1. Cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn Giấy phép thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam cần cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn Giấy phép thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Luật thương mại 2005, Nghị định 07/2016/NĐ-CP, Thông tư 11/2016/TT-BCT như sau:
1. Một số khái niệm cơ bản
Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập và hoạt động thương mại tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (khoản 7 Điều 3 Luật thương mại 2005).
Thương nhân nước ngoài là thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc được pháp luật nước ngoài công nhận (khoản 1 Điều 16 Luật thương mại 2005).
Lưu ý:
Thương nhân nước ngoài được đặt Văn phòng đại diện, Chi nhánh tại Việt Nam; thành lập tại Việt Nam doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo các hình thức do pháp luật Việt Nam quy định (khoản 2 Điều 16 Luật thương mại 2005).
Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thương nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam (khoản 3 Điều 16 Luật thương mại 2005).
2. Quyền thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
Quyền thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam (Điều 3 Nghị định 07/2016/NĐ-CP):
– Thương nhân nước ngoài được thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam theo cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
– Một thương nhân nước ngoài không được thành lập nhiều hơn một Văn phòng đại diện hoặc Chi nhánh có cùng tên gọi trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Lưu ý:
Thương nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam (Điều 4 Nghị định 07/2016/NĐ-CP).
3. Điều kiện cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
Thương nhân nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh khi đáp ứng các điều kiện sau (Điều 8 Nghị định 07/2016/NĐ-CP):
– Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;
– Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 05 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký;
– Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ;
Nội dung hoạt động của Chi nhánh phải phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với ngành nghề kinh doanh của thương nhân nước ngoài;
– Trường hợp nội dung hoạt động của Chi nhánh không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Chi nhánh phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành.
Lưu ý:
Thời hạn Giấy phép thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam (Điều 9 Nghị định 07/2016/NĐ-CP):
– Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài có thời hạn 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng kýkinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài trong trường hợp giấy tờ đó có quy định về thời hạn.
– Thời hạn của Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh được cấp lại bằng thời hạn của Giấy phép đã được cấp trước đó.
– Thời hạn của Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh được gia hạn thực hiện như quy định tại Khoản 1 Điều này.
4. Các trường hợp không cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh
Cơ quan cấp Giấy phép không cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh cho thương nhân nước ngoài trong những trường hợp sau (Điều 14 Nghị định 07/2016/NĐ-CP):
– Không đáp ứng một trong những điều kiện quy định tại Điều 7 đối với trường hợpđề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện hoặc không đáp ứng một trong những điều kiện quy định tại Điều 8 đối với trường hợp đề nghị cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh.
– Thương nhân nước ngoài đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh trong thời gian 02 năm, kể từ ngày bị thu hồi Giấy phép thành lập Vănphòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh tại Việt Nam theo quy định tại Điều 44 Nghị định này.
– Việc thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh bị hạn chế theo quy định của pháp luật vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng.
– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
5. Các trường hợp cấp lại Giấy phép thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Thương nhân nước ngoài làm thủ tục cấp lại Giấy phép thành lập Chi nhánh trong những trường hợp sau (Điều 18 Nghị định 07/2016/NĐ-CP):
– Chuyển địa điểm đặt trụ sở của Văn phòng đại diện từ một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hoặc khu vực địa lý thuộc phạm vi quản lý của một Ban quản lý đến một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác hoặc khu vực địa lý thuộc phạm vi quản lý của một Ban quản lý khác.
– Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Giấy phép thành lập Chi nhánh bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng hoặc bị tiêu hủy dưới mọi hình thức.
6. Điều chỉnh Giấy phép thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
Thương nhân nước ngoài phải làm thủ tục điều chỉnh Giấy phép thành lập Chi nhánh trong những trường hợp sau (Điều 15 Nghị định 07/2016/NĐ-CP):
– Thay đổi tên gọi hoặc địa chỉ đặt trụ sở của thương nhân nước ngoài.
– Thay đổi nội dung hoạt động của thương nhân nước ngoài có liên quan trực tiếp đến nội dung hoạt động của Chi nhánh tại Việt Nam.
– Thay đổi người đứng đầu của Chi nhánh.
– Thay đổi tên gọi của Chi nhánh.
– Thay đổi nội dung hoạt động của Chi nhánh..
– Thay đổi địa chỉ đặt trụ sở của Chi nhánh.
7. Gia hạn Giấy phép thành lập Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Thương nhân nước ngoài được gia hạn Giấy phép thành lập Chi nhánh khi hết thời hạn quy định trong Giấy phép, trừ trường hợp có hành vi vi phạm thuộc các trường hợp bị thu hồi Giấy phép thành lập Chi nhánh theo quy định tại Điều 44 Nghị định 07/2016/NĐ-CP. (Điều 21 Nghị định 07/2016/NĐ-CP).
Kết luận: Khi Cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn Giấy phép thành lập Chi nhánh, thương nhân nước ngoài tại Việt Nam cần đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Luật thương mại 2005, Nghị định 07/2016/NĐ-CP, Thông tư 11/2016/TT-BCT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn Giấy phép thành lập Chi nhánh của Thương nhân nước ngoài tại Việt Nam