tổng hợp kế hoạch vốn đầu tư gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (phần ngân sách địa phương đảm nhận). Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng dự toán chi đầu tư hàng năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
3. Sau khi dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện phân bổ vốn đầu tư và gửi kế hoạch vốn đầu tư cho cơ quan tài chính cùng cấp và Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để làm căn cứ kiểm soát, thanh toán vốn.
4. Cơ quan tài chính các cấp thực hiện công tác thẩm tra phân bổ vốn theo quy định.
5. Trong năm kế hoạch, căn cứ tình hình thực hiện thực tế và các nguồn vốn thực có của dự án, Tổng thầu xây dựng, Ban quản lý dự án Thăng Long thực hiện việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư của dự án nếu cần thiết để gửi cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh.
Điều 5. Quản lý, thanh toán vốn.
1. Đối với khối lượng công việc được đảm bảo thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và nguồn vốn bằng tiền từ ngân sách thành phố Hà Nội được thực hiện quản lý, thanh toán theo quy định tại Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 3/4/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn ngân sách nhà nước; Thông tư số 130/2007/TT-BTC ngày 2/11/2007 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 3/4/2007; Thông tư số 88/2009/TT-BTC ngày 29/4/2009 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 3/4/2007 và Thông tư số 130/2007/TT-BTC ngày 2/11/2007 của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).
2. Đối với khối lượng công việc được thanh toán bằng quỹ đất.
– Việc quản lý, lập hồ sơ đề nghị thanh toán được thực hiện theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 3/4/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn ngân sách nhà nước, Thông tư số 130/2007/TT-BTC ngày 2/11/2007 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 3/4/2007, Thông tư số 88/2009/TT-BTC ngày 29/4/2009 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 3/4/2007 và Thông tư số 130/2007/TT-BTC ngày 2/11/2007 của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).
– Ban Quản lý dự án Thăng Long gửi hồ sơ thanh toán của dự án cho cơ quan Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi;
– Cơ quan Kho bạc Nhà nước, căn cứ hồ sơ của Ban Quản lý dự án Thăng Long gửi đến, kiểm tra và thực hiện việc xác nhận giá trị khối lượng đủ điều kiện thanh toán vốn chuyển Ban quản lý dự án Thăng Long và Tổng thầu xây dựng.
– Căn cứ xác nhận khối lượng đủ điều kiện được thanh toán của cơ quan Kho bạc Nhà nước, Ban Quản lý dự án Thăng Long, Tổng thầu xây dựng tiến hành thanh toán cho dự án đồng thời thanh toán trực tiếp cho đơn vị thụ hưởng theo đúng quy định, báo cáo số thanh toán cho Ban quản lý dự án Thăng Long;
– Ban Quản lý dự án Thăng Long tổng hợp, theo dõi số vốn đã thanh toán cho dự án theo từng nguồn vốn, định kỳ hàng quý lập báo cáo tổng hợp gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội (Sở Tài chính) để theo dõi đối chiếu và làm căn cứ cho công tác thanh toán, hạch toán bằng quỹ đất cho Tổng thầu xây dựng.
Điều 6. Hạch toán và quản lý tiền thu được từ sử dụng quỹ đất để tạo vốn đầu tư cho dự án hoàn thiện mở rộng đường Láng – Hòa Lạc.
– Sau khi có quyết định phê duyệt giá trị quỹ đất, quyết định giao đất cho Tổng thầu xây dựng, Sở Tài chính thành phố Hà Nội thực hiện hạch toán ghi thu ngân sách địa phương về tiền giao quyền sử dụng đất và ghi chi tạm ứng cho dự án tương ứng giá trị tiền thu được.
– Hết niên độ ngân sách hàng năm (ngày 31/1 hàng năm), căn cứ báo cáo tổng hợp của Ban Quản lý dự án Thăng Long về lũy kế số vốn đã thanh toán cho dự án trong năm có xác nhận của cơ quan Kho bạc Nhà nước, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (Sở Tài chính) làm thủ tục hạch toán chi ngân sách về đầu tư và chuyển nguồn vốn còn lại (nếu có) sang năm sau để tiếp tục thanh toán cho dự án.
– Trường hợp giá trị quỹ đất chi tạm ứng cho Tổng thầu xây dựng lớn hơn giá trị phần công trình được thanh toán bằng quỹ đất của dự án thì Tổng thầu xây dựng phải nộp phần chênh lệch bằng tiền vào ngân sách thành phố Hà Nội. Trường hợp giá trị quỹ đất chi tạm ứng cho Tổng thầu xây dựng nhỏ hơn giá trị công trình của dự án thì ngân sách thành phố Hà Nội thanh toán trả cho tổng thầu xây dựng phần chênh lệch theo hình thức bổ sung quỹ đất hoặc bằng tiền.
– Riêng đối với khu Bắc An Khánh, chủ đầu tư mới là Công ty liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định để tạo nguồn thanh toán cho khối lượng hoàn thành của dự án.
Điều 7. Nguyên tắc ứng vốn của Tổng thầu xây dựng.
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm đảm bảo cấp đủ kinh phí cho dự án đối với khối lượng đảm nhận theo tiến độ thực hiện dự án để chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án. Trường hợp không đáp ứng nguồn vốn theo tiến độ, Tổng thầu xây dựng phải ứng vốn đầu tư trước thì việc thực hiện ứng vốn và thanh toán vốn ứng trên cơ sở đồng thuận giữa các bên.
Điều 8.Nguyên tắc tính toán khoản lãi vốn Tổng thầu đã ứng trước cho công tác giải phóng mặt bằng.
– Lãi suất: Theo lãi thực tế ghi trong hợp đồng vay vốn của Tổng thầu song không lớn hơn lãi suất trung bình của 4 ngân hàng thương mại gồm Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tại thời điểm ứng vốn.
– Thời gian tính lãi từ thời điểm thực ứng (do hai bên thỏa thuận) đến thời điểm Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) có quyết định giao đất khu Bắc An Khánh cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đất đai để tạo vốn thực hiện dự án Mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc.
– Khoản lãi này được hạch toán, quyết toán trong dự án đầu tư công trình mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc.
Điều 9. Quyết toán.
1. Quyết toán niên độ: Hàng năm, Ban quản lý dự án Thăng Long báo cáo quyết toán từng loại nguồn vốn theo chế độ quy định, đồng thời tổng hợp toàn bộ các quyết toán của dự án báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định tại Thông tư số 53/2005/TT-BTC ngày 23/6/2005 của Bộ Tài chính về hướng dẫn lập, thẩm định báo cáo quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước theo niên độ ngân sách hàng năm, Thông tư số 108/2008/TT-BTC ngày 18/11/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý ngân sách cuối năm và lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nếu có.
2. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện quyết toán chi ngân sách theo quy định hiện hành.
3. Quyết toán dự án hoàn thành: Sau khi dự án hoàn thành, chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện quyết toán vốn đầu tư dự án theo quy định tại Thông tư số 33/2007/TT-BTC ngày 9/4/2007 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước, Thông tư số 98/2007/TT-BTC ngày 9/8/2007 về sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 33/2007/TT-BTC ngày 9/4/2007 và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nếu có.
Điều 10. Báo cáo, kiểm tra
1. Về Báo cáo: Tổng thầu xây dựng, Ban quản lý dự án Thăng Long có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư của dự án cho Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Kho bạc Nhà nước báo cáo Bộ Tài chính theo quy định về chế độ báo cáo vốn đầu tư.
2. Về kiểm tra:
– Các Bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất dự án về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư, tình hình sử dụng vốn và việc chấp hành chính sách, chế độ tài chính đầu tư.
– Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Tổng thầu xây dựng, Ban Quản lý dự án có trách nhiệm tăng cường công tác quản lý, công tác kiểm tra, không để xảy ra tình trạng lãng phí, thất thoát, tiêu cực.
Điều 11. Tổ chức thực hiện.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 64/2005/TT-BTC ngày 15/8/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hòa Lạc.
Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.
Nơi nhận: |
KT.BỘ TRƯỞNG Phạm Sỹ Danh |
THÔNG TƯ 241/2009/TT-BTC HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ, THANH TOÁN VỐN ĐẦU TƯ DỰ ÁN MỞ RỘNG VÀ HOÀN THIỆN ĐƯỜNG LÁNG – HÒA LẠC DO BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 241/2009/TT-BTC | Ngày hiệu lực | 12/02/2010 |
Loại văn bản | Thông tư | Ngày đăng công báo | 17/01/2010 |
Lĩnh vực |
Đầu tư Xây dựng Giao thông - vận tải |
Ngày ban hành | 29/12/2009 |
Cơ quan ban hành |
Bộ tài chính |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |