2. Đề nghị hưởng miễn trừ đối với tập trung kinh tế

Posted on

Các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện hưởng miễn trừ đối với tập trung kinh tế phải thực hiện thủ tục đề nghị hưởng miễn trừ đối với tập trung kinh tế theo quy định của luật. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung trên theo Luật Cạnh tranh 2018, Nghị định 116/2005/NĐ-CP, Nghị định 119/2011/NĐ-CP.

1. Khái niệm

Tập trung kinh tế bao gồm các hình thức sau đây (theo Điều 29 Luật Cạnh tranh 2018):

+ Sáp nhập doanh nghiệp: một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập;

+ Hợp nhất doanh nghiệp: hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất;

+ Mua lại doanh nghiệp: một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại;

+ Liên doanh giữa các doanh nghiệp: hai hoặc nhiều doanh nghiệp cùng nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới;

+ Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật.

– Doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam là tập trung kinh tế bị cấm theo Điều 30 Luật Cạnh tranh 2018.

– Các hành vi sau vi phạm quy định về tập trung kinh tế (theo Điều 44 Luật Cạnh tranh 2018):

+ Doanh nghiệp không thông báo tập trung kinh tế theo quy định của Luật này.

+ Doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế khi chưa có thông báo kết quả thẩm định sơ bộ của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quy định tại khoản 2 Điều 36, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 36 của Luật này.

+ Doanh nghiệp thuộc trường hợp phải thẩm định chính thức việc tập trung kinh tế mà thực hiện việc tập trung kinh tế khi Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia chưa ra quyết định quy định tại Điều 41 của Luật này.

+ Doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ điều kiện được thể hiện trong quyết định về tập trung kinh tế quy định tại điểm b khoản 1 Điều 41 của Luật này.

+ Doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế trong trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 41 của Luật này.

+ Doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế bị cấm.

2. Hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ

Báo cáo tài chính trong hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với doanh nghiệp mới thành lập có hoạt động kinh doanh chưa đủ một năm tài chính được thay thế bằng các tài liệu sau đây:

+ Bản kê khai vốn điều lệ, tài sản cố định, tài sản lưu động, công nợ có xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập được thành lập theo quy định của pháp luật.

+ Kê khai nộp thuế từ thời điểm doanh nghiệp bắt đầu hoạt động đến thời điểm 01 tháng trước ngày ghi trong đơn đề nghị hưởng miễn trừ (theo khoản 1 Điều 37, Điều 39 Nghị định 116/2005/NĐ-CP).

– Báo cáo giải trình:

+ Báo cáo giải trình cụ thể việc đáp ứng điều kiện được hưởng miễn trừ do doanh nghiệp tự lập và doanh nghiệp chịu trách nhiệm về nội dung của báo cáo.

+ Báo cáo giải trình cụ thể việc đáp ứng điều kiện được hưởng miễn trừ quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Cạnh tranh phải chứng minh được việc một hay nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng bị phá sản theo quy định tại Điều 36 Nghị định 116/2005/NĐ-CP.

+ Báo cáo giải trình của các bên dự định tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hoặc tập trung kinh tế có thể nộp trực tiếp hoặc qua mạng điện tử bằng hình thức bản sao (bản scan từ bản gốc, file văn bản) kèm theo chữ ký điện tử hợp pháp của người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp.

+ Trong quá trình đánh giá nội dung của Báo cáo giải trình cụ thể việc đáp ứng điều kiện được hưởng miễn trừ, cơ quan quản lý cạnh tranh có thể tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức khoa học và công nghệ, các tổ chức nghiên cứu và phát triển (theo Điều 40 Nghị định 116/2005/NĐ-CP ).

– Trách nhiệm thẩm định hồ sơ:

+ Trường hợp tập trung kinh tế thuộc thẩm quyền cho hưởng miễn trừ của Bộ trưởng Bộ Thương mại, cơ quan quản lý cạnh tranh có trách nhiệm thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ để trình Bộ trưởng Bộ Thương mại quyết định việc cho hưởng miễn trừ trong thời hạn quy định tại khoản 1 và 2 Điều 34 của Luật Cạnh tranh.

+ Trường hợp tập trung kinh tế thuộc thẩm quyền cho hưởng miễn trừ của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan quản lý cạnh tranh có trách nhiệm thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ và kiến nghị Bộ trưởng Bộ Thương mại gửi văn bản xin ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và cơ quan, tổ chức khác có liên quan về trường hợp đề nghị hưởng miễn trừ trong thời hạn 50 ngày, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ. Trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn này là 100 ngày (theo Điều 41 Nghị định 116/2005/NĐ-CP).

Nội dung chủ yếu của văn bản thẩm định hồ sơ:

+ Sự phù hợp của báo cáo giải trình với việc đáp ứng điều kiện được hưởng miễn trừ có thời hạn.

+ Những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và phương án xử lý.

+ Ý kiến đề xuất của cơ quan quản lý cạnh tranh hoặc ý kiến đề xuất của Bộ trưởng Bộ Thương mại đối với trường hợp tập trung kinh tế thuộc thẩm quyền cho hưởng miễn trừ của Thủ tướng Chính phủ (theo Điều 42 Nghị định 116/2005/NĐ-CP).

Lưu ý:

– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của Bộ Thương mại về trường hợp miễn trừ, các cơ quan, tổ chức được yêu cầu có trách nhiệm nghiên cứu và gửi ý kiến bằng văn bản đến cơ quan quản lý cạnh tranh.

– Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ ý kiến của các cơ quan, tổ chức được yêu cầu, cơ quan quản lý cạnh tranh phải tổng hợp các ý kiến đóng góp và dự thảo văn bản thẩm định để Bộ trưởng Bộ Thương mại trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định cho hưởng miễn trừ, cơ quan quản lý cạnh tranh có trách nhiệm công khai quyết định cho hưởng miễn trừ đồng thời theo các hình thức sau:

+ Niêm yết tại trụ sở của cơ quan quản lý cạnh tranh.

+ Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng (theo Điều 43 Nghị định 116/2005/NĐ-CP).

– Những sai sót không bị coi là gian dối trong việc đề nghị hưởng miễn trừ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 37 của Luật Cạnh tranh bao gồm các lỗi chính tả, lỗi đánh máy, lỗi in ấn không liên quan đến số liệu báo cáo tài chính và không làm thay đổi nội dung cơ bản của báo cáo giải trình trong hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ (theo Điều 44 Nghị định 116/2005/NĐ-CP).

Kết luận: Doanh nghiệp đề nghị miễn trừ đối với tập trung kinh tế cần lưu ý các quy định tại Luật Cạnh tranh 2018, Nghị định 116/2005/NĐ-CP, Nghị định 119/2011/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Đề nghị hưởng miễn trừ đối với tập trung kinh tế