1. Đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung

Posted on

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung trên theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, Nghị định 99/2011/NĐ-CP, Nghị định 98/2020/NĐ-CP, Quyết định 02/2012/QĐ-TTg, Quyết định 35/2015/QĐ-TTg, Thông tư 10/2013/TT-BCT.

1. Khái niệm

Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm:

+ Thương nhân theo quy định của Luật thương mại;

+ Cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh.

Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn thảo để giao dịch với người tiêu dùng

Điều kiện giao dịch chung là những quy định, quy tắc bán hàng, cung ứng dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ công bố và áp dụng đối với người tiêu dùng (theo các khoản 1, 2, 5, 6 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010).

– Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (khoản 1 Điều 19 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010).

2. Hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung

– Hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung phải được lập thành văn bản và phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

+ Ngôn ngữ sử dụng bằng tiếng Việt, nội dung phải rõ ràng, dễ hiểu; cỡ chữ ít nhất là 12.

+ Nền giấy và màu mực thể hiện nội dung hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung phải tương phản nhau (theo Điều 7 Nghị định 99/2011/NĐ-CP).

– Điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực trong các trường hợp sau:

+ Loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng theo quy định của pháp luật;

+ Hạn chế, loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng;

+ Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đơn phương thay đổi điều kiện của hợp đồng đã thỏa thuận trước với người tiêu dùng hoặc quy tắc, quy định bán hàng, cung ứng dịch vụ áp dụng đối với người tiêu dùng khi mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ không được thể hiện cụ thể trong hợp đồng;

+ Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đơn phương xác định người tiêu dùng không thực hiện một hoặc một số nghĩa vụ;

+ Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

+ Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ giải thích hợp đồng trong trường hợp điều khoản của hợp đồng được hiểu khác nhau;

+ Loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thông qua bên thứ ba;

+ Bắt buộc người tiêu dùng phải tuân thủ các nghĩa vụ ngay cả khi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không hoàn thành nghĩa vụ của mình;

+ Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho bên thứ ba mà không được người tiêu dùng đồng ý (theo khoản 1 Điều 16 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010).

Lưu ý:

– Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thực hiện việc đăng ký theo quy định trước khi áp dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung được quy định tại Quyết định 02/2012/QĐ-TTg (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 35/2015/QĐ-TTg).

– Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung chỉ được áp dụng đối với người tiêu dùng khi việc đăng ký được hoàn thành theo quy định tại Điều 14 Nghị định 99/2011/NĐ-CP (theo Điều 8 Nghị định 99/2011/NĐ-CP)

3. Thực hiện thủ tục

– Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 99/2011/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân nộp một (01) bộ hồ sơ đến Bộ Công thương, hồ sơ bao gồm:

+ Đơn đăng ký nêu rõ địa chỉ, ngành nghề kinh doanh của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo mẫu tại Thông tư 10/2013/TT-BCT.

+ Dự thảo hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

– Trường hợp hồ sơ đăng ký không đầy đủ theo quy định, trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, Bộ Công thương có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh bổ sung hồ sơ, tài liệu.

– Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bổ sung hồ sơ, tài liệu trong thời hạn ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Bộ Công thương (theo Điều 11 Nghị định 99/2011/NĐ-CP).

Lưu ý:

– Bộ Công thương tiếp nhận đăng ký tiến hành xem xét hồ sơ đăng ký kể từ thời điểm nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định.

– Trong quá trình xem xét hồ sơ đăng ký, Bộ Công thương có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh giải trình các vấn đề liên quan đến nội dung hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung; tham vấn ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (theo Điều 12 Nghị định 99/2011/NĐ-CP).

– Bộ Công thương tiến hành hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với các nội dung sau:

+ Điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực (xem mục 2);

+ Yêu cầu chung của hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung (xem mục 2);

+ Sự phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nguyên tắc chung về giao kết hợp đồng (theo Điều 13 Nghị định 99/2011/NĐ-CP).

– Trường hợp nội dung của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc trái với nguyên tắc chung về giao kết hợp đồng, Bộ Công thương có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh phải sửa đổi, hủy bỏ nội dung vi phạm đó.

– Trường hợp nội dung trong hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không rõ hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau, Bộ Công thương có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh giải trình làm rõ các nội dung trong hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đó.

– Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của Bộ Công thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải sửa đổi, hủy bỏ nội dung vi phạm và thông báo cho người tiêu dùng đã giao kết hợp đồng. Trường hợp việc sửa đổi, hủy bỏ nội dung vi phạm dẫn đến điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực và phát sinh thiệt hại đối với người tiêu dùng thì xử lý theo quy định của pháp luật dân sự (theo Điều 16 Nghị định 99/2011/NĐ-CP).

4. Lưu ý chung

Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải đăng ký lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong trường hợp:

+ Pháp luật thay đổi làm thay đổi nội dung của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;

+ Tổ chức, cá nhân kinh doanh thay đổi nội dung hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

– Thủ tục đăng ký lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thực hiện như đăng ký lần đầu. Sau khi hoàn thành việc đăng ký lại, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo cho người tiêu dùng về việc thay đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (theo Điều 15 Nghị định 99/2011/NĐ-CP).

5. Xử phạt vi phạm

– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc hủy bỏ hoặc sửa đổi nội dung hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc trái với nguyên tắc chung về giao kết hợp đồng.

– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Không đăng ký hoặc không đăng ký lại hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định;

+ Không thông báo cho người tiêu dùng về việc thay đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định;

+ Không áp dụng đúng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định.

– Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm trên trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên. (theo Điều 49 Nghị định 98/2020/NĐ-CP)

Kết luận: Tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương cần lưu ý các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, Nghị định 99/2011/NĐ-CP, Nghị định 98/2020/NĐ-CP, Quyết định 02/2012/QĐ-TTg, Quyết định 35/2015/QĐ-TTg, Thông tư 10/2013/TT-BCT

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương