1. Xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động

Posted on

Giấy phép lap động là một trong những điều kiện để người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, tuy nhiên, có một số trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động giúp xác định được trường hợp người lao động nước ngoài nào bắt buộc phải xin Giấy phép lao động và trường hợp nào đáp ứng được điều kiện người nước ngoài không thuộc diện cấp Giấy phép lao động. Sau đây, Dữ liệu pháp lý sẽ cung cấp những thông tin cần thiết theo quy định tại Nghị định 11/2016/NĐ-CP.

1. Chủ thể có thẩm quyền xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Theo khoản 1, 2 Điều 8 Nghị định 11/2016/NĐ-CP (Khoản 2 được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 11 Nghị định 140/2018/NĐ-CP) thì Người sử dụng lao động đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người nước ngoài dự kiến làm việc xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có thẩm quyền xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Lưu ý:

– Các trường hợp sau không phải làm thủ tục xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động:

+ Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ.

+ Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được.

+ Vào Việt Nam làm việc tại vị trí chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và thời gian cộng dồn không quá 90 ngày trong 01 năm.

+ Thân nhân thành viên cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam làm thành viên.

2. Thời hạn xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định 11/2016/NĐ-CP (Khoản 2 được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 11 Nghị định 140/2018/NĐ-CP) thì:

–  Người sử dụng lao động đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người nước ngoài dự kiến làm việc xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động trước ít nhất 07 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài bắt đầu làm việc.

– Thời hạn xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động không quá 02 năm và theo thời hạn của một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 Nghị định 11/2016/NĐ-CP.

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản xác nhận gửi người sử dụng lao động. Trường hợp không xác nhận thì có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

3. Hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định 11/2016/NĐ-CP (Khoản 2 được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 11 Nghị định 140/2018/NĐ-CP) thì Hồ sơ đề nghị xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động, bao gồm:

– Văn bản đề nghị xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động;

– Các giấy tờ để chứng minh người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động;

– Giấy tờ chứng minh người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 01 bản chụp kèm theo bản gốc để đối chiếu hoặc 01 bản sao có chứng thực, nếu của nước ngoài thì miễn hợp pháp hóa lãnh sự, nhưng phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Lưu ý:

Điều 4 Thông tư 35/2016/TT-BCT thì Giấy tờ để chứng minh người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động, bao gồm:

– Văn bản của doanh nghiệp nước ngoài cử người lao động sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam có nêu vị trí công việc, chức danh công việc và thời gian làm việc;

– Văn bản chứng minh người lao động nước ngoài là chuyên gia thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Thông tư số 40/2016/TT- BLĐTBXH ngày 25 tháng 10 năm 2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Thông tư số 40/2016/TT-BLĐTBXH);

– Văn bản chứng minh người lao động nước ngoài là lao động kỹ thuật thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư số 40/2016/TT- BLĐTBXH;

– Văn bản chứng minh người lao động nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng ít nhất 12 tháng trước khi được cử sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Thông tư số 40/2016/TT-BLĐTBXH;

– Văn bản chứng minh hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam hoạt động trong phạm vi mười một ngành dịch vụ quy định tại các Phụ lục của Thông tư 35/2016/TT-BCT là một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương; Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện; Giấy phép thành lập Chi nhánh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Kết luận: Để xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động cần tuân theo quy định tại Nghị định 11/2016/NĐ-CP.

Chi tiết trình tư, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.