Thông tư 12/2006/TT-BYT hướng dẫn khám bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế ban hành

Hiệu lực: Hết hiệu lực Ngày có hiệu lực: 26/12/2006

BỘ Y TẾ
———-

 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————————-

 

Số: 12/2006/TT– BYT

Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2006

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN KHÁM BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23/6/1994 và Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung ngày 02/4/2002;
Căn cứ Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày 11/7/1989;
Căn cứ Nghị định số 06/CP ngày 20/01/1995 và Nghị định số 110/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động;
Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Bộ Y tế hướng dẫn về khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động bao gồm: Hồ sơ, quy trình và nội dung khám bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động và cơ sở khám bệnh nghề nghiệp.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân sử dụng lao động (sau đây gọi tắt là người sử dụng lao động); người lao động kể cả người lao động đã nghỉ hưu và các cơ sở y tế có chức năng khám bệnh nghề nghiệp.

3. Giải thích từ ngữ

a) Tác nhân gây bệnh nghề nghiệp là những yếu tố có hại phát sinh trong quá trình lao động sản xuất, gây tác động xấu đến sức khỏe của người lao động;

b) Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.

4. Nguyên tắc khám bệnh nghề nghiệp

a) Việc khám, chẩn đoán bệnh nghề nghiệp phải dựa trên kết quả giám sát môi trường lao động, yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp và kết quả khám sức khỏe định kỳ của cơ sở lao động do phòng khám bệnh nghề nghiệp thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trung tâm y tế các Bộ, ngành; các viện; các bệnh viện có khoa bệnh nghề nghiệp ở tuyến trung ương và tuyến tỉnh thực hiện. Cơ sở khám bệnh nghề nghiệp được sử dụng con dấu của đơn vị chủ quản để xác nhận và giao dịch trong lĩnh vực chuyên môn liên quan đến sức khỏe và bệnh nghề nghiệp;

b) Các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 4 mục I của Thông tư này chỉ được phép thực hiện việc khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động sau khi đã được Bộ Y tế hoặc Y tế Bộ, ngành hoặc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Y tế tỉnh) thẩm định và thông báo đủ điều kiện khám bệnh nghề nghiệp;

c) Việc khám bệnh nghề nghiệp được tổ chức tại cơ sở khám bệnh nghề nghiệp hoặc tại cơ sở sử dụng lao động.

II. KHÁM BỆNH NGHỀ NGHIỆP

1. Quy trình và nội dung khám bệnh nghề nghiệp

a) Trước khi khám bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động phải chuẩn bị và gửi cho cơ sở khám bệnh nghề nghiệp các giấy tờ sau:

– Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động;

– Hồ sơ sức khỏe của người lao động bao gồm hồ sơ khám sức khỏe tuyển dụng và hồ sơ khám sức khỏe định kỳ;

– Kết quả giám sát môi trường lao động mới nhất (không quá 24 tháng kể từ ngày đo) theo mẫu số 1 quy định tại Thông tư số 13/BYT-TT ngày 21/10/1996 của Bộ Y tế về quản lý vệ sinh lao động quản lý sức khỏe bệnh nghề nghiệp (sau đây gọi tắt là Thông tư số 13/BYT-TT); đối với bệnh nghề nghiệp do các yếu tố vi sinh vật, ngoài kết quả giám sát môi trường lao động phải có đánh giá tiếp xúc nghề nghiệp các yếu tố vi sinh vật theo quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này;

– Hồ sơ cá nhân bệnh nghề nghiệp theo biểu mẫu 4a của Thông tư liên tịch số 08/1998/TTLT – BYT – BLĐTBXH ngày 20/4/1998 của liên bộ: Bộ Y tế – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện các quy định về bệnh nghề nghiệp (nếu có) (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 08/1998/TTLT-BYT-BLĐTBXH);

b) Trường hợp người lao động đã nghỉ việc, nghỉ hưu, cơ quan bảo hiểm xã hội nơi trực tiếp quản lý bảo hiểm xã hội của người lao động chịu trách nhiệm chuẩn bị các hồ sơ quy định tại điểm a khoản 1 phần II của Thông tư này;

c) Sau khi nhận đủ hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản 1 phần II của Thông tư này, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp thông báo thời gian khám bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động hoặc người lao động và thực hiện việc khám bệnh nghề nghiệp lần đầu và định kỳ theo các nội dung quy định tại Phụ lục 2 và Phụ lục 3 của Thông tư này;

Đối với các trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp cấp tính, người lao động được khám, cấp cứu và điều trị kịp thời thì không cần áp dụng các quy định về thời gian như tại Phụ lục 2 và 3 của Thông tư này;

d) Cơ sở khám bệnh nghề nghiệp phải lập hồ sơ khám bệnh nghề nghiệp ngay sau khi khám theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 của Thông tư này.

2. Quy định về hội chẩn

a) Hội chẩn được tiến hành đối với các trường hợp chẩn đoán các bệnh bụi phổi, phế quản, bệnh rung chuyển nghề nghiệp và các trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn của bác sỹ khám bệnh nghề nghiệp. Thời gian tiến hành hội chẩn không được vượt quá 15 ngày làm việc kể từ ngày khám bệnh nghề nghiệp.

b) Người đứng đầu cơ sở khám bệnh nghề nghiệp quyết định việc thành lập hội đồng hội chẩn bệnh nghề nghiệp, thành phần tối thiểu bao gồm:

– Chủ tịch Hội đồng: Đại điện lãnh đạo cơ sở khám bệnh nghề nghiệp;

– 01 bác sĩ chuyên khoa bệnh nghề nghiệp;

– 01 bác sĩ chuyên khoa liên quan đến bệnh nghề nghiệp cần hội chẩn;

– Thư ký Hội đồng: Do Chủ tịch Hội đồng chỉ định.

Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng quyết định việc trưng cầu chuyên gia về lĩnh vực cần hội chẩn;

c) Kết quả hội chẩn được hoàn chỉnh và ghi vào Biên bản hội chẩn bệnh nghề nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 của Thông tư này;

d) Trường hợp có nghi ngờ về chẩn đoán, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp hoàn chỉnh biên bản hội chẩn và hồ sơ khám bệnh nghề nghiệp chuyển lên tuyến trên để có chẩn đoán xác định cuối cùng.

3. Điều kiện, hồ sơ, thủ tục và thẩm quyền cho phép cơ sở có đủ điều kiện khám bệnh nghề nghiệp

a) Điều kiện về cơ sở vật chất và trang thiết bị: Có đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị theo quy định tại Phụ lục 6 của Thông tư này;

b) Điều kiện về nhân sự: Có ít nhất 01 bác sĩ đã được chứng nhận đào tạo về sức khỏe lao động và bệnh nghề nghiệp;

c) Hồ sơ đề nghị thẩm định điều kiện khám bệnh nghề nghiệp gồm có: Công văn đề nghị thẩm định và bản kê khai nhân sự và danh mục trang thiết bị của cơ sở khám bệnh nghề nghiệp theo mẫu tại Phụ lục 7 của Thông tư này;

d) Thủ tục đề nghị thẩm định và ra thông báo đủ điều kiện thực hiện khám bệnh nghề nghiệp được quy định như sau:

– Đối với cơ sở khám bệnh nghề nghiệp thuộc tuyến trung ương: Hồ sơ đề nghị thẩm định đủ điều kiện khám bệnh nghề nghiệp gửi về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng Việt Nam);

– Đối với cơ sở khám bệnh nghề nghiệp thuộc y tế Bộ, ngành: Hồ sơ đề nghị thẩm định đủ điều kiện khám bệnh nghề nghiệp gửi về y tế Bộ, ngành chủ quản;

– Đối với cơ sở khám bệnh nghề nghiệp thuộc tuyến tỉnh, thành phố: Hồ sơ đề nghị thẩm định đủ điều kiện khám bệnh nghề nghiệp gửi về Sở Y tế tỉnh, thành phố;

đ) Trình tự xem xét việc đề nghị thẩm định và thông báo đủ điều kiện khám bệnh nghề nghiệp:

– Sau 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Y tế, Y tế Bộ, ngành, Sở Y tế tỉnh phải thành lập đoàn thẩm định và tổ chức thẩm định tại cơ sở đề nghị thẩm định;

– Sau 15 ngày làm việc kể từ ngày thẩm định, đoàn thẩm định trình biên bản thẩm định lên lãnh đạo Bộ Y tế, Y tế Bộ, ngành, Sở Y tế xem xét, quyết định;

e) Thẩm quyền thông báo đủ điều kiện thực hiện khám bệnh nghề nghiệp:

– Bộ Y tế ra thông báo đủ điều kiện thực hiện khám bệnh nghề nghiệp cho các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp trực thuộc trung ương quy định tại tiết thứ nhất điểm d khoản 3 mục II của Thông tư này;

– Y tế Bộ, ngành ra thông báo đủ điều kiện thực hiện khám bệnh nghề nghiệp cho các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp thuộc Bộ, ngành quy định tại tiết thứ hai điểm d khoản 3 mục II của Thông tư này;

– Sở Y tế tỉnh ra thông báo đủ điều kiện thực hiện khám bệnh nghề nghiệp cho các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp trên địa bàn quản lý, trừ các trường hợp quy định tại tiết thứ nhất và thứ hai điểm d khoản 3 mục II của Thông tư này.

III. QUẢN LÝ HỒ SƠ VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

1. Hồ sơ khám bệnh nghề nghiệp được lập thành 02 bộ theo Phụ lục 4:

a) 01 bộ do người sử dụng lao động quản lý; Đối với người lao động đã nghỉ hưu, cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý hồ sơ này;

b) 01 bộ lưu tại cơ sở khám bệnh nghề nghiệp.

2. Chế độ báo cáo

a) Trong thời gian 15 ngày sau khi có kết quả khám bệnh nghề nghiệp, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp gửi bản tổng hợp kết quả khám cho người sử dụng lao động và Sở Y tế tỉnh, thành phố theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 của Thông tư này;

b) Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trung tâm y tế Bộ, ngành thực hiện báo cáo định kỳ bệnh nghề nghiệp về Cục Y tế dự phòng Việt Nam – Bộ Y tế và các Viện thuộc hệ y tế dự phòng theo biểu mẫu quy định tại Thông tư liên tịch số 08/1998/TTLT-BYT-BLĐTBXH .

IV. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

1. Người lao động

a) Có trách nhiệm tham gia đầy đủ các đợt khám bệnh nghề nghiệp do người sử dụng lao động tổ chức;

b) Tuân theo các chỉ định của bác sĩ về khám, điều trị và phục hồi chức năng.

2.Người sử dụng lao động

a) Có trách nhiệm phối hợp với cơ sở khám bệnh nghề nghiệp lập kế hoạch, tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động và hoàn chỉnh hồ sơ để người lao động được giám định bệnh nghề nghiệp sau khi có kết luận;

b) Trường hợp người lao động có yêu cầu tự đi khám, người sử dụng lao động hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản 1 mục II của Thông tư này và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được đi khám;

c) Quản lý và theo dõi sức khỏe người lao động;

d) Thanh toán chi phí khám bệnh nghề nghiệp theo các quy định của pháp luật.

3. Cơ sở khám bệnh nghề nghiệp

a) Có trách nhiệm phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch và tiến hành khám bệnh nghề nghiệp theo quy định;

b) Tổ chức hội chẩn bệnh nghề nghiệp (nếu cần) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả chẩn đoán bệnh nghề nghiệp;

c) Tham gia hội đồng giám định bệnh nghề nghiệp tại địa phương (khi có yêu cầu);

d) Có trách nhiệm thông báo kế hoạch và kết quả khám bệnh nghề nghiệp tại các doanh nghiệp thuộc quản lý của Bộ, ngành cho y tế Bộ, ngành đó và y tế địa phương trên địa bàn để phối hợp quản lý;

đ) Lưu trữ, bảo quản, bổ sung hồ sơ người bị bệnh nghề nghiệp và báo cáo theo biểu mẫu quy định tại Thông tư số 13/BYT-TT ngày 21/10/1996 của Bộ Y tế và Thông tư liên tịch số 08/1998/TTLT – BYT – BLĐTBXH;

e) Tổ chức học tập để nâng cao trình độ cho cán bộ tại cơ sở khám bệnh nghề nghiệp.

4. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Trung tâm Y tế các Bộ, ngành

a) Giám sát, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện khám bệnh nghề nghiệp của cơ sở khám bệnh nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý;

b) Tổng hợp báo cáo Sở Y tế và Bộ Y tế về tình hình bệnh nghề nghiệp và danh sách các trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp trên địa bàn.

5. Sở Y tế tỉnh, thành phố và Y tế các Bộ, ngành

a) Chỉ đạo, tổ chức quản lý công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn địa phương;

b) Phối hợp với các Viện thuộc hệ y tế dự phòng thẩm định và thông báo kết quả thẩm định điều kiện thực hiện khám bệnh nghề nghiệp cho cơ sở khám bệnh nghề nghiệp theo quy định tại tiết thứ hai điểm d và tiết thứ hai điểm e khoản 3 phần II của Thông tư này.

6. Các Viện thuộc hệ y tế dự phòng và các Trường đại học Y

a) Kiểm tra, chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật đối với các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp trong phạm vi được giao quản lý;

b) Tổ chức đào tạo và cấp chứng nhận về sức khỏe nghề nghiệp và bệnh nghề nghiệp cho các cán bộ y tế của các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp;

c) Tham gia thẩm định các cơ sở khám bệnh nghề nghiệp khi có yêu cầu;

d) Xây dựng chương trình đào tạo về sức khỏe nghề nghiệp và bệnh nghề nghiệp;

đ) Nghiên cứu và đề xuất với Bộ Y tế về việc bổ sung bệnh nghề nghiệp vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm xã hội.

7. Cục Y tế dự phòng Việt Nam

a) Chỉ đạo, tổ chức quản lý công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp trên địa bàn toàn quốc;

b) Phối hợp với các Viện thuộc hệ y tế dự phòng thẩm định và thông báo kết quả thẩm định điều kiện thực hiện khám bệnh nghề nghiệp cho cơ sở khám bệnh nghề nghiệp theo quy định tại tiết thứ nhất điểm d và tiết thứ nhất điểm e khoản 3 phần II của Thông tư này;

c) Tổng hợp trình lãnh đạo Bộ Y tế xem xét, quyết định việc sửa đổi,bổ sung và ban hành mới danh mục bệnh nghề nghiệp;

d) Phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư này.

VI. HIỆU LỰC THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo;

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ảnh về Cục Y tế dự phòng Việt Nam – Bộ Y tế để nghiên cứu kịp thời giải quyết.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Trịnh Quân Huấn

 

Văn bản này có file đính kèm, bạn phải tải Văn bản về để xem toàn bộ nội dung.

 

Thông tư 12/2006/TT-BYT hướng dẫn khám bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế ban hành
Số, ký hiệu văn bản 12/2006/TT-BYT Ngày hiệu lực 26/12/2006
Loại văn bản Thông tư Ngày đăng công báo 11/12/2006
Lĩnh vực An toàn lao động
Ngày ban hành 10/11/2006
Cơ quan ban hành Bộ y tế
Tình trạng Hết hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản