10. Cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước
Việc cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước phải đáp ứng những điều kiện nhất định để được xét duyệt đúng đối tượng nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung thủ tục trên theo quy định của Luật Nhà ở 2014, Nghị định 99/2015/NĐ-CP.
1. Khái niệm
Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở. (khoản 7 Điều 3 Luật Nhà ở 2014)
2. Đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước
Theo điểm b khoản 1 Điều 82 Luật Nhà ở 2014, đối tượng được xem xét giải quyết cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước bao gồm:
(1) Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;
(2) Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;
(3) Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;
(4) Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;
(5) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
(6) Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 81 của Luật này;
(7) Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
Lưu ý:
Đối với đối tượng là Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập thì chỉ được thuê nhà ở xã hội. (khoản 1 Điều 50 Luật Nhà ở 2014)
3. Điều kiện được thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước
Theo điểm b khoản 2 Điều 82 Luật Nhà ở 2014, đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội phải đáp ứng điều kiện sau:
– Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực;
– Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này, trừ trường hợp đối tượng là Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập;
– Đối với các đối tượng (2), (3), (4), (5) nêu trên thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Lưu ý
Bộ Xây dựng quy định cụ thể mẫu đơn đề nghị thuê, thuê mua nhà ở xã hội; hướng dẫn cụ thể giấy tờ xác định thực trạng nhà ở, giấy tờ chứng minh điều kiện cư trú, điều kiện thu nhập và giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền thuê nhà (Khoản 2 Điều 53 Nghị định 99/2015/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Điều 14 và 15 Thông tư 19/2016/TT-BXD)
4. Cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước
4.1. Giá thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước và các chi phí liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà ở này
– Giá thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước được xác định theo quy định tại các Khoản 1, 3 và Khoản 4 Điều 60 của Luật Nhà ở. Giá thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước được xác định theo quy định tại Khoản 2, 3 và Khoản 4 Điều 60 của Luật Nhà ở, trừ kinh phí bảo trì nhà ở do người thuê mua nộp theo quy định tại Điều 108 của Luật Nhà ở (Khoản 1 Điều 55 Nghị định 99/2015/NĐ-CP).
– Ngoài việc đóng tiền thuê, thuê mua nhà ở theo mức giá được xác định quy định tại Khoản 1 Điều này, người thuê, thuê mua nhà ở còn phải nộp các chi phí có liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà ở, bao gồm chi phí quản lý vận hành nhà ở, chi phí sử dụng điện, nước, sử dụng dịch vụ thông tin, liên lạc, truyền hình, chi phí cho các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận với nhà cung cấp dịch vụ (Khoản 2 Điều 55 Nghị định 99/2015/NĐ-CP).
Lưu ý
Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể nội dung chi phí cấu thành giá và phương pháp xác định giá thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước (Khoản 1 Điều 55 Nghị định 99/2015/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Điều 17 Thông tư 19/2016/TT-BXD)
4.2. Quản lý tiền thu được từ việc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước
– Tiền thu được từ việc cho thuê, cho thuê mua, bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được sử dụng để thực hiện việc duy trì và phát triển quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định (Khoản 1 Điều 44 Nghị định 99/2015/NĐ-CP)
+ Đối với số tiền thu được từ việc cho thuê nhà ở thì phải sử dụng vào mục đích bảo trì và quản lý vận hành nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đang cho thuê;
+ Đối với số tiền thu được từ việc cho thuê mua, bán nhà ở thì sau khi khấu trừ các chi phí để tổ chức thực hiện việc cho thuê mua, bán nhà ở, bên bán, cho thuê mua nhà ở phải nộp vào ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành, trừ nhà ở quy định tại Khoản 2 Điều này để sử dụng vào mục đích tái đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc nhà ở công vụ thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn.
– Đối với nhà ở cũ do Bộ Quốc phòng đang quản lý và trực tiếp thực hiện bán cho người đang thuê thì nộp vào tài khoản do Bộ Quốc phòng quản lý để tái đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng quy định tại Khoản 6 Điều 49 của Luật Nhà ở thuê hoặc thuê mua; Bộ Quốc phòng có trách nhiệm lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng về việc sử dụng số kinh phí này và việc tái đầu tư xây dựng nhà ở trước khi thực hiện xây dựng nhà ở; sau khi hoàn thành việc xây dựng nhà ở, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm báo cáo Bộ Xây dựng để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ (Khoản 2 Điều 44 Nghị định 99/2015/NĐ-CP)
Lưu ý
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể việc sử dụng số tiền thu được từ hoạt động cho thuê nhà ở để bảo trì, quản lý vận hành nhà ở cho thuê; hướng dẫn các chi phí để tổ chức thực hiện việc cho thuê mua, bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Điều này (Khoản 3 Điều 44 Nghị định 99/2015/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Chương II Thông tư 124/2016/TT-BTC)
4.3. Quản lý, sử dụng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước ( Điều 56 Nghị định 99/2015/NĐ-CP)
– Việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước phải tuân thủ các quy định tại Điều 64 và Mục 2 Chương VI của Luật Nhà ở, Điều 38 của Nghị định này.
– Người thuê nhà ở xã hội được miễn, giảm tiền thuê nhà ở như trường hợp thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước quy định tại Điều 59 của Nghị định này. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuê mua, mua nhà ở xã hội để phục vụ tái định cư thì sau khi thanh toán đủ tiền thuê mua, mua nhà ở theo hợp đồng và được cấp Giấy chứng nhận thì được thực hiện các quyền và có các nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở.
– Việc quản lý vận hành nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước do đơn vị hoặc tổ chức có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà ở thực hiện. Đơn vị quản lý vận hành nhà ở có trách nhiệm theo dõi, báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng nhà ở theo quy định tại Điều 47 của Nghị định này.
– Đối với địa phương chưa có đơn vị hoặc tổ chức có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà ở đáp ứng yêu cầu, điều kiện theo quy định của Luật Nhà ở thì Sở Xây dựng được tổ chức một bộ phận trực thuộc Sở Xây dựng để tổ chức quản lý vận hành và thuê các dịch vụ quản lý vận hành nhà ở; chi phí thực hiện quản lý vận hành nhà ở được sử dụng từ tiền cho thuê nhà ở này và hỗ trợ từ ngân sách của địa phương.
4.4. Nguyên tắc quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước
Trường hợp nhà ở thuộc diện bị thu hồi theo quy định tại Điều 84 của Luật Nhà ở và Nghị định này thì sau khi thu hồi, cơ quan quản lý nhà ở phải thực hiện quản lý, sử dụng nhà ở này theo đúng mục đích quy định (Khoản 6 Điều 38 Nghị định 99/2015/NĐ-CP)
Lưu ý
Thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước (Điều 84 Luật nhà ở 2014)
– Bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng hoặc không đủ điều kiện theo quy định của Luật này;
– Hết thời hạn thuê theo hợp đồng mà bên thuê không còn nhu cầu thuê tiếp hoặc khi hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng thuê, thuê mua nhà ở
– Bên thuê, bên thuê mua trả lại nhà ở đang thuê, thuê mua;
– Bên thuê không còn đủ điều kiện được thuê nhà ở theo quy định của Luật này;
– Bên thuê chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án mà không có ai đang cùng sinh sống; trường hợp thuê nhà ở công vụ thì khi người được thuê nhà ở công vụ chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án;
– Bên thuê, thuê mua nhà ở không nộp tiền thuê nhà ở từ 03 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng;
– Nhà ở cho thuê, cho thuê mua thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Bên thuê, bên thuê mua sử dụng nhà ở không đúng mục đích như đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà ở hoặc tự ý chuyển đổi, bán, cho thuê lại, cho mượn nhà ở hoặc tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê, thuê mua.
5. Xử phạt vi phạm
Trường hợp sử dụng sai mục đích nguồn vốn huy động hoặc chiếm dụng vốn đã huy động hoặc huy động vượt quá số tiền mua, thuê mua nhà ở ứng trước của khách hàng thì phải hoàn lại số tiền đã huy động sai quy định, phải bồi thường (nếu gây thiệt hại) và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. (Khoản 4 Điều 19 Nghị định 99/2015/NĐ-CP).
Kết luận: Thủ tục Cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước là một thủ tục quan trọng. Người có nhu cầu thuê, thuê mua nộp hồ sơ tại đơn vị được giao quản lý vận hành nhà ở hoặc tại Sở Xây dựng nơi có nhà ở, đồng thời đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định tại Luật Nhà ở 2014, Nghị định 99/2015/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại: