20. Giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với quân nhân
Trong một số trường hợp, quân nhân có thể được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Nghị quyết 93/2015/QH13, Nghị định 134/2015/NĐ-CP, Nghị định 115/2015/NĐ-CP, Nghị định 33/2016/NĐ-CP, Thông tư 136/2020/TT-BQP, Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH.
1. Đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội một lần
– Theo khoản 1 Điều 10 và khoản 1, khoản 2 Điều 2 Nghị định 33/2016/NĐ-CP đối tượng là quân nhân được hưởng bảo hiểm xã hội một lần bao gồm:
+ Người lao động thuộc diện hưởng lương tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bao gồm: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp Quân đội nhân dân; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; Người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân (sau đây được viết tắt là người làm công tác cơ yếu.
+ Người lao động thuộc diện hưởng phụ cấp quân hàm hoặc sinh hoạt phí tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, bao gồm: Hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân; Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân; học viên công an nhân dân đang theo học được hưởng sinh hoạt phí; Học viên cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.
2. Điều kiện để được hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 33/2016/NĐ-CP điều kiện để quân nhân được hưởng bảo hiểm xã hội một lần là các đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 Nghị định 33/2016/NĐ-CP khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
– Không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 54 hoặc khoản 2 Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 hoặc Điều 8 Nghị định 33/2016/NĐ-CP và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
– Đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 54 hoặc khoản 2 Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 hoặc Điều 8 Nghị định 33/2016/NĐ-CP nhưng ra nước ngoài để định cư hoặc đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lầndối với người lao động thuộc diện hưởng lương tham gia bảo hiểm xã hội
– Theo khoản 5 Điều 16 Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
+ 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
+ 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
Lưu ý: Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần và điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội làm cơ sở để tính bảo hiểm xã hội một lần được căn cứ vào thời điểm hưởng ghi trong quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội (khoản 6 Điều 16 Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH).
– Theo khoản 2 Điều 16 Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội đã được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
– Theo khoản 3 Điều 16 Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của từng thời kỳ, trừ trường hợp người mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP. Việc tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được thực hiện như người lao động không được Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, sau đó trừ đi số tiền nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (nếu có).
Lưu ý:
– Khi tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.
– Trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cả trước và sau ngày 01 tháng 01 năm 2014 mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 trở đi để làm căn cứ tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần (khoản 4 Điều 16 Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH).
4. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động thuộc diện hưởng sinh hoạt phí tham gia bảo hiểm xã hội
Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần dối với người lao động thuộc diện hưởng sinh hoạt phí tham gia bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 7 Điều 16 Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH như sau:
– Nếu trước khi nhập ngũ hoặc trước khi là học viên công an nhân dân, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí mà chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì thời gian để tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần khi xuất ngũ, thôi việc là thời gian thực tế phục vụ trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí;
– Nếu trước khi nhập ngũ hoặc trước khi là học viên công an nhân dân, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí, có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội mà chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần từ quỹ bảo hiểm xã hội (bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội) thì thời gian để tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần khi xuất ngũ, thôi việc là tổng thời gian phục vụ thực tế trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí với thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội trước đó.
Kết luận: Như vậy, nếu quân nhân thuộc trường hợp nêu trên và đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật thì khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà có yêu cầu sẽ được Giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với quân nhân đối với bảo hiểm xã hội bắt buộc cùng với các quy định theo Luật bảo hiểm xã hội 2014, Nghị quyết 93/2015/QH13, Nghị định 134/2015/NĐ-CP, Nghị định 115/2015/NĐ-CP, Nghị định 33/2016/NĐ-CP, Thông tư 136/2020/TT-BQP, Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với quân nhân