86. Liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp

Posted on

Liên kết đào tạo là một mô hình trong giáo dục nhằm tạo cơ hội học tập rộng rãi cho nhiều đối tượng trong toàn xã hội. Hiện nay, mô hình liên kết đào tạo nói chung và liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp nói riêng ngày càng phát triển khi nhu cầu của các cá nhân tăng cao. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cung cấp các thông tin về  thủ tục liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp qua các quy định tại Luật giáo dục 2019, Thông tư 07/2017/TT-BGDĐT và Quyết định số 42/2008/QĐ-BGDĐT như sau:

1. Một số khái niệm cơ bản

Liên kết đào tạo là sự hợp tác giữa các bên để tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo cấp bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học (Khoản 1 Điều 3 Quyết định số 42/2008/QĐ- BGDĐT).

Hợp đồng liên kết đào tạo là văn bản được ký kết giữa các bên liên kết nhằm xác định quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm mà các bên thỏa thuận trong quá trình liên kết đào tạo (Khoản 4 Điều 3 Quyết định số 42/2008/QĐ- BGDĐT).

Lưu ý

Mục đích, hình thức của liên kết đào tạo (Điều 3 Quyết định số 42/2008/QĐ- BGDĐT).

– Liên kết đào tạo nhằm thực hiện chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội; huy động tiềm năng của các cơ sở giáo dục đại học và các nguồn lực khác để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương và vùng miền.

– Liên kết đào tạo được tổ chức theo 2 hình thức sau:

– Liên kết phối hợp đào tạo: Cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo tham gia giảng dạy một phần chương trình đào tạo, phối hợp quản lý quá trình đào tạo và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện liên kết đào tạo.

– Liên kết đặt lớp đào tạo: Cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo không tham gia giảng dạy, chỉ phối hợp quản lý và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện liên kết đào tạo.

2. Đối tựợng tham gia liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp

Các đối tượng tham gia liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp (Khoản 2 Điều 5 Quyết định số 42/2008/QĐ- BGDĐT):

– Đơn vị chủ trì đào tạo bao gồm các cơ sở giáo dục được giao nhiệm vụ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 7 Quyết định số 42/2008/QĐ- BGDĐT.

– Đơn vị phối hợp đào tạo bao gồm các cơ sở giáo dục trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh trở lên (sau đây gọi chung là trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện).

Lưu ý:

– Đối với đơn vị chủ trì đào tạo phải có văn bản cho phép mở ngành đào tạo đối với ngành dự định liên kết; Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chỉ tiêu đào tạo; Đảm bảo yêu cầu về đội ngũ giảng viên (giáo viên), cán bộ quản lý, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy theo quy định, phù hợp với mục tiêu đào tạo của khóa học.

– Đối với đơn vị phối hợp đào tạo: Xác định được nhu cầu đào tạo về: số lượng, ngành nghề và trình độ đào tạo; Xác định được địa điểm đặt lớp (khoản 1 Điều 7 Quyết định số 42/2008/QĐ- BGDĐT).

Địa điểm đặt lớp phải là các trường, các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh và trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện (điểm b khoản 2 Điều 7 Quyết định số 42/2008/QĐ- BGDĐT).

3. Điều kiện thực hiện liên kết đào tạo

Điều kiện thực hiện liên kết đào tạo (Điều 6 Thông tư 07/2017/TT-BGDĐT):

3.1  Điều kiện chung:

– Ngành đào tạo dự kiến liên kết phải phù hợp với nhu cầu nhân lực của địa phương;

– Các cơ sở giáo dục đại học đóng trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo nhân lực của địa phương đối với ngành đào tạo dự kiến liên kết.

3.2  Đối với cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo:

Có văn bản đề nghị thực hiện liên kết đào tạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh), trong đó nêu rõ ngành đề nghị liên kết đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh, trình độ đào tạo; hoặc có văn bản đề nghị thực hiện liên kết đào tạo của cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, trong đó nêu rõ các điều kiện đảm bảo chất lượng của cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo, cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo theo quy định tại khoản 3, Điều này đối với việc liên kết đào tạo của các cơ sở giáo dục trực thuộc;

– Đã có quyết định cho phép mở ngành đào tạo hệ chính quy trình độ đại học và đã tuyển sinh tối thiểu 02 khoá đối với ngành dự kiến liên kết đào tạo;

– Đã công bố công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm sau 12 tháng đối với ngành dự kiến liên kết đào tạo của khoá tốt nghiệp gần nhất;

– Đối với hình thức liên kết phối hợp đào tạo, cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo phải có đội ngũ giảng viên cơ hữu giảng dạy tối thiểu 70% nội dung, khối lượng chương trình đào tạo;

Đối với hình thức liên kết đặt lớp đào tạo, cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo phải có đội ngũ giảng viên cơ hữu giảng dạy 100% nội dung, khối lượng chương trình đào tạo;

– Chỉ tiêu tuyển sinh dành cho các chương trình liên kết đào tạo nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh vừa làm vừa học hằng năm của cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo;

– Không vi phạm các quy định hiện hành về xác định chỉ tiêu, tuyển sinh, tổ chức quản lý đào tạo và các quy định khác có liên quan đến hoạt động đào tạo trong thời hạn 03 năm tính đến ngày thực hiện liên kết đào tạo;

– Đã thực hiện thẩm định các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo tại cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo, cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo.

3.3  Đối với cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo và cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo:

– Đảm bảo các yêu cầu về môi trường sư phạm để thực hiện hoạt động đào tạo, an toàn cho người học, người dạy;

– Có bộ phận chuyên trách quản lý đào tạo, nhân viên thư viện, nhân viên hướng dẫn thực hành; có quy định cụ thể về quản lý hoạt động giảng dạy, học tập;

– Có thư viện, phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành, trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo; có phòng nghỉ giữa giờ cho giảng viên và phòng sinh hoạt chung cho sinh viên;

– Có diện tích sàn xây dựng tối thiểu 2m2/sinh viên trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo, cơ sở giáo dục đặt lớp đào tạo;

– Cơ sở giáo dục phối hợp đào tạo chỉ được tham gia giảng dạy tối đa 30% nội dung chương trình đào tạo nếu cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo có yêu cầu, đồng thời phải bố trí cho giảng viên tham gia giảng dạy sinh hoạt chuyên môn với cơ sở giáo dục chủ trì đào tạo.

4. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động liên kết đào tạo trug cấp chuyên nghiệp

4.1 Trách nhiệm thanh tra như sau (khoản 1 Điều 15 Quyết định số 42/2008/QĐ- BGDĐT):

– Sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền và trực tiếp giám sát các hoạt động liên kết đào tạo tại địa bàn; chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan để tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý những sai phạm trong hoạt động liên kết đào tạo;

– Các Bộ, ngành có trường chủ trì đào tạo có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để kiểm tra, theo dõi; tổ chức thanh tra hoặc tham gia thanh tra liên ngành, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên kết đào tạo; hợp tác với các cơ quan chức năng để xử lý những sai phạm (nếu có) trong hoạt động liên kết đào tạo đối với những trường trực thuộc;

– Các đơn vị chủ trì đào tạo thực hiện việc tự kiểm tra, giám sát và tham gia các đoàn thanh tra liên ngành trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động liên kết đào tạo.

4.2  Xử lý vi phạm (Điều 16 Quyết định số 42/2008/QĐ- BGDĐT):

– Trong quá trình liên kết đào tạo, nếu các bên liên kết vi phạm quy định về liên kết đào tạo thì sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật hiện hành.( Thu hồi văn bằng, chứng chỉ, dừng tuyển sinh, dừng đào tạo…)

– Khi một hoặc cả hai bên tham gia liên kết không có nhu cầu hoặc không đủ khả năng để tiếp tục thực hiện hợp đồng liên kết, đơn vị chủ trì đào tạo phải báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để kịp thời xử lý.

Kết luận: Khi liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại Luật giáo dục 2019, Thông tư 07/2017/TT-BGDĐT và Quyết định số 42/2008/QĐ-BGDĐT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp