25. Cấp, cấp lại Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Hiện nay, nhu cầu sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong một số lĩnh vực đang tăng cao và có chiều hướng phức tạp. Nhằm đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã và đang ban hành các văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh vấn đề sử dụng. Do đó, đã phát sinh nên thủ tục cấp, cấp lại giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hổ trợ 2017, Nghị định 71/2018/NĐ-CP, Nghị định 71/2019/NĐ-CP.
1. Một số khái niệm cơ bản
Vật liệu nổ là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ, bao gồm (Khoản 7 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hổ trợ 2017):
– Thuốc nổ là hóa chất hoặc hỗn hợp chất được sản xuất, sử dụng nhằm tạo ra phản ứng nổ dưới tác động của xung kích thích;
– Phụ kiện nổ là kíp nổ, dây nổ, dây cháy chậm, mồi nổ, vật phẩm chứa thuốc nổ có tác dụng tạo xung kích thích ban đầu làm nổ khối thuốc nổ hoặc thiết bị chuyên dùng có chứa thuốc nổ.”
Vật liệu nổ công nghiệp là vật liệu nổ sử dụng cho mục đích kinh tế, dân sự. (Khoản 9 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hổ trợ 2017)
Danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam (Danh mục vật liệu nổ công nghiệp) bao gồm vật liệu nổ công nghiệp phục vụ thăm dò, khai thác dầu khí và vật liệu nổ công nghiệp quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 13/2018/TT-BCT (Khoản 1 Điều 3 Thông tư 13/2018/TT-BCT).
Hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ là việc thực hiện một hoặc một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ (khoản 1 Điều 3 Nghị định 71/2018/NĐ-CP).
Lưu ý:
– Sử dụng vật liệu nổ công nghiệp được xem là một trong các hoạt động vật liệu nổ công nghiệp (Khoản 1 Điều 3 Nghị định 71/2018/NĐ-CP).
– Hoạt động có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và phạm vi quản lý và là ngành, nghề phải có điều kiện về phương án bảo đảm an ninh, trật tự (Điều 3, Điều 8 Nghị định 96/2016/NĐ-CP).
2. Nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ
Nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ (Điều 4 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hổ trợ 2017):
– Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
– Trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải đúng thẩm quyền, đối tượng và bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
– Người quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đầy đủ điều kiện theo quy định.
– Người ra mệnh lệnh hoặc quyết định sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải chịu trách nhiệm về mệnh lệnh, quyết định của mình.
– Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đúng mục đích, đúng quy định, hạn chế thiệt hại đối với người, tài sản và môi trường.
– Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, trang bị, mang, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, giấy xác nhận.
– Vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ không còn nhu cầu sử dụng, hết hạn sử dụng hoặc không còn khả năng sử dụng phải được thu hồi, thanh lý hoặc tiêu hủy.
– Vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ và các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ bị mất phải được kịp thời báo cáo cho cơ quan quản lý có thẩm quyền.
– Vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ phải được thử nghiệm, kiểm định, đánh giá và đăng ký theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam.
3. Điều kiện sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải bảo đảm đủ điều kiện sau đây (khoản 1 Điều 41 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hổ trợ 2017):
– Được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký doanh nghiệp hoặc đăng ký hoạt động ngành, nghề, lĩnh vực cần sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;
– Có hoạt động khoáng sản, dầu khí hoặc công trình xây dựng, công trình nghiên cứu, thử nghiệm hoặc thực hiện nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao cần sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;
– Có kho, công nghệ, thiết bị, phương tiện, dụng cụ phục vụ hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; trường hợp không có kho, phương tiện vận chuyển, phải có hợp đồng thuê bằng văn bản với tổ chức được phép bảo quản, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp;
– Địa điểm sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy và chữa cháy, vệ sinh môi trường; bảo đảm khoảng cách an toàn đối với công trình, đối tượng cần bảo vệ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định có liên quan;
– Người quản lý, chỉ huy nổ mìn, thợ mìn và người khác có liên quan đến sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải bảo đảm điều kiện về an ninh, trật tự; có trình độ chuyên môn tương xứng với vị trí, chức trách đảm nhiệm, được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy và chữa cháy, ứng phó sự cố trong các hoạt động liên quan đến sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;
– Quy mô sử dụng thuốc nổ trong 01 quý từ 500 kg trở lên, trừ trường hợp sử dụng thuốc nổ để thử nghiệm, thăm dò, đánh giá địa chất.
Lưu ý:
Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải tuân theo quy định sau đây (khoản 2 Điều 41 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hổ trợ 2017):
– Chỉ được mua vật liệu nổ công nghiệp có trong Danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam từ các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp;
– Vật liệu nổ công nghiệp không sử dụng hết phải bán lại cho doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp;
– Thực hiện việc bổ nhiệm người chỉ huy nổ mìn và thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn trong sử dụng vật liệu nổ công nghiệp khi tiến hành nổ mìn;
– Lập thiết kế, phương án nổ mìn phù hợp với quy mô sản xuất, điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội nơi nổ mìn. Trong thiết kế, phương án nổ mìn phải quy định cụ thể các biện pháp an toàn, bảo vệ, canh gác chống xâm nhập trái phép khu vực nổ mìn; thủ tục cảnh báo, khởi nổ; thủ tục bảo quản và thủ tục giám sát việc tiêu thụ, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp tại nơi nổ mìn và nội dung khác theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
– Thiết kế hoặc phương án nổ mìn phải được cơ quan cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phê duyệt và được sự đồng ý bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý khi nổ mìn trong khu vực dân cư, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khu vực có di tích lịch sử
– Văn hóa, bảo tồn thiên nhiên, công trình an ninh, quốc phòng hoặc công trình quan trọng khác của quốc gia, khu vực bảo vệ khác theo quy định của pháp luật. Thực hiện việc giám sát các ảnh hưởng nổ mìn đối với công trình, đối tượng cần bảo vệ nằm trong phạm vi ảnh hưởng của nổ mìn;
– Tổ chức, doanh nghiệp được Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp phải thông báo bằng văn bản với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ít nhất 10 ngày trước khi thực hiện các hoạt động theo giấy phép.
4. Cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Thời hạn của Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo thời hạn của Giấy phép khai thác khoáng sản nhưng không quá 05 năm; theo thời hạn công trình nhưng không quá 02 năm đối với trường hợp phục vụ thi công công trình, thử nghiệm, thăm dò khoáng sản, hoạt động dầu khí và hoạt động khác do Thủ tướng Chính phủ giao (khoản 5 Điều 42 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hổ trợ 2017).
Thủ tục cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (khoản 6 Điều 42 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hổ trợ 2017).
Tổ chức, doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp chỉ được sử dụng sản phẩm đúng khối lượng, số lượng, chủng loại theo giấy phép của cơ quan có thẩm quyền (Khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017).
Lưu ý:
Giấy phép, giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ đã cấp cho tổ chức, doanh nghiệp được thu hồi trong trường hợp sau đây (khoản 4 Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hổ trợ 2017):
– Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ giải thể, chuyển đổi, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập;
– Chấm dứt hoạt động về vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ;
– Không bảo đảm điều kiện về sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ theo quy định của Luật này; không đáp ứng đầy đủ hoặc không thực hiện đúng nội dung quy định trong giấy phép, giấy chứng nhận;
– Giấy phép, giấy chứng nhận cấp không đúng thẩm quyền;
– Không tiến hành kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ trong thời gian 06 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh.
5. Cấp lại giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ bị hư hỏng, hết hạn sử dụng phải giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền đã cấp để được cấp lại, cấp đổi (khoản 5 Điều 10 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hổ trợ 2017).
Đối với tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp lại Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nhưng không thay đổi về địa điểm, quy mô hoạt động, hồ sơ đề nghị bao gồm: báo cáo hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong thời hạn hiệu lực của giấy phép đã cấp và giấy tờ, tài liệu. (khoản 2 Điều 42 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hổ trợ 2017).
Lưu ý:
Trường hợp đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm b, d và đ khoản 1 Điều 42 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hổ trợ 2017 nhưng không tự thực hiện việc nổ mìn, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu nổ mìn được quyền ký hợp đồng thuê toàn bộ công việc nổ mìn với tổ chức có Giấy phép dịch vụ nổ mìn (khoản 3 Điều 42 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hổ trợ 2017).
Kết luận: Khi Cấp, cấp lại Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cần đáp ứng đầy đủ các điệu kiện được quy định tại Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hổ trợ 2017, Nghị định 71/2018/NĐ-CP, Nghị định 71/2019/NĐ-CP, Thông tư số 13/2018/TT-BCT.
Trình tự thủ tục, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây:
Cấp, cấp lại giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp