93. Chuyển trường đối với học sinh trung học phổ thông

Posted on

Hiện nay vì nhu cầu cá nhân hoặc vì muốn tìm môi trường học tập phù hợp hơn với mình đã làm phát sinh nên thủ tục chuyển trường đối với học sinh trung học phổ thông. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung đó theo Quyết định 51/2002/QĐ-BGD&ĐT, Quyết định 2108/QĐ-BGDĐT.

1. Một số khái niệm

Trường trung học phổ thông là một loại hình đào tạo chính quy ở Việt Nam, dành cho lứa tuổi từ 15 tới 18 không kể một số trường hợp đặc biệt. Nó gồm các khối học: lớp 10 (năm thứ nhất), lớp 11 (năm thứ hai), lớp 12 (năm thứ ba). Sau khi tốt nghiệp hệ giáo dục này, học sinh phải trải qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Trường phổ thông được lập tại các địa phương trên cả nước. Người đứng đầu một ngôi trường được gọi là “Hiệu trưởng”. Trường được sự quản lý trực tiếp của Sở Giáo dục và Đào tạo (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), tức là Trường Trung học phổ thông ngang với Phòng Giáo dục quận huyện. Quy chế hoạt động do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

2. Chuyển trường đối với học sinh trung học phổ thông

Đối tượng chuyển trường theo quy định khoản 1 Điều 4 Quyết định số 51/2002/QĐ-BGDĐT bao gồm:

– Học sinh chuyển nơi cư trú theo cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ.

– Học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về gia đình hoặc có lý do thực sự chính đáng để phải chuyển trường.

Hồ sơ chuyển trường theo quy định khoản 1 Điều 5 Quyết định 51/2002/QĐ-BGDĐT bao gồm:

– Đơn xin chuyển trường do cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ ký.

– Học bạ (bản chính).

– Bằng tốt nghiệp cấp học dưới (bản công chứng).

– Bản sao giấy khai sinh.

– Giấy chứng nhận trúng tuyển vào lớp đầu cấp trung học phổ thông quy định cụ thể loại hình trường được tuyển (công lập hoặc ngoài công lập).

– Giấy giới thiệu chuyển trường do Hiệu trưởng nhà trường nơi đi cấp.

– Giấy giới thiệu chuyển trường do Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học cơ sở); Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông) nơi đi cấp (trường hợp xin chuyển đến từ tỉnh, thành phố khác).

– Các giấy tờ hợp lệ để được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích trong học tập, thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp (nếu có).

– Hộ khẩu hoặc Giấy chứng nhận tạm trú dài hạn hoặc quyết định điều động công tác của cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ tại nơi sẽ chuyển đến với những học sinh chuyển nơi cư trú đến từ tỉnh, thành phố khác.

– Giấy xác nhận của chính quyền địa phương nơi học sinh cư trú với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về gia đình”.

Thủ tục chuyển trường đối với học sinh trung học phổ thông theo quy định điểm b khoản 2 Điều 5 Quyết định 51/2002/QĐ-BGDĐT được tiến hành như sau:

– Chuyển trường trong cùng tỉnh, thành phố. Hiệu trưởng nhà trường nơi đến tiếp nhận hồ sơ và xem xét, giải quyết theo quy định của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

– Chuyển trường đến từ tỉnh, thành phố khác: Sở Giáo dục và Đào tạo nơi đến tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và giới thiệu về trường.

Việc chuyển trường được thực hiện khi kết thúc học kỳ I của năm học hoặc trong thời gian hè trước khi khai giảng năm học mới. Trường hợp ngoại lệ về thời gian do Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học cơ sở), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông) nơi đến xem xét, quyết định. (khoản 3 Điều 6 Quyết định 51/2002/QĐ-BGDĐT)

Lưu ý:

– Việc chuyển trường từ trường trung học bình thường sang trường trung học chuyên biệt (phổ thông dân tộc nội trú, trường chuyên, trường năng khiếu) thực hiện theo quy chế riêng của trường chuyên biệt đó. (khoản 2 Điều 2 Quyết định 51/2002/QĐ-BGDĐT)

Trường hợp học sinh đang học tại trường trung học phổ thông ngoài công lập phải chuyển nơi cư trú theo cha mẹ hoặc người giám hộ đến vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mà ở đó không có trường trung học phổ thông ngoài công lập thì Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nơi đến xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể đối với việc chuyển vào học trường trung học phổ thông công lập. (điểm a khoản 3 Điều 2 Quyết định 51/2002/QĐ-BGDĐT)

– Trường hợp học sinh đang học tại trường trung học phổ thông ngoài công lập thuộc loại trường có thi tuyển đầu vào phải chuyển nơi cư trú theo cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ, mà ở đó không có trường trung học phổ thông ngoài công lập có chất lượng tương đương thì Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nơi đến xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể đối với việc chuyển vào học trường trung học phổ thông công lập. (điểm b khoản 3 Điều 2 Quyết định 51/2002/QĐ-BGDĐT)

3. Trách nhiệm của Hiệu trưởng

Quy định tại khoản 2 Điều 21 Quyết định 51/2002/QĐ-BGDĐT, hiệu trưởng có trách nhiệm:

– Thực hiện đúng các quy định về đối tượng, hồ sơ, thủ tục trong việc chuyển trường cho học sinh, tiếp nhận học sinh Việt Nam ở nước ngoài về nước, học sinh người nước ngoài học tại Việt Nam.

– Không cưỡng ép hoặc gợi ý học sinh trường mình chuyển sang trường khác dưới bất kỳ lý do nào.

– Thực hiện chế độ báo cáo với Sở Giáo dục và Đào tạo (cấp trung học phổ thông), Phòng Giáo dục và Đào tạo (cấp trung học cơ sở) trong việc chuyển trường cho học sinh, tiếp nhận học sinh Việt Nam ở nước ngoài về nước, học sinh người nước ngoài học tại Việt Nam.

Kết luận: Khi chuyển trường đối với học sinh trung học phổ thông cần đáp ứng các điều kiện quy định tại Quyết định số 51/2002/QĐ-BGDĐT và yêu cầu tại thủ tục số 7, mục B Phần 1 Quyết định 2108/QĐ-BGDĐT.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Chuyển trường đối với học sinh trung học phổ thông