THÔNG TƯ 09/2008/TT-BCA HƯỚNG DẪN VỀ HỒ SƠ VÀ QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CHIẾN SĨ CÔNG AN NHÂN DÂN DO BỘ CÔNG AN BAN HÀNH
BỘ CÔNG AN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2008/TT-BCA |
Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2008 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN VỀ HỒ SƠ VÀ QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CHIẾN SĨ CÔNG AN NHÂN DÂN
Căn cứ Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc;
Căn cứ Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19/4/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về Bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân và công an nhân dân;
Sau khi trao đổi với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Công an hướng dẫn về hồ sơ và quy trình giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, như sau:
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Đối tượng áp dụng Thông tư này bao gồm:
– Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ;
– Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật;
– Hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân;
– Học viên học tại các trường Công an nhân dân hoặc gửi học tại các trường ngoài Công an nhân dân do Công an nhân dân trả lương hoặc sinh hoạt phí;
– Công nhân, viên chức Công an nhân dân;
– Lao động làm việc theo hợp đồng; lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
(Sau đây gọi chung các đối tượng trên là cán bộ, chiến sĩ).
2. Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
– Công an cấp huyện là Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương;
– Công an đơn vị, địa phương là các đơn vị trực thuộc Bộ trưởng; các đơn vị trực thuộc Tổng cục; Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy; các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp có thu trong Công an nhân dân.
3. Giao nhiệm vụ cho Vụ Tổ chức cán bộ – Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân và Vụ Tài chính tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội của Bộ Công an.
4. Số hồ sơ hưởng chế độ hưu trí, bảo hiểm xã hội một lần, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất là số sổ bảo hiểm xã hội của mỗi cán bộ, chiến sĩ.
II. HỒ SƠ HƯỞNG CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI
1. Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau
a) Cán bộ, chiến sĩ nghỉ ốm, hồ sơ gồm:
– Sổ bảo hiểm xã hội;
– Giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người điều trị ngoại trú do cơ sở y tế điều trị cấp.
Riêng các đối tượng thực hiện theo Nghị định số 152/2006/NĐ-CP làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì có thêm giấy xác nhận của lãnh đạo Công an cấp huyện trở lên về công việc và điều kiện làm việc.
Trường hợp cán bộ, chiến sĩ mắc bệnh phải điều trị dài ngày thì phải có giấy ra viện hoặc phiếu hội chẩn thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày.
b) Cán bộ, chiến sĩ nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau, hồ sơ gồm:
– Sổ bảo hiểm xã hội;
– Giấy ra viện hoặc bản sao y bạ của con;
– Giấy xác nhận nghỉ việc để chăm sóc con ốm do Công an cấp huyện trở lên cấp;
c) Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với cán bộ, chiến sĩ nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau khi người mẹ (hoặc cha) trước đó đã hưởng hết thời gian nghỉ việc theo quy định thực hiện như sau:
– Trường hợp cả cha và mẹ cùng đơn vị Công an cấp huyện, hồ sơ gồm:
+ Sổ bảo hiểm xã hội;
+ Bản sao giấy ra viện hoặc bản sao sổ y bạ của con;
+ Giấy xác nhận của lãnh đạo Công an cấp huyện trở lên về việc nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau, trong đó nêu rõ người mẹ (hoặc cha) trước đó đã hưởng hết thời gian nghỉ việc theo quy định.
– Trường hợp cha và mẹ khác đơn vị Công an cấp huyện, hồ sơ gồm:
+ Sổ bảo hiểm xã hội;
+ Bản sao giấy ra viện hoặc bản sao sổ y bạ của con;
+ Giấy xác nhận của lãnh đạo Công an cấp huyện trở lên nơi người mẹ (hoặc cha) trước đó đã nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau đã hết thời gian nghỉ theo quy định;
+ Giấy xác nhận nghỉ việc để chăm sóc con ốm của Công an cấp huyện trở lên.
2. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản
a) Nữ cán bộ, chiến sĩ đi khám thai, sảy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu; cán bộ, chiến sĩ (cả nam và nữ) thực hiện các biện pháp tránh thai thì hồ sơ giải quyết chế độ là giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, hoặc giấy ra viện, hoặc giấy xác nhận của cơ sở y tế.
b) Nữ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân sinh con, hồ sơ gồm:
– Sổ bảo hiểm xã hội thể hiện đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;
– Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con. Trường hợp sau khi sinh con, con chết hoặc mẹ chết thì có thêm bản sao giấy chứng tử.
Nếu thuộc các trường hợp sau đây thì hồ sơ có thêm:
+ Đối tượng thực hiện chế độ theo Nghị định số 152/2006/NĐ-CP thì có giấy xác nhận của lãnh đạo Công an cấp huyện trở lên về điều kiện làm việc đối với cán bộ, chiến sĩ làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc theo chế độ 3 ca, làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên;
+ Trường hợp là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người tàn tật, suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên thì có bản sao giấy chứng nhận tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, giấy chứng nhận thương binh, giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh hoặc biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.
c) Trường hợp nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi, hồ sơ gồm:
– Sổ bảo hiểm xã hội của cán bộ, chiến sĩ nhận con nuôi thể hiện đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên, trong thời gian 12 tháng trước khi nhận con nuôi;
– Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con;
– Bản sao hồ sơ nhận con nuôi theo quy định của pháp luật;
– Giấy xác nhận của lãnh đạo Công an cấp huyện trở lên về việc cán bộ, chiến sĩ nghỉ việc để nuôi con nuôi.
d) Trường hợp sau khi sinh con người mẹ chết, người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng đến khi con đủ 4 tháng tuổi:
– Nếu cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội, hồ sơ gồm:
+ Sổ bảo hiểm xã hội của người mẹ thể hiện đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên, trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;
+ Sổ bảo hiểm xã hội của người cha;
+ Giấy xác nhận của lãnh đạo Công an cấp huyện trở lên về việc người cha nghỉ việc để nuôi con;
+ Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con;
+ Bản sao giấy chứng tử của người mẹ.
– Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội, hồ sơ gồm:
+ Sổ bảo hiểm xã hội của mẹ thể hiện đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên, trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;
+ Bản sao giấy chứng sinh hoặc khai sinh của con;
+ Bản sao giấy chứng tử của mẹ;
+ Đơn xin hưởng chế độ thai sản của cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng (có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú).
– Trường hợp chỉ có người cha tham gia bảo hiểm xã hội, hồ sơ gồm:
+ Sổ bảo hiểm xã hội của người cha thể hiện đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng nghỉ việc để nuôi con;
+ Giấy xác nhận của lãnh đạo Công an cấp huyện trở lên về việc người cha nghỉ việc để nuôi con;
+ Bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh của con;
+ Bản sao giấy chứng tử của mẹ.
e) Cán bộ, chiến sĩ đã xuất ngũ, thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi, hồ sơ hưởng chế độ thai sản thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 815/QĐ-BHXH ngày 06/6/2007 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
3. Hồ sơ hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe
a) Hồ sơ hưởng trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau là danh sách cán bộ, chiến sĩ nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau do Công an đơn vị, địa phương lập (Mẫu số 22-DS).
b) Hồ sơ hưởng trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau sinh con là danh sách cán bộ, chiến sĩ nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau thai sản do Công an đơn vị, địa phương lập (Mẫu số 23-DS)
c) Hồ sơ hưởng trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bao gồm:
– Bản sao biên bản giám định y khoa hoặc bản sao quyết định hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
– Danh sách cán bộ, chiến sĩ nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau điều trị tai nạn lao động, nghề nghiệp do Công an đơn vị, địa phương lập (Mẫu số 24-DS)
4. Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động bao gồm:
a) Sổ bảo hiểm xã hội của cán bộ, chiến sĩ đã xác định đóng bảo hiểm xã hội đến tháng trước khi bị tai nạn lao động;
b) Công văn đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động của Công an đơn vị, địa phương;
c) Biên bản điều tra tai nạn lao động (Mẫu số 17-ĐT)
Trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là tai nạn lao động thì có thêm biên bản tai nạn giao thông. Nếu bị tai nạn giao thông trên tuyến đường thường xuyên đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc phải có xác nhận về địa chỉ cư trú của Thủ trưởng Công an cấp huyện trở lên;
d) Giấy ra viện sau khi đã điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động;
đ) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa;
e) Bản quá trình đóng bảo hiểm xã hội (Mẫu số 14-BK);
g) Quyết định hưởng trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng hoặc một lần của Giám đốc Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân (Mẫu số 01 hoặc 02-QĐ).
5. Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp bao gồm:
a) Sổ bảo hiểm xã hội của cán bộ, chiến sĩ đã xác định đóng bảo hiểm xã hội đến tháng trước khi điều trị bệnh nghề nghiệp:
b) Công văn đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp của Công an đơn vị, địa phương;
c) Biên bản hoặc trích sao biên bản (đối với biên bản xác định cho nhiều người) xác định môi trường có yếu tố độc hại do cơ quan có thẩm quyền lập (kết quả xác định môi trường lao động có giá trị trong 24 tháng kể từ ngày biên bản được ký);
d) Giấy ra viện sau khi đã điều trị bệnh nghề nghiệp ổn định.
Trường hợp không điều trị tại bệnh viện phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp hoặc phiếu hội chẩn thể hiện điều trị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành;
đ) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa;
e) Bản quá trình đóng bảo hiểm xã hội (Mẫu số 14-BK);
g) Quyết định hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp hàng tháng hoặc một lần của Giám đốc Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân (Mẫu số 03 hoặc 04-QĐ).
6. Hồ sơ hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tái phát bao gồm:
a) Hồ sơ đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
b) Giấy ra viện sau khi điều trị ổn định đối với thương tật, bệnh tật cũ tái phát (hoặc bản sao hồ sơ điều trị thương tật, bệnh tật);
c) Đơn của cán bộ, chiến sĩ đề nghị được giám định lại thương tật, bệnh tật;
d) Biên bản giám định lại mức suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật tái phát của Hội đồng Giám định y khoa;
đ) Công văn đề nghị hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tái phát của Công an đơn vị, địa phương;
e) Quyết định điều chỉnh mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của Giám đốc Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân.
7. Hồ sơ hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động bao gồm:
a) Hồ sơ tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp lần đầu và hồ sơ tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp lần sau;
b) Biên bản giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động;
c) Công văn đề nghị của Công an đơn vị, địa phương;
d) Quyết định hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của Giám đốc Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân.
8. Hồ sơ của cán bộ, chiến sĩ đang đóng bảo hiểm xã hội nghỉ công tác hưởng lương hưu hàng tháng bao gồm:
a) Sổ bảo hiểm xã hội của cán bộ, chiến sĩ đã xác định thời gian đóng bảo hiểm xã hội đến tháng nghỉ việc;
b) Quyết định nghỉ công tác hưởng chế độ hưu trí của cấp có thẩm quyền;
c) Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa (đối với trường hợp nghỉ hưu khi suy giảm khả năng lao động);
d) Trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp được nghỉ hưu phải có giấy chứng nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền cấp, xác định bị nhiễm HIV do bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp;
đ) Bản quá trình đóng bảo hiểm xã hội (Mẫu số 13A-BK), kèm theo các tài liệu có liên quan đến việc tính mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ hưởng bảo hiểm xã hội (quyết định thăng cấp, nâng bậc lương, bổ nhiệm…);
e) Quyết định hưởng chế độ hưu trí của Giám đốc Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân (Mẫu số 05, 06 hoặc 07-QĐ).
9. Hồ sơ của cán bộ, chiến sĩ đang đóng bảo hiểm xã hội nghỉ công tác hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần bao gồm:
a) Sổ bảo hiểm xã hội của cán bộ, chiến sĩ xác định thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội đến tháng nghỉ việc;
b) Quyết định xuất ngũ, nghỉ việc của cấp có thẩm quyền hoặc văn bản chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng lao động hết hạn;
c) Bản sao giấy được định cư ở nước ngoài (đối với trường hợp định cư ở nước ngoài);
d) Bản quá trình đóng bảo hiểm xã hội (Mẫu số 13B-BK);
đ) Quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần của Giám đốc Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân (Mẫu số 08, 09 hoặc 10-QĐ).
e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân khi xuất ngũ không có nhu cầu bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thì hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần gồm: Quyết định xuất ngũ và phiếu lĩnh trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần do Công an đơn vị, địa phương lập (Mẫu số 25-PTC).
Đối tượng là công nhân, viên chức Công an nhân dân, lao động hợp đồng trong Công an nhân dân suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên nhưng chưa có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội thì hồ sơ có thêm biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa.
10. Cán bộ, chiến sĩ đã được Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, hồ sơ hưởng lương hưu hàng tháng thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 16; hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo khoản 2 Điều 17 Quy định kèm theo Quyết định số 815/QĐ-BHXH ngày 06/6/2007 của Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
11. Hồ sơ hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đối với những trường hợp chấp hành xong hình phạt tù hoặc xuất cảnh trở về nước định cư hợp pháp hoặc được Tòa án tuyên bố mất tích nay trở về, nhưng chưa hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo Điều 19 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 815/QĐ-BHXH ngày 06/6/2007 của Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
12. Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất hàng tháng đối với thân nhân của cán bộ, chiến sĩ đang đóng bảo hiểm xã hội bị chết bao gồm:
a) Sổ bảo hiểm xã hội của cán bộ, chiến sĩ đã xác định thời gian đóng bảo hiểm xã hội đến tháng trước khi chết;
b) Giấy chứng tử, hoặc giấy báo tử hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố là đã chết;
c) Tờ khai hoàn cảnh gia đình của thân nhân người chết có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú (Mẫu số 16-TKTN);
Trường hợp thân nhân không phải là con, vợ (hoặc chồng), bố, mẹ đẻ, bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng mà người chết khi còn sống phải chịu trách nhiệm nuôi dưỡng thì có thêm giấy xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi người được nuôi dưỡng cư trú;
d) Bản quá trình đóng bảo hiểm xã hội (Mẫu số 15-BK);
đ) Biên bản điều tra tai nạn lao động (Mẫu số 17-ĐT) nếu chết do tai nạn lao động, bệnh án điều trị bệnh nghề nghiệp nếu chết do bệnh nghề nghiệp (kể cả chết trong thời gian điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp lần đầu);
e) Công văn đề nghị của Công an đơn vị, địa phương;
g) Quyết định hưởng trợ cấp tử tuất hàng tháng của Giám đốc Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân (Mẫu số 11-QĐ).
Nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây thì cần có thêm:
– Giấy chứng nhận của nhà trường nơi đang học đối với trường hợp con từ đủ 15 tuổi đến đủ 18 tuổi còn đi học;
– Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa, nếu con từ đủ 15 tuổi trở lên, vợ hoặc chồng, cha, mẹ đẻ, cha, mẹ vợ hoặc cha, mẹ chồng hoặc người khác mà người chết khi con sống có trách nhiệm nuôi dưỡng chưa đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên (Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động phải được lập trong thời gian 02 tháng đối với các đối tượng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 36 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP hoặc 6 tháng đối với các đối tượng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 37 Nghị định số 68/2007/NĐ-CP, tính từ ngày cán bộ, chiến sĩ chết).
13. Hồ sơ hưởng chế độ tuất một lần đối với thân nhân của cán bộ, chiến sĩ đang đóng bảo hiểm xã hội bị chết bao gồm các thủ tục quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e khoản 12 Mục II nêu trên và Quyết định hưởng trợ cấp tử tuất một lần của Giám đốc Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân (Mẫu số 12-QĐ).
14. Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất hàng tháng hoặc tử tuất một lần đối với thân nhân cán bộ, chiến sĩ đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội được lập theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 815/QĐ-BHXH ngày 06/6/2007 của Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
15. Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất hàng tháng hoặc tử tuất một lần đối với thân nhân cán bộ, chiến sĩ đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 hoặc điểm b khoản 2 Điều 18 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 815/QĐ-BHXH ngày 06/6/2007 của Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
III. QUẢN LÝ, LƯU TRỮ VÀ DI CHUYỂN HỒ SƠ HƯỞNG TRỢ CẤP BẢO HIỂM XÃ HỘI
1. Quản lý, lưu trữ hồ sơ bảo hiểm xã hội
a) Hồ sơ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội được quản lý theo chế độ quản lý hồ sơ cán bộ trong Công an nhân dân.
b) Hồ sơ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe lập thành 02 bộ lưu tại Công an đơn vị, địa phương;
c) Hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân lập thành 03 bộ, giao cho người hưởng chế độ 01 bộ, lưu tại Công an đơn vị, địa phương 02 bộ.
d) Hồ sơ hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tái phát và trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động được lập thành 04 bộ:
– 01 bộ giao cho người hưởng chế độ;
– 01 bộ lưu tại Công an đơn vị, địa phương;
– 01 bộ lưu tại Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân;
– 01 bộ chuyển Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
đ) Hồ sơ hưởng chế độ hưu trí, tử tuất hàng tháng lập thành 05 bộ:
– 01 bộ giao cho người hưởng chế độ;
– 01 bộ lưu tại Công an đơn vị, địa phương;
– 01 bộ lưu tại Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân;
– 01 bộ chuyển Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– 01 bộ chuyển Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
e) Hồ sơ hưởng trợ cấp một lần về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất và bảo hiểm xã hội một lần được lập thành 03 bộ:
– 01 bộ giao cho người hưởng chế độ;
– 01 bộ lưu tại Công an đơn vị, địa phương;
– 01 bộ lưu tại Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân.
2. Di chuyển hồ sơ hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng
a) Cán bộ, chiến sĩ (hoặc thân nhân cán bộ, chiến sĩ) bắt đầu hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng chuyển đến hưởng tại nơi cư trú hồ sơ gồm:
– Hồ sơ hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng được Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân giải quyết;
– Giấy giới thiệu trả lương hưu, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc trợ cấp tử tuất hàng tháng (Mẫu số 18A, 18B hoặc 18C-GT).
b) Cán bộ, chiến sĩ (hoặc thân nhân cán bộ, chiến sĩ) đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng chuyển đến cư trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 20 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 815/QĐ-BHXH ngày 06/6/2007 của Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
IV. QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI
1. Trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ hoặc thân nhân của cán bộ, chiến sĩ
a) Nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 1 và điểm a, b, c khoản 2 Mục II Thông tư này (trừ sổ bảo hiểm xã hội) cho Công an cấp huyện nơi đang công tác để giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản.
b) Trường hợp người mẹ chết sau khi sinh con thì người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng con đến khi con đủ 4 tháng tuổi nộp các thủ tục theo quy định tại điểm d khoản 2 Mục II Thông tư này (trừ sổ bảo hiểm xã hội) cho Công an cấp huyện nơi người mẹ công tác khi còn sống (trong trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội) hoặc cho cơ quan nơi người cha đang công tác (trường hợp chỉ có người cha tham gia bảo hiểm xã hội) để giải quyết chế độ thai sản.
c) Cán bộ, chiến sĩ đã xuất ngũ, thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi, khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi, đến Bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú để được hướng dẫn giải quyết hưởng chế độ thai sản.
d) Cán bộ, chiến sĩ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nộp đầy đủ các giấy tờ theo quy định tại điểm d khoản 4, điểm d khoản 5 và điểm b, c khoản 6 Mục II Thông tư này cho Công an cấp huyện nơi đang công tác và nhận hồ sơ đã được giải quyết.
đ) Cán bộ, chiến sĩ đã được Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, khi đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí hoặc có nhu cầu nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đến Bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú để được hướng dẫn, giải quyết.
e) Những trường hợp cán bộ, chiến sĩ đã chấp hành xong hình phạt tù, hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài nay trở về nước định cư hợp pháp hoặc Tòa án đã tuyên bố mất tích nay trở về, nhưng chưa được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, đến Công an đơn vị, địa phương nơi công tác trước khi bị phạt tù hoặc xuất cảnh trái phép hoặc Tòa án tuyên bố mất tích để nhận hồ sơ đã được Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và đến Bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú để được hướng dẫn, giải quyết.
g) Trường hợp cán bộ, chiến sĩ đang đóng bảo hiểm xã hội bị chết thì người hưởng trợ cấp tử tuất nộp Tờ khai hoàn cảnh gia đình của thân nhân người chết (Mẫu số 16-TKTN) cho Công an cấp huyện nơi cán bộ, chiến sĩ công tác và nhận hồ sơ đã giải quyết.
Trường hợp cán bộ, chiến sĩ đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng hoặc đã được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà bị chết thì thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tử tuất đến Bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi cư trú để giải quyết.
h) Nộp hồ sơ đã được Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân giải quyết và giới thiệu cho Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cư trú đến hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng theo quy định.
2. Trách nhiệm của Công an cấp huyện
Tiếp nhận hồ sơ của cán bộ, chiến sĩ thuộc đơn vị mình chuyển đến; lập hồ sơ theo quy định tại điểm c khoản 4 và điểm đ khoản 12 mục II Thông tư này (trừ cấp phòng của khối cơ quan Bộ) và chuyển Công an cấp trên giải quyết theo quy định.
3. Trách nhiệm của Công an đơn vị, địa phương
a) Thẩm định hồ sơ, xét duyệt, quyết định các chế độ: ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe đối với cán bộ, chiến sĩ; quyết định trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân xuất ngũ thuộc Công an đơn vị, địa phương mình.
b) Hàng quý lập danh sách cán bộ, chiến sĩ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe của đơn vị, địa phương mình (Mẫu số 20, 21, 22, 23 và 24-DS) để tổng hợp theo dõi.
c) Tiếp nhận hồ sơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, bảo hiểm xã hội một lần, tử tuất do Công an cấp huyện chuyển đến.
d) Giới thiệu cán bộ, chiến sĩ thuộc đơn vị, địa phương đến Hội đồng Giám định y khoa để giám định, giám định lại, giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động.
Giới thiệu thân nhân cán bộ, chiến sĩ đi giám định trong thời gian 2 tháng đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP hoặc 6 tháng đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định số 68/2007/NĐ-CP tính từ khi cán bộ, chiến sĩ chết để giải quyết chế độ trợ cấp tử tuất hàng tháng.
đ) Hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định tại các điểm a, b, c, e khoản 4; các điểm a, b, c, e khoản 5 các điểm a, đ khoản 6; các điểm a, c khoản 7; các điểm a, b, d, đ khoản 8, các điểm a, b, d, e khoản 9 và các điểm a, b, d, đ, e khoản 12 Mục II Thông tư này.
e) Chuyển hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất về Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân.
g) Chi trả trợ cấp ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, trợ cấp tuất một lần, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần (đối với cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong Công an nhân dân); cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình lần đầu đối với cán bộ, chiến sĩ hoặc thân nhân cán bộ, chiến sĩ.
h) Hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ hoặc thân nhân cán bộ, chiến sĩ đăng ký với Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cư trú để quản lý, chi trả lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.
Trường hợp người hưởng chế độ, không nhận hồ sơ và trợ cấp bảo hiểm xã hội thì lập biên bản về việc người hưởng chế độ không nhận hồ sơ và trợ cấp bảo hiểm xã hội đồng thời có công văn trao đổi với Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người đó cư trú để làm thủ tục đăng ký, quản lý đối với trường hợp hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng và gửi tiết kiệm đối với số tiền trợ cấp bảo hiểm một lần (nếu có).
i) Hàng quý lập báo cáo quyết toán chi chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội của Công an đơn vị, địa phương mình (03 bản): gửi Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân (Vụ Tài chính) 01 bản; lưu tại Công an đơn vị, địa phương 02 bản.
4. Trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân
a) Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm:
– Tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết các chế độ Bảo hiểm xã hội do Công an đơn vị, địa phương chuyển đến, thẩm định, ra Quyết định, cấp giấy chứng nhận hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (trừ các chế độ đã phân cấp cho Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương).
– Giới thiệu cán bộ, chiến sĩ được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khi thôi phục vụ trong Công an nhân dân (kể cả thân nhân cán bộ, chiến sĩ, được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng) đến Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cư trú nộp hồ sơ và nhận chế độ chi trả theo quy định.
– Tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra và làm thủ tục bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của cán bộ, chiến sĩ.
– Phối hợp với Vụ Tài chính lập dự toán, quyết toán về chế độ thu, chi bảo hiểm xã hội với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và kiểm tra việc thực hiện các chế độ bảo hiểm của Công an các đơn vị, địa phương;
– Hàng quý, tổng hợp và nộp hồ sơ đã giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam để lưu trữ.
b) Vụ Tài chính có trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ hướng dẫn, lập dự toán, quyết toán về chế độ thu, chi bảo hiểm xã hội với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và kiểm tra việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội của Công an các đơn vị, địa phương.
V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1. Thông tư này có hiệu lực sau 30 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 02/BNV-TT ngày 02/7/1996 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) hướng dẫn thủ tục hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội trong Công an nhân dân.
2. Các đồng chí Tổng cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ trưởng, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
3. Cán bộ, chiến sĩ trong khi làm nhiệm vụ bị thương hoặc chết được xác định là tai nạn lao động, có đủ điều kiện để công nhận là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, liệt sĩ hoặc cán bộ, chiến sĩ khi xuất ngũ có đủ điều kiện hưởng chế độ bệnh binh thì ngoài hồ sơ để giải quyết chế độ tai nạn lao động, tử tuất, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Thông tư này, Công an đơn vị, địa phương còn có trách nhiệm lập đầy đủ hồ sơ theo quy định về việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng trong Công an nhân dân, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định công nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, công nhận liệt sĩ.
4. Giao Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc nảy sinh, Công an các đơn vị , địa phương phản ánh về Bộ (qua Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân) để hướng dẫn, bổ sung kịp thời./.
BỘ TRƯỞNG
|
THÔNG TƯ 09/2008/TT-BCA HƯỚNG DẪN VỀ HỒ SƠ VÀ QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CHIẾN SĨ CÔNG AN NHÂN DÂN DO BỘ CÔNG AN BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 09/2008/TT-BCA | Ngày hiệu lực | 10/08/2008 |
Loại văn bản | Thông tư | Ngày đăng công báo | |
Lĩnh vực |
Bảo hiểm xã hội |
Ngày ban hành | 11/07/2008 |
Cơ quan ban hành |
Bộ công an |
Tình trạng | Còn hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |