15. Cấp, cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại Giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh
Rượu là thức uống có nồng độ cồn nên để kinh doanh mặt hàng này, cá nhân tổ chức phải đáp ứng các điều kiện về kinh doanh, cụ thể phải có Giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ. Sau đây Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Nghị định 105/2017/NĐ-CP, Nghị định 17/2020/NĐ-CP
1 Một số khái niệm cơ bản
Rượu không bao gồm: Bia các loại; nước trái cây lên men các loại có độ cồn dưới 5% theo thể tích (khoản 1 Điều 3 Nghị định 105/2017/NĐ-CP)
Rượu bán thành phẩm là rượu chưa hoàn thiện dùng làm nguyên liệu để sản xuất rượu thành phẩm (khoản 4 Điều 3 Nghị định 105/2017/NĐ-CP)
Bán rượu tiêu dùng tại chỗ là hoạt động bán rượu trực tiếp cho người mua để tiêu dùng tại địa điểm bán hàng (khoản 5 Điều 3 Nghị định 105/2017/NĐ-CP)
2 Quy định chung về rượu
2.1 Nguyên tắc quản lý rượu
Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nên tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các quy tắc cụ thể quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP gồm:
– Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh rượu phải tuân thủ các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định
– Thương nhân bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện
– Trong quá trình bán rượu tiêu dùng tại chỗ, thương nhân phải tuân thủ các quy định về phòng cháy và chữa cháy và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
2.2 Chất lượng và an toàn thực phẩm
Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh rượu phải đáp ứng các quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm cụ thể tại khoản 2 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP: Tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu thực hiện công bố sản phẩm rượu, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại.
3 Điều kiện bán rượu tiêu dùng tại chỗ
Rượu là loại thức uống đặc biệt nên tổ chức cá nhân khi kinh doanh, buôn bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải đáp ứng các điều kiện cụ thể tại Điều 14 Nghị định 105/2017/NĐ-CP, khoản 7 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP như sau:
– Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.
– Có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng và có đăng ký bán rượu tiêu dùng tại chỗ với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện nơi thương nhân đặt cơ sở kinh doanh
– Rượu tiêu dùng tại chỗ phải được cung cấp bởi thương nhân có Giấy phép sản xuất, phân phối, bán buôn hoặc bán lẻ rượu.
– Trường hợp thương nhân tự sản xuất rượu để bán tiêu dùng tại chỗ thì phải có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp hoặc Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo quy định
Lưu ý:
Bên cạnh điều kiện về bán rượu tiêu dùng tại chỗ, thì pháp luật còn quy định cho thương nhân quyền và nghĩa vụ cụ thể tại khoản 13 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP:
– Mua rượu từ thương nhân sản xuất rượu trong nước, thương nhân phân phối, thương nhân bán buôn rượu, thương nhân bán lẻ rượu;
– Bán rượu trực tiếp cho người mua để tiêu dùng tại các địa điểm kinh doanh của thương nhân.
4 Cấp lại, cấp sửa đổi bổ sung Giấy phép
Tổ chức, cá nhân khi thuộc các trường hợp quy định tại Điều 26, 27 Nghị định 105/2017/NĐ-CP thì có quyền làm hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp lại hoặc cấp sửa đổi bổ sung cụ thể:
– Trường hợp có thay đổi các nội dung của giấy phép, thương nhân phải gửi hồ sơ đề nghị cấp sửa đổi, bổ sung về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền
– Trường hợp cấp lại do hết thời hạn hiệu lực:
Thương nhân phải nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép trước thời hạn hết hiệu lực của giấy phép 30 ngày.
-Trường hợp cấp lại giấy phép do bị mất hoặc bị hỏng
Lưu ý: Giấy phép bị thu hồi trong các trường hợp quy định tại Điều 33 Nghị định 105/2017/NĐ-CP
– Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp;
– Không còn đáp ứng đủ hoặc không thực hiện đúng các điều kiện quy định;
– Chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh;
– Giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền;
– Thương nhân đã được cấp giấy phép nhưng không hoạt động trong thời gian 12 tháng liên tục.
5 Thẩm quyền giải quyết
Sau khi tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cấp, cấp lại, cấp sửa đổi bổ sung theo quy định thì nộp hồ sơ đề nghị cho cơ quan có thẩm quyền, cụ thể theo quy định tại khoản 18 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP thì Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan cấp Giấy phép bán lẻ rượu trên địa bàn, theo đó cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thì có quyền cấp sửa đổi, bổ sung và cấp lại giấy phép đó.
Kết luận: Tổ chức, cá nhân khi bán rượu tiêu dùng tại chổ phải đáp ứng các điều kiện để được cấp phép cụ thể quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP, Nghị định 17/2020/NĐ-CP
Chi tiết, trình tự hồ sơ xem tại đây:
Cấp, cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại Giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh