90. Công nhận trường trung học cơ sở đạt chuẩn Quốc gia

Posted on

Cùng với sự phát triển của đất nước, các cơ sở giáo dục ngày càng được chú trọng đầu tư và phát triển. Trên cơ sở đó, Bộ giáo dục và đào tạo đã ban hành các quy chuẩn đánh giá nhằm công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa thủ tục công nhận trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia theo Luật giáo dục 2019, Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT, Thông tư 19/2017/TT-BGDĐT như sau:

1. Khái quát chung

– Trường trung học cơ sở: là cơ sở giáo dục phổ thông dạy dạy từ lớp 6 đến lớp 9, bảo đảm đủ các điều kiện như: cán bộ quản lý, giáo viên dạy các môn học, nhân viên hành chính, bảo vệ, y tế…; có cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập; có đủ những điều kiện về tài chính theo quy định của Bộ Tài chính, nằm trong hệ thống giáo dục quốc gia được thành lập theo quy hoạch, kế hoạch của nhà nước; thực hiện chương trình giáo dục, kế hoạch dạy học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục (tiểu mục 2.2 Mục 2 Nội dung chỉ tiêu thống kê ngành giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư 19/2017/TT-BGDĐT).

Chất lượng giáo dục trường trung học là sự đáp ứng mục tiêu của trường trung học, đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu giáo dục của Luật giáo dục, phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và cả nước (khoản 1 Điều 2 tại Quy định ban hành kèm theo Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT).

– Tiêu chuẩn đánh giá trường trung học là các yêu cầu đối với trường trung học nhằm đảm bảo chất lượng các hoạt động. Mỗi tiêu chuẩn ứng với một lĩnh vực hoạt động của trường trung học; trong mỗi tiêu chuẩn có các tiêu chí. Tiêu chuẩn đánh giá trường trung học có 4 mức (từ Mức 1 đến Mức 4) với yêu cầu tăng dần. Trong đó, mức sau bao gồm tất cả các yêu cầu của mức trước và bổ sung các yêu cầu nâng cao. Tiêu chí đánh giá trường trung học là yêu cầu đối với trường trung học trong một nội dung cụ thể của mỗi tiêu chuẩn. Mỗi tiêu chí có các chỉ báo. Chỉ báo đánh giá trường trung học là yêu cầu đối với trường trung học trong một nội dung cụ thể của mỗi tiêu chí (khoản 4, 5, 6 Điều 2 tại Quy định ban hành kèm theo Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT).

=> Công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường trung học cơ sở nhằm khuyến khích đầu tư và huy động các nguồn lực cho giáo dục, góp phần tạo điều kiện đảm bảo cho trường trung học không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

2. Quy trình kiểm định chất lượng giáo dục và quy trình công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường trung học

Theo Điều 4 tại Quy định ban hành kèm theo Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT, quy trình kiểm định chất lượng giáo dục và quy trình công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với trường trung học được thực hiện theo các bước sau:

Tự đánh giá.

– Đánh giá ngoài.

– Công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

 Lưu ý:

– Tự đánh giá là quá trình trường trung học dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, tự xem xét, đánh giá thực trạng chất lượng các hoạt động giáo dục cơ sở vật chất, các vấn đề liên quan khác của nhà trường để điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện nhằm đạt tiêu chuẩn đánh giá trường trung học.

– Đánh giá ngoài là quá trình khảo sát, đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước đối với trường trung học để xác định mức đạt được tiêu chuẩn đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Điều kiện công nhận trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia

Căn cứ tại Điều 37 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT, theo đó, điều kiện để được công nhận trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia được quy định như sau:

– Có ít nhất một khóa học sinh đã hoàn thành Chương trình trung học;

– Có kết quả đánh giá ngoài đạt từ Mức 2 trở lên theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Quy định này.

Cụ thể, theo Mục 2 Chương II tại Quy định ban hành kèm theo Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT, trường trung học được đánh giá theo mức 2, cần đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá như sau:

Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản lý nhà trường

– Tiêu chí 1.1: Phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển nhà trường: Nhà trường có các giải pháp giám sát việc thực hiện phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển.

– Tiêu chí 1.2: Hội đồng trường (Hội đồng quản trị đối với trường tư thục) và các hội đồng khác

Hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

– Tiêu chí 1.3: Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, các đoàn thể và tổ chức khác trong nhà trường

+ Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam có cơ cấu tổ chức và hoạt động theo quy định; trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá, có ít nhất 01 năm hoàn thành tốt nhiệm vụ, các năm còn lại hoàn thành nhiệm vụ trở lên;

+ Các đoàn thể, tổ chức khác có đóng góp tích cực trong các hoạt động của nhà trường.

– Tiêu chí 1.4: Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ chuyên môn và tổ văn phòng

+ Hằng năm, tổ chuyên môn đề xuất và thực hiện được ít nhất 01 (một) chuyên đề có tác dụng nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục;

+ Hoạt động của tổ chuyên môn, tổ văn phòng được định kỳ rà soát, đánh giá, điều chỉnh.

– Tiêu chí 1.5: Lớp học: Trường có không quá 45 (bốn mươi lăm) lớp. Sỹ số học sinh trong lớp theo quy định.

– Tiêu chí 1.6: Quản lý hành chính, tài chính và tài sản

+ Ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong công tác quản lý hành chính, tài chính và tài sản của nhà trường;

+ Trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá, không có vi phạm liên quan đến việc quản lý hành chính, tài chính và tài sản theo kết luận của thanh tra, kiểm toán.

– Tiêu chí 1.7: Quản lý cán bộ, giáo viên và nhân viên: có các biện pháp để phát huy năng lực của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong việc xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường.

– Tiêu chí 1.8: Quản lý các hoạt động giáo dục: các biện pháp chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá của nhà trường đối với các hoạt động giáo dục, được cơ quan quản lý đánh giá đạt hiệu quả. Quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định (nếu có).

– Tiêu chí 1.9: Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở: các biện pháp và cơ chế giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả.

– Tiêu chí 1.10: Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học

+ Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh được phổ biến, hướng dẫn và thực hiện phương án đảm bảo an ninh trật tự; vệ sinh an toàn thực phẩm; an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích; an toàn phòng, chống cháy, nổ; an toàn phòng, chống thảm họa, thiên tai; phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống các tệ nạn xã hội và phòng, chống bạo lực trong nhà trường;

+ Nhà trường thường xuyên kiểm tra, thu thập, đánh giá, xử lý các thông tin, biểu hiện liên quan đến bạo lực học đường, an ninh trật tự và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.

Tiêu chuẩn 2: Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh

– Tiêu chí 2.1: Đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng

+ Trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá, có ít nhất 02 năm được đánh giá đạt chuẩn hiệu trưởng ở mức khá trở lên;

+ Được bồi dưỡng, tập huấn về lý luận chính trị theo quy định; được giáo viên, nhân viên trong trường tín nhiệm.

– Tiêu chí 2.2: Đối với giáo viên

+ Trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn trình độ đào tạo được duy trì ổn định và tăng dần theo lộ trình phù hợp;

+ Trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá, có 100% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức đạt trở lên, trong đó có ít nhất 60% đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên ở mức khá trở lên và có ít nhất 50% ở mức khá trở lên đối với trường thuộc vùng khó khăn;

+ Có khả năng tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, định hướng phân luồng cho học sinh; có khả năng hướng dẫn nghiên cứu khoa học; trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá không có giáo viên bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

– Tiêu chí 2.3: Đối với nhân viên

+ Số lượng và cơ cấu nhân viên đảm bảo theo quy định;

+ Trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá, không có nhân viên bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

– Tiêu chí 2.4: Đối với học sinh: học sinh vi phạm các hành vi không được làm được phát hiện kịp thời, được áp dụng các biện pháp giáo dục phù hợp và có chuyển biến tích cực.

Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học

– Tiêu chí 3.1: Khuôn viên, khu sân chơi, bãi tập: Khu sân chơi, bãi tập đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động giáo dục.

– Tiêu chí 3.2: Phòng học, phòng học bộ môn và khối phục vụ học tập

+ Phòng học, phòng học bộ môn được xây dựng đạt tiêu chuẩn theo quy định, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho học sinh khuyết tật học hòa nhập;

+ Khối phục vụ học tập, đáp ứng yêu cầu các hoạt động của nhà trường và theo quy định.

– Tiêu chí 3.3: Khối hành chính – quản trị: khối hành chính – quản trị theo quy định; khu bếp, nhà ăn, nhà nghỉ (nếu có) phải đảm bảo điều kiện sức khỏe, an toàn, vệ sinh cho giáo viên, nhân viên và học sinh.

– Tiêu chí 3.4: Khu vệ sinh, hệ thống cấp thoát nước

+ Khu vệ sinh đảm bảo thuận tiện, được xây dựng phù hợp với cảnh quan và theo quy định;

+ Hệ thống cấp nước sạch, hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý chất thải đáp ứng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế.

– Tiêu chí 3.5: Thiết bị: hệ thống máy tính được kết nối Internet phục vụ công tác quản lý, hoạt động dạy học; có đủ thiết bị dạy học theo quy định; hằng năm, được bổ sung các thiết bị dạy học và thiết bị dạy học tự làm.

– Tiêu chí 3.6: Thư viện: Thư viện của nhà trường đạt Thư viện trường học đạt chuẩn trở lên.

Tiêu chuẩn 4: Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội

– Tiêu chí 4.1: Ban đại diện cha mẹ học sinh

Phối hợp có hiệu quả với nhà trường trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học và các hoạt động giáo dục; hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương chính sách về giáo dục đối với cha mẹ học sinh; huy động học sinh đến trường, vận động học sinh đã bỏ học trở lại lớp.

– Tiêu chí 4.2: Công tác tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền và phối hợp với các tổ chức, cá nhân của nhà trường

+ Tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền để tạo điều kiện cho nhà trường thực hiện phương hướng, chiến lược xây dựng và phát triển;

+ Phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, cá nhân để giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức lối sống, pháp luật, nghệ thuật, thể dục thể thao và các nội dung giáo dục khác cho học sinh; chăm sóc di tích lịch sử, cách mạng, công trình văn hóa; chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở địa phương.

Tiêu chuẩn 5: Hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục

– Tiêu chí 5.1: Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông

+ Thực hiện đúng chương trình, kế hoạch giáo dục; lựa chọn nội dung, thời lượng, phương pháp, hình thức dạy học phù hợp với từng đối tượng và đáp ứng yêu cầu, khả năng nhận thức của học sinh;

+ Phát hiện và bồi dưỡng học sinh có năng khiếu, phụ đạo học sinh gặp khó khăn trong học tập, rèn luyện.

– Tiêu chí 5.2: Tổ chức hoạt động giáo dục cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh có năng khiếu, học sinh gặp khó khăn trong học tập và rèn luyện

Học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh có năng khiếu, học sinh gặp khó khăn trong học tập và rèn luyện đáp ứng được mục tiêu giáo dục theo kế hoạch giáo dục.

– Tiêu chí 5.3: Thực hiện nội dung giáo dục địa phương theo quy định

Nội dung giáo dục địa phương phù hợp với mục tiêu môn học và gắn lý luận với thực tiễn.

– Tiêu chí 5.4: Các hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp: Tổ chức được các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp với các hình thức phong phú phù hợp học sinh và đạt kết quả thiết thực; định kỳ rà soát, đánh giá kế hoạch tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

– Tiêu chí 5.5: Hình thành, phát triển các kỹ năng sống cho học sinh: hướng dẫn học sinh biết tự đánh giá kết quả học tập và rèn luyện; khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn của học sinh từng bước hình thành và phát triển.

– Tiêu chí 5.6: Kết quả giáo dục

+ Kết quả học lực, hạnh kiểm của học sinh có chuyển biến tích cực trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá;

+ Tỷ lệ học sinh lên lớp và tốt nghiệp có chuyển biến tích cực trong 05 năm liên tiếp tính đến thời điểm đánh giá.

4. Một số lưu ý

Căn cứ tại Điều 38 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT, cơ sở cần lưu ý những điểm sau:

Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của đoàn đánh giá ngoài, Giám đốc sở giáo dục và đào tạo đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định cấp Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia cho trường trung học.

Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia có giá trị 05 năm. Trong trường hợp có nhu cầu được công nhận lại, ít nhất 05 tháng trước thời hạn hết giá trị của Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, trường trung học phải thực hiện xong quy trình tự đánh giá theo quy định tại Điều 23 và đăng ký đánh giá ngoài theo quy định tại Điều 26 của Quy định này để được công nhận lại. Việc công nhận lại thực hiện theo quy định tại Điều 37 của Quy định này.

– Kết quả trường trung học được công nhận đạt chuẩn quốc gia được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của sở giáo dục và đào tạo.

Kết luận: Việc được công nhận là trường trung học cơ sở đạt chuản quốc gia có giá trị vô cùng to lớn không chỉ đối với trường học mà còn cả hệ thống giáo dục. Trên đây là thủ tục công nhận trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia thông qua các quy định tại Luật giáo dục 2019, Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT, Thông tư 19/2017/TT-BGDĐT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Công nhận trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia