THÔNG TƯ 104/2006/TT-BTC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGÂN SÁCH VÀ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG THUỘC LĨNH VỰC CƠ YẾU DO BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 01/01/2007

BỘ TÀI CHÍNH
——–

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 104/2006/TT-BTC

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2006

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGÂN SÁCH VÀ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG THUỘC LĨNH VỰC CƠ YẾU

– Căn cứ Pháp lệnh Cơ yếu ban hành năm 2001;

– Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

– Căn cứ Nghị định số 10/2004/NĐ-CP ngày 07/01/2004 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản của Nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh;

– Căn cứ Nghị định số 14/1998/NĐ-Cp ngày 06/3/2003 của Chính phủ về quản lý tài sản Nhà nước;

– Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản Nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực Cơ yếu như sau:

A – NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thông tư này hướng dẫn quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực cơ yếu. Những nội dung không hướng dẫn trong Thông tư này về lập, chấp hành, quyết toán chi đầu tư xây dựng cơ bản, chi Chương trình mục tiêu quốc gia và chi thường xuyên thực hiện theo Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ; Thông tư số 79/2003/TT-BTC ngày 13/8/2003 hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành;

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương và các địa phương có nhiệm vụ đảm bảo ngân sách cho công tác cơ yếu thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước; Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ và các quy định tại Thông tư này.

B- QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGÂN SÁCH THUỘC LĨNH VỰC CƠ YẾU

I- Nội dung chi ngân sách tại Ban Cơ yếu Chính phủ:

1. Chi thường xuyên:

1.1. Chi đảm bảo chế độ, chính sách về đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân viên thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ;

1.2. Chi huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ thuật mật mã;

1.3. Chi đào tạo và nghiên cứu khoa học kỹ thuật mật mã;

1.4. Chi sản xuất thử, triển khai thực nghiệm kỹ thuật – công nghệ mới về mật mã và chuyển giao công nghệ mật mã;

1.5. Chi sản xuất, bảo quản và sửa chữa máy móc, thiết bị mật mã chuyên dùng trong ngành cơ yếu;

1.6. Chi sản xuất, bảo quản và sửa chữa tài liệu mật mã, từ điển mật mã;

1.7. Chi mua sắm, lắp đặt máy móc, trang thiết bị mật mã chuyên dùng thuộc Hệ thống cơ yếu Việt Nam;

1.8. Chi mua sắm, sửa chữa tài sản cố định;

1.9. Chi quản lý Nhà nước về cơ yếu: Xây dựng văn bản pháp luật về cơ yếu; hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách; thanh tra, kiểm tra cơ yếu;…

1.10. Chi viện trợ và quan hệ quốc tế;

1.11. Chi tuyên truyền, thông tin, thi đua về cơ yếu;

1.12 . Chi xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc; kho tàng bảo quản dự trữ tài liệu, máy móc thiết bị mật mã và một số công trình khác trừ các công trình được xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư tập trung của Nhà nước);

1.13. Chi đảm bảo chế độ, chính sách và điều kiện học tập đối với học viên đào tạo chuyên ngành mật mã cơ yếu tại Học viện kỹ thuật mật mã;

1.14. Chi thẩm định, kiểm định sản phẩm mật mã thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

2. Chi đầu tư phát triển và dự trữ quốc gia:

2.1. Chi phát triển kỹ thuật, công nghệ mật mã Việt Nam và xây dựng, cơ bản từ nguồn vốn đầu tư tập trung của Nhà nước;

2.2. Chi dự trữ quốc gia chuyên ngành cơ yếu.

3. Chi khác:

3.1. Chi Chương trình mục tiêu quốc gia (nếu có);

3.2. Chi nghiên cứu Khoa học – công nghệ cấp nhà nước (nếu có);

3.3. Chi khác được Chính phủ giao.

Ban Cơ yếu Chính phủ kiểm tra, xem xét các nội dung chi do các đơn vị cấp dưới lập; tổng hợp lập dự toán gửi Bộ Tài chính (kèm Chỉ tiêu kế hoạch sản xuất; kế hoạch cung cấp và trang bị) và thực hiện quyết toán chi ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành (kèm phụ lục 1,2a, 2b, 3 của Thông tư này).

II- Nội dung chi ngân sách tại các cơ quan, đơn vị có sử dụng Cơ yếu:

1. Chi đảm bảo chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người đang làm công tác cơ yếu ở cơ quan, đơn vị mình theo quy định;

2. Chi đảm bảo điều kiện, phương tiện làm việc, trang phục nghiệp vụ theo quy định của công tác cơ yếu;

3. Kinh phí đảm bảo cho công tác cơ yếu tại các Bộ ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các cơ quan, đơn vị có sử dụng cơ yếu theo quy định về phân cấp quản lý ngân sách của Luật Ngân sách nhà nước.

III- Thu ngân sách thuộc lĩnh vực cơ yếu:

1. Thu hoạt động dịch vụ: Các đơn vị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ sử dụng ngân sách nhà nước có tận dụng cơ sở vật chất kỹ thuật để sản xuất, kinh doanh, đào tạo và làm dịch vụ có thu đều phải nộp đầy đủ, đúng hạn vào ngân sách nhà nước các khoản thu; trừ những khoản được để lại trang trải chi phí thu theo quy định của pháp luật hoặc được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

2. Thu xử phạt vi phạm hành chính, thu khác: Các khoản thu từ xử phạt hành chính, tiền phạt đều phải nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước. Thu thanh lý tài sản cố định và các khoản thu khác thực hiện theo quy định của pháp luật.

C- QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG ĐẶC THÙ CỦA CƠ YẾU

1. Sản xuất sản phẩm mật mã:

1.1. Kinh phí để sản xuất sản phẩm mật mã theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước giao hàng năm do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

1.2. Các loại sản phẩm mật mã sản xuất phải được thể hiện về: số lượng, chủng loại, tiến độ thời gian theo kế hoạch được giao;

1.3. Sản xuất sản phẩm mật mã phải có định mức chi phí kế hoạch theo từng loại đơn vị sản phẩm và khi hoàn thành phải báo cáo chi phí sản xuất thực tế của đơn vị sản phẩm theo từng loại sản phẩm;

1.4. Chi phí sản xuất đơn vị sản phẩm mật mã phải hạch toán đầy đủ nội dung chủ yếu như: chi phí nguyên vật liệu mua ngoài; nhiên liệu; năng lượng; chi phí khác;

1.5. Ban Cơ yếu Chính phủ chịu trách nhiệm về danh mục, định mức vật tư tiêu hao, chi phí sản xuất sản phẩm mật mã và báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo yêu cầu.

2. Cung cấp máy móc, thiết bị, tài liệu mật mã:

2.1. Ban Cơ yếu Chính phủ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời theo chỉ tiêu kế hoạch nhà nước giao các loại kỹ thuật mật mã, sản phẩm mật mã cho các Hệ cơ yếu và các cơ quan, tổ chức có sử dụng sản phẩm mật mã, kỹ thuật mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước;

2.2. Các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng mật mã; tài liệu mật mã do Ban Cơ yếu Chính phủ sản xuất, phân phối, trang bị mới hoặc nâng cấp cho cơ quan, đơn vị sử dụng phải được lập kế hoạch và dự toán kinh phí chi tiết theo từng loại máy móc thiết bị, theo từng loại tài liệu mật mã của từng đơn vị sử dụng;

2.3. Việc nâng cấp, đổi mới trang thiết bị, máy móc, tài liệu chuyên dùng về mật mã thực hiện theo kế hoạch hoặc dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước của Ban Cơ yếu Chính phủ và quyết toán chi ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành;

2.4. Kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật thay thế phụ tùng máy móc thiết bị chuyên dùng mật mã, tài liệu mật mã phải được báo cáo chi tiết khi lập dự toán và quyết toán theo từng đơn vị sử dụng. Việc đảm bảo kinh phí được phân cấp thực hiện như sau:

a/ Nếu xác định hỏng chương trình phần mềm hoặc phần cứng liên quan trực tiếp đến kỹ thuật mật mã nhất thiết phải do cơ quan cơ yếu sửa chữa:

– Máy mật mã, thiết bị nghiệp vụ mật mã do Ban Cơ yếu Chính phủ trực tiếp cấp (loại đã được kẹp chì, niêm xi tại Ban Cơ yếu Chính phủ) khi hỏng phải chuyển về ban Cơ yếu Chính phủ để sửa chữa thì kinh phí sửa chữa, thay thế phụ tùng do Ban Cơ yếu Chính phủ đảm bảo;

– Loại còn lại do tổ chức Cơ yếu các Bộ, ngành tổ chức sửa chữa thì kinh phí sửa chữa, thay thế phụ tùng do các Bộ, ngành đảm bảo;

b/ Nếu bị hỏng các phần không liên quan trực tiếp đến kỹ thuật mật mã, người làm công tác cơ yếu báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị để chủ động sửa chữa thì kinh phí sửa chữa, thay thế do các cơ quan, đơn vị sử dụng cơ yếu đảm bảo.

3. Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mật mã: Công tác nghiên cứu khoa học phát triển kỹ thuật mật mã và chuyển giao công nghệ mật mã của Ban Cơ yếu Chính phủ phải đảm bảo trình tự, thủ tục của Luật Khoa học – Công nghệ và các văn bản hướng dẫn hiện hành được báo cáo, thuyết minh chi tiết trong dự toán ngân sách nhà nước giao hàng năm và quyết toán chi ngân sách Nhà nước theo quy định.

4. Kiểm soát chi đối với một số nội dung chi ngân sách: Căn cứ vào tính chất bí mật của ngành cơ yếu, Kho bạc Nhà nước không thực hiện việc kiểm soát chi đối với các mục chi: 100, 102, 103, 105, 108, 113, 119, 139, 127 và tiểu mục 09 mục 111; tiểu mục 06 mục 117, 118; tiểu mục 03, 06 mục 145. Ban Cơ yếu Chính phủ chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, hợp lệ của các chứng từ chi tiêu thuộc mục chi nêu trên.

5. Kiểm toán đối với Ban Cơ yếu Chính phủ:

Công tác kiểm toán báo cáo quyết toán năm của các đơn vị dự toán thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ do cơ quan Kiểm toán Nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 66 của Luật Ngân sách nhà nước; Điều 78 của Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ và Nghị quyết số 1011/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 30/3/2006 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

D- QUẢN LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TRONG NGÀNH CƠ YẾU

1. Tài sản Nhà nước thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ: được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích, chế độ, tiêu chuẩn, định mức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành; sử dụng vào mục đích cá nhân, kinh doanh và các mục đích khác. Trừ trường hợp đặc biệt được Chính phủ quy định.

2. Tài sản chuyên dùng cơ yếu:

2.1. Các loại sản phẩm mật mã bao gồm các máy mã, trang thiết bị kỹ thuật và nghiệp vụ mật mã phần cứng, phần mềm sử dụng bảo vệ thông tin cơ yếu;

2.2. Các loại máy móc, trang thiết bị khác được sử dụng trực tiếp vào sản xuất sản phẩm mật mã, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ mật mã;

2.3. Các loại khoá mã, từ điển mật mã, tài liệu mật mã trong ngành cơ yếu;

2.4. Tài sản dự trữ quốc gia chuyên ngành cơ yếu.

3. Quản lý tài sản chuyên dùng cơ yếu:

3.1. Tài sản chuyên dùng cơ yếu phải do cán bộ kỹ thuật chuyên trách sử dụng quản lý; có hồ sơ riêng và thực hiện theo quy định bảo vệ bí mật của ngành cơ yếu;

3.2. Tài sản chuyên dùng cơ yếu khi đầu tư, mua sắm đảm bảo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật và phải được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thẩm định về chất lượng.

3.3. Tài sản chuyên dùng cơ yếu đầu tư, mua sắm thông qua nhập khẩu được áp dụng như đối với hàng nhập khẩu thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh;

3.4. Tài sản chuyên dùng cơ yếu khi nâng cấp, đổi mới theo kế hoạch hoặc dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải báo cáo thực hiện tiến độ và nghiệm thu sản phẩm quy định;

3.5. Việc thu hồi hoặc tiêu huỷ tài sản chuyên dùng cơ yếu thực hiện theo quy định bảo vệ bí mật của ngành cơ yếu;

3.6. Báo cáo về đầu tư, mua sắm, trang bị, nâng cấp đối với tài sản chuyên dùng cơ yếu được gửi kèm thuyết minh khi xây dựng dự toán và báo cáo thực hiện vào quyết toán chi ngân sách hàng năm;

3.7. Báo cáo kết quả Kiểm kê 0 giờ ngày 01/01 hàng năm đối với tài sản chuyên dùng cơ yếu được gửi kèm thuyết minh quyết toán chi ngân sách hàng năm.

E- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2007;

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Uỷ ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét giải quyết./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Trần Văn Tá

 

PHỤ LỤC 1

BAN CƠ YẾU CHÍNH PHỦ
(Theo TTư số ……../2006/TT-BTC)

Báo cáo thực hiện sản xuất năm ………………………….

Đơn vị: triệu đồng

Số TT

Tên sản phẩm

Năm trước chuyển sang

Kế hoạch năm nay

Tổng cộng

Thực hiện năm nay

Chuyển sang năm sau

Số lượng

Giá trị

Số lượng

Giá trị

Số lượng

Giá trị

Số lượng

Giá trị

Số lượng

Giá trị

A

B 1 2 3 4 5=1+3 6=2+4 7 8 9=5-7 10=6-8

1

Máy mã thoại                    

2

Từ điển                    

3

V.v….                    

 

                     

 

                     

 

                     

 

                     

 

Cộng                    

 

 

Ngày …… tháng ….. năm …..

Người lập biểu

(Ký, họ tên)

Vụ (Cục)……

(Ký, họ tên)

Thủ trưởng đơn vị

(Ký, họ tên, đóng dấu)

 

PHỤ LỤC 2A

BAN CƠ YẾU CHÍNH PHỦ
(Theo TTư số ……../2006/TT-BTC)

Kế hoạch chi phí sản xuất sản phẩm năm …………

Tên sản phẩm: …………………………………………………………………………..

Đơn vị: đồng

Số TT

Chỉ tiêu

Thực hiện năm trước

Kế hoạch năm nay

So sánh (%)

Ghi chú

A

B

1

2

3=2/1

4

1

Nguyên vật liệu chính        

2

Vật liệu phụ        

3

Nhiên liệu        

4

Năng lượng        

5

Chi phí khác        

 

Cộng        

 

 

Ngày …… tháng ….. năm …..

Người lập biểu

(Ký, họ tên)

Vụ (Cục)……

(Ký, họ tên)

Thủ trưởng đơn vị

(Ký, họ tên, đóng dấu)

 

PHỤ LỤC 2B

BAN CƠ YẾU CHÍNH PHỦ
(Theo TTư số ……../2006/TT-BTC)

Báo cáo thực hiện chi phí sản xuất sản phẩm năm ………………

Tên sản phẩm: ………………………………………………………………….

Đơn vị: đồng

Số TT

Chỉ tiêu

Tổng số chi phí

Chia ra theo khoản mục:

Nguyên vật liệu chính

Vật liệu phụ

Nhiên liệu

Năng lượng

Chi phí khác

A

B

1=2+…6

2

3

4

5

6

1 Chi phí sản xuất dở dang đầu kỳ
2 Chi phí sản xuất phát sinh trong kỳ
3 Chi phí sản xuất sản phẩm trong kỳ
4 Chi phí sản xuất dở dang cuối kỳ

Ngày …… tháng ….. năm …..

Người lập biểu

(Ký, họ tên)

Vụ (Cục)……

(Ký, họ tên)

Thủ trưởng đơn vị

(Ký, họ tên, đóng dấu)

 

PHỤ LỤC 3

BAN CƠ YẾU CHÍNH PHỦ
(Theo TTư số ……../2006/TT-BTC)

Báo cáo thực hiện cung cấp sản phẩm, trang bị kỹ thuật năm ……

Đơn vị: triệu đồng

Số TT

Diễn giải

Tổng số tiền

Máy mã thoại VR-01 (…)

Khoá điện tử SD-02(…)

Từ điển …

V.v….

Số lượng

Giá trị

Số lượng

Giá trị

Số lượng

Giá trị

Số lượng

Giá trị

A

B

1

2

3

4

5

6

7

I

Cục C58                  

1

Quân khu (…)                  

2

Quân chủng (…)                  

3

Quân đoàn (…)                  

4

Biên phòng tỉnh (…)                  

II

Cục E18                  

1

Tổng cục (…)                  

2

Công an tỉnh (…)                  

III

Cục CY Ngoại giao                  

 

(B/c theo từng bước)                  

IV

Cục 893                  

1

Tỉnh Lâm Đồng                  

….

Tỉnh ….                  

 

Cộng                  

 

 

Ngày …… tháng ….. năm …..

Người lập biểu

(Ký, họ tên)

Vụ (Cục)……

(Ký, họ tên)

Thủ trưởng đơn vị

(Ký, họ tên, đóng dấu)

Chú giải:

– Cục C58 mỗi Quân khu, quân chủng, quân đoàn 01 dòng; Mỗi Biên phòng 01 dòng;

– Cục E18 mỗi Tổng cục 01 dòng; mỗi Công an tỉnh 01 dòng.

THÔNG TƯ 104/2006/TT-BTC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGÂN SÁCH VÀ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG THUỘC LĨNH VỰC CƠ YẾU DO BỘ TÀI CHÍNH BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 104/2006/TT-BTC Ngày hiệu lực 01/01/2007
Loại văn bản Thông tư Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Tài chính công
Ngày ban hành 13/11/2006
Cơ quan ban hành Bộ tài chính
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản