10. Sáp nhập, chia tách trường cao đẳng

Posted on

Trong quá trình hoạt động, với nhiều lý do mà trường cao đẳng có thể thực hiện sáp nhập hoặc chia tách. Do đó, đã phát sinh nên thủ tục sáp nhập, chia tách trường cao đẳng. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể những nội dung trên theo Luật 74/2014/QH13, Nghị định 79/2015/NĐ-CP, Nghị định 143/2016/NĐ-CP, Nghị định 140/2018/NĐ-CP như sau:

1. Nguyên tắc đặt tên trường cao đẳng:

Các nguyên tắc đặt tên trường cao đẳng như sau (Điều 3 Điều lệ trường cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư 01/2015/TT-BGDĐT, Điều 4 Thông tư 46/2016/TT-BLĐTBXH):

– Tên của trường cao đẳng bao gồm các cụm từ sau đây:

  • Cụm từ xác định loại trường cao đẳng: Cao đẳng, cao đẳng cộng đồng;
  • Cụm từ xác định loại hình trường, lĩnh vực, ngành nghề đào tạo (nếu cần);
  • Tên riêng: Tên địa phương, tên danh nhân văn hóa, tên danh nhân lịch sử Việt Nam, tên cá nhân, tổ chức;
  • Cụm từ xác định chất lượng, đẳng cấp nếu thấy cần thiết.

– Tên trường không được trùng với tên của trường cao đẳng đã thành lập trước đó.

– Tên giao dịch quốc tế của trường phải đúng nghĩa tên tiếng Việt, không gây nhầm lẫn với tên trường khác.

– Tên bằng tiếng Việt của trường được ghi trong quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập, con dấu, các văn bản, giấy tờ giao dịch của trường và được gắn tại trụ sở chính, phân hiệu của trường.

– Trường cao đẳng có tên bằng tiếng Việt và tên giao dịch quốc tế bằng tiếng nước ngoài được dịch theo quy định thống nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Loại hình trường cao đẳng

Trường cao đẳng trong Thông tư này được tổ chức theo các loại hình sau (Điều 5 Thông tư 46/2016/TT-BLĐTBXH):

– Trường cao đẳng công lập;

– Trường cao đẳng tư thục.

Cơ quan chủ quản trường cao đẳng công lập là cơ quan, tổ chức được giao quản lý trường cao đẳng theo quy định của pháp luật, bao gồm:

– Trường cao đẳng trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội;

– Trường cao đẳng trực thuộc đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội;

– Trường cao đẳng trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh)

3. Thủ tục sáp nhập, chia tách trường cao đẳng

3.1. Điều kiện để sáp nhập, chia tách trường cao đẳng

Khi sáp nhập, chia tách trường cao đẳng phải đảm bảo các yêu cầu sau (Điều 18 Luật 74/2014/QH13; Điều 10 Nghị định 143/2016/NĐ-CP; Điều 5 Nghị định 140/2018/NĐ-CP):

– Phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

– Bảo đảm quyền lợi của người học, giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên và người lao động;

– Cơ sở giáo dục nghề nghiệp mới được hình thành sau quá trình chia, tách, sáp nhập phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định 143/2016/NĐ-CP.

Lưu ý:

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thành lập, cho phép thành lập khi có đề án thành lập và đáp ứng các điều kiện sau đây (Điều 3 Nghị định 143/2016/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 140/2018/NĐ-CP):

– Phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam. Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập khi thành lập phải hoạt động theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập do Chính phủ quy định;

– Có địa điểm xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo diện tích đất sử dụng tối thiểu của trung tâm giáo dục nghề nghiệp là 1.000 m2; của trường trung cấp là 10.000 m2 đối với khu vực đô thị và 20.000 m2 đối với khu vực ngoài đô thị; của trường cao đẳng là 20.000 m2 đối với khu vực đô thị và 40.000 m2 đối với khu vực ngoài đô thị;

– Vốn đầu tư thành lập đối với trường cao đẳng tối thiểu là 100 tỷ đồng;

– Đáp ứng các điều kiện đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Điều 14 Nghị định 143/2016/NĐ-CP (dự kiến về cơ cấu tổ chức; cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; chương trình, giáo trình đào tạo; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý).

3.2. Thẩm quyền sáp nhập, chia tách trường cao đẳng

Thẩm quyền thành lập, sáp nhập, chia, tách hoặc cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy định như sau (khoản 6 Điều 18 Luật 74/2014/QH13):

Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp công lập thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cho phép thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp tư thục và trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn;

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội quyết định thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp công lập trực thuộc cơ quan, tổ chức mình;

Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quyết định thành lập trường cao đẳng công lập; cho phép thành lập trường cao đẳng tư thục, trường cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài;

Lưu ý:

– Người có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập thì có quyền sáp nhập, chia, tách hoặc cho phép sáp nhập, chia, tách cơ sở giáo dục nghề nghiệp

– Thủ tục thành lập, sáp nhập, chia, tách hoặc cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường cao đẳng công lập, tư thục do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định (khoản 7 Điều 18 Luật 74/2014/QH13).

4. Xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 79/2015/NĐ-CP

Đối với hành vi tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động:

  • Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường cao đẳng.
  • Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp từ 01 tháng đến 03 tháng;
  • Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục quyền lợi học tập cho người học, hoàn trả cho người học các khoản đã thu đối với hành vi vi phạm.

Đối với hành vi không ban hành quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp:

  • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
  • Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc ban hành quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với hành vi vi phạm.

– Đối với hành vi không đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp thuộc trường hợp Chia, tách, sáp nhập hoặc hợp nhất cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.

Kết luận: Trong trường hợp muốn sáp nhập, chia tách thì trường cao đẳng phải thực hiện thủ tục sáp nhập, chia tách trường cao đẳng theo quy định của pháp luật. Trước khi thực hiện cần xem rõ quy định tại Luật 74/2014/QH13, Nghị định 79/2015/NĐ-CP, Nghị định 143/2016/NĐ-CP, Nghị định 140/2018/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây

Sáp nhập, chia tách trường cao đẳng