4. Cấp, sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động bán buôn điện, bán lẻ điện
Đơn vị thực hiện hoạt động bán buôn điện, bán lẻ điện cần được cơ quan có thẩm quyền cấp/cấp sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động bán buôn điện, bán lẻ điện. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật Điện lực 2004 (được sửa đổi bổ sung năm 2012), Nghị định 134/2013/NĐ-CP, Nghị định 137/2013/NĐ –CP, Nghị định 08/2018/NĐ-CP, Thông tư 21/2020/TT-BCT.
1. Khái niệm
– Bán buôn điện là hoạt động bán điện của đơn vị điện lực này cho đơn vị điện lực khác để bán lại cho bên thứ ba.
– Bán lẻ điện là hoạt động bán điện của đơn vị điện lực cho khách hàng sử dụng điện (khoản 4, 5 Điều 3 Luật Điện lực 2004).
2. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị bán buôn điện
a. Quyền
– Hoạt động bán buôn điện và các hoạt động khác theo giấy phép hoạt động điện lực;
– Mua điện trực tiếp của đơn vị phát điện theo hợp đồng có thời hạn hoặc mua điện giao ngay trên thị trường điện lực;
– Đị.nh giá bán buôn điện trong khung giá bán buôn điện đã được duyệt để cạnh tranh mua, bán điện trên thị trường điện lực;
– Sử dụng dịch vụ truyền tải, phân phối điện phù hợp với từng cấp độ của thị trường điện lực;
– Được vào khu vực quản lý của bên mua điện để kiểm tra, ghi chỉ số công tơ và liên hệ với khách hàng;
– Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động bán buôn điện;
– Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
b. Nghĩa vụ
– Bán điện theo đúng số lượng, chất lượng và giá điện đã được thoả thuận trong hợp đồng;
– Tuân thủ các quy định về thị trường điện lực của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
– Bồi thường khi gây thiệt hại cho bên mua hoặc bên bán điện theo quy định của pháp luật;
– Cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến lượng điện bán buôn theo yêu cầu của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật (Điều 43 Luật Điện lực 2004).
3. Quyền và nghĩa vụ của đơn vị bán lẻ điện
a. Quyền
– Hoạt động bán lẻ điện theo giấy phép hoạt động điện lực;
– Cạnh tranh mua, bán điện trên thị trường điện lực;
– Định giá bán trên thị trường bán lẻ điện cạnh tranh trong khung giá điện thuộc biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 62 của Luật Điện lực 2004;
– Sử dụng dịch vụ truyền tải điện, phân phối điện phù hợp với từng cấp độ của thị trường điện lực;
– Được vào khu vực quản lý của bên mua điện để kiểm tra, ghi chỉ số công tơ và liên hệ với khách hàng;
– Được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động bán lẻ điện;
– Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
b. Nghĩa vụ
– Bán điện theo đúng số lượng, chất lượng và giá điện đã được thoả thuận trong hợp đồng;
– Tuân thủ các quy định về thị trường điện lực của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
– Xây dựng và trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt giá bán lẻ điện sinh hoạt nông thôn, miền núi, hải đảo ở những khu vực mà việc sản xuất, cung cấp điện theo cơ chế thị trường không đủ bù đắp chi phí cho đơn vị bán lẻ điện;
– Niêm yết công khai tại trụ sở và nơi giao dịch biểu giá điện đã được duyệt; văn bản hướng dẫn thủ tục thực hiện cấp điện, đo đếm điện, ghi chỉ số công tơ, lập hoá đơn, thu tiền điện và kết thúc dịch vụ điện; nội dung giấy phép và tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động điện lực về bán lẻ điện; văn bản quy định về thời gian và chi phí cần thiết để cấp điện cho khách hàng mới đấu nối vào hệ thống điện; các quy định về ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện theo quy định tại Điều 27 của Luật Điện lực 2004;
– Hướng dẫn về an toàn điện cho khách hàng sử dụng điện;
– Bồi thường khi gây thiệt hại cho bên mua hoặc bên bán điện theo quy định của pháp luật;
– Cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến lượng điện bán lẻ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật (Điều 44 Luật Điện lực 2004).
4. Xử lý vi phạm hành chính
Đối với đơn vị bán buôn điện (Điều 10 Nghị định 134/2013/NĐ-CP):
+ Hành vi bán sai giá điện do cơ quan có thẩm quyền quy định bị phạt tiền điện từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
+ hành vi mua, bán buôn điện mà hợp đồng mua, bán buôn điện không tuân thủ các quy định của pháp luật về hợp đồng mua, bán điện có thời hạn bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
+ Hành vi mua, bán điện với đơn vị không có Giấy phép hoạt động điện lực bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
+ Hành vi xuất, nhập khẩu điện mà không có Giấy phép xuất, nhập khẩu điện bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng; buộc nộp ngân sách nhà nước số tiền bất hợp pháp có được đối với hành vi xuất khẩu điện mà không có Giấy phép xuất khẩu điện.
Đối với đơn vị bán lẻ điện (Điều 11 Nghị định 134/2013/NĐ-CP):
+ Hành vi không niêm yết công khai tại các địa điểm giao dịch mua bán điện các quy định của pháp luật về biểu giá điện; thủ tục thực hiện cấp điện, đo đếm điện, ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện và kết thúc dịch vụ điện; quy định về ngừng, giảm mức cung cấp điện; hướng dẫn về an toàn điện bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
+ Hành vi không ký hợp đồng mua bán điện sau 07 ngày làm việc mà không có lý do chính đáng kể từ khi bên mua điện phục vụ mục đích sinh hoạt đã bảo đảm các điều kiện theo quy định và thỏa thuận về các nội dung trong dự thảo hợp đồng điện bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
+ Hành vi cản trở người thi hành công vụ đến kiểm tra, thanh tra việc mua bán điện bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
+ Hành vi không ký hợp đồng mua bán điện ngoài mục đích sinh hoạt sau 07 ngày làm việc mà không có lý do chính đáng kể từ khi bên mua điện đã bảo đảm các điều kiện theo quy định và thỏa thuận về các nội dung trong dự thảo hợp đồng/Ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện mà không thông báo theo quy định về trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện/Bán điện mà không có hợp đồng mua bán điện với khách hàng sử dụng điện bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
+ Hành vi bán sai giá điện do cơ quan có thẩm quyền quy định bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
+ Hành vi lợi dụng nghề nghiệp để sách nhiễu các tổ chức, cá nhân sử dụng điện nhằm mục đích vụ lợi bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.
+ Hành vi mua điện của Đơn vị điện lực không có Giấy phép hoạt động điện lực bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
+ Hành vi xuất, nhập khẩu điện mà không có Giấy phép xuất, nhập khẩu điện bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng; bị buộc nộp ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền bất hợp pháp có được đối với hành vi xuất khẩu điện mà không có Giấy phép xuất khẩu điện.
Kết luận: Để thực hiện thủ tục Cấp, cấp sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động bán buôn điện, bán lẻ điện, đơn vị hoạt động cần xem xét quy định tại Luật Điện lực 2004 (được sửa đổi bổ sung năm 2012), Nghị định 134/2013/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Cấp Giấy phép hoạt động bán buôn điện, bán lẻ điện
Cấp sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động bán buôn điện, bán lẻ điện