THÔNG TƯ 41/2015/TT-BGTVT SỬA ĐỔI BỘ QUY CHẾ AN TOÀN HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG LĨNH VỰC TÀU BAY VÀ KHAI THÁC TÀU BAY KÈM THEO THÔNG TƯ 01/2011/TT-BGTVT DO BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI BAN HÀNH
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/2015/TT-BGTVT |
Hà Nội, ngày 12 tháng 08 năm 2015 |
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU TRONG PHẦN 12 VÀ PHẦN 14 CỦA BỘ QUY CHẾ AN TOÀN HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG LĨNH VỰC TÀU BAY VÀ KHAI THÁC TÀU BAY BAN HÀNH KÈM THEO THÔNG TƯ SỐ 01/2011/TT-BGTVT NGÀY 27 THÁNG 01 NĂM 2011 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Bộ luật Lao động năm 2012;
Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ pháp chế và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam,
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều trong Phần 12 và Phần 14 của Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay ban hành kèm theo Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT ngày 27 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều trong Phần 12 và Phần 14 Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay ban hành kèm theo Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT ngày 27 tháng 01 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
1. Bổ sung điểm k vào Điều 12.023 Chương B Phần 12 của Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay như sau:
“(k) Trường hợp bổ sung tàu bay mới vào Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC), trong thời hạn chín mươi ngày (90 ngày) kể từ ngày dự kiến đưa tàu bay vào khai thác, người khai thác tàu bay giải trình bằng văn bản phương án bảo đảm nguồn nhân lực khai thác tàu bay (bao gồm thành viên tổ lái, nhân viên điều độ, khai thác bay), phương án bảo đảm bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay gửi Cục Hàng không Việt Nam xem xét, chấp thuận.”
2. Bổ sung khoản 3 vào Điều 14.003 Chương A Phần 14 của Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay như sau:
“(3) Nhân viên hàng không trình độ cao bao gồm: thành viên tổ lái (phi công); nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay có chứng chỉ CRS mức B trở lên; nhân viên điều độ, khai thác bay.”
3. Bổ sung Điều 14.169 vào Chương J Phần 14 của Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay như sau:
“14.169 QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ NHÂN VIÊN HÀNG KHÔNG TRÌNH ĐỘ CAO
1. Người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay và nhân viên hàng không trình độ cao phải thực hiện các quy định sau:
a) Người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay và nhân viên hàng không trình độ cao phải có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng cho thuê lại lao động (sau đây gọi chung là hợp đồng lao động) phù hợp với quy định của pháp luật về lao động và các quy định tại Thông tư này.
b) Người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay có trách nhiệm quy định về chi phí, việc bồi thường chi phí đào tạo, huấn luyện, chi phí tích lũy giờ bay; chi phí phá vỡ cam kết thời gian làm việc sau đào tạo khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn để làm cơ sở cho việc ký kết hợp đồng đào tạo, hợp đồng lao động với nhân viên hàng không trình độ cao.
c) Hợp đồng lao động giữa người khai thác tàu bay với nhân viên hàng không trình độ cao gồm hai bản (02 bản) chính, trong đó một bản (01 bản) người khai thác tàu bay lưu giữ, một bản (01 bản) nhân viên hàng không trình độ cao lưu giữ. Trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng lao động, người khai thác tàu bay phải gửi danh sách nhân viên hàng không trình độ cao kèm theo bản sao hợp đồng lao động đã ký kết tới Cục Hàng không Việt Nam để theo dõi, quản lý. Trường hợp danh sách nhân viên hàng không trình độ cao quy định tại điểm này có sự thay đổi, trong bảy (07) ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng, lao động, người khai thác tàu bay có trách nhiệm thông báo với Cục Hàng không Việt Nam để cập nhật.
2. Chấm dứt hợp đồng lao động
a) Nhân viên hàng không trình độ cao có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay 120 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng để người khai thác tàu bay lập kế hoạch duy trì hoạt động bảo đảm khai thác tàu bay theo kế hoạch bay đã được phê duyệt.
b) Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại điểm a khoản này nếu kết thúc vào tháng 6, tháng 7 của năm thì hợp đồng lao động sẽ kéo dài đến hết tháng 7 của năm đó. Trường hợp thời hạn kết thúc hợp đồng lao động vào tháng 1 hoặc tháng 2 của năm thì thời hạn hợp đồng lao động sẽ kéo dài đến hết tháng 2 của năm đó.
c) Nhân viên hàng không trình độ cao khi chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng đào tạo, hợp đồng lao động và các thỏa thuận liên quan.
d) Người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay có trách nhiệm chấm dứt hợp đồng lao động khi các bên đã hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng đào tạo, hợp đồng lao động và các thỏa thuận có liên quan.
3. Nhân viên hàng không trình độ cao được chuyển đổi người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay theo quy định của pháp luật khi đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Đã chấm dứt hợp đồng lao động và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ (nếu có) đối với người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay hiện tại theo quy định.
b) Có hợp đồng lao động với người khai thác tàu bay hoặc tổ chức bảo dưỡng tàu bay mới.”
Điều 2. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2015.
2. Người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay, nhân viên hàng không trình độ cao có trách nhiệm rà soát các nội dung của hợp đồng đã ký trước ngày Thông tư này có hiệu lực để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Thông tư này.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận: – Như Điều 3; – Văn phòng Chính phủ; – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; – UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; – Các Thứ trưởng Bộ GTVT; – Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); – Tổng công ty hàng không VN; – Các CTCPHK: Vietjet, Jetstar Pacific, Hải Âu; – Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO); – Công ty bay trực thăng miền Nam (VNHS); – Công ty bay trực thăng miền Bắc (VNHS); – Công ty TNHH sửa chữa máy bay (VAECO); – Công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật trực thăng (HELITECHCO); – Công ty bảo dưỡng máy bay cảng HKMN (SAAM); – Công ty Dịch vụ kỹ thuật Hàng không (AESC); – Công ty Cổ phần HK lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar); – Xí nghiệp thương mại mặt đất (TIAGS); – Công ty Hành tinh xanh; – Công báo, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; – Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT; – Báo Giao thông; Tạp chí GTVT; – Lưu: VT, PC. |
BỘ TRƯỞNG Đinh La Thăng |
THÔNG TƯ 41/2015/TT-BGTVT SỬA ĐỔI BỘ QUY CHẾ AN TOÀN HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG LĨNH VỰC TÀU BAY VÀ KHAI THÁC TÀU BAY KÈM THEO THÔNG TƯ 01/2011/TT-BGTVT DO BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI BAN HÀNH | |||
Số, ký hiệu văn bản | 41/2015/TT-BGTVT | Ngày hiệu lực | 01/10/2015 |
Loại văn bản | Thông tư | Ngày đăng công báo | 30/08/2015 |
Lĩnh vực |
Giao thông - vận tải |
Ngày ban hành | 12/08/2015 |
Cơ quan ban hành |
Bộ giao thông vận tải |
Tình trạng | Hết hiệu lực |
Các văn bản liên kết
Văn bản được hướng dẫn | Văn bản hướng dẫn | ||
Văn bản được hợp nhất | Văn bản hợp nhất | ||
Văn bản bị sửa đổi, bổ sung | Văn bản sửa đổi, bổ sung | ||
Văn bản bị đính chính | Văn bản đính chính | ||
Văn bản bị thay thế | Văn bản thay thế | ||
Văn bản được dẫn chiếu | Văn bản căn cứ |