45. Thành lập Hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường đại học công lập
Thành lập Hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường đại học công lập là thủ tục cần thiết đối với quá trình hoạt động tại các trường Đại học công lập. Để đảm bảo trình tự, thủ tục thành lập và bổ nhiệm tuân thủ đúng quy định pháp luật, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cung cấp những nội dung cụ thể về Thành lập Hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường đại học công lập theo Luật Giáo dục Đại học 2012 (sửa đổi, bổ sung bởi Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018), Nghị định 99/2019/NĐ-CP, Quyết định 2055/QĐ-BGDĐT năm 2021 và Quyết định 2108/QĐ-BGDĐT năm 2021 như sau:
1. Khái niệm
Cơ sở giáo dục đại học là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng.(khoản 1 Điều 4 Luật Giáo dục Đại học 2012, sửa đổi bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018)
Trường đại học, học viện (sau đây gọi chung là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này. (khoản 2 Điều 4 Luật Giáo dục Đại học 2012, sửa đổi bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018)
Đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.(khoản 3 Điều 4 Luật Giáo dục Đại học 2012, sửa đổi bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018
Hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan. (khoản 1 Điều 16 Luật Giáo dục Đại học 2012, sửa đổi bổ sung bởi khoản 10 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018)
Thủ tục thành lập hội đồng trường:
+ Đối với trường đại học mới thành lập: Cơ quan quản lý trực tiếp giao quyền hiệu trưởng để tham gia hội đồng trường lâm thời và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng cho đến khi có quyết định công nhận hiệu trưởng chính thức theo đề xuất của hội đồng trường.
+ Đối với trường đại học đang hoạt động nhưng chưa thực hiện quy định của pháp luật về thành lập hội đồng trường, trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, tập thể lãnh đạo phải chỉ đạo thành lập hội đồng trường theo quy định tại điểm d khoản này
+ Đối với trường đại học đang có hội đồng trường: Trường hợp đến ngày Nghị định 99/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành mà nhiệm kỳ của hội đồng trường còn dưới 6 tháng thì hội đồng trường hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ; đồng thời, tập thể lãnh đạo phải chỉ đạo thực hiện quy trình thành lập hội đồng trường của nhiệm kỳ kế tiếp. Trường hợp đến ngày Nghị định 99/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành mà nhiệm kỳ của hội đồng trường còn từ 6 tháng trở lên thì thực hiện như sau:
Nếu hội đồng trường đã được thành lập theo đúng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và quy định của Đảng tại thời điểm thành lập thì hội đồng trường hoạt động đến hết nhiệm kỳ, quyết định nhân sự hiệu trưởng và thực hiện các quyền, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học.
Nếu hội đồng trường được thành lập chưa theo đúng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và quy định của Đảng tại thời điểm thành lập thì trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, tập thể lãnh đạo phải chỉ đạo thực hiện quy trình thành lập hội đồng trường của nhiệm kỳ mới theo quy định tại điểm d khoản này. Hội đồng trường của nhiệm kỳ mới quyết định nhân sự hiệu trưởng và thực hiện các quyền, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật và quy chế tổ chức, hoạt động của trường đại học (Khoản 1 Điều 7 Nghị định 99/2019/NĐ-CP)
2. Nhiệm vụ, quyền hạn Hội đồng trường
Căn cứ khoản 2 Điều 16 Luật Giáo dục Đại học 2012, sửa đổi bổ sung bởi khoản 10 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018, Hội đồng trường của trường đại học công lập có trách nhiệm và quyền hạn sau đây:
– Quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển, kế hoạch hằng năm của trường đại học; chủ trương phát triển trường đại học thành đại học hoặc việc sáp nhập với trường đại học khác;
– Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ ở cơ sở của trường đại học phù hợp với quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
– Quyết định phương hướng tuyển sinh, mở ngành, đào tạo, liên kết đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động;
– Quyết định về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị của trường đại học; ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí; quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động phù hợp với quy định của pháp luật;
– Quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường đại học trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng trường đại học; việc quyết định các chức danh quản lý khác do quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học quy định; tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động hằng năm của chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng trường đại học; lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng trường đại học vào giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học;
– Quyết định chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển trường đại học; chính sách học phí, hỗ trợ người học; phê duyệt kế hoạch tài chính; thông qua báo cáo tài chính hằng năm, báo cáo quyết toán kinh phí đối với các nguồn thu hợp pháp của trường đại học;
– Quyết định chủ trương đầu tư và sử dụng tài sản có giá trị lớn thuộc thẩm quyền của trường đại học theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học; quyết định chính sách tiền lương, thưởng, quyền lợi khác của chức danh lãnh đạo, quản lý trường đại học theo kết quả, hiệu quả công việc và vấn đề khác theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học;
– Giám sát việc thực hiện quyết định của hội đồng trường, việc tuân thủ pháp luật, thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của trường đại học và trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng trường đại học; giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của trường đại học; báo cáo hằng năm trước hội nghị toàn thể của trường đại học về kết quả giám sát và kết quả hoạt động của hội đồng trường;
– Tuân thủ pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan quản lý có thẩm quyền và các bên liên quan về các quyết định của hội đồng trường; thực hiện công khai, minh bạch thông tin, chế độ báo cáo; chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện trách nhiệm giải trình trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của hội đồng trường; chịu sự giám sát của xã hội, cá nhân và tổ chức trong trường đại học;
– Thực hiện trách nhiệm và quyền hạn khác được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học.
3. Điều kiện và quy trình thành lập Hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường Đại học công lập
Căn cứ tại Điều 16 Luật Giáo dục Đại học 2012 (sửa đổi, bổ sung bởi Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018), Điều 7 Nghị định 99/2019/NĐ-CP, Điều 14 Quyết định 2055/QĐ-BGDĐT năm 2021 theo đó:
Bổ nhiệm chủ tịch Hội đồng trường
Căn cứ khoản 4 Điều 16 Luật Giáo dục Đại học 2012, sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 quy định Chủ tịch hội đồng trường do thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm.
Tiêu chuẩn chủ tịch hội đồng trường như tiêu chuẩn của hiệu trưởng quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật này.
Kết luận: Khi thành lập Hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường đại học công lập thì hiệu trưởng chỉ đạo hoàn thiện và gửi hồ sơ đề nghị thành lập hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng về Bộ Giáo dục đào tạo, đồng thời đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại Luật Giáo dục Đại học 2012 (sửa đổi, bổ sung bởi Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018), Nghị định 99/2019/NĐ-CP, Quyết định 2055/QĐ-BGDĐT năm 2021 và Quyết định 2108/QĐ-BGDĐT năm 2021 .
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn xem tại đây:
Thành lập Hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường đại học công lập