15. Giải quyết hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

Posted on

Thủ tục giải quyết hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp là thủ tục mà người lao động bị bệnh nghề nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp nộp hồ sơ theo quy định cho cơ quan nhân sự cấp trung đoàn và tương đương để được giải quyết hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014Luật An toàn, vệ sinh Lao động 2015Nghị định 88/2020/NĐ-CPThông tư 136/2020/TT-BQP,  Thông tư 15/2016/TT-BYT, Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH, Nghị định 33/2016/NĐ-CP.

1. Khái niệm

Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động”. Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và hướng dẫn chẩn đoán, giám định bệnh nghề nghiệp được quy định tại Thông tư 15/2016/TT-BYT (khoản 9 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015).

Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc (điểm c khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

2. Đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Người lao động thuộc diện hưởng lương tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bao gồm (khoản 1 Điều 2 Nghị định 33/2016/NĐ-CP):

– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Quân đội nhân dân;

– Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân;

– Người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân (sau đây được viết tắt là người làm công tác cơ yếu).

Người lao động thuộc diện hưởng phụ cấp quân hàm hoặc sinh hoạt phí tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bao gồm (khoản 2 Điều 2 Nghị định 33/2016/NĐ-CP):

– Hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân;

– Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân; học viên công an nhân dân đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

– Học viên cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.

3. Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây (khoản 1 Điều 46 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015):

– Bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này;

– Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh quy định tại điểm a khoản này.

Lưu ý:

Đối với trường hợp người lao động đã nghỉ hưu, hoặc đã nghỉ việc, chuyển làm công việc khác, mà không còn làm việc trong các ngành, nghề có nguy cơ gây ra các bệnh nghề nghiệp thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ y tế ban hành nữa nhưng phát hiện bị bệnh nghề nghiệp do yếu tố tác hại của các công việc, nghề cũ trước đây thì trong khoảng thời gian đảm bảo kể từ ngày nghỉ hưu, chuyển công việc khác, nghỉ việc thì họ được quyền đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động do mắc bệnh nghề nghiệp để giải quyết chế độ bảo hiểm bệnh nghề nghiệp theo quy định (khoản 2 Điều 46 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015).

4. Giám định mức suy giảm khả năng lao động

Người lao động bị tai nạn lao động được giám định mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây (khoản 1 Điều 47 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015).

– Sau khi bị thương tật, bệnh tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe;

– Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định;

– Đối với trường hợp thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị

5. Mức hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần (khoản 2 Điều 48 Luật An toàn Vệ sinh lao động 2015 và khoản 1 Điều 5 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH)

Mức trợ cấp một lần

=

Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động

+

Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp

  =

{5 x Lmin + (m-5) x 0,5 x Lmin}

+

{0,5 x L + (t-1) x 0,3 x L}

Trong đó:

– Lmin: mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng.

– m: mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (lấy số tuyệt đối 5 ≤ m ≤ 30).

– L: Mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Thông tư này.

– t: tổng số năm đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Thông tư này.

Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng (khoản 2 Điều 49 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 và khoản 2 Điều 5 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH)

Mức trợ cấp hằng tháng

=

Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động

+

Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

  = {0,3 x Lmin + (m-31) x 0,02 x Lmin} + {0,005 x L + (t-1) x 0,003 x L}

Trong đó:

– Lmin: mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng.

– m: mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (lấy số tuyệt đối 31 ≤ m ≤ 100).

– L: Mức tiền lương, đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH.

– t: tổng số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH.

Lưu ý:

– Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng khi ra nước ngoài để định cư mà có yêu cầu thì được giải quyết hưởng trợ cấp một lần, mức trợ cấp một lần bằng 3 tháng mức trợ cấp đang hưởng (khoản 3 Điều 5 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH)

– Người lao động bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thi hành nhiệm vụ được hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp hàng tháng bằng mức hưởng của người lao động bị bệnh nghề nghiệp do suy giảm khả năng lao động thấp nhất là 61% không phải qua giám định y khoa (khoản 4 Điều 5 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH)

Trường hợp giám định y khoa mà tỷ lệ suy giảm khả năng lao động cao hơn thì mức hưởng được tính theo mức suy giảm khả năng lao động tại kết luận của Hội đồng Giám định y khoa và hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp trong trường hợp này phải có Biên bản giám định y khoa.

6. Thời điểm hưởng trợ cấp

Thời điểm hưởng trợ cấp được tính từ tháng người lao động điều trị ổn định xong, ra viện hoặc từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú (khoản 1 Điều 50 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015)

Trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa; trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thời điểm hưởng trợ cấp tính từ tháng người lao động được cấp Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp (khoản 1 Điều 50 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015)

7. Trường hợp người được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp là người lao động đã nghỉ hưu, hoặc thôi việc hoặc chuyển việc khác, không còn làm việc trong các ngành, nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp nhưng lại phát hiện bệnh nghề nghiệp

Đối tượng áp dụng

Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 88/2020/NĐ-CP thì:

– Người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc thôi việc hoặc chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động khác mà nghi ngờ hoặc thấy có triệu chứng, dấu hiệu bị bệnh nghề nghiệp do các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp trước đó đã làm việc gây nên thì được chủ động đi khám phát hiện và giám định mức suy giảm khả năng lao động do mắc bệnh nghề nghiệp như sau:

+ Người lao động đã nghỉ hưu, thôi việc gửi bản sao hồ sơ sức khỏe cá nhân đến cơ sở khám bệnh nghề nghiệp khi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp (có bản chính để đối chiếu). Sau khi có kết quả khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, cơ sở khám bệnh nghề nghiệp hoàn thiện hồ sơ bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định của Bộ Y tế;

+ Người lao động đã chuyển làm công việc khác gửi hồ sơ sức khỏe cá nhân đến cơ sở khám bệnh nghề nghiệp khi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. Sau khi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, người lao động hoặc người sử dụng lao động nơi người lao động đang làm việc lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp trên cơ sở hồ sơ quản lý sức khỏe của người lao động;

+ Sau khi có hồ sơ bệnh nghề nghiệp, người lao động chủ động đi khám hoặc đề nghị đơn vị nơi người lao động đã từng làm việc hoặc đang làm việc giới thiệu đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.

Lưu ý:

Theo điểm b, c khoản 3 Điều 5 Nghị định 88/2020/NĐ-CP thì:

– Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:

+ Hỗ trợ 100% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám bệnh nghề nghiệp sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần;

+ Hỗ trợ 100% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá chữa bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.

Kết luận: Chế độ bệnh nghề nghiệp là một trong những chế độ tiến bộ của bảo hiểm xã hội, đảm bảo cho người lao động được bù đắp một phần nào thiệt hại về sức khỏe khi thực hiện công việc để nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, để được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp, người lao động cũng cần phải đáp ứng những điều kiện nhất định theo  Luật Bảo hiểm xã hội2014Luật An toàn, vệ sinh Lao động 2015, Nghị định 88/2020/NĐ-CP, Thông tư 136/2020/TT-BQP, Thông tư 15/2016/TT-BYT, Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH, Nghị định 33/2016/NĐ-CP.

Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:

Giải quyết hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp