THÔNG TƯ 167/2008/TT-BQP HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ƯU ĐÃI THEO NGHỀ VÀ BỒI DƯỠNG ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT TRONG QUÂN ĐỘI DO BỘ QUỐC PHÒNG BAN HÀNH

Hiệu lực: Còn hiệu lực Ngày có hiệu lực: 18/12/2008

BỘ QUỐC PHÒNG
——–

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 167/2008/TT-BQP

Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2008

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ƯU ĐÃI THEO NGHỀ VÀ BỒI DƯỠNG ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT TRONG QUÂN ĐỘI

Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 94/2006/TTLT-BVHTT-BNV-BTC ngày 01 tháng 12 năm 2006 của Bộ văn hoá – Thông tin – Bộ Nội vụ – Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 180/2006/QĐ-TTg ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề và bồi dưỡng đối với lao động biểu diễn nghệ thuật văn hoá – thông tin;

Sau khi trao đổi và thống nhất với Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (công văn số 3704/BVHTTDL-TCCB ngày 23/10/2008), Bộ Nội vụ (công văn số 3464/BNV-TL ngày 17/11/2008), Bộ Tài chính (công văn số 12792/BTC-VI ngày 28/10/2008); Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện như sau:

I. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi áp dụng

a) Các Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong quân đội;

b) Đoàn Nghi lễ Quân đội và các Đội quân nhạc chuyên nghiệp trong quân đội.

2. Đối tượng

2.1. Đối tượng hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề:

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng có quyết định của Bộ Tổng Tham mưu (sau đây gọi là Diễn viên), bao gồm: diễn viên múa, tuồng, nhạc hơi, xiếc, nhạc kịch, vũ kịch, cải lương, chèo, múa rối, hát mới, dân ca, kịch, nhạc dây, nhạc gõ trực tiếp tham gia tập luyện, biểu diễn.

2.2. Đối tượng hưởng chế độ bồi dưỡng tập luyện, biểu diễn:

a) Diễn viên được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại điểm 2.1 khoản 2 mục này;

b) Chỉ đạo nghệ thuật biểu diễn;

c) Diễn viên đóng vai phụ, người phục vụ tập luyện, biểu diễn và các nhân viên khác (kể cả trưởng, phó đoàn và cấp dưỡng).

2.3. Đối tượng không áp dụng:

a) Thời gian đi công tác, làm việc ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

b) Thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không trực tiếp làm chuyên môn biểu diễn nghệ thuật liên tục trên 3 tháng;

c) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên;

d) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn quy định của Luật Bảo hiểm xã hội;

đ) Thời gian bị đình chỉ công tác;

e) Thời gian không trực tiếp làm công tác biểu diễn nghệ thuật mà làm công việc khác từ 1 tháng trở lên.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề, nguồn kinh phí và phương thức chi trả

1.1. Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề:

a) Mức 20% được tính trên mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), áp dụng đối với diễn viên múa, tuồng, nhạc hơi, xiếc, nhạc kịch, vũ kịch;

b) Mức 15% được tính trên mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), áp dụng đối với diễn viên cải lương, chèo, múa rối, hát mới, dân ca, kịch, nhạc dây, nhạc gõ.

1.2. Nguồn kinh phí:

Nguồn kinh phí chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề được tính trong dự toán ngân sách thường xuyên hàng năm của đơn vị.

1.3. Cách tính và phương thức chi trả:

a) Cách tính:

Phụ cấp ưu đãi theo nghề được tính trên mức lương cấp hàm, ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), được xác định theo công thức sau:

Phụ cấp ưu đãi theo nghề được hưởng

=

Mức lương tối thiểu chung

x

Hệ số lương theo cấp hàm, ngạch, bậc hiện hưởng + Hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo + % (quy ra hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)

x

Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề được hưởng theo quy định

b) Phương thức chi trả:

Phụ cấp ưu đãi theo nghề được trả cùng tiền lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

2. Bồi dưỡng tập luyện và bồi dưỡng biểu diễn

2.1. Mức bồi dưỡng tập luyện:

a) Mức 20.000 đồng/ngày, áp dụng đối với diễn viên đóng vai chính trong các vở diễn; diễn viên chính trong các chương trình ca múa nhạc;

b) Mức 15.000 đồng/ngày, áp dụng đối với diễn viên đóng vai chính thứ trong các vở diễn; diễn viên chính thứ trong các chương trình ca múa nhạc.

c) Mức 10.000 đồng/ngày, áp dụng đối với diễn viên đóng vai phụ trong các vở diễn; diễn viên phụ trong các chương trình ca múa nhạc và người phục vụ cho tập luyện.

2.2. Mức bồi dưỡng biểu diễn:

a) Mức 50.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với diễn viên đóng vai chính trong các vở diễn; diễn viên chính trong các chương trình ca múa nhạc; chỉ đạo nghệ thuật buổi diễn;

b) Mức 40.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với diễn viên đóng vai chính thứ trong các vở diễn; diễn viên chính thứ trong các chương trình ca múa nhạc;

c) Mức 20.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với diễn viên đóng vai phụ trong các chương trình hoặc vở diễn; người phục vụ cho biểu diễn và các nhân viên khác (kể cả trưởng, phó đoàn, cấp dưỡng).

2.3. Nguồn kinh phí:

Nguồn kinh phí chi trả chế độ bồi dưỡng tập luyện, biểu diễn được trích từ tiền chi dựng chương trình, vở diễn và từ nguồn thu biểu diễn ngoài nhiệm vụ chính trị.

2.4. Phương thức chi trả

a) Bồi dưỡng tập luyện, bồi dưỡng biểu diễn được trả theo ngày tập luyện hoặc buổi biểu diễn và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;

b) Trường hợp một người kiêm nhiều nhiệm vụ thì chỉ được hưởng một mức bồi dưỡng cao nhất.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này;

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 589/1998/QĐ-BQP ngày 11 tháng 5 năm 1998 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về chế độ bồi dưỡng đối với diễn viên các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong quân đội.

Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị báo cáo về Bộ (qua Cục Tài chính/BQP) để xem xét, giải quyết./.

 

 

BỘ TRƯỞNG

Đại tướng Phùng Quang Thanh

 

 

 

THÔNG TƯ 167/2008/TT-BQP HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ƯU ĐÃI THEO NGHỀ VÀ BỒI DƯỠNG ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT TRONG QUÂN ĐỘI DO BỘ QUỐC PHÒNG BAN HÀNH
Số, ký hiệu văn bản 167/2008/TT-BQP Ngày hiệu lực 18/12/2008
Loại văn bản Thông tư Ngày đăng công báo
Lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn
Ngày ban hành 18/12/2008
Cơ quan ban hành Bộ quốc phòng
Tình trạng Còn hiệu lực

Các văn bản liên kết

Văn bản được hướng dẫn Văn bản hướng dẫn
Văn bản được hợp nhất Văn bản hợp nhất
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung Văn bản sửa đổi, bổ sung
Văn bản bị đính chính Văn bản đính chính
Văn bản bị thay thế Văn bản thay thế
Văn bản được dẫn chiếu Văn bản căn cứ

Tải văn bản