11. Cấp giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài

Posted on

Ngành du lịch nói chung đang có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch và vẫn là một ngành mang lại lợi nhuận vô cùng hấp dẫn từ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa cho đến các tour quốc tế. Vậy làm thế nào để thành lập văn phòng du lịch và mất bao lâu để có thể đi vào hoạt động theo đúng quy định? Sau đây, Dữ liệu pháp lý có một vài lưu ý dựa trên quy định tại Luật du lịch 2017Nghị định 07/2016/NĐ-CP; Thông tư 11/2016/TT-BCT; Nghị định 168/2017/NĐ-CP; Nghị định 94/2021/NĐ-CP.

1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành

Theo Điều 31, Luật du lịch 2017 quy định:

1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa bao gồm:

a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luậtvề doanh nghiệp;

b) Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng;

c) Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.

2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế bao gồm:

a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luậtvề doanh nghiệp;

b) Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại ngân hàng;

c) Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.

Lưu ý:

-Doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều này được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định tại khoản 2 Điều này được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.

-Phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

2. Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành

Chi tiết về mức ký quỹ, được quy định tại Nghị định 168/2017/NĐ-CP nay được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 94/2021/NĐ-CP, với nội dung như sau:

Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng.

Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế:

a) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 50.000.000 (năm mươi triệu) đồng;

b) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng;

c) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng

3. Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành

Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành được hướng dẫn bởi Khoản 2 Điều 3 Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL như sau:

1. Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành là người giữ một trong các chức danh sau: chủ tịch hội đồng quản trị; chủ tịch hội đồng thành viên; chủ tịch công ty; chủ doanh nghiệp tư nhân; tổng giám đốc; giám đốc hoặc phó giám đốc; trưởng bộ phận kinh doanh dịch vụ lữ hành.

2. Chuyên ngành về lữ hành quy định tại điểm c Khoản 1 và điểm c Khoản 2 Điều 31 Luật Du lịch bao gồm một trong các chuyên ngành sau:

a) Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;

b) Quản trị lữ hành;

c) Điều hành tour du lịch;

d) Marketing du lịch;

đ) Du lịch;

e) Du lịch lữ hành;

g) Quản lý và kinh doanh du lịch.

3. Văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công nhận theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

4. Văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài

Căn cứ quy định tại Điều 44 Luật du lịch 2017 thì:

1. Việc thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại.

2. Cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi Giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài.

Lưu ý: Công văn 120/TCDL-LH thì việc thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài được thực hiện theo quy định của Nghị định số 07/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 quy định chi tiết Luật Thương mại về Văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam và Thông tư số 11/2016/TT-BCT ngày 05 tháng 7 năm 2016 của Bộ Công thương quy định biểu mẫu thực hiện Nghị định số 07/2016/NĐ-CP.

Cụ thể: áp dụng các quy định về điều kiện cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện; Thời hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện; Hồ sơ cấp/điều chỉnh/cấp lại/gia hạn giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Các trường hợp/Trình tự, thủ tục cấp/điều chỉnh/cấp lại/gia hạn giấy phép thành lập Văn phòng đại diện; Các trường hợp không cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện; Gửi và lưu trữ Giấy phép; Công bố thông tin về Văn phòng đại diện; Lệ phí cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện; Hoạt động, quyền và nghĩa vụ của Văn phòng đại diện; Chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện.

5. Điều kiện cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện

Căn cứ quy định tại Điều 7 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP thì:

Thương nhân nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện khi đáp ứng các điều kiện sau:

1. Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;

2. Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 01 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký;

3. Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ;

4. Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện phải phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

5. Trường hợp nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Văn phòng đại diện phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành (sau đây gọi chung là Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành).

Kết luận: Khi thực hiện thủ tục Cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại việt nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài cần chú ý thực hiện đúng các quy định tại Luật du lịch 2017; Nghị định 07/2016/NĐ-CP; Thông tư 11/2016/TT-BCT; Nghị định 168/2017/NĐ-CP; Nghị định 94/2021/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN TẠI VIỆT NAM CỦA DOANH NGHIỆP KINH DOANH DỊCH VỤ LỮ HÀNH NƯỚC NGOÀI