3. Thẩm định sản phẩm quảng cáo theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân
Để đảm bảo sản phẩm quảng cáo không vi phạm pháp luật khi được công bố thì các tổ chức, cá nhân có thể gửi yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo thì hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo sẽ tiến hành theo quy định pháp luật. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ làm rõ nội dung trên căn cứ Luật quảng cáo 2012, Nghị định 181/2013/NĐ-CP, Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL như sau:
1. Đối tượng yêu cầu thẩm định quảng cáo
Đối tượng có quyền yêu cầu thẩm định quảng cáo báo gồm:
– Người quảng cáo (điểm d khoản 1 Điều 12 Luật Quảng cáo 2012);
– Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (điểm d khoản 1 Điều 13 Luật Quảng cáo 2012);
– Người phát hành quảng cáo (khoản 5 Điều 14 Luật Quảng cáo 2012).
2. Các trường hợp thẩm định quảng cáo
Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo tiến hành thẩm định sản phẩm quảng cáo theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong các trường hợp sau (khoản 1 Điều 3 Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL):
– Sản phẩm quảng cáo có nội dung liên quan đến quy định tại Điều 7, Điều 8 của Luật Quảng cáo 2012;
– Sản phẩm quảng cáo bị người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo từ chối thực hiện do không đảm bảo về tính hợp pháp của sản phẩm quảng cáo;
– Có ý kiến khác nhau về nội dung sản phẩm quảng cáo giữa cơ quan quản lý nhà nước với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo;
– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Lưu ý:
– Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo không thẩm định các sản phẩm quảng cáo chỉ thể hiện lô-gô, biểu tượng, nhãn hiệu, thương hiệu của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ (khoản 2 Điều 3 Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL).
3. Thành phần Hội đồng Thẩm định quảng cáo
3.1.Số lượng thành viên: phải là số lẻ và phải có ít nhất 05 (năm) thành viên, bao gồm: 01 Chủ tịch Hội đồng, 01 ủy viên làm thư ký và các ủy viên (khoản 1 Điều 5 Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL).
Lưu ý:
– Chủ tịch Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo là Lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở (khoản 3 Điều 5 Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL).
– Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo là Cục Văn hóa cơ sở (khoản 4 Điều 5 Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL).
– Việc quyết định thành viên của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo thực hiện theo đề nghị của Cục Văn hóa cơ sở và văn bản cử thành viên của các cơ quan, đơn vị có liên quan (khoản 3 Điều 4 Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL).
3.2. Thành phần tham gia: căn cứ vào nội dung của sản phẩm quảng cáo cần thẩm định, bao gồm (khoản 2 Điều 5 Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL):
– Đại diện các Cục, Vụ có liên quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành khác;
– Đại diện các tổ chức nghề nghiệp;
– Chuyên gia hoặc đại diện đơn vị, tổ chức khác có các hoạt động chuyên môn liên quan đến nội dung cần thẩm định.
Lưu ý:
– Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo quy định tại Điều 9 Luật Quảng cáo 2012 do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập (khoản 1 Điều 4 Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL).
– Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo thực hiện việc giải quyết yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo và tự giải thể sau khi có kết quả thẩm định (khoản 2 Điều 4 Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL).
4. Cơ chế hoạt động của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo
Cơ chế hoạt động của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo (Điều 6 Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL):
– Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo làm việc dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng theo nguyên tắc tập trung dân chủ và quyết định theo đa số.
– Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo và từng thành viên trong Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định.
– Phiên họp của Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo phải đảm bảo có mặt ít nhất 3/4 tổng số thành viên.
– Kết quả thẩm định phải thể hiện bằng văn bản và phải có chữ ký của Chủ tịch và Thư ký Hội đồng.
Lưu ý:
– Căn cứ vào kết quả thẩm định, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở có văn bản gửi tổ chức, cá nhân trong đó nêu rõ sản phẩm quảng cáo phù hợp hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật về quảng cáo (khoản 4 Điều 7 Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL).
– Trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo, Cục Văn hóa cơ sở phải gửi văn bản thẩm định sản phẩm quảng cáo (Mẫu số 2) cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu thẩm định (khoản 5 Điều 7 Thông tư 10/2013/TT-BVHTTDL).
Kết luận: Như vậy, các tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo có thể gửi yêu cầu qua đường bưu điện hoặc thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử của Bộ VHTTDL đến Cục Văn hóa cơ sở để được thẩm định sản phẩm quảng cáo theo quy định.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Thẩm định sản phẩm quảng cáo theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân