1. Cấp, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm

Posted on

Cơ sở kinh doanh thực phẩm cần được cơ quan có thẩm quyền cấp/cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật An toàn thực phẩm 2010, Nghị định 15/2018/NĐ-CP, Thông tư 43/2018/TT-BCT.

1. Khái niệm

Thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm

An toàn thực phẩm là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.

Kinh doanh thực phẩm là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động giới thiệu, dịch vụ bảo quản, dịch vụ vận chuyển hoặc buôn bán thực phẩm.

Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm là những quy chuẩn kỹ thuật và những quy định khác đối với thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm mục đích bảo đảm thực phẩm an toàn đối với sức khoẻ, tính mạng con người (theo các khoản 1, 6, 8, 20 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010).

2. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm

a. Quyền

– Quyết định các biện pháp kiểm soát nội bộ để duy trì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm;

– Yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thực phẩm hợp tác trong việc thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn;

– Lựa chọn cơ sở kiểm nghiệm để kiểm tra an toàn thực phẩm; lựa chọn cơ sở kiểm nghiệm đã được chỉ định để chứng nhận hợp quy đối với thực phẩm nhập khẩu;

– Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật;

– Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

b. Nghĩa vụ

– Tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm trong quá trình kinh doanh và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm do mình kinh doanh;

– Kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm, nhãn thực phẩm và các tài liệu liên quan đến an toàn thực phẩm; lưu giữ hồ sơ về thực phẩm; thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định tại Điều 54 của Luật An toàn thực phẩm 2010;

– Thông tin trung thực về an toàn thực phẩm; thông báo cho người tiêu dùng điều kiện bảo đảm an toàn khi vận chuyển, lưu giữ, bảo quản và sử dụng thực phẩm;

– Kịp thời cung cấp thông tin về nguy cơ gây mất an toàn của thực phẩm và cách phòng ngừa cho người tiêu dùng khi nhận được thông tin cảnh báo của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu;

– Kịp thời ngừng kinh doanh, thông tin cho tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và người tiêu dùng khi phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn;

– Báo cáo ngay với cơ quan có thẩm quyền và khắc phục ngay hậu quả khi phát hiện ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh truyền qua thực phẩm do mình kinh doanh gây ra;

– Hợp tác với tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc điều tra ngộ độc thực phẩm để khắc phục hậu quả, thu hồi hoặc xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn;

– Tuân thủ quy định của pháp luật, quyết định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

– Chi trả chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm theo quy định tại Điều 48 của Luật An toàn thực phẩm 2010;

– Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi thực phẩm mất an toàn do mình kinh doanh gây ra (theo Điều 8 Luật An toàn thực phẩm 2010).

3. Điều kiện chung về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm

Cơ sở kinh doanh thực phẩm phải đảm bảo các điều kiện sau (khoản 1 Điều 19 Luật An toàn thực phẩm 2010):

– Có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác;

– Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

– Có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại;

– Có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

– Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

– Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Lưu ý:

– Cơ sở kinh doanh thực phẩm phải bảo đảm các điều kiện về bảo quản thực phẩm sau:

+ Nơi bảo quản và phương tiện bảo quản phải có diện tích đủ rộng để bảo quản từng loại thực phẩm riêng biệt, có thể thực hiện kỹ thuật xếp dỡ an toàn và chính xác, bảo đảm vệ sinh trong quá trình bảo quản;

+ Ngăn ngừa được ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng, động vật, bụi bẩn, mùi lạ và các tác động xấu của môi trường; bảo đảm đủ ánh sáng; có thiết bị chuyên dụng điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện khí hậu khác, thiết bị thông gió và các điều kiện bảo quản đặc biệt khác theo yêu cầu của từng loại thực phẩm;

+ Tuân thủ các quy định về bảo quản của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm (khoản 1 Điều 20 Luật An toàn thực phẩm 2010).

– Tổ chức, cá nhân vận chuyển thực phẩm phải bảo đảm các điều kiện sau (khoản 1 Điều 21 Luật An toàn thực phẩm 2010):

+ Phương tiện vận chuyển thực phẩm được chế tạo bằng vật liệu không làm ô nhiễm thực phẩm hoặc bao gói thực phẩm, dễ làm sạch;

+ Bảo đảm điều kiện bảo quản thực phẩm trong suốt quá trình vận chuyển theo hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh;

+ Không vận chuyển thực phẩm cùng hàng hoá độc hại hoặc có thể gây nhiễm chéo ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm.

– Cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải tuân thủ các điều kiện sau (khoản 1 Điều 22 Luật An toàn thực phẩm 2010):

+ Có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm;

+ Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

+ Có trang thiết bị phù hợp để sản xuất, kinh doanh thực phẩm không gây độc hại, gây ô nhiễm cho thực phẩm;

+ Sử dụng nguyên liệu, hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm;

+ Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm;

+ Thu gom, xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

+ Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc thực phẩm.

4. Điều kiện cụ thể về bảo đảm an toàn thực phẩm đỗi với cơ sở kinh doanh thực phẩm

a. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm tươi sống

– Tuân thủ các điều kiện về bảo đảm an toàn đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm, điều kiện về bảo đảm an toàn trong bảo quản, vận chuyển thực phẩm quy định tại các điều 18, 20 và 21 của Luật An toàn thực phẩm 2010;

– Bảo đảm và duy trì vệ sinh nơi kinh doanh (khoản 1 Điều 24 Luật An toàn thực phẩm 2010).

b. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến

– Tuân thủ quy định về ghi nhãn thực phẩm;

– Tuân thủ các điều kiện về bảo đảm an toàn đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm, điều kiện về bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản thực phẩm quy định tại Điều 18 và Điều 20 của Luật này;

– Bảo đảm và duy trì vệ sinh nơi kinh doanh;

– Bảo quản thực phẩm theo đúng hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất (khoản 1 Điều 27 Luật An toàn thực phẩm 2010).

Lưu ý: Cơ sở kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến không bao gói sẵn phải bảo đảm các điều kiện sau (khoản 2 Điều 27 Luật An toàn thực phẩm 2010):

– Có biện pháp bảo đảm cho thực phẩm không bị hỏng, mốc, tiếp xúc với côn trùng, động vật, bụi bẩn và các yếu tố gây ô nhiễm khác;

– Rửa sạch hoặc khử trùng các dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm trước khi sử dụng đối với thực phẩm ăn ngay;

– Có thông tin về xuất xứ và ngày sản xuất của thực phẩm.

c. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống

– Có dụng cụ, đồ chứa đựng riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín.

– Dụng cụ nấu nướng, chế biến phải bảo đảm an toàn vệ sinh.

– Dụng cụ ăn uống phải được làm bằng vật liệu an toàn, rửa sạch, giữ khô.

– Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm (Điều 29 Luật An toàn thực phẩm 2010).

d. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi bày bán thức ăn đường phố

– Phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm.

– Phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố.

– Nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

– Dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh.

– Bao gói và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không được gây ô nhiễm và thôi nhiễm vào thực phẩm.

– Có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại.

– Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh.

– Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm (Điều 31, 32 Luật An toàn thực phẩm 2010).

5. Cấp/Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm

– Các cơ sở sau đây không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:

+ Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;

+ Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;

+ Sơ chế nhỏ lẻ;

+ Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;

+ Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;

+ Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;

+ Nhà hàng trong khách sạn;

+ Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;

+ Kinh doanh thức ăn đường phố;

+ Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực (khoản 1 Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP).

– Để được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở kinh doanh thực phẩm phải có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng loại hình kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Chương IV của Luật An toàn thực phẩm 2010; Có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực phẩm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (khoản 1 Điều 34 Luật An toàn thực phẩm 2010).

– Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời gian 03 năm.

– Trước 06 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp tiếp tục sản xuất, kinh doanh (Điều 37 Luật An toàn thực phẩm 2010).

6. Xử phạt vi phạm hành chính

Theo Điều 18 Nghị định 115/2018/NĐ-CP:

– Hành vi kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (trừ trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và vi phạm dưới đây) bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

– Hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (trừ trường hợp không thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và vi phạm dưới đây bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng; bị buộc thu hồi thực phẩm; bị buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm.

– Hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo lộ trình quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng; bị buộc thu hồi thực phẩm; bị buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm.

Kết luận: Cơ sở kinh doanh thực phẩm cần bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm 2010, Nghị định 15/2018/NĐ-CP, Thông tư 43/2018/TT-BCT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện thủ tục xem tại đây:

Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm

Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm