71. Cho phép hoạt động giáo dục đối với trường trung học phổ thông

Posted on

Sau khi thành lập, trường trung hoc phổ thông trước khi hoạt động cần xin phép cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục đối với trường trung học phổ thông. Sau đây, Dữ liệu pháp lý sẽ cụ thể nội dung đó theo quy định của Luật giáo dục năm 2019Nghị định 04/2021/NĐ-CP. Nghị định 46/2017/NĐ-CPNghị định 135/2018/NĐ-CP như sau:

1. Một số khái niệm cơ bản về trường trung học phổ thông

1.1. Loại hình trường trung học phổ thông

Trường trung học được tổ chức theo hai loại hình (khoản 1 Điều 4 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT):

– Trường trung học công lập do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập và trực tiếp quản lý. Nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và kinh phí cho chi thường xuyên của trường trung học công lập chủ yếu do ngân sách nhà nước bảo đảm.

– Trường trung học tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động, được thành lập theo quy định của pháp luật. Nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động của trường trung học tư thục là nguồn ngoài ngân sách nhà nước.

1.2. Nhiệm vụ và quyền hạn của trường trung học

Trường trung học có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây (Điều 3 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT):

–  Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển nhà trường gắn với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương; xác định tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị cốt lõi về giáo dục, văn hóa, lịch sử và truyền thống của nhà trường.

– Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường theo chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Phối hợp với gia đình học sinh, tổ chức và cá nhân trong tổ chức các hoạt động giáo dục.

– Tuyển sinh và tiếp nhận học sinh, quản lý học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

– Thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục trong phạm vi được phân công.

– Tổ chức cho giáo viên, nhân viên, học sinh tham gia các hoạt động xã hội.

– Quản lý giáo viên, nhân viên theo quy định của pháp luật.

– Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực cho hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật.

– Quản lý, sử dụng và bảo quản cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện các hoạt động về bảo đảm chất lượng giáo dục, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

– Thực hiện công khai về cam kết chất lượng giáo dục, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và thu, chi tài chính theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện dân chủ, trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục trong quản lý các hoạt động giáo dục; bảo đảm việc tham gia của học sinh, gia đình và xã hội trong quản lý các hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện các nhiệm vụ và quyền khác theo quy định của pháp luật.

1.3. Hoạt động giáo dục (Điều 19 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT)

Các hoạt động giáo dục thực hiện theo kế hoạch giáo dục của nhà trường, được tổ chức trong và ngoài giờ lên lớp, trong và ngoài khuôn viên nhà trường, nhằm thực hiện chương trình các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Hoạt động giáo dục thông qua một số hình thức chủ yếu: học lí thuyết, làm bài tập, thực hành, thí nghiệm, thực hiện các dự án học tập, tham quan, cắm trại, đọc sách, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng.

2. Điều kiện thành lập trường trung học phổ thông

Điều kiện thành lập trường trung học phổ thông (Điều 25 Nghị định 46/2017/NĐ-CP):

– Có đề án thành lập trường phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

– Đề án thành lập trường xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung giáo dục; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến xây dựng trường; tổ chức bộ máy; nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường.

3. Điều kiện hoạt động của trường trung học phổ thông

Theo Điều 27 Nghị định 46/2017/NĐ-CP thì điều kiện để trường trung học hoạt động giáo dục được quy định như sau:

– Có quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập của người có thẩm quyền quy định.

– Có đất đai, trường sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động giáo dục.

– Địa điểm của trường bảo đảm môi trường giáo dục, an toàn cho học sinh, giáo viên, cán bộ và nhân viên. Trường học là một khu riêng, có tường bao quanh, có cổng trường và biển tên trường (Khoản 15 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP)

– Có chương trình giáo dục và tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định phù hợp với mỗi cấp học.

– Có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đạt tiêu chuẩn về phẩm chất và đạt trình độ chuẩn được đào tạo phù hợp với từng cấp học; đủ về số lượng theo cơ cấu về loại hình giáo viên, bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục và tổ chức các hoạt động giáo dục.

– Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục.

– Có quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

Lưu ý: Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép hoạt động giáo dục đối với trường trung học phổ thông (khoản 1 Điều 28 Nghị định 46/2017/NĐ-CP).

4. Đình chỉ hoạt động giáo dục, giải thể trường trung học

4.1. Đình chỉ hoạt động giáo dục

Việc đình chỉ hoạt động giáo dục của trường trung học được thực hiện khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây  (Điều 30 Nghị định 46/2017/NĐ-CP):

– Có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động giáo dục;

– Không bảo đảm một trong các điều kiện để được cho phép hoạt động giáo dục quy định tại Điều 27 của Nghị định này;

– Người cho phép hoạt động giáo dục không đúng thẩm quyền;

– Không triển khai hoạt động giáo dục trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày được phép hoạt động giáo dục;

– Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ;

– Vi phạm nghiêm trọng các quy định về mục tiêu, kế hoạch, chất lượng giáo dục, quy chế chuyên môn, quy chế thi cử;

– Các trường hợp vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

4.2. Giải thể trường trung học

Trường trung học bị giải thể khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây (Điều 31 Nghị định 46/2017/NĐ-CP):

– Vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý, tổ chức, hoạt động của nhà trường;

– Hết thời hạn đình chỉ ghi trong quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ;

– Mục tiêu, nội dung hoạt động trong quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường không còn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương;

– Theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trường.

5. Xử lí vi phạm hành chính

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập; quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục (khoản 1 Điều 5 Nghị định 04/2021/NĐ-CP).

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi thành lập hoặc cho phép thành lập; giải thể tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. (khoản 2 Điều 5 Nghị định 04/2021/NĐ-CP).

– Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật là quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể, chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục; quyết định thành lập, quyết định cho phép thành lập, quyết định sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung (khoản 4 Điều 5 Nghị định 04/2021/NĐ-CP).

– Biện pháp khắc phục hậu quả (khoản 5 Điều 5 Nghị định 04/2021/NĐ-CP).

Buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 5 Nghị định 04/2021/NĐ-CP.

Kết luận: Trong 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép hoạt động giáo dục đối với trường trung học phổ thông. Nếu chưa quyết định cho phép hoạt động giáo dục thì có văn bản thông báo cho trường nêu rõ lý do và hướng giải quyết. Hồ sơ được quy định cụ thể tại Luật giáo dục năm 2019Nghị định 04/2021/NĐ-CP. Nghị định 46/2017/NĐ-CPNghị định 135/2018/NĐ-CP.