51. Cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Posted on

Để thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì sẽ cần phải nhận được quyết định cho phép của Thủ tướng Chính phủ. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể thủ tục cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam theo Nghị định 86/2018/NĐ-CPThông tư 04/2020/TT-BGDĐT.

1. Định nghĩa cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Khoản 1 Điều 2 Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định: “Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài là cơ sở giáo dục do tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, được phép sử dụng con dấu và tài khoản riêng.”

Lưu ý:

Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Nghị định 86/2018/NĐ-CP về lĩnh vực giáo dục được phép hợp tác, đầu tư thì:

+ Tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế  được phép, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

+ Tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép đầu tư các ngành đào tạo theo quy định hiện hành trừ các ngành về an ninh, quốc phòng, chính trị và tôn giáo.

– Tại Điều 4 Nghị định 86/2018/NĐ-CP có quy định về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục như sau:

+ Liên kết giáo dục, liên kết đào tạo với nước ngoài và hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải đáp ứng quy định hiện hành của Việt Nam về bảo đảm chất lượng giáo dục.

+ Cơ sở giáo dục thực hiện liên kết giáo dục, liên kết đào tạo và cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định hiện hành của Việt Nam.

– Về tài chính trong hợp tác, đầu tư của nước ngoài được quy định tại Điều 5 Nghị định 86/2018/NĐ-CP như sau:

+ Cơ sở giáo dục thực hiện liên kết giáo dục, liên kết đào tạo với nước ngoài, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài và văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về tài chính, kế toán, kiểm toán và thuế.

+ Nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư trong nước và của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập cơ sở giáo dục. Thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thực hiện theo quy định của Luật đầu tư.

2. Loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.

Căn cứ theo quy định tại Điều 28 Nghị định 86/2018/NĐ-CP thì có các loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài sau:

– Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn.

– Cơ sở giáo dục mầm non.

– Cơ sở giáo dục phổ thông (trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học).

– Cơ sở giáo dục đại học.

– Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

3. Đặt tên cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.

Căn cứ theo quy định tại Điều 29 Nghị định 86/2018/NĐ-CP về đặt tên cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài thì:

– Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động dưới hình thức trường hoặc trung tâm và được đặt tên theo quy định như sau:

+ Đối với trường, tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng;

+ Đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trung tâm giáo dục hoặc đào tạo”, “Ngành hoặc nhóm ngành đào tạo chính” và tên riêng;

+ Đối với phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì tên phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Phân hiệu”, “Tên cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài” và “tại tỉnh, thành phố”.

– Tên riêng của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không được đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đã đăng ký, với tên của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

– Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài có tên giao dịch bằng tiếng Việt và tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh (hoặc bằng một ngôn ngữ nước ngoài thông dụng khác) với nội dung tương đương.

– Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định việc đặt tên một số cơ sở giáo dục mang tính đặc thù.

Lưu ý: Thời gian hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không quá 50 năm, tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng không dài hơn thời hạn thuê đất (Điều 29 Nghị định 86/2018/NĐ-CP).

4. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở giáo dục có vốn đu tư nước ngoài.

Tại Điều 32 Nghị định 86/2018/NĐ-CP có quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài như sau:

– Được bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

– Chịu sự quản lý hành chính theo lãnh thổ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; hoạt động và chịu sự quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật Việt Nam.

– Thực hiện công khai cam kết về chất lượng giáo dục, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và thu, chi tài chính. Chịu trách nhiệm bồi hoàn cho người học các khoản chi phí người học đã nộp trong trường hợp cung cấp chương trình đào tạo không bảo đảm chất lượng giáo dục như cam kết.

– Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người học, cán bộ, giảng viên, giáo viên và người lao động trong trường hợp chấm dứt hoặc buộc phải chấm dứt hoạt động trước thời hạn.

– Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.

– Trước ngày 30 tháng 11 hàng năm, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp về tình hình phát triển toàn diện của cơ sở và giải trình đầy đủ khi được cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu. Báo cáo bao gồm các nội dung chính: Việc thực hiện quyết định cho phép hoạt động, cơ cấu tổ chức, giáo viên, giảng viên, số lượng tuyển sinh, công tác tổ chức giảng dạy và học tập, kết quả học tập của học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, số lượng tốt nghiệp, tỷ lệ tốt nghiệp, văn bằng được cấp, báo cáo tài chính, những khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai, đề xuất, kiến nghị. Việc báo cáo thực hiện bằng hình thức trực tuyến và văn bản.

– Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Kết luận: Khi tiến hành thực hiện thủ tục cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cần phải tuân thủ theo quy định tại Nghị định 86/2018/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam