4. Xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân
Khi Xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân thì phải thực hiện thủ tục xét tặng theo quy định pháp luật. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung trên theo Luật Giáo dục 2019, Nghị định 27/2015/NĐ-CP, và Quyết định 2108/QĐ-BGDĐT như sau:
1. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo
Căn cứ Điều 72 Luật Giáo dục 2019 Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:
– Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;
– Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;
– Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;
– Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
2. Nguyên tắc xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”
Nguyên tắc xét tặng được quy định tại Điều 2 Nghị định 27/2015/NĐ-CP như sau:
– Bảo đảm chính xác, công bằng, công khai, dân chủ, tự nguyện trong việc xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”.
– Việc xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” phải chú trọng tới nhà giáo trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy; nhà giáo là nữ; nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
3. Thời hạn xét tặng và công bố danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”
Danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” được xét tặng ba năm một lần và công bố vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11.(Điều 4 Nghị định 27/2015/NĐ-CP)
4. Phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân
Căn cứ Điều 78 Luật Giáo dục 2019 quy định nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật thì được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân
Theo Điều 8 Nghị định 27/2015/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn danh hiệu “Nhà giáo nhân dân” là đã được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” và đạt các tiêu chuẩn cụ thể sau:
– Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương nơi cư trú.
– Có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, tận tụy với nghề, là tấm gương sáng, là nhà giáo mẫu mực, tiêu biểu, xuất sắc nhất có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và xã hội, được người học, đồng nghiệp và nhân dân kính trọng; đi đầu trong việc đổi mới quản lý giáo dục, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; quản lý, giảng dạy đạt chất lượng, hiệu quả cao.
– Đã được 01 lần tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cấp tỉnh, bộ hoặc giáo viên, giảng viên dạy giỏi cấp tỉnh, bộ; được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trở lên (riêng đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có 02 lần được tặng Bằng khen cấp tỉnh, bộ trở lên).
– Có sáng kiến hoặc đề tài nghiên cứu khoa học được quy định cụ thể với từng đối tượng như sau:
+ Giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp nghề và cung cấp, trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập, trường giáo dưỡng:
Chủ trì 03 sáng kiến hoặc 01 đề tài nghiên cứu khoa học đã được áp dụng có hiệu quả trong giảng dạy, giáo dục, được hội đồng sáng kiến, hội đồng khoa học cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp nghiệm thu.
+ Giảng viên cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân:
Chủ trì 03 sáng kiến hoặc 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, bộ hoặc 02 nhánh đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia được hội đồng sáng kiến, hội đồng khoa học cấp tỉnh, bộ, cấp quốc gia nghiệm thu, được ứng dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả thiết thực; chủ biên 02 giáo trình hoặc chủ biên 01 giáo trình và tham gia biên soạn 02 giáo trình môn học được sử dụng trong giảng dạy, đào tạo, hoặc tác giả 01 sách chuyên khảo hoặc tác giả chính 02 sách chuyên khảo; tác giả chính 05 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước hoặc quốc tế;
Giảng viên các đại học, trường đại học, học viện, viện khoa học có đào tạo trình độ tiến sĩ đạt các tiêu chuẩn quy định tại Điểm này và hướng dẫn chính 02 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ hoặc hướng dẫn 05 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú.
+ Cán bộ quản lý giáo dục:
Chủ trì 02 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, bộ hoặc 02 nhánh đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia được hội đồng sáng kiến, hội đồng khoa học cấp tỉnh, bộ, cấp quốc gia nghiệm thu, được ứng dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả thiết thực hoặc tham gia soạn thảo 04 văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành theo quyết định phân công của người có thẩm quyền.
Người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu đạt các tiêu chuẩn quy định tại Điểm này và tập thể do cá nhân quản lý phải đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc 02 năm liền kề năm đề nghị xét tặng.
– Nhà giáo có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 20 năm trở lên. Cán bộ quản lý giáo dục có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên, trong đó có 15 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.
5. Tổ chức và hoạt động của Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”
Điều 11 Nghị định 27/2015/NĐ-CP có quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” theo từng cấp, từng lần xét và giải thể khi đã hoàn thành xét tặng gồm: cấp cơ sở; cấp huyện gồm Hội đồng cấp huyện, Hội đồng sở giáo dục và đào tạo, Hội đồng Đại học vùng, Hội đồng Đại học quốc gia; cấp tỉnh, Bộ; và cấp Nhà nước. Theo đó,
- Cá nhân đang được xem xét không được tham gia vào bất kỳ hội đồng nào
- Số lượng thành viên tối thiểu là 11, trong đó phải có ít nhất một “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”, giáo viên, giảng viên dạy giỏi hoặc Chiến sĩ thi đua cơ sở, cấp tỉnh, bộ.
- Cuộc họp hợp lệ khi ít nhất 2/3 số thành viên của Hội đồng tham dự. Trường hợp vắng mặt, thành viên Hội đồng phải được Chủ tịch Hội đồng ý và gửi lại phiếu bầu.
- Làm việc theo nguyên tắc dân chủ, công khai và bỏ phiếu kín.
- Cá nhân được đề nghị xét tặng phải đạt từ 90% phiếu đồng ý trở lên.
- Chủ tịch Hội đồng mỗi cấp quyết định thành lập Tổ thư ký tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, tổng hợp kết quả thăm dò dư luận.
- Hội đồng cấp dưới phải báo cáo Hội đồng cấp trên kết quả giải quyết đơn, thư (nếu có) đối với các cá nhân được đề nghị xét tặng.
- Được sử dụng con dấu của cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng. Hội đồng cấp Nhà nước được sử dụng con dấu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
6. Trình tự xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”
Trình tự xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” được quy điịnh cụ thể tại Điều 16 Nghị định 27/2015/NĐ-CP bao gồm các bước sau:
- Giới thiệu và lấy phiếu tín nhiệm
- Tổ chức thẩm định hồ sơ và thăm dò dư luận
- Họp Hội đồng và hoàn thiện hồ sơ
Lưu ý chung:
Thẩm quyền Xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân được quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 27/2015/NĐ-CP thuộc về: Chủ tịch nước quyết định sau khi Thủ tướng Chính phủ xem xét các hồ sơ được Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương thẩm định.
Kết luận: Khi Xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân phải thực hiện thủ tục xét tặng theo quy định tại khoản 1 Điều 2, Điều 3, 4, 8, 11 và khoản 3 Điều 17 Nghị định 27/2015/NĐ-CP, Điều 65 Luật Giáo dục 2019, và yêu cầu tại thủ tục số 4 mục IX phần A Quyết định 2108/QĐ-BGDĐT
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây: