4. Đăng ký, Sửa đổi bổ sung hoạt động đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử
Đăng ký, sửa đổi bổ sung hoạt động đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử là một trong các hoạt động doanh nghiệp có thể thực hiện khi mởi website thương mại điện tử. Sau đây, Dữ liệu pháp lý có một số lưu ý về vấn đề dựa trên quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP; Nghị định 85/2021/NĐ-CP; Nghị định 08/2018/NĐ-CP; Thông tư 47/2014/TT-BCT; Văn bản hợp nhất 06/VBHN-BCT năm 2022 hợp nhất thông tư quy định về quản lý website thương mại điện tử.
1. Khái niệm
Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác (Khoản 1 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP)
Website thương mại điện tử (dưới đây gọi tắt là website) là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng. (Khoản 8 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP)
Sàn giao dịch thương mại điện tử là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó. (Khoản 9 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP)
Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các loại sau:( Điều 25 Nghị định 52/2013/NĐ-CP)
a) Sàn giao dịch thương mại điện tử;
b) Website đấu giá trực tuyến;
c) Website khuyến mại trực tuyến;
d) Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định
2. Điều kiện thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
Căn cứ quy định tại Điều 54 Nghị định 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP thì điều kiện thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm:
1. Là thương nhân, tổ chức được thành lập theo quy định pháp luật.
2. Có đề án cung cấp dịch vụ trong đó nêu rõ các nội dung sau:
a) Mô hình tổ chức hoạt động, bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ, hoạt động xúc tiến, tiếp thị dịch vụ cả trong và ngoài môi trường trực tuyến; hoạt động logistics đối với hàng hóa.;
b) Phân định quyền và trách nhiệm giữa thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với các bên sử dụng dịch vụ
3. Đã đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký theo quy định tại Điều 55 và 58 Nghị định này.
3. Nguyên tắc chung của hoạt động đánh giá tín nhiệm
Căn cứ quy định tại Điều 60 Nghị định 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 21 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP thì các thương nhân, tổ chức tiến hành hoạt động đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương.
4. Hoạt động đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử (Điều 61 Nghị định 52/2013/NĐ-CP)
1. Điều kiện tiến hành hoạt động đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử:
a) Là thương nhân, tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam
b) Độc lập về mặt tổ chức và tài chính với các thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử được đánh giá tín nhiệm;
c) Có bộ tiêu chí và quy trình đánh giá website thương mại điện tử được công bố công khai, minh bạch, áp dụng thống nhất cho các đối tượng được đánh giá;
d) Đã đăng ký hoạt động đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử với Bộ Công Thương và được xác nhận đăng ký.
2. Thương nhân, tổ chức đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử bị hủy bỏ đăng ký trong những trường hợp sau:
a) Có hành vi gian dối hoặc cung cấp thông tin giả mạo khi tiến hành đăng ký;
b) Không thực hiện đúng quy trình và tiêu chí đánh giá tín nhiệm đã công bố công khai;
c) Lợi dụng hoạt động đánh giá tín nhiệm để thực hiện các hành vi nhằm thu lợi bất chính.
3. Bộ Công Thương quy định cụ thể về hoạt động đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử, nội dung hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký, sửa đổi bổ sung, hủy bỏ, chấm dứt đăng ký cho các thương nhân, tổ chức tiến hành hoạt động này.
4. Nghĩa vụ của thương nhân, tổ chức đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử:
a) Giám sát hoạt động của các website thương mại điện tử đã được gắn biểu tượng tín nhiệm;
b) Phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra và xử lý các website thương mại điện tử đã được gắn biểu tượng tín nhiệm nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
c) Trước ngày 05 hàng tháng, báo cáo Bộ Công Thương danh sách cập nhật các website thương mại điện tử đã được gắn biểu tượng tín nhiệm tính đến cuối tháng trước đó;
d) Trước ngày 15 tháng 01 hàng năm, báo cáo Bộ Công Thương về hoạt động đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử của năm trước đó.
Kết luận: Thủ tục đăng ký, sửa đổi bổ sung hoạt động đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử được thực hiện theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP; Nghị định 85/2021/NĐ-CP; Nghị định 08/2018/NĐ-CP; Thông tư 47/2014/TT-BCT; Văn bản hợp nhất 06/VBHN-BCT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG ĐÁNH GIÁ TÍN NHIỆM CỦA WEBSITE THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ