53. Cho phép hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục hoặc phân hiệu của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Trong trường hợp cơ sở giáo dục hoặc phân hiệu của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam muốn hoạt động giáo dục thì phải được Cơ quan có thẩm quyền cho phép. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo Luật Giáo dục 2019, Nghị định 73/2012/NĐ-CP, Nghị định 138/2013/NĐ-CP, Nghị định 124/2014/NĐ-CP, Nghị định 79/2015/NĐ-CP, Nghị định 8https://dulieuphaply.vn/vbpl/luat-giao-duc-20196/2018/NĐ-CP như sau:
1. Một số khái niệm cơ bản
Liên kết đào tạo là hình thức hợp tác giữa cơ sở giáo dục Việt Nam và cơ sở giáo dục nước ngoài nhằm thực hiện chương trình đào tạo để cấp văn bằng hoặc cấp chứng chỉ mà không thành lập pháp nhân. (khoản 1 Điều 2 Nghị định 73/2012/NĐ-CP)
Cơ sở giáo dục là tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm nhà trường và cơ sở giáo dục khác. (khoản 12 Điều 5 Luật Giáo dục 2019)
Cơ sở giáo dục bao gồm cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục thường xuyên. (khoản 2 Điều 2 Nghị định 73/2012/NĐ-CP)
Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài là cơ sở giáo dục do tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, được phép sử dụng con dấu và tài khoản riêng. (khoản 1 Điều 2 Nghị định 86/2018/NĐ-CP)
Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm cơ sở giáo dục 100% vốn nước ngoài, cơ sở giáo dục liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. (khoản 7 Điều 2 Nghị định 73/2012/NĐ-CP)
Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức và chịu sự quản lý, điều hành của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam. (khoản 6 Điều 2 Nghị định 86/2018/NĐ-CP)
2. Điều kiện cho phép hoạt động
Phân hiệu của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chỉ được hoạt động giáo dục sau khi được cấp Giấy phép hoạt động giáo dục, theo Điều 45 Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về điều kiện cho phép hoạt động giáo dục như sau:
– Có quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn.
– Có vốn đầu tư, cơ sở vật chất, thiết bị, chương trình giáo dục, đội ngũ nhà giáo đáp ứng quy định tại các Điều 35, 36, 37 và 38 Nghị định 86/2018/NĐ-CP.
– Có quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục.
Lưu ý:
– Về cách đặt tên đối với phân hiệu của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì tên phải gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự sau đây: “Phân hiệu”, “Tên cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài” và “tại tỉnh, thành phố của Việt Nam”. (điểm d khoản 1 Điều 22 Nghị định 73/2012/NĐ-CP)
3. Cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động
Điều 47 Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục như sau:
– Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục đại học và phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.
– Giám đốc sở giáo dục và đào tạo cho phép hoạt động giáo dục đối với:
+ Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn;
+ Cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học;
+ Cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ thành lập.
Lưu ý:
Khoản 2 Điều 45 Nghị định 73/2012/NĐ-CP quy định trong thời hạn tối đa là ba năm (đủ 36 tháng), kể từ ngày được cấp Quyết định cho phép mở phân hiệu, phân hiệu của cơ sở giáo dục sau đây phải hoàn tất công tác chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục:
– Phân hiệu của Cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam;
– Phân hiệu của Cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trừ trung tâm dạy nghề) tại Việt Nam.
Khoản 3 Điều 45 Nghị định 73/2012/NĐ-CP quy định trong thời hạn tối đa là hai năm (đủ 24 tháng), kể từ ngày có Quyết định cho phép mở phân hiệu, phân hiệu của những cơ sở giáo dục sau đây phải hoàn tất công tác chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục:
– Phân hiệu của Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn tại Việt Nam;
– Phân hiệu của Trung tâm dạy nghề tại Việt Nam;
4. Xử lí vi phạm hành chính
Điều 6 Nghị định 138/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 79/2015/NĐ-CP) quy định về việc vi phạm quy định về điều kiện tổ chức hoạt động giáo dục như sau:
Phạt tiền đối với hành vi tổ chức hoạt động giáo dục khi chưa được phép hoạt động theo các mức phạt sau đây:
– Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động giáo dục mầm non;
– Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động giáo dục phổ thông;
– Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động giáo dục đại học, trừ trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 4 Điều này;
– Từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động giáo dục theo chương trình thạc sĩ, tiến sĩ.
Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động giáo dục từ 12 đến 24 tháng đối với hành vi tổ chức hoạt động giáo dục khi chưa được phép hoạt động.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với trường hợp đã tuyển trái phép do tổ chức hoạt động giáo dục khi chưa được phép hoạt động.
Kết luận: Như vậy, muốn được Bộ Giáo dục cho phép hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục hoặc phân hiệu của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì phải thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 45 Nghị định 86/2018/NĐ-CP.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tại đây: