21. Đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT

Posted on

Người lao động thực hiện đăng ký, điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thể bảo hiểm y tế để được hưởng những quyền lợi nhất định. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó qua Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014, Luật Bảo hiểm y tế 2008, Luật Việc làm 2013, Nghị định 115/2015/NĐ-CP.

1. Khái niệm

Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia (khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện (khoản 1 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014).

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm 2013).

2. Trách nhiệm của người sử dụng lao động

Theo Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì:

Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.

– Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

– Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động.

– Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội.

Định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.

– Hằng năm, niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 của Luật này.

3. Điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội

Theo Điều 10 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì:

Việc điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội theo Điều 63 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được quy định như sau:

– Tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 2016.

Đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi thì việc điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội được điều chỉnh như quy định tại khoản 2 Điều này.

– Tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh theo công thức sau:

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội sau điều chỉnh của từng năm

  =

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định của từng năm

  x

Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm tương ứng

+ Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm và được xác định bằng biểu thức sau:

Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm t   = Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm của năm liền kề trước năm người lao động hưởng bảo hiểm xã hội tính theo gốc so sánh bình quân của năm 1994 bằng 100%
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm của năm t tính theo gốc so sánh bình quân của năm 1994 bằng 100%

Trong đó:

t là năm bất kỳ trong giai đoạn điều chỉnh;

– Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm t được lấy tròn hai số lẻ và mức thấp nhất bằng 1 (một).

+ Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của các năm trước năm 1995 được lấy bằng mức điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội của năm 1994.

4. Điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội

Theo Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì:

– Người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản với cơ quan bảo hiểm xã hội khi có thay đổi thông tin tham gia bảo hiểm xã hội.

– Hồ sơ điều chỉnh thông tin cá nhân của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bao gồm:

+ Tờ khai điều chỉnh thông tin cá nhân;

+ Sổ bảo hiểm xã hội;

+ Bản sao giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc điều chỉnh thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật.

5. Giải quyết đăng ký tham gia và cấp sổ bảo hiểm xã hội

Theo Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì:

– Việc giải quyết đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu như sau:

+ Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng, người sử dụng lao động nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 97 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội;

+ Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nộp hồ sơ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 97 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

– Người lao động nộp hồ sơ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 97 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

– Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cấp sổ bảo hiểm xã hội trong thời hạn sau đây:

+ 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc lần đầu;

+ 07 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lần đầu;

+ 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợp cấp lại sổ bảo hiểm xã hội; trường hợp quá trình xác minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội phức tạp thì không quá 45 ngày. Trường hợp không cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

+ 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợp điều chỉnh thông tin tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động thì cơ quan bảo hiểm xã hội phải cấp lại sổ bảo hiểm xã hội. Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

– Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết trình tự, thủ tục tham gia và giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 của Luật này.

6. Cấp thẻ BHYT

Điều 16 Luật Bảo hiểm y tế 2008 quy định về đối tượng:

– Thẻ bảo hiểm y tế được cấp cho người tham gia bảo hiểm y tế và làm căn cứ để được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế theo quy định của Luật này.

Mỗi người chỉ được cấp một thẻ bảo hiểm y tế.

Hồ sơ cấp thẻ bảo hiểm y tế bao gồm:

– Văn bản đăng ký tham gia bảo hiểm y tế của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật này;

– Danh sách người tham gia bảo hiểm y tế do cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật này hoặc người đại diện của người tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế lập;

– Tờ khai của cá nhân, hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế.

Hồ sơ cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với trẻ em dưới 6 tuổi bao gồm:

– Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh. Trường hợp trẻ em chưa có bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh thì phải có giấy xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của cha, mẹ hoặc người giám hộ;

– Danh sách hoặc giấy đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi trẻ em cư trú.

Lưu ý: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tổ chức bảo hiểm y tế phải cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế.

7. Tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Theo Điều 44 Luật Việc làm 2013 thì:

Người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực.

– Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định tại điểm b khoản 1 Điều 57 của Luật này và trích tiền lương của từng người lao động theo mức quy định tại điểm a khoản 1 Điều 57 của Luật này để đóng cùng một lúc vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

– Căn cứ vào tình hình kết dư của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Nhà nước chuyển kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước vào Quỹ theo mức do Chính phủ quy định tại khoản 3 Điều 59 của Luật này.

Kết luận: Dựa vào các văn bản quy phạm pháp luật mà người lao động và người sử dụng lao động cần lưu ý và nắm rõ các bảo hiểm bắt buộc được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014, Luật Bảo hiểm y tế 2008, Luật Việc làm 2013, Nghị định 115/2015/NĐ-CP.

Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Đăng ký, điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế