3. Xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

Posted on

Cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể và đủ điều kiện để xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể muốn được xét tặng danh hiệu trên thì thực hiện thủ tục xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.  Sau đây, Dữ liệu Pháp lý sẽ cụ thể nội dung thủ tục trên theo Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009; Luật Thi đua, khen thưởng 2003; Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi 2005; Luật thi đua, khen thưởng sửa đổi 2013; Nghị định 98/2010/NĐ-CP; Nghị định 109/2015/NĐ-CP; Nghị định 62/2014/NĐ-CP.

1. Di sản văn hóa phi vật thể

Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác (khoản 1 Điều 1 Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009).

Di sản văn hóa phi vật thể bao gồm (khoản 1 Điều 2 Nghị định 98/2010/NĐ-CP):

+ Tiếng nói, chữ viết;

+ Ngữ văn dân gian;

+ Nghệ thuật trình diễn dân gian;

+ Tập quán xã hội và tín ngưỡng;

+ Lễ hội truyền thống;

+ Nghề thủ công truyền thống;

+ Tri thức dân gian

2. Đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể

Công dân Việt Nam đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình: Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian (khoản 1 Điều 2 Nghị định 62/2014/NĐ-CP).

3. Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”

“Danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” được xét tặng cho cá nhân đạt đủ các tiêu chuẩn sau (khoản 35 Điều 1 Luật thi đua, khen thưởng sửa đổi 2013 và Điều 5 Nghị định 62/2014/NĐ-CP):

– Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương;

– Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng; đào tạo được cá nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể;

– Có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước, thể hiện ở việc nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể, có thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật;

– Có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.”

Lưu ý:

– Danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” được xét và công bố 3 năm một lần vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2 tháng 9.” (khoản 35 Điều 1 Luật thi đua, khen thưởng sửa đổi 2013)

4. Quyền và nghĩa vụ của “Nghệ nhân Nhân Dân”

Quyền và nghĩa vụ của Nghệ nhân nhân dân (Điều 3 Nghị định 62/2014/NĐ-CP):

– Được nhận Huy hiệu, Giấy chứng nhận của Chủ tịch nước và tiền thưởng kèm theo danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng;

– Đối với nghệ nhân nhân dân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng theo quy định của Chính phủ;

– Không ngừng hoàn thiện tri thức và kỹ năng;

– Tích cực truyền dạy, phổ biến tri thức và kỹ năng;

– Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng và pháp luật về di sản văn hóa.

5. Chính sách đãi ngộ đối với “Nghệ nhân Nhân dân”

Nghệ nhân nhân dân được hưởng các chính sách đãi ngộ sau đây (khoản 1 Điều 10 Nghị định 98/2010/NĐ-CP khoản 2 Điều 14 Nghị định 109/2015/NĐ-CP):

– Được hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện thuận lợi về không gian, mặt bằng để tổ chức các hoạt động truyền dạy, sáng tạo, trình diễn, trưng bày, giới thiệu sản phẩm;

– Được giảm hoặc miễn thuế đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể theo quy định của pháp luật về thuế;

Kết luận: Tóm lại, cá nhân có nhu cầu đề nghị xét tặng tự mình hoặc ủy quyền (bằng văn bản) cho cá nhân, tổ chức khác lập hồ sơ đề nghị xét tặng và gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 06 (sáu) bộ hồ sơ tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao nơi cá nhân đề nghị xét tặng đang cư trú để được xem xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại:

Xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể