114. Tổ chức lại, giải thể trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập
Sau một thời gian thành lập và hoạt động thì các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập có thể tiến hành tổ chức lại, giải thể trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập đó nếu thuộc các trường hợp theo quy định. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể về vấn đề này theo quy định của Luật giáo dục 2005, Luật người khuyết tật 2010, Nghị định 46/2017/NĐ-CP, Nghị định 135/2018/NĐ-CP, Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT, Thông tư liên tịch 58/2012/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH và Quyết định 4632/QĐ-BGDĐT như sau:
1. Một số khái niệm cơ bản
Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. (khoản 1 Điều 2 Luật người khuyết tật 2010)
Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chung người khuyết tật với người không khuyết tật trong cơ sở giáo dục. (khoản 4 Điều 2 Luật người khuyết tật 2010)
Giáo dục hòa nhập là phương thức giáo dục chủ yếu đối với người khuyết tật. (khoản 2 Điều 28 Luật người khuyết tật 2010)
Lớp học hòa nhập là lớp học có người khuyết tật học tập cùng với người không khuyết tật trong cơ sở giáo dục. (khoản 3 Điều 2 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT)
Phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập là phòng học trong cơ sở giáo dục được sử dụng để hỗ trợ người khuyết tật học hòa nhập. (khoản 4 Điều 2 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT)
2. Giáo dục đối với người khuyết tật
Theo Điều 27 Luật người khuyết tật 2010 quy định:
– Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng của người khuyết tật.
– Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi quy định đối với giáo dục phổ thông; được ưu tiên trong tuyển sinh; được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của cá nhân không thể đáp ứng; được miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập.
– Người khuyết tật được cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng trong trường hợp cần thiết; người khuyết tật nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu; người khuyết tật nhìn được học bằng chữ nổi Braille theo chuẩn quốc gia.
3. Khái niệm và phân loại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập
Căn cứ Điều 2 Thông tư liên tịch 68/2012/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH:
3.1. Khái niệm
Trung tâm là cơ sở cung cấp nội dung chương trình, thiết bị, tài liệu dạy và học, các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ giáo dục, tổ chức giáo dục phù hợp với đặc điểm và hoàn cảnh của người khuyết tật. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
3.2. Phân loại
Trung tâm có hai loại hình: công lập và ngoài công lập.
Trung tâm công lập là đơn vị sự nghiệp do cơ quan nhà nước thành lập, được nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và được bảo đảm một phần kinh phí hoạt động thường xuyên theo quy định.
Trung tâm ngoài công lập là đơn vị sự nghiệp hoạt động trợ giúp người khuyết tật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép các tổ chức, cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên theo quy định của pháp luật.
4. Chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập
Theo Điều 3 Thông tư liên tịch 58/2012/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH quy định chưc năng, nhiệm vụ của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập như sau:
– Phát hiện khuyết tật để tư vấn lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp;
– Thực hiện biện pháp can thiệp sớm người khuyết tật tại cộng đồng để lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp;
– Tư vấn tâm lý, sức khỏe, giáo dục, hướng nghiệp để lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp;
– Hỗ trợ người khuyết tật tại gia đình, tại cơ sở giáo dục và cộng đồng;
– Cung cấp nội dung, thiết bị, tài liệu dạy và học đặc thù phù hợp với từng dạng tật, mức độ khuyết tật.
5. Tổ chức lại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập
Điều 64 Nghị định 46/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 135/2018/NĐ-CP) và Điều 10 Thông tư liên tịch 58/2012/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH quy định về việc trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập được tổ chức lại, cho phép tổ chức lại khi bảo đảm các điều kiện sau đây:
– Có sự điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập;
– Phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, nhu cầu hỗ trợ giáo dục người khuyết tật của địa phương đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (nếu có);
– Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập.
Lưu ý:
– Việc tổ chức lại phải thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Nghị định 46/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 135/2018/NĐ-CP).
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định tổ chức lại, cho phép tổ chức lại trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập.
6. Giải thể Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập
Căn cứ Điều 10 Thông tư liên tịch 52/2018/TTLT-BGDĐT- BLĐTBXH quy định Trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập buộc phải giải thể nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
– Không còn chức năng, nhiệm vụ;
– Ba năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoạt động không hiệu quả theo đánh giá của người có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập;
– Vi phạm nghiêm trọng các quy định về tổ chức, hoạt động;
– Hết thời hạn đình chỉ ghi trong quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ;
– Theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thành lập; theo yêu cầu sắp xếp về tổ chức trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập để phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cũng giống như hình thức tổ chức lại, thẩm quyền ra quyết định giải thể trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hoà nhập thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Lưu ý:
Thời hạn giải quyết việc tổ chức lại, giải thể Trung tâm:
– Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (đúng thủ tục), Sở Nội vụ phải có văn bản thẩm định.
– Trong thời hạn 25 (hai mươi lăm) ngày làm việc, kể từ ngày Sở Nội vụ có văn bản thẩm định, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc tổ chức lại, giải thể Trung tâm hoặc cho phép tổ chức lại, cho phép giải thể Trung tâm; trường hợp không đồng ý việc tổ chức lại, giải thể hoặc cho phép tổ chức lại, cho phép giải thể Trung tâm, Chủ tịch UBND cấp tỉnh thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị biết rõ lý do.
Kết luận: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Sở Nội vụ có văn bản thẩm định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định tổ chức lại hoặc giải thể trung tâm; nếu không đồng ý thì có văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân nêu rõ lý do. Qúa trình thực hiện bảo đảm đúng theo quy định của Luật giáo dục 2005, Luật người khuyết tật 2010, Nghị định 46/2017/NĐ-CP, Nghị định 135/2018/NĐ-CP, Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT, Thông tư liên tịch 58/2012/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH và thủ tục số 27, thủ tục số 28 Quyết định 4632/QĐ-BGDĐT.
Chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục xem tại đây:
Tổ chức lại, giải thể trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập